5. Cấu trúc nội dung của luận án
2.3. Mã nghệ thuật như là lớp tu từ của sự thật trong văn học kí
Quan sát thực tiễn sáng tác, có thể nhận thấy, trong các tác phẩm kí, ngay cả những tác phẩm kí ra đời sớm nhất và có nhiệm vụ quan trọng nhất là ghi chép, ghi nhớ như minh kí, bi kí, mộ chí..., bao giờ cũng có một sự chệch hướng của trần thuật ra khỏi khung kết cấu của những thể loại ghi chép sự thật, bao giờ cũng có một phần ý nghĩa dôi ra khỏi nghĩa đen (nghĩa chỉ vật). Các bi kí thời Lí Trần thường có hai
3 Theo GS Phan Huy Lê trong bài viết Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám, đăng trên Tạp chí Xưa và nay số tháng 10 năm 2009, Lê Văn Tám là một hình tượng văn học do Trần Huy Liệu sáng tạo nên trên cơ sở một sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, dựa trên sự kết hợp giữa biểu tượng người anh hùng làng Gióng và biểu tượng ngọn đuốc sống- biểu tượng cho lòng yêu nước chống Pháp của nhân dân ta. Câu chuyện đã có tác dụng mạnh mẽ trong việc kích thích, cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn dân thời đó.
phần: ngoài phần tự ghi chép sự kiện, còn có phần minh bộc lộ cảm xúc, thái độ, đánh giá của chủ thể ghi chép. Và ngay trong phần tự, ta cũng có thể bắt gặp rất nhiều chi tiết miêu tả chệch ra khỏi tiến trình sự kiện: “Nghìn thuyền như chớp giật giữa dòng, muôn trống như sấm vang dậy nước” (Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh). Các truyện kí thường được kết cấu dựa theo khung cấu trúc của thể loại kỉ truyện, song, có vô vàn những chi tiết lạc ra khỏi dòng mạch chính (các phần thơ đề, thơ vịnh, phần giai thoại, truyền kì xung quanh sự ra đời hay mất đi của nhân vật trong
Công dư tiệp kí). Kí sự về cơ bản được tổ chức dựa trên thể biên niên, song nếu như
trong biên niên, câu chuyện bắt đầu khi sử gia bắt đầu ghi chép, và kết thúc khi công việc ghi chép chấm dứt, thì trong kí sự, ta vẫn nhận thấy có sự vênh lệch giữa trần thuật và chuỗi sự kiện (Thượng kinh kí sự không kết thúc ở sự kiện: mồng 2 tháng 11 về đến nhà mà còn có thêm đoạn suy ngẫm, triết lí của người trần thuật về lẽ sống lánh đục về trong: “Than ôi, giàu sang như đám mây bay! Đền vũ tạ, thú ca lâu phút
chốc thành nơi hoang phế... Tôi nghĩ bụng: mình không đến nỗi bị thiên hạ chê cười, chỉ nhờ không tham đó thôi”). Phóng sự có hạt nhân cấu trúc là thể loại điều tra, song
trong phóng sự nổi tiếng Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, còn có một đoạn đối thoại mang tính chất độc thoại thống thiết cuối tác phẩm: “Lê Trung Quang
ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng thấy cứ phải nói ra”... Trong các tác phẩm tùy bút, bút kí, tạp
văn, thì những yếu tố dư thừa, chệch hướng này càng đậm nét. Những sự chệch hướng, dư thừa này, nhiều khi, lại chính là cái tạo nên sự sinh động, sức hấp dẫn đặc biệt của kí.
Xét trong quá trình phát triển của kí, thì ban đầu, kí là một thể loại chức năng nhằm ghi chép thông tin, sự kiện. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, chức năng ghi chép, lưu trữ thông tin ngày càng trở nên thứ yếu, các tác phẩm kí ngày càng có xu hướng vượt ra khỏi chức năng nguyên thủy của nó. Ngay cả các văn bia thời Lý Trần đã không chỉ ghi lại sự kiện, mà còn bày tỏ một nguồn cảm hứng dào dạt trước sự nhiệm màu của Phật Pháp, công đức của nhà vua. Đến Công dư tiệp kí, và đặc biệt là
Vũ trung tùy bút, Thượng kinh kí sự, kí đã có diện mạo của một thể loại nghệ thuật
thực sự. Để trở thành thể loại nghệ thuật, kí phải trải qua quá trình mã hóa thứ hai: mã hóa các kí hiệu ngôn ngữ thành kí hiệu nghệ thuật, trong đó các thông tin về sự kiện, nhân vật được xác chỉ hóa, tác giả được mã hóa thành người kể chuyện, các sự
kiện, nhân vật được tổ chức theo những qui luật nghệ thuật... Chính vì thế, mà trong kí, còn tồn tại một mã thể loại thứ hai- mã thể loại văn xuôi nghệ thuật.
Rõ ràng là, mã sự thật là hạt nhân cấu trúc của kí, song trong các tác phẩm thuộc loại hình văn học này, còn tồn tại một mã nghệ thuật, cái làm cho ngôn ngữ sự thật trở nên uyển chuyển, tươi tắn. Chúng tôi cho rằng, mã nghệ thuật này đóng vai
trò như là một lớp tu từ của sự thật trong các tác phẩm kí. Nó bao gồm những đơn vị
và cấu trúc có khả năng biến một biên niên, điều tra, kỉ truyện, báo cáo, ghi chép trở thành một văn bản nghệ thuật như: khung truyện kể, lớp hình tượng và bức tranh đời sống, lớp lời văn phong cách hóa.
2.3.1. Hình tượng con người và bức tranh thế giới
Nằm ở vị trí trung tâm trong các tác phẩm kí là hình tượng một người trần thuật xưng tôi với tư cách là nhân chứng. Là người được tác giả ủy thác để cất lên tiếng nói về sự thực, người kể chuyện này không chỉ miêu tả, kể chuyện, mà luôn luôn bày tỏ thái độ, cảm xúc, đánh giá của mình trước câu chuyện mình kể, khiến cho diễn ngôn về sự thực trong kí bao giờ cũng có một giọng điệu, một sắc thái cảm xúc nào đó. Hay nói cách khác, người kể chuyện này là một cách bộc lộ gián tiếp chủ thể của diễn ngôn. Nổi bật trong tác phẩm Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác là một người kể chuyện xưng tôi có mặt từ đầu đến cuối, không những là người dẫn dắt câu chuyện, kết nối các sự kiện thành một thể thống nhất, mà còn là người luôn tỏ bày thái độ, cảm xúc trước mỗi sự vật, sự việc trên con đường lên kinh. Người kể chuyện ấy vừa mừng vừa lo trước cái tin bị triệu về kinh, bồi hồi cảm xúc trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp trên đường đi, miễn cưỡng, ngần ngại khi phải vào chữa bệnh nơi phủ chúa, buồn bã chán ngán khi phải sống cảnh cá chậu chim lồng... Trong phóng sự Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng, người kể chuyện không chỉ là người điều tra, phơi bày, mà còn cất lên những tiếng bi phẫn, cảm thương trước thực tại và trước sự tha hóa không gì có thể cưỡng lại được của con người trên hành trình từ nông thôn ra thành thị: “Đằng này, Hà Thành không có sự tổ chức, đám dân hạ lưu chia ra khắp các phố thành thử những người lịch sự tưởng Hà thành lịch sự, mà các nhà xã hội học cũng tưởng Hà Thành không có gì bi thương. Chính ra, nó rất là
thương tâm... Nó đã cất tiếng gọi dân quê bỏ những nơi đồng khô cỏ héo đến đây để chết đói một lần thứ hai sau khi bỏ cửa bỏ nhà. Nó đã làm cho giá con người phải ngang hàng với giá loài vật; nó đã làm cho bọn trẻ đực vào nhà hỏa lò và một bọn trẻ cái làm nghề mãi dâm.” Trong các thiên kí của Nguyên Ngọc, lại thấy vút lên một
giọng tha thiết, hào hùng: “Không biết các bạn có bao giờ nghĩ như vậy không. Riêng
tôi cứ mỗi lần nghe vọng lên tiếng hát đậm đà, uyển chuyển của những bản dân ca Việt Nam, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến lạ thường, tôi bỗng dừng lại như sửng sốt, như kinh ngạc, và bàng hoàng tự hỏi: đất nước ta, con người Việt Nam ta vẫn còn giữ được tiếng hát ấy ư? Kì diệu biết bao nhiêu! Kì diệu biết bao nhiêu- tiếng hát và tấm lòng Việt Nam chúng ta”. Trong phóng sự Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng
Gia Lộc, ta bắt gặp một giọng kêu oan, điều trần, chất vấn thống thiết trước những ngang trái của thực tại. Những cảm xúc mãnh liệt, những đánh giá sắc sảo và giọng điệu đầy lôi cuốn của người kể chuyện xưng tôi này đã khiến cho các tác phẩm kí có một sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc.
Các nhân vật, sự kiện trong kí tuy không được tái hiện một cách đầy đặn, song thường được phác họa sống động thông qua các chi tiết dày đặc trên bề mặt, bằng những đoạn miêu tả chân dung, hành động, phong cảnh, tâm trạng. Lối chữ trong Vũ
trung tùy bút của Phạm Đình Hổ không đơn thuần chỉ là sự khảo cứu lịch sử các lối
chữ, mà còn có những chi tiết miêu tả rất tinh tế, sinh động, đột được thần thái của nhân vật trong một khoảnh khắc: “hễ lúc nào ông cầm bút lên thì rụt rè như thể
không viết xuống được, đến lúc đặt bút xuống giấy mà viết thì vẻ chữ tươi tắn, có cái ý nhị như hoa đào đọng giọt mưa, lá dương phủ làn khói”. Trong các phóng sự 1930-
1945, ken dày những đoạn miêu tả tỉ mỉ, chi tiết chân dung, cảnh vật từ cái nhìn cận cảnh, theo bút pháp tả chân. Trong tùy bút Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân, một nửa dung lượng tác phẩm là dành để miêu tả những đêm dài mênh mông, cô tịch, những suy tưởng mông lung của nhân vật xưng tôi. Nhiều chi tiết tưởng chừng chẳng có ý nghĩa gì trong tiến trình sự kiện, nhưng lại được miêu tả một cách tỉ mỉ như vòng khói thuốc khi tự do bay trên những khoảng trời vô hạn, khi bị bó buộc trong gian phòng chật hẹp kín bưng. Nó có khả năng tái hiện một cách sinh động chân dung của một con người cô đơn, thao thức, chán chường trong những đêm tối bất tận. Những đoạn mở đầu trong Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng khiến cho người ta như được thể nghiệm cái không khí ấm áp, nồng nàn, trong trẻo của buổi sáng đầu xuân: vòng nhang thơm ngào ngạt, làn gió từ những cánh đồng lùa qua cửa sổ, giọt sương ngọt ngoài kia, sinh khí len vào trong cả nhựa cây mạch đất và thấm cả vào trong da thịt... Ngay cả những tác phẩm thiên về ghi chép sự thật, cũng không thiếu những chi tiết miêu tả cực kì sống động, như cuốn
nhật kí Ở rừng của Nam Cao (chúng tôi đã có một bài viết đăng trên tạp chí Văn
nghệ quân đội về vấn đề này [101; tr.171].
Những đoạn miêu tả này tạo nên sự “dư thừa” của kí so với khung thể loại biên niên, điều tra, khảo cứu, làm nên giá trị nghệ thuật, sức hấp dẫn của kí. Trong một thiên phóng sự mới đây của nhà văn-nhà báo Xuân Ba- Tiến sĩ từ quan đăng trên
Tienphongonline ngày 01/09/2010, có rất nhiều chi tiết chệch khỏi tuyến sự kiện, ví
như chi tiết miêu tả ông Trần Đăng Tuấn ngây người ra khi đứng trước một bức tranh trong hiệu thư pháp có lời đề tựa: chim phượng chỉ chọn cành ngô mà đậu, kẻ sĩ khôn
ngoan thì phải tìm được minh chủ mà thờ. Chi tiết tưởng chừng chẳng có ý nghĩa gì
trong câu chuyện thời sự về một ông tiến sĩ từ quan, song lại được tác giả hết sức chăm chút, dành rất nhiều câu chữ để miêu tả, luận bàn. Sự dư thừa chi tiết và chệch hướng khỏi tuyến sự kiện chính này đã làm nảy sinh một lớp nghĩa dôi ra khỏi nghĩa thời sự, nghĩa đen của thông tin sự kiện. Hóa ra, đằng sau câu chuyện về Trần Đăng Tuấn, còn có nhiều câu chuyện khác, những lớp ý nghĩa khác đã chìm xuống ở bên dưới: câu chuyện về thời thế, triết luận về hiền tài, ngẫm nghĩ về thân phận kẻ sĩ trong mối quan hệ với quyền lực, về lẽ sống và hành xử xứng đáng ở đời. Đó là lớp nghĩa nghệ thuật hàm ẩn làm nên ý vị sâu xa, thâm thúy trong phóng sự của Xuân Ba, cái khiến ông được coi là một cây bút phóng sự hàng đầu trong làng văn và làng báo đương đại.
Mặt khác, bên cạnh lớp ngôn ngữ sự thực dày đặc trong các sáng tác kí, người ta còn nhận thấy rất nhiều những hình ảnh mang màu sắc biểu tượng, là sự lắng đọng của lớp đời sống đa dạng, phồn tạp và sự kết tinh của tư tưởng, cảm xúc. Thậm chí, biểu tượng đã trở thành một thứ ngôn ngữ không thể thiếu trong các thể loại tùy bút, tản văn, bút kí, tạp văn. Miếng ngon Hà Nội, ngoài ý nghĩa của một thứ ẩm thực, còn được Vũ Bằng phân tích như là sự gợi nhắc hình ảnh của thiên nhiên đất nước, cá tính dân tộc, tinh túy của văn hóa. Phố phường Hà Nội trong tùy bút của Băng Sơn cũng là một thứ biểu tượng hàm chứa linh hồn của thủ đô, những khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam từ bốn nghìn năm. “Qua những chữ Hàng, ta càng yêu Hà Nội
hơn, yêu như yêu máu thịt mẹ cha cho, bởi vì chính đó là một trong những khía cạnh của một nền văn hóa từ bốn nghìn năm”. Ngay cả những tác phẩm kí có thiên hướng
tự sự, đuổi theo mạch sự kiện, ưu tiên cho ngôn ngữ sự thật, cũng không phải là không có những biểu tượng giàu ý nghĩa. Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Người đàn bà quì của Trần Khắc không đơn giản chỉ là câu chuyện về một cảnh
ngộ, một con người cụ thể, mà là biểu tượng của một thế sự còn nhiều oan khuất, biểu tượng cho những sự thật bị che giấu, cho thân phận nhỏ bé nhưng đầy nhẫn nhục, oan khiên của con người trong xã hội.
Sự xuất hiện của những chi tiết, những đoạn miêu tả, và đặc biệt là lớp biểu tượng trong các sáng tác kí một mặt làm nên sự tươi tắn, sinh động cho các tác phẩm kí, mặt khác, tạo ra những lớp nghĩa bề sâu, lớp nghĩa ẩn dụ chìm bên dưới nghĩa đen, nghĩa chỉ vật của kí. Nó hòa quyện vào ngôn ngữ sự thật, làm cho ngôn ngữ sự thật trở nên mềm mại, tinh tế, duyên dáng, đầy sức sống. Nhưng đồng thời, nó cũng khiến cho kí không đơn thuần chỉ là sự ghi chép sự thực, mà luôn luôn là sự kiến tạo sự thật một cách nghệ thuật.
2.3.2. Khung truyện kể
Nếu như các biên niên, kỉ truyện, điều tra, báo cáo chỉ là những bản ghi chép sự thật một cách khách quan, trong đó các sự kiện thường là ngẫu nhiên, không có mối liên hệ nhân quả, thì trong các tác phẩm kí, dù không có một cốt truyện chặt chẽ, ta có thể nhận thấy tất cả các chất liệu sự thật ấy đã được tổ chức trong một khung truyện kể và liên kết, sắp xếp thành một câu chuyện nhất định.
Trước hết, chuỗi sự kiện vốn không đầu không cuối trong khung biên niên, hay những sự kiện ngẫu nhiên trong các báo cáo đã được tổ chức lại thành một khung nhất định bằng cách lựa chọn sự kiện này làm sự kiện mở đầu, sự kiện kia làm sự kiện kết thúc của trần thuật, khiến cho tiến trình sự kiện bị chia cắt thành những phân đoạn, đưa vào một khung nhất định. Sự chia cắt này không hề ngẫu nhiên mà thường đầy dụng ý. Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận mở đầu bằng sự kiện nhân vật tôi bị bắt vào nhà lao đế quốc, tiếp diễn bằng một loạt các sự kiện về cuộc đấu tranh kiên cường của nhân vật trong những chốn địa ngục trần gian, và kết thúc bằng sự kiện nhân vật được trả tự do. Trong khi đó, bút kí Thủ tục để làm người còn sống của Minh Chuyên lại mở đầu bằng sự kiện “sống lại”, trở về đầy vui mừng của người lính Trần Quyết Định sau chiến tranh, tiếp diễn bằng hành trình mười năm lận đận vật lộn với các thủ tục hành chính quan liêu để được làm người còn sống, và kết thúc bằng sự kiện nhân vật bị cấp cứu trên giường bệnh, song vẫn đau đáu khôn nguôi vì vẫn chưa thể tìm lại tư cách người sống cho mình. Hai tác phẩm này đều được triển