5. Cấu trúc nội dung của luận án
4.1. Mã thể loại và sự phát triển của văn học kí 1945-1975
4.1.1. Sự vắng bóng của phóng sự và sự lên ngôi của kí sự, tùy bút, truyện kí
Vào trước năm 1945, phóng sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Trong Tuyển tập Phóng sự Việt Nam 1932-1945 do Phan Trọng Thưởng- Nguyễn Cừ- Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn, có tất cả 120 phóng sự của 63 tác giả (thực ra theo chúng tôi, nhiều tác phẩm trong số này là du kí, tùy bút mà không hoàn toàn là phóng sự, song phóng sự chiếm đa số). Tuy nhiên, từ sau những năm 1945, phóng sự hầu như vắng bóng trên văn đàn. Theo tác giả Trịnh Thị Bích Liên: “Ba mươi năm chiến tranh (1945-1975) phóng sự với đúng nghĩa là một thể loại dân chủ, có khả năng đặc biệt trong việc phanh phui, mổ xẻ những thực tại xã hội nhức nhối, cập nhật hầu như đã không còn cơ hội phát triển” [81]. Theo Võ Phiến trong Tổng quan về văn học miền Nam Việt Nam, vào những năm 1954-1975, ở văn học miền Nam, “phóng sự phát triển đột ngột”, hầu hết đều viết với giọng thiết tha, sôi nổi, đầy nhiệt tình” [128], song cho đến nay, tất cả những tác phẩm này lại thường không được kể đến trong bất cứ một công trình văn học sử nào, hoặc được nhắc đến với một thái độ phê phán, phủ nhận. Vào năm 1946, Thép Mới có một phóng sự đăng trên báo Sự thật Tại sao tôi đi tống tiền (điều tra về tội ác của bọn Quốc dân Đảng), song về sau, ngòi bút của Thép Mới nhanh chóng chuyển sang các thể loại bút kí, tùy bút. Ngay những tác phẩm mà nhà văn đặt tên là phóng sự như một số tác phẩm trong tập Hiên ngang Cu Ba, Trường Sơn hùng tráng, thì thực chất, chất phóng sự đã nhạt đi, tính trữ tình gia tăng. Theo chúng tôi, phóng sự thời kì này chiếm một số lượng khá ít ỏi như Trại di cư Pagot ở Hải Phòng của Sao Mai, Những
người từ địa ngục trở về của Phan Quang. Phải đến những năm sau 1986, phóng sự
mới nổi lên thành một hiện tượng thời sự trên văn đàn với sự ra đời của những tác phẩm gây nhức nhối dư luận như Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Câu
chuyện về một ông vua Lốp của Trần Huy Quang, Người đàn bà quì của Trần Khắc, Đêm trắng của Hoàng Hữu Các, Thủ tục để làm người còn sống của Minh Chuyên...
Trong khi đó, các tác phẩm kí sự, tùy bút, bút kí, truyện kí lại nở rộ hơn bao giờ hết, chiếm hơn 90% các tác phẩm kí thời kì này. Có thể thấy điều này qua thống kê của chúng tôi ở bảng 3 phần Phụ lục.
Như vậy, quan sát thực tiễn sáng tác văn học thời kì này, có thể nhận thấy một qui luật phát triển của văn học kí, đó là sự vắng bóng của phóng sự và sự lên ngôi của kí sự, bút kí, tùy bút. Có thể lí giải hiện tượng này như sau:
Thứ nhất, phóng sự là thể loại nằm ở vùng ráp gianh giữa văn học và báo chí, chịu sự chi phối của mã thể loại điều tra. Hạt nhân của thể loại điều tra là khám phá sự vênh lệch giữa bên trong và bên ngoài, hình thức và bản chất, để làm nổi bật sự thực của những bí mật bị che giấu. Song trong bối cảnh văn học 1945-1975, huyền thoại hóa là nguyên tắc kiến tạo văn bản của hầu hết các sáng tác thuộc tất cả các thể loại. Trên nguyên tắc huyền thoại hóa, thế giới nghệ thuật trong toàn bộ nền văn học thời kì này được kiến tạo như một thế giới đồng nhất, nguyên phiến, trật tự, nơi mọi thứ đều trở nên rõ ràng, không có gì bí mật. Vì thế, phóng sự lạc ra khỏi dàn đồng ca của văn học thời kì này.
Thứ hai, bởi hạt nhân của phóng sự là điều tra, nhờ điều tra mà những yếu tố vốn nằm im lìm trong bóng tối, ở ngoài lề xã hội có thể được phơi bày, tiến vào khu vực trung tâm. Vì thế, phóng sự là thể loại lời nói và chiến lược phát ngôn của những chủ thể nằm ở bộ phận ngoại vi của nền văn hóa. Trong nền văn học 1945-1975, kí nảy sinh ở khu vực quan phương, chính thống. Hệ tư tưởng chi phối toàn bộ các sáng tác kí thời kì này là hệ tư tưởng quốc gia, dân tộc. Chính vì thế, tất cả các sáng tác kí đều là sự cất lên tiếng nói để duy trì trật tự từ bên trên. Bối cảnh này đã khiến cho những tiếng nói ở khu vực ngoại vi trong các phóng sự buộc phải rơi vào im lặng. Có thể nói, phóng sự không có điều kiện tồn tại bởi nó vênh lệch với mã tư tưởng hệ của thời đại.
Ngược lại, các tác phẩm bút kí, tùy bút phát triển mạnh vì với tư cách là những thể loại kí giàu chất trữ tình, chúng rất phù hợp với nguyên tắc biểu đạt huyền thoại hóa mà trong đó giọng điệu ngợi ca, thủ pháp khoa trương, trùng điệp, việc miêu tả thế giới trong trạng thái thống nhất, tuần hoàn là những đặc trưng tiêu biểu. Các thể loại kí sự, truyện kí lại phù hợp với nguyên tắc điển hình hóa của văn học thời kì này, chính vì thế, mà nó được khuyến khích, phát động và nở rộ.
Như vậy, có thể nói, sự hình thành, phát triển của thể loại trong lịch sử không những có thể lí giải dựa trên những điều kiện thực tiễn xã hội, mà cần phải được cắt nghĩa dựa trên những mã diễn ngôn của thời đại.
4.1.2. Sự vận động của văn học kí từ kí sự đến tùy bút, bút kí, truyện kí (hay sự nhạt dần của mã sự thật)
Từ thống kê của chúng tôi (trong phần phụ lục của luận án), có thể nhận thấy, vào những năm đầu kháng chiến chống pháp, kí sự chiếm vị trí ưu trội trên văn đàn. Phần lớn các tác giả viết truyện ngắn, thơ ca, tiểu thuyết trước cách mạng đều chuyển sang viết kí sự. Từ năm 1948, trên Tạp chí Văn nghệ, đã có riêng một mục “Trên
những nẻo đường đất nước”, chuyên đăng tải các kí sự về cuộc kháng chiến trên
khắp các nẻo đường tổ quốc. Các cây bút trước năm 1945 có sở trường ở thể loại truyện ngắn, tùy bút, tiểu thuyết như Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, thậm chí những cây bút sở trường ở lĩnh vực thơ ca như Xuân Diệu, Huy Cận, đến thời kì này cũng chuyển sang viết kí sự ngắn. Trong nhật kí Ở rừng, Nam Cao tâm sự: “Mỗi ngày ngồi cặm cụi viết bài. Từ bài phòng đến một cái tin vặt đều phải cố viết sao cho thật ngắn, thật dễ hiểu, viết xong đưa cho một chú Thổ đọc trước, hỏi xem có hiểu cả không. Chỗ nào chú không hiểu, viết lại. Chữ nào chú chưa quen thay bằng chữ khác”.
Cuộc thi viết kí sự trên tạp chí Văn nghệ đã thu hút không chỉ giới văn chương mà còn cả những chiến sĩ trên mặt trận chiến đấu và sản xuất. Yêu cầu thông tin kịp thời tin tức của cuộc kháng chiến đã khiến cho mã sự thật được ưu tiên trong các sáng tác kí giai đoạn này. Cũng chính Nam Cao trong nhật kí đã tự nhủ phải gác ước mơ nghệ thuật của mình lại: “góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn”. Ý thức nghệ thuật này đã khiến cho mã nghệ thuật phải nhường chỗ cho mã sự thực.
Các danh từ riêng chỉ tên người, tên đất, tên đơn vị, ngày tháng xảy ra sự kiện, những số liệu cụ thể xuất hiện với một mật độ dày đặc, tạo thành một lớp từ vựng về sự thật trong các kí sự giai đoạn này: “Quân Lơ Pa Giơ chưa kịp làm công sự. Ngày bốn, ta chiếm 760. Giặc ném bom lửa cháy khoảng giữa hai đồi. Ngày năm, ta chiếm 765... Ngày sáu, La Pa Giơ đánh điện yêu cầu máy bay bắn phá chạy đường tiến của ta. Binh đoàn Sác tông về tới đỉnh Quí Chân, Đờ La Bôm ở Thất Khê tiến lên chiếm các đồ 515, 608 để đón Sác tông, Lơ Pa Giơ” (Kí sự Cao Lạng, Nguyễn Huy Tưởng). Các kí sự giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp thường có dung lượng ngắn, kết cấu đơn giản, chủ yếu bám sát tiến trình của sự kiện. Lối ghi chép theo kiểu nhật kí chiến trường rất phổ biến trong các sáng tác kí (Nhật kí Ở rừng của Nam Cao, Kí
Vượt Tây Côn Lĩnh, Miền Trung, Vài nét của Tô Hoài). Cách thức kết cấu ấy khiến
cho các tác phẩm kí giống như một bản biên niên sử về các sự kiện, tái hiện một dòng chảy lịch sử đang còn ngổn ngang, bề bộn.
Lối trần thuật khách quan, ngắn gọn càng khiến cho các kí sự thời kì này có hình thức giống như một thống kê, ghi chép tư liệu: “Kiểm lại quân số một lần cuối cùng. X chiến đấu viên. FM. Đủ súng trường. A.T. Mỗi khẩu 300 viên dự trữ. Súng máy 700 viên một khẩu, còn dự trữ 1.500 viên. Thế là đã khá nặng. Còn xẻng. Còn xà beng. Với cái túi đeo bảy ngày gạo, lại còn áo và chăn trấn thủ” (Vượt Tây Côn Lĩnh, Tô Hoài).
Các thủ pháp ghi âm, chụp ảnh thường xuyên được sử dụng nhằm rút ngắn khoảng cách giữa trần thuật và đối tượng được miêu tả. Trong các kí sự của Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng, có rất nhiều đoạn đối thoại, miêu tả chân dung nhân vật, phong cảnh bằng những nét bút vẽ phác mộc mạc.
Tất cả những yếu tố này cho thấy, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, mã sự thật chiếm vị trí ưu trội trong các tác phẩm kí. Việc sử dụng một cách triệt để ngôn ngữ của sự thật đã khiến cho các tác phẩm kí phát huy khả năng thông tấn, phản ánh được một cách kịp thời những sự kiện thời sự của cuộc kháng chiến. Tính nghệ thuật thường không được ưu tiên. Tuy nhiên, trong những phác thảo của Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, ta vẫn có thể bắt được những chi tiết miêu tả cực kì đắt giá, lột tả được thần thái của con người, cảnh vật, tâm trạng. Vì thế, dù là những ghi chép nhằm phục vụ yêu cầu thông tin, song không vì thế mà văn học kí thời kì này không có tính nghệ thuật.
Vào những năm 1960, các thể loại tùy bút, bút kí lại phát triển mạnh mẽ. Các tác phẩm này mở ra một khoảng không gian rộng, không những là trên khắp mọi miền Tổ quốc mà còn khắp nơi trên thế giới. Song điều đặc biệt là các tác phẩm du kí đều bị bút kí hóa: Kí sự thăm nước Hung của Xuân Diệu, Thành phố Lênin, Những
chiến sĩ khai hoang, Chủ nhật Odetxa, Tôi thăm Campuchia, Ở Nông Pênh của Tô
Hoài, Đường vui xứ bạn, Sức mạnh Đại Phong của Bùi Hiển, Hiên ngang Cu Ba của
Thép Mới, Bút kí đi thăm Trung Hoa của Nguyễn Tuân. Trong các tác phẩm này, dù
miêu tả con đường di chuyển của người trần thuật xưng tôi, những phong cảnh trên đường đi, song tính chất du kí lại hết sức mờ nhạt. Toàn bộ cuộc hành trình không nhằm khám phá một thế giới mới lạ, mà nhằm chứng minh một chân lí đã được biết từ trước. Trong Hiên ngang Cu Ba của Thép Mới, ngay từ đầu tác phẩm, đã vang lên
một phán quyết chân lí: “Nếu cây dừa gợi ta nhớ miền Nam thì người yêu Cu Ba yêu cả những hàng cọ lớn mà thoạt đến Cu Ba, từ trên máy bay, người ta đã trông thấy những tàu lá đong đưa, như cờ xanh, rướn lên chào vẫy”. Trong Thành phố Lênin, ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã đưa ra nhận định: “Lê-nin-gờ-rát mở đầu Cách mạng tháng Mười. Người thủy thủ và công nhân ở đây đã đứng lên theo tiếng gọi của Lênin vĩ đại, nã những phát súng đầu tiên phá đổ dinh lũy xã hội tư sản, làm nước Nga trỗi dậy, tiếng vang còn hơn sóng cả thế giới”. Cách mở đầu này làm nổi bật tính chất luận đề trong các tác phẩm bút kí.
Các tác phẩm bút kí thời kì này, có thể nói, thường được tổ chức xoay quanh một luận đề, một tư tưởng, quan niệm. Trong rất nhiều tác phẩm, các sự kiện đã được sắp xếp, tái tạo lại nhằm làm nổi bật một luận đề đã được xác định từ trước. Ví dụ, trong Những chiến sĩ khai hoang, Tô Hoài đã mở đầu tác phẩm bằng các sự kiện trong hiện tại (chuyến thăm Ca dắc xtan, cuộc sống tươi đẹp, trù phú trên đất nước), sau đó mới quay ngược trở lại quá khứ lịch sử đau thương, gian khổ của đất nước này, kết thúc tác phẩm lại quay lại với thời hiện tại... Kết cấu này nhằm làm nổi bật niềm tin tưởng, tự hào, lạc quan về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nơi nước bạn cũng như Việt Nam.
Trong các tác phẩm tùy bút, tuyến thời gian sự kiện bị phá vỡ để làm nổi bật một chủ thể cảm xúc, suy tưởng. Trong Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc, toàn bộ thời gian lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc, thời gian mười năm của cuộc kháng chiến chống Mĩ được dồn nén trong khoảnh khắc đêm trước của cuộc chiến. Không gian rộng lớn, mênh mông của đất nước được ngưng đọng trong tiếng hát vang lên giữa đêm khuya. Tất cả mọi sự kiện được sắp xếp lại để làm nổi bật tâm trạng thao thức với biết bao căng thẳng, hồi hộp nhưng cũng đầy tin tưởng, tự hào của nhân vật trần thuật. Trong Đại hội anh hùng của Nguyễn Thi, tất cả các nhân vật, sự kiện về tấm gương anh dũng của những anh hùng trên khắp mọi miền đất nước đều được tổ chức lại trong mạch cảm hứng ngợi ca, tràn đầy tự hào của người trần thuật: “Những người anh hùng của chúng ta mang hoa hồng trên ngực về đây đang biểu dương sức mạnh hùng hậu của nó. Vũ khí đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người tổ chức và nuôi dưỡng nó chính là Đảng ta và người đang sử dụng nó cực kì sắc bén chính là toàn thể nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Trong các tùy bút của Nguyễn Tuân, tiến trình biên niên của sự kiện càng bị xáo trộn. Trong Con hồ Thủ đô, Nguyễn Tuân bắt đầu câu chuyện bằng một bức thư
của một người phụ nữ Ba Lan, rồi quay ngược lại quá khứ bằng chi tiết máy bay nghiêng cánh trên bầu trời thủ đô, rồi ngược trở lại những sự kiện lịch sử về cái Tết kháng chiến năm thứ nhất, mở rộng triết luận về lịch sử, địa lí của Hồ Gươm... Tác phẩm soi chiếu con hồ thủ đô dưới nhiều góc độ: lịch sử, văn hóa, địa lí... Các đoạn văn tưởng chừng rời rạc, ngẫu nhiên, phi logic, song thực ra lại được tổ chức một cách rất nghệ thuật xoay quanh một chủ đề tư tưởng: lòng tự hào, yêu mến trước vẻ đẹp thân thuộc và sâu lắng của quê hương đất nước.
Tính nghệ thuật trong các bút kí, tùy bút còn thể hiện rất rõ qua lời văn nghệ thuật uyển chuyển, tài hoa, qua việc sử dụng một cách đậm đặc các thủ pháp từ chương. Các bút kí, tùy bút của Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Tuân, Anh Đức thể hiện rất rõ điều này. Cách sử dụng ngôn từ của Nguyễn Tuân nhiều tìm tòi, phá cách. Ông là bậc thầy trong việc gọi tên sự vật và sáng tạo nên các danh từ. Tùy bút của Nguyễn Trung Thành thường có một giọng điệu hào hùng, tha thiết. Bút kí của Anh Đức lại ngân nga, da diết. Các thủ pháp khoa trương, trùng điệp được sử dụng với một tần suất cao, làm nên giọng điệu ngợi ca, hào sảng trong các tác phẩm kí thời kì này.
Vào những năm 1960-1975, truyện kí lại giữ vị thế ưu trội. Trong những năm 1960, phong trào viết về những “tấm gương người tốt việc tốt”, về “Tinh thần liệt sĩ
Nguyễn Văn Trỗi”, về “Người thật việc thật”, về “Anh hùng chiến sĩ thi đua” đã
khiến cho truyện kí nở rộ trên văn đàn. Lực lượng sáng tác không chỉ là nhà văn chuyên nghiệp, mà còn là quần chúng nhân dân từ khắp mọi miền tổ quốc. Các