5. Cấu trúc nội dung của luận án
2.1. Khái niệm mã, mã thể loại, mã thể loại của văn học kí
Mã (code) là một khái niệm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ học, công nghệ thông tin, kí hiệu học và nghiên cứu văn học. Theo nghĩa thông thường nhất, mã là nguyên tắc xác lập mối quan hệ giữa thông tin và kí hiệu. Ví dụ: mã vùng là nguyên tắc xác lập mối quan hệ giữa địa phương/ khu vực và kí hiệu dạng số, mã vạch là nguyên tắc xác lập mối quan hệ giữa thông tin về sản phẩm và kí hiệu dạng vạch, số.
Theo những tài liệu tổng thuật đáng tin cậy như Khái niệm mã trong nghiên cứu văn học (The concept of code in studying Literature) của Douwe W.Fokkema
[203; tr.643], Từ điển bách khoa lí thuyết văn học đương đại (Encyclopedia of
Contemporary Literary Theory) do I.Makaryk chủ biên [207; tr.525], trong lĩnh vực
ngôn ngữ học, Saussure là người đầu tiên sử dụng khái niệm mã. Ông cho rằng lời nói là một phức hợp các phương tiện mà chủ thể nói sử dụng mã của ngôn ngữ nhằm diễn tả suy nghĩ cá nhân. Tác giả người Hà Lan- Carry Van Bruggen, trong một tiểu luận xuất bản năm 1925, gọi ngôn ngữ là một mã. Trong mô hình giao tiếp sáu thành phần của R.Jacobson (gồm người phát, người nhận, thông điệp, tiếp xúc, mã, ngữ cảnh), mã có vai trò rất quan trọng, giúp người tham gia giao tiếp có thể hiểu được thông điệp và nhờ đó mà quá trình giao tiếp trở nên thông suốt.
Các nhà kí hiệu học như I.Lotman, R.Barthes đã sử dụng khái niệm mã để nghiên cứu văn học. I.Lotman cũng cho rằng, ngôn ngữ vận hành giống như một loại mã, bởi nó là một tập hợp những đơn vị và qui tắc tạo nghĩa cho phép truyền đi một thông điệp nào đó. Trong một văn bản văn học, có ít nhất hai mã: mã ngôn ngữ và mã văn học, trong đó mã văn học thường không tuân theo những rào cản của ngôn ngữ. Khi phân tích tác phẩm S/Z của Balzac, R.Barthes đã nhận ra ít nhất năm mã: mã tường giải, mã hành động, mã ngữ nghĩa, mã tượng trưng, mã văn hóa.
Từ những quan điểm khác nhau về mã, có thể rút ra một số nhận định chung:
Thứ nhất, mã có một vai trò rất quan trọng trong quá trình giao tiếp, bởi nhờ
nó mà người nhận có thể hiểu được thông điệp của người gửi, vì thế, nó là yếu tố xác
lập nên mối quan hệ giữa người phát và người nhận, giữa thông điệp và ý nghĩa thông điệp (nếu không hiểu được mã văn hóa của một bộ tộc, chắc chắn khó có thể
giao tiếp với người dân của bộ tộc ấy, cũng như không hiểu được tiếng nước ngoài, ta không thể giao tiếp với người ngoại quốc)
Thứ hai, mã là một ngôn ngữ, bởi nó cũng có những đơn vị và qui tắc tổ chức các đơn vị ấy thành một hệ thống, giúp truyền đạt thông tin.
Hiểu như vậy, thì văn bản cũng có mã của nó, đó là hệ thống ngữ pháp chi phối việc tạo lập văn bản, và là chìa khóa để giải mã thông điệp giữa người gửi và người nhận trong giao tiếp. Ngôn ngữ cũng được coi là một mã, vì nó là nguyên tắc xác lập quan hệ giữa thông tin và kí hiệu dạng lời nói hoặc chữ viết, phải nắm được những qui tắc của ngôn ngữ, người ta mới có thể giao tiếp. Văn hóa, văn học đều có một hệ thống mã, mà dựa vào đó, người ta có thể tiếp cận được các tác phẩm và thích nghi với một nền văn hóa.
Hiểu như vậy, thì thể loại cũng có một mã. Mã thể loại là nguyên tắc xác lập
mối quan hệ giữa thông tin và thể loại. Mỗi thể loại bao giờ cũng có một cấu trúc
tương đối ổn định và vững chắc, làm thành bộ khung bất biến của thể loại, có vai trò chi phối việc tổ chức các văn bản cụ thể. Cấu trúc ấy là sự khái quát hóa các thông tin thành một hệ thống các đơn vị, qui tắc nhất định gọi là mã thể loại. Ví dụ, mã thể loại thơ trữ tình bao gồm một loạt các đơn vị như nhân vật trữ tình, hệ thống các hình ảnh, biểu tượng, vần, nhịp. Các đơn vị này được tổ chức để làm nổi bật thế giới chủ quan của cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng. Mã thể loại của tiểu thuyết bao gồm hàng loạt các đơn vị như sự kiện, nhân vật, cốt truyện, chi tiết..., tất cả các yếu tố ấy được tổ chức để làm nổi bật một thế giới đang vận động, chưa hoàn kết.
Mã thể loại còn gọi là ngôn ngữ thể loại, là yếu tố trung gian trong cuộc giao
tiếp nghệ thuật giữa người viết và người đọc, giúp cho cuộc giao tiếp ấy được thuận
lợi, thông suốt. Khi sáng tác một tác phẩm, bao giờ nhà văn cũng phải lựa chọn và sử dụng một số mã thể loại nhất định, và khi tiếp nhận, người đọc cũng phải dựa vào mã thể loại để lí giải tác phẩm.
Dựa trên sự khái quát của các nhà nghiên cứu kí, cũng như sự quan sát thực tiễn sáng tác kí, có thể thấy, hình thức sơ khai của kí trong văn học trung đại Việt Nam là các bi kí, mộ chí, minh kí, thực lục. Ngay từ tên gọi thể loại, ta đã có thể nhận ra, chức năng quan trọng nhất của kí ban đầu là chức năng ghi chép, ghi nhớ thông tin, sự kiện. Dựa vào mục đích, hoàn cảnh, chất liệu của ghi chép, mà người ta phân chia ra các thể loại kí. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ký có xu hướng trở thành một thể loại nghệ thuật. Trong văn học Việt Nam, từ thế kỉ thứ mười tám, thì ghi chép trở nên một chức năng thứ yếu, tính thông tin về sự kiện bị nhòe mờ để làm nổi bật những suy nghĩ, luận bàn của chủ thể, lời văn ngày càng giàu tính nghệ thuật. Trong văn học Trung Quốc, cũng diễn ra một qui luật tương tự, các tác phẩm du kí, tùy bút, tạp kí là những tác phẩm đậm chất nghệ thuật nhất trong các thể loại tản văn.
Quá trình phát triển này của kí khiến cho các nhà nghiên cứu, khi bàn đến đặc trưng của thể loại này, cũng thường nhấn mạnh hạt nhân sự thật và tính nghệ thuật là hai phương diện quan trọng nhất của thể loại. Tác giả Phương Lựu cho rằng, kí là một loại văn tự sự, trần thuật người thật việc thật [142; tr.275]. Nhà nghiên cứu La Khắc Hòa cũng cho rằng, kí “là loại hình văn học” có đặc trưng “là sự can dự trực
tiếp vào đời sống xã hội, là sự thông tin về sự thực của những giá trị nhân sinh, có cách xử lí riêng về khoảng cách giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật, kết hợp linh hoạt các phương thức tự sự, trữ tình, nghị luận với những thao tác tư duy khoa học” [149; tr.356]. Rõ ràng là, không thể phủ nhận ghi chép sự thật và tính nghệ thuật là hai yếu tố đặc trưng của văn học kí.
Quá trình phát triển cũng như thực tiễn sáng tác này cho thấy trong kí ức thể loại của kí, bao giờ cũng tồn tại hai mã thể loại: mã thể loại ghi chép sự thực và mã
thể loại nghệ thuật. Trong đó, mã sự thực là hạt nhân cấu trúc của kí, mã nghệ thuật là lớp tu từ của sự thực được lồng ghép, chồng lên mã sự thực. Hai yếu tố này có mối
quan hệ chặt chẽ, khiến cho trong bộ khung cấu trúc của thể loại kí, bao giờ cũng có hai mô hình văn bản lồng vào nhau: một mô hình văn bản của các thể loại ghi chép sự thật mang đậm tính tư liệu, và một mô hình văn bản của thể loại văn học đậm tính
nghệ thuật. Quá trình sáng tác kí vì thế, cũng là quá trình hai lần mã hóa: quá trình mã hóa nhằm chuyển dịch các yếu tố vật chất trong thực tại (kí hiệu tự nhiên) thành chữ viết (kí hiệu nhân tạo) và quá trình chuyển dịch các thông tin dưới dạng kí hiệu tự nhiên thành kí hiệu nghệ thuật. Quá trình tiếp nhận tác phẩm kí, do vậy, không thể không dựa trên những bộ mã chìm sâu trong kí ức thể loại và rắn lại thành bộ khung vững chắc cho các tác phẩm kí.