Co lợi có thể do nguyên nhân sinh lý, bệnh lý, sang chấn hoặc kết hợp các nguyên nhân, sự khác biệt là ở mức độ. Moawia M.Kassab và cộng sự [17] năm 2003 trong một báo cáo tổng kết cho rằng co lợi là vấn đềđa nguyên nhân.
* Nguyên nhân bệnh lý:
Viêm quanh răng, túi bệnh lý sâu là nguyên nhân thường gặp của co lợi.
* Nguyên nhân sang chấn:
Nguyên nhân co lợi có thể là do chải răng sai kỹ thuật làm sang chấn mòn lợi (lợi mỏng và thấp dần). Mặc dù chải răng quan trọng cho sự lành mạnh của lợi nhưng chải răng không đúng kỹ thuật gây ra mòn lợi.Khocht A [18] và cộng sự
trong một nghiên cứu năm 1993 ở Mỹ thấy có sự liên quan giữa co lợi và thói quen dùng bàn chải cứng.
Sang chấn khớp cắn là yếu tố thuận lợi làm trầm trọng co lợi do tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ.
*Nguyên nhân sinh lý:
Co lợi sinh lý tăng theo tuổi, tỉ lệ co từ 8% ở trẻ em tới 100% sau tuổi 50 (theo Glickman [15]). Tác giả Kleber-BM trong một nghiên cứu ở Đức 1991 về nguyên nhân gây co lợi trên 11401 người đưa ra kết quả: 10,4% co lợi ở lứa tuổi 16-19; 24,8% co lợi ở lứa tuổi 20-24; 46,8% co lợi ở lứa tuổi 35-44 [19].
* Yếu tố thuận lợi về sinh lý và giải phẫu:
Mức độ mòn lợi bị ảnh hưởng bởi vị trí của răng trên cung hàm, góc của chân răng trong xương hàm, độ cong gần xa của bề mặt chân răng. Ở những răng xoay, nghiêng, sai vị trí lệch ra phía tiền đình thì tấm xương ổ răng mỏng, bị giảm chiều cao, áp lực khi nhai thức ăn cứng hoặc do chải răng sẽ làm mòn phần lợi không được xương nâng đỡ phía dưới, gây ra co lợi.
Yếu tố thuận lợi do góc độ của chân răng trong xương hàm dễ thấy nhất ở vùng răng hàm lớn hàm trên. Nếu chân hàm ếch nghiêng nhiều về phía hàm ếch hoặc hai chân phía tiền đình ngả ra phía ngoài nhiều quá sẽ làm xương ở vùng cổ răng mỏng và ngắn dẫn đến mòn bờ lợi không được xương nâng đỡ. Nếu kèm theo mòn mặt nhai thì co lợi sẽ trầm trọng hơn. Mòn mặt nhai thường đồng hành với chồi răng và làm tăng rõ sự nghiêng của chân răng, điều này càng làm giảm lượng xương ổ răng che phủ cổ răng và tăng co lợi do giảm sự nâng đỡ lợi.
Mô quanh răng mỏng là yếu tố thuận lợi của co lợi.Có hai dạng sinh học của mô quanh răng là dạng mỏng và dạng dày [20], [21].
Teo mô quanh răng ở người già.
Phanh niêm mạc bám cao có thể là yếu tố làm trầm trọng thêm co lợi vì gây ra sự co kéo lợi tự do khi ăn nhai dẫn đến bong lợi, thức ăn dễ rắt, vi khuẩn xâm nhập gây viêm.
* Liên quan giữa co lợi và túi lợi:
Sự hình thành túi lợi gây ra mất bám dính và lộ bề mặt chân răng.Những túi lợi có cùng độ sâu có thể có những mức độ co lợi khác nhau.
Sau khi điều trị viêm quanh răng, túi lợi sẽ giảm hoặc mất nhưng mức co lợi không thay đổi nếu vị trí bám của lợi trên chân răng không thay đổi.
* Liên quan giữa co lợi và lợi dính:
Co lợi làm giảm kích thước lợi, vì vậy co lợi tăng thì lợi dính giảm.