5. Cấu trúc nội dung của luận án
2.4. Sự tương tác giữa các mã thể loại trong văn học kí
2.4.1. Sự chế định, hỗ trợ lẫn nhau của mã sự thật và mã nghệ thuật
Trong các tác phẩm kí, mã sự thật và mã nghệ thuật tương tác, đan cài, ràng buộc lẫn nhau. Trong cấu trúc của kí, có sự tồn tại của mã nghệ thuật, nhưng mã nghệ thuật này lại chịu sự chi phối của mã sự thật, nên mọi yếu tố nghệ thuật đều bị co lại
theo một khung khổ nhất định. Các phóng sự thường phải men theo khung kết cấu của thể loại điều tra. Các kí sự khó có thể vượt ra khỏi khung biên niên. Thể loại truyện kí dù phát triển song vẫn trên nền tảng của thể loại kỉ truyện vốn bắt nguồn từ thể loại ghi chép lịch sử. Ngay cả các thể loại tùy bút, bút kí được triển khai theo mạch liên tưởng, lời văn giàu tính nghệ thuật, giàu cảm xúc, song các sự kiện, hình ảnh bao giờ cũng bị trói buộc trong tầm quan sát, suy nghĩ, thể nghiệm của một cái tôi chứng kiến. Sự trói buộc của mã sự thật đối với mã nghệ thuật khiến cho các tác phẩm kí khó có thể tiến tới một trạng thái bị phân rã, phi kết cấu, siêu thực như các thể loại văn học nghệ thuật khác.
Quan sát các hiện tượng kí trong văn học đương đại, ta có thể thấy điều này. Phóng sự của Xuân Ba thường có rất nhiều những đoạn chệch hướng ra khỏi tiến trình sự kiện, không phải bao giờ nhà văn cũng xâu chuỗi sự kiện theo một tiến trình điều tra của thể loại phóng sự truyền thống. Những đoạn tạt ngang tạt dọc để bình luận, trữ tình, những đoạn hồi cố, tỉnh lược... xuất hiện nhiều trong tác phẩm. Lời văn nghệ thuật hàm chứa nhiều sắc thái cung bậc cảm xúc đa dạng, chỗ nghiêm cẩn, khách quan, chỗ châm biếm, giễu nhại, chỗ xót xa, chua chát... Rõ ràng, trong phóng sự của Xuân Ba, người ta đã thấy có sự nới lỏng nhất định so với khuôn khổ của thể loại phóng sự truyền thống, mà những tác phẩm của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng là những chuẩn mực. Song, vẫn có thể nhận ra một mạch liên kết xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, đó là cái nhìn, sự đánh giá của một người trần thuật xưng tôi. Tản văn, tạp văn Nguyễn Việt Hà được coi là có khá nhiều phá cách trong lối viết. Dấu phẩy ngăn cách giữa các từ, cụm từ có quan hệ đẳng lập thường bị xóa bỏ. Các từ, cụm từ đồng nghĩa, đặc biệt là các tính từ được chồng xếp tầng tầng lớp lớp, tạo nên cảm giác rằng một thế giới kí hiệu đang bành trướng, trương nở, thúc vào khuôn khổ chật chội của ngôn ngữ cũng như thực tại. Giọng mô tả tường chừng như vô sắc, song lại hàm chứa một âm hưởng giễu nhại, song giễu nhại lại chẳng hề nhằm mục đích hạ bệ một đối tượng nào, chỉ là một thứ giễu nhại mang đầy tính trò chơi của ngôn ngữ: “Thiếu phụ búi tóc đẹp nhất là kiểu tằng cẩu của cà người Thái đen và Thái trắng. Kiểu này sừng sững có vẻ hiếu khách mời mọc nhưng sâu xa lại thâm nghiêm trinh tiết bảo thủ. Chính
vì thế, ở xa những vùng còn mộc mạc chân chất người Thái, trong các bữa rượu tiếp
tân trân trọng cởi mở luôn nhấp nhô trùng điệp những tằng cẩu là tằng cẩu. Thời bao cấp Hà Nội đang mệt mỏi khó khăn, thì cái mùi tóc lãng đãng giăng đầy phố của sả của hương nhu đã làm bao thế hệ thanh niên bỗng thăng hoa tươi tỉnh mà yêu sống mà
chăm chỉ lao động. Bây giờ cái hương thầm ấy đã phai, chỉ sặc sụa nhan nhản mùi dầu gội đầu hoá học, chẳng trách gì có một bộ phận giới trẻ đâm uể oải đi hít khói thuốc phiện (Ám ảnh tóc). Thế nhưng, các tản văn, tạp văn của Nguyễn Việt Hà vẫn không
vượt thoát khỏi cách kết cấu của tản văn truyền thống: khuôn theo những chủ đề, xoay quanh một ý tưởng, ấn tượng, hình ảnh, khác hẳn với sự tự do phá cách trong các tiểu thuyết của anh.
Ngược lại, mã nghệ thuật lại khiến cho những mã ngoài nghệ thuật trở nên uyển chuyển, linh hoạt, khiến cho các kí sự, truyện kí, phóng sự... khác hẳn các ghi chép lịch sử, điều tra báo chí, báo cáo khoa học... Các phóng sự, bút kí của Vũ Trọng Phụng, Phùng Gia Lộc, Xuân Ba, Minh Chuyên tuy ban đầu đều được đăng tải trên báo chí, nhưng khi dòng sự kiện thời sự đã nhanh chóng rơi vào quên lãng, thì các tác phẩm này vẫn có đất sống. Các tuyển tập phóng sự Vũ Trọng Phụng được tái bản nhiều lần, và trở thành đối tượng nghiên cứu của rất nhiều các chuyên luận, báo cáo, luận văn, luận án. Trong dòng chảy ồ ạt của báo chí thời internet, bút kí, phóng sự của Minh Chuyên vẫn được tìm đọc, thậm chí là ráo riết săn lùng trên một số diễn đàn mạng. Phóng sự Xuân Ba sau khi được đăng trên các báo, lại được tập hợp lại in thành sách: Thời chưa xa, người chưa cũ, Chuyện buồn kể muộn.... Phóng sự Cái
đêm hôm ấy đêm gì, gần hai chục năm sau, lại được đăng tải lại trên Tuổi trẻ online
(ngày 21/12/2005) với lời giới thiệu: “Ngày ấy, khi xuất hiện trên báoVăn Nghệ, những dòng chữ rút ruột từ nỗi uất ức, cay đắng, ngỡ ngàng của Phùng Gia Lộc đã tạo nên một "cơn địa chấn”. Sự tái xuất của thiên phóng sự này, có lẽ không hẳn vì vấn đề mà tác phẩm đặt ra là một bài học vẫn còn nóng hổi tính thời sự của Đêm trước đổi mới, mà còn bởi sự hấp dẫn nghệ thuật của nó.
Ngôn ngữ sự thật trong kí tạo nên tính can dự trực tiếp của nó vào đời sống xã hội. Ngôn ngữ nghệ thuật trong kí lại khiến nó là hình thức lời nói vòng vo, gián tiếp, đầy ẩn ý. Thế mạnh này đã khiến kí vừa có khả năng bung phá khỏi những rào cản để trở thành một thể loại tiên phong, không những trong lĩnh vực văn học mà cả trong đời sống xã hội, nhưng lại vừa có khả năng luồn lách để thoát khỏi vòng kim cô của kiểm duyệt, để cất lên tiếng nói về sự thật. Đó là lí do tại sao các phóng sự của Vũ Trọng Phụng đầy những dấu hiệu phản kháng, những yếu tố “nguy hiểm” đối với nhà cầm quyền, đầy những đoạn giễu nhại, châm biếm cực kì sâu cay đối với diễn ngôn thống trị, song chúng vẫn thoát khỏi cặp mắt của hệ thống kiểm duyệt và trở thành món ăn hút khách trên báo chí thời bấy giờ. Sự hòa trộn của hai mã nghệ thuật này đã
tạo nên một chiến lược phát ngôn đầy thế mạnh của kí so với các thể loại văn học và các diễn ngôn sự thật khác.
Nhưng, cũng chính thứ ngôn ngữ đa mã này đã gây ra không ít hệ lụy cho người sáng tác. Các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, ngay từ khi mới ra đời, đã bị buộc tội là xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật. Tập kí Nắng chiều của Phan Khôi cũng bị công kích là bịa đặt, hư cấu, dù tác giả cam đoan là mình chỉ nói sự thực. Nhà báo Phùng Gia Lộc, Minh Chuyên đều khốn khổ lao đao sau khi những thiên phóng sự, bút kí đình đám được công bố trước dư luận. Những hệ lụy ấy cho thấy, ở bất cứ thời nào, thì cất lên tiếng nói về sự thật cũng là một việc làm nguy hiểm và đòi hỏi phải có bản lĩnh.
2.4.2. Sự tương tác giữa mã sự thật và mã nghệ thuật trong thực tiễn sáng tác kí
Quan sát thực tiễn sáng tác của kí, có thể nhận ra hai nhóm thể loại. Trong các thể loại phóng sự, kí sự, hồi kí, nhật kí, mã sự thật thường chiếm vị trí ưu trội. Trong các thể loại tùy bút, bút kí, tản văn, truyện kí, mã nghệ thuật lại là mã chủ đạo. Để khảo sát qui luật tác động của các mã này lên thực tiễn sáng tác của văn học kí, có thể dựa vào một số thống kê sau của chúng tôi trong phần phụ lục của luận án (Bảng
1,2,3).
Trên cơ sở bảng thống kê này, có thể nhận thấy, trong giai đoạn đầu của văn học trung đại, các thể loại kí sự thật như bi kí, mộ chí, thực lục chiếm vị trí chủ đạo. Đến thế kỉ XVIII-XIX, phát triển mạnh các thể loại kí nghệ thuật như du kí, tùy bút, tạp kí... Trong văn học 1930-1945, các phóng sự thường phát triển rất mạnh trong khoảng những năm 1932-1939, sau năm 1939, phóng sự có thiên hướng chuyển sang hình thái của thể loại phóng sự tiểu thuyết, và sau đó là tiểu thuyết phóng sự, các thể loại du kí, tùy bút, tản văn chiếm ưu thế trên văn đàn. Trong văn học 1945-1975, kí sự phát triển rất mạnh vào giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp. Vào những năm 1960, bút kí, tùy bút lại chiếm vị trí ưu trội. Từ những năm 1965-1975, truyện kí lại đạt được những thành tựu quan trọng.
Từ tiến trình phát triển trên, có thể rút ra một số nhận định sau:
- Thứ nhất, mã sự thực thường chiếm vị trí chủ đạo trong những chặng khởi đầu của một giai đoạn văn học. Mã nghệ thuật thường là nguyên tắc chi phối việc kiến tạo văn bản của kí trong những giai đoạn trưởng thành, kết tinh của một nền văn học.
- Thứ hai, các thể loại kí có thiên hướng sử dụng mã sự thật thường nở rộ trong những môi trường văn hóa tương đối dân chủ và mở rộng, khi chính sách kiểm duyệt có sự nới lỏng nhất định, khi nhu cầu thông tin sự thật trở thành một như cầu bức thiết của dư luận. Trong những môi trường văn hóa mà tính chất dân chủ bị hạn chế, thì mã nghệ thuật lại là thứ ngôn ngữ chiếm vị trí ưu trội trong các sáng tác kí.
- Thứ ba, mã thể loại của kí chịu sự chi phối của những thể loại lời nói chiếm vị trí ưu trội trong một nền văn hóa. Trong thời trung đại, phần lớn các tác phẩm kí đều là sử kí. Trong thời 1930-1945, phần lớn các tác phẩm kí, đặc biệt là phóng sự, đều chịu ảnh hưởng từ thể loại điều tra của báo chí, báo cáo của khoa học. Văn học kí tuy có những hạt nhân cấu trúc tương đối ổn định, song không phải bất biến mà vẫn có khả năng đổi mới, trên cơ sở sự vay mượn, ảnh hưởng những thể loại lời nói khác. Như vậy là, sự phát triển của các thể loại kí, ngoài sự tác động của những qui luật nội tại, còn chịu sự tác động của môi sinh văn hóa bao quanh nó.
Những nhận định này của chúng tôi, có lẽ, vẫn chỉ nên được coi là những giả thiết ban đầu. Để chứng minh được nó một cách thấu đáo, chắc chắn cần phải có một công trình nghiên cứu dày dặn hơn.
Tiểu kết chương 2:
Là một hình thức diễn ngôn, kí trước hết chịu sự chế định của mã thể loại. Quan sát thực tiễn sang tác kí, có thể nhận thấy hai mã thể loại có mối quan hệ chặt chẽ, làm thành bộ gene khá bền vững của văn học kí: mã sự thật và mã nghệ thuật. Trong đó, lớp ngôn ngữ sự thật là hạt nhân cấu trúc của kí. Kí có một hệ thống từ vựng của sự thật, được kí hiệu hóa thành các danh từ riêng, ngày tháng, con số. Kí lại có một ngữ pháp của sự thật, cái khiến cho tất cả các yếu tố trên được tổ chức một cách chặt chẽ theo logic của cái có thật. Kí đồng thời cũng có một chủ thể để thay tác giả, cất tiếng nói về sự thật. Tất cả các yếu tố này hòa quyện, chi phối lẫn nhau, tạo nên một thứ ngôn ngữ sự thật rất dễ nhận thấy trong các tác phẩm kí, khiến cho nó khác hẳn với các loại hình văn học khác. Nhờ ngôn ngữ sự thật này mà kí thường gây được một hiệu ứng xã hội đặc biệt, thỏa mãn nhu cầu về sự thật của con người, nhờ thế mà thời nào kí cũng có đất phát triển. Song, vẫn cần phải nhấn mạnh, sự thật trong kí không phải bao giờ cũng có thể qui chiếu đến một thực tại vật lí, bởi
sự thật trong kí, trước hết là một sự thật ngôn ngữ, nhất là trong thời đương đại, khi các kí hiệu đang trở nên bành trướng và nhốt chặt, vây bủa con người. Việc chuyển sự thật từ một yếu tố thuộc về thực tại, sang một phạm trù ngôn ngữ, có thể nói, là kết luận quan trọng nhất của chúng tôi khi nghiên cứu mã sự thật của kí.
Bên dưới lớp ngôn ngữ sự thật, có thể nhận thấy sự tồn tại của một lớp ngôn ngữ nghệ thuật. Việc miêu tả một cách sinh động các chi tiết, bức tranh thế giới, việc sử dụng các biểu tượng đã khiến cho lớp từ vựng sự thật trở nên đa nghĩa, giàu sức sống. Việc dịch chuyển các yếu tố thuộc về ngữ pháp của sự thật như khung biên niên, báo cáo, điều tra... thành một câu chuyện đã khiến cho những ghi chép có vẻ ngoài khách quan được cấp cho một ý nghĩa thống nhất. Việc sử dụng lời văn nghệ thuật với các thủ pháp từ chương đã khiến cho kí trở nên uyển chuyển, linh hoạt, đầy ý vị. Lớp tu từ này đã tạo nên trong kí sự dư thừa ý nghĩa so với nghĩa đen (nghĩa chỉ vật) được tạo nên bởi ngôn ngữ sự thật. Đó chính là cái đã làm nên chiều sâu, sức hấp dẫn, giá trị nghệ thuật cũng như sức sống vĩnh hằng của các tác phẩm kí. Mặt khác, lớp tu từ này lại khiến cho sự thật trong kí không đơn giản chỉ là sự sao chép nguyên vẹn sự thật đời sống, mà là sự thật được kiến tạo nên bằng các phương tiện nghệ thuật, bao giờ cũng có sự sai khác, gián cách nhất định với sự thật đời sống. Qua đó, có thể thấy, kí là một loại diễn ngôn nghệ thuật về sự thật. Đó là kết luận quan trọng nhất của chúng tôi trong mục này.
Sự gắn bó chặt chẽ, sự tương hỗ và chế định lẫn nhau giữa mã sự thật và mã nghệ thuật đã làm nên đặc trưng cũng như ưu thế của kí so với các loại hình văn học khác. Đồng thời, sự chi phối của mã thể loại đối với việc kiến tạo văn bản và kiến tạo sự thật trong kí cũng cho thấy kí không đơn giản chỉ là sự “phản ánh”, “ghi chép” một cách chân xác thực tại đời sống, mà thực chất là một diễn ngôn về sự thật, chịu sự trói buộc của những luật lệ ẩn tàng trong ngôn ngữ.
Tuy nhiên, diễn ngôn nghệ thuật về sự thật trong kí lại không giống nhau ở các thời đại khác nhau. Như chúng tôi đã chỉ ra, ở thời trung đại, phần lớn các tác phẩm kí đều là sử kí. Trong giai đoạn văn học 1930-1945, các thể loại kí lại có khuôn hình của thể loại điều tra báo chí, báo cáo khoa học. Rõ ràng là, có một yếu tố khác nằm trong cấu trúc văn hóa đã tạo nên sự biến đổi của diễn ngôn sự thật trong kí, và không thể bỏ qua yếu tố này nếu muốn chỉ ra cơ chế vận hành của diễn ngôn sự thực
trong kí qua các thời đại khác nhau. Đó chính là xuất phát điểm để chúng tôi triển khai chương ba của luận án.
Chương 3
MÃ TƯ TƯỞNG HỆ
VÀ SỰ VẬN ĐỘNG, PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC KÍ
Quan sát thực tiễn sáng tác kí, ta còn nhận thấy, trong rất nhiều trường hợp, cùng sử dụng một mã thể loại, cùng đối diện với một thực tại đời sống, song trong các sáng tác kí, lại có những diễn ngôn về sự thực khác nhau. Trong các tác phẩm kí viết về chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội được coi là chính thống, chiến tranh được miêu tả như là “đường vui”, “tình chiến dịch”, “Hà Nội ta đánh Mĩ
giỏi”... Trong khi đó, trong các sáng tác kí của văn học miền Nam thời kì này, chiến
tranh lại được kiến tạo như một “Địa ngục có thật”, “Giải khăn xô cho Huế”. Rõ ràng là, trong giai đoạn văn học này, có ít nhất hai loại diễn ngôn về chiến tranh.