5. Cấu trúc nội dung của luận án
2.2. Mã sự thực (ngôn ngữ sự thật) như là hạt nhân cấu trúc của văn học kí
Như phần Tổng quan chúng tôi đã trình bày, trong ý thức của cả người sáng tác lẫn giới phê bình, nghiên cứu, thì ghi chép sự thật là hạt nhân quan trọng nhất làm nên đặc trưng của kí. Quả vậy, khi tiếp nhận một tác phẩm kí, bao giờ ta cũng thấy nổi lên trên bề mặt của nó là một lớp thông tin, sự kiện, nhân vật, thời gian, không gian cụ thể, đơn nhất, có thể coi là lớp từ vựng của sự thực. Lớp thông tin sự kiện này được mã hóa thành những danh từ riêng, những con số, ngày tháng... xuất hiện với một mức độ dày đặc trong kí. Bên dưới lớp thông tin sự kiện này, ta có thể dễ dàng nhận thấy một nguyên tắc tổ chức tất cả các yếu tố trên theo logic của cái thực, có thể coi là lớp ngữ pháp của sự thực. Trong tác phẩm kí, bao giờ cũng có sự xuất hiện của một người trần thuật xưng tôi với tư cách là người chứng kiến, ghi chép, luận bàn, hay có thể nói, là một chủ thể nói sự thực. Những yếu tố này khiến cho trong kí bao
giờ cũng có một lớp nghĩa chỉ vật, một bức thông điệp về cái có thật. Các yếu tố này có mặt trong hầu hết các tác phẩm kí thuộc các thể loại khác nhau, từ kí sự, du kí, tùy bút, truyện kí... tạo nên phương diện mang tính chất ổn định của thể loại. Chúng tôi gọi tất cả các yếu tố này là mã sự thật hay ngôn ngữ sự thậttrong kí.
2.2.1. Người trần thuật xưng tôi với tư cách là nhân chứng của sự thật
Trong tác phẩm kí, bao giờ cũng có sự hiện diện của một người kể chuyện
xưng tôi với tư cách là người chứng kiến, ghi chép, trải nghiệm, bàn bạc về các sự kiện. Nếu người kể chuyện trong tiểu thuyết, truyện ngắn hay nhân vật trữ tình trong
thơ ca thường chỉ hiện diện như một yếu tố ước lệ thể hiện điểm nhìn của tác giả, tất cả các chi tiết về tiểu sử thường bị cố tình làm nhòe mờ thì trong các tác phẩm kí, lai lịch, hành trạng của người kể chuyện lại thường được tô đậm, cụ thể hóa bằng những chi tiết giống với tiểu sử tác giả. Vũ trung tùy bút có riêng một thiên tự thuật, giới thiệu lai lịch, thân thế, tâm tư của người kể chuyện: “Ta sinh năm Mậu Tý, niên hiệu Cảnh Hưng... Đến năm ta lên sáu tuổi, đấng tiên đại phu ta mới thăng làm Tuần phủ Sơn Tây, bổng lộc đã dư dụ... Ta khi mới lên chín tuổi, đã học sách Hán thư, được
bốn năm thì đấng Tiên đại phu ta mất...”. Trong Tôi kéo xe của Tam Lang, ngay trong phần mở đầu, tác giả đã làm nổi bật một người kể chuyện xưng tôi với những chi tiết được cụ thể hóa: phóng viên Ngọ báo, có quan hệ thân thiết với ông Bùi Xuân Học, đã được tiếp xúc với báo chí phương Tây... Nổi bật trong Bất khuất là người kể
chuyện xưng tôi với một bản tiểu sử và những trải nghiệm giống như nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận.
Trong nghiên cứu kí truyền thống, nhằm nhấn mạnh tính xác thực của kí, người ta thường đồng nhất người kể chuyện với tác giả. Song thực chất người kể chuyện không phải là tác giả, bởi nó là một kí hiệu nghệ thuật, nó chỉ tồn tại trong văn bản, trong khi tác giả bao giờ cũng tồn tại ngoài văn bản. Nó vừa có vai trò như một nhân tố tổ chức của văn bản, vừa là sự biểu hiện một cách gián tiếp quan niệm, tư tưởng của tác giả, vừa là một hình thức giao tiếp của tác giả với người đọc. Việc phân biệt người kể chuyện xưng tôi trong kí với tác giả có một ý nghĩa rất quan trọng, nó xác lập kí như một thể loại nghệ thuật, luôn có sự gián cách nhất định với thực tại đời sống.
Vai trò chứng kiến, ghi chép của người kể chuyện này được đặc biệt nhấn mạnh nhằm làm nổi bật tính chất đáng tin cậy của câu chuyện được kể. Một trong những lí do khiến cho những cuốn sách Mười ngày rung chuyển thế giới của John Reed, Những
bí mật về chiến tranh Việt Nam của Daniel Ellsberg có một sức thuyết phục mạnh mẽ
là do sự tham dự của một cái tôi- tiểu sử vào mọi biến cố trong câu chuyện. Ngay từ đầu tác phẩm, John Reed đã khẳng định: “Trong quá trình của cuộc chiến đấu, tôi
không phải là một kẻ bàng quan. Nhưng khi kể lại lịch sử những ngày vĩ đại ấy, tôi đã
muốn nhận xét sự việc với con mắt của một người ghi chép có lương tâm, cố gắng ghi
lại sự thật”. Lời bộc bạch của Daniel Ellsberg trong Lời nói đầu tác phẩm hồi kí của
mình về căn nguyên, hoàn cảnh, mục đích của cuốn sách, những tư liệu tối mật gồm 7000 trang về Hồ sơ lầu Năm Góc, cũng như sự cam kết của tác giả “đây là một câu
chuyện đối diện với sự thật”, “việc nói ra sự thật, vạch trần những bí mật sai trái bị che đậy” đã gia tăng sức mạnh cho toàn bộ các sự kiện được miêu tả.
Trong các tác phẩm kí thời trung đại, người trần thuật xưng tôi thường đóng vai sử gia, người sưu tầm, khảo cứu tài liệu và ghi chép các sự kiện có thật. Vai sử gia cho phép người trần thuật có khả năng khôi phục, trình bày, bàn luận về các sự kiện trong quá khứ. Trong các phóng sự thời 1930-1945, người trần thuật thường đóng vai nhà báo- thám tử, cải trang để thâm nhập đời sống của những hạng người
dưới đáy. Sự cải trang của nhân vật xưng tôi khiến cho những nhân vật, sự kiện mang tính phiếm chỉ (tên nhân vật thường viết tắt, địa điểm, thời gian, ngày tháng của sự kiện thường bị xóa đi, các báo cáo, số liệu thường không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ) bỗng trở nên xác thực, đáng tin. Trong văn học 1945-1975, người trần thuật thường xuất hiện với tư cách phóng viên chiến trường hoặc chiến sĩ, vì tư cách này giúp anh ta được tiếp xúc trực tiếp với hiện thực chiến tranh, nhờ thế mà những kí sự, truyện kí, tùy bút của anh ta mới được công nhận là sự thực.
Để gia tăng mức độ tin cậy và thuyết phục cho câu chuyện mình kể, tác giả thường phải tạo nên một tình huống tiếp xúc cụ thể, trong đó, nhân vật xưng tôi có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò, điều tra, thu thập về thông tin, sự việc. Tình huống này thường được đặt ở ngay đoạn mở đầu tác phẩm. Trong phóng sự Cơm thầy cơm cô,
Vũ Trọng Phụng trình bày về việc mình đã “hóa thân” thành một kẻ lang thang khắp đầu hè quán cơm. Trong Sống như anh của Trần Đình Vân, tác giả phải giới thiệu về cuộc gặp gỡ của mình với chị Quyên, để có lí do nhường lời cho nhân vật kể lại toàn bộ câu chuyện. Việc gặp gỡ những nhân chứng có thể nói, là một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm kí.
Các tác phẩm kí bao giờ cũng hấp dẫn vì đó là câu chuyện của người trong cuộc. Nhờ vị trí là người trực tiếp tham gia, trải nghiệm, mà những ngóc ngách bí mật, bị che giấu, khuất lấp được phơi ra ánh sáng. Đó là lí do tại sao những tác phẩm hồi kí của những người nổi tiếng, những chứng nhân bao giờ cũng là những hiện tượng ăn khách trên thị trường xuất bản (những cuốn nhật kí của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, tự truyện của Lê Vân... được phát hành cách đây mấy năm là minh chứng cho điều này).
Tóm lại, người kể chuyện xưng tôi với tư cách là nhân chứng trong kí là một kí hiệu trong bộ mã thể loại của kí. Nó vừa là một hình tượng nghệ thuật chứa đựng cái nhìn, lập trường, sự đánh giá của chủ thể, vừa là một yếu tố tổ chức văn bản trong kí, vừa là một trong những hình thức biểu đạt cái thật trong kí. Việc tìm hiểu mã kí hiệu này giúp người đọc có thể chiếm lĩnh được kết cấu bề sâu của các văn bản kí.
2.2.2. Những nhân vật, sự kiện, thời gian, địa điểm cụ thể, đơn nhất
Nhân vật trong kí thường được cụ thể hóa bằng các chi tiết về tên tuổi, quê
quán, tiểu sử. Các thiên kí về nhân vật trong Công dư tiệp kí, Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục thường mở đầu bằng một công thức giới thiệu nhân vật: “Vũ Tụ
người xã Hoạch Trạch huyện Đường An, đỗ Hoàng giáp khoa Quí Sửu (1943) niên hiệu Hồng Đức” (Công dư tiệp kí). “Ông Phạm Cư Sĩ người huyện Đông Triều, làm mưu chủ cho quan Tướng quân Đoàn Thượng” (Vũ trung tùy bút). “Ông Chu Văn Trinh đời nhà Trần, húy là Văn An, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều ẩn. Ông người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Tư nghiệp Quốc tử giám. Đời vua Dụ Tông dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần rồi treo mũ từ quan, về ở ẩn ở núi Chí Linh, dạy học trò” (Tang thương ngẫu lục). Cách mở đầu này đã trở thành những khuôn thước cho các tác phẩm kí về sau: “Tại xã Tam Ngãi huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người đàn bà đã sáu con tên là Nguyễn Thị Út” (Người mẹ cầm
súng). Công thức mở đầu này thể hiện rất rõ chức năng ghi chép trong kí ức thể loại
của kí, đồng thời, tạo nên trong kí một mô hình nghệ thuật khác hẳn với mô hình của truyện ngắn, tiểu thuyết- mô hình của cái cụ thể, đơn nhất. Mặt khác, nó cũng là một kí hiệu nghệ thuật để ngầm qui ước về tính xác thực, có thể kiểm chứng của câu chuyện được kể.
Các sự kiện trong kí thường được cụ thể hóa bằng những địa danh, ngày
tháng, số liệu. Bởi ban đầu, kí là một thể loại ghi chép sự thực, cho nên, những thông
tin về sự kiện là một phần không thể thiếu trong các văn bia, văn khắc, mộ chí... Trong Vũ trung tùy bút, ngay cả những sự kiện kì lạ mà tác giả cho là điềm quái gở, việc tai dị cũng được ghi chép theo nguyên tắc xác chỉ hóa: “Khoảng năm Ất Ngọ, Bính Ngọ đời Cảnh Hưng, ở bãi cát bờ sông gần làng Bát Tràng, thấy nổi lên ngọn lửa xanh xanh, lấy cành tre khô ném vào thì cháy bùng lên, nhưng những cây đậu, cây dâu vẫn không cháy hại gì cả”. “Mùa xuân năm Bính Ngọ, làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai có cái giếng tự nhiên nước sôi lên, gánh nước về nhà đổ vào vại rồi mà vẫn sôi”. Các sự kiện trong phóng sự 1930-1945 tuy thường bị làm mờ đi ngày tháng, địa danh cụ thể, song lại tác động mạnh đến người đọc nhờ những con số biết nói: “Số dân Hà Thành là mười tám vạn, vậy mà có đến năm nghìn người làm đĩ, thế có nghĩa là cứ ba mươi lăm người lương thiện lại có một người thường nhật sinh sống
bằng sự reo rắc vi trùng hoa liễu”. “Năm 1914, bảy mươi tư phần trăm binh lính
Pháp ở Bắc kì mắc phải những bệnh hoa liễu”. Trong Kí sự Cao Lạng, sự xuất hiện của những danh từ riêng chỉ địa danh khiến cho toàn bộ tiến trình chiến dịch Cao Lạng trải ra trước mắt người đọc một cách sinh động, cụ thể như một tấm bản đồ quân sự. “Giặc chạy Thất Khê. Giặc bị chặn đánh. Giặc về Na Sầm. B.C.C.P quì xuống hàng. Bộ đội vào Đồng Đăng. Công tăng bỏ Lạng Sơn, chạy lấy người, bỏ
hàng kho vũ khí, hàng kho quân trang, bỏ cả xe cộ, bỏ cả giấy má, bỏ cả Việt gian, bỏ cả âm mưu nặn xứ Nùng tự trị, bỏ cả chó becgie. Giặc rút về Cao Lộc. Giặc bỏ Lộc
Bình. Giặc chạy về Đình Lập. Giặc rút về Móng Cái. Hải Phòng xôn xao. Hà Nội
nhớn nhác... Và giặc rút Thái Nguyên!”.
Sự xuất hiện với một mức độ dày đặc của những tên riêng, địa danh, số liệu trong kí tạo nên sự khác biệt về hình thức của kí so với các thể loại văn học khác, đồng thời, tạo nên cảm giác về tính xác thực của kí. Mỗi thời đại, dưới sự chi phối của những diễn ngôn sự thực chiếm vị trí ưu trội, ta lại thấy một bảng từ vựng của sự thật khác nhau. Trong thời trung đại, ta thấy xuất hiện trong kí một hệ từ vựng của lịch sử như niên hiệu, địa danh, phẩm tước, tên hiệu, tên tự... Trong thời hiện đại, ta lại bắt gặp một hệ thống từ vựng của báo chí, khoa học như các số liệu điều tra, thống kê, thuật ngữ khoa học... Các tác phẩm kí đương đại lại đầy ắp những từ vựng của internet... Tuy nhiên, những nhận định này chỉ là những giả định khoa học, mà trong khuôn khổ của luận án, chúng tôi chưa có điều kiện chứng minh. Khảo sát sự biến đổi của lớp từ vựng sự thật trong kí qua các thời đại khác nhau chắc chắn sẽ là một công việc thú vị và ý nghĩa. Chúng tôi hi vọng sẽ có thể xem xét vấn đề này trong các công trình nghiên cứu tiếp theo.
2.2.3. Kết cấu theo logic của sự thật
Trong truyện ngắn, tiểu thuyết, đặc biệt là truyện ngắn, tiểu thuyết thời hiện đại, các tác giả thường sử dụng thủ pháp mở đầu ở giữa, trật tự tuyến tính của thời gian thường bị phá vỡ một cách đầy dụng ý. Ngược lại, các sự kiện trong kí thường được sắp xếp theo trật tự tuyến tính của thời gian, không có sự vênh lệch giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật. Khảo sát phần mở đầu và kết thúc của các tác phẩm kí, ta có thể thấy điều này.
Các thiên kí viết về danh nho, danh thần trong Công dư tiệp kí thường bắt đầu bằng sự kiện sự ra đời hoặc thời thơ ấu của nhân vật, kết thúc bằng sự vinh hiển, đỗ đạt, hoặc cái chết, sự hiển linh của nhân vật. Các sự kiện trong Thượng kinh kí sự
được xâu chuỗi theo hành trình lên kinh và hành trình trở về của nhân vật xưng tôi. Các phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang, Cạm bẫy người, Lục sì, Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng thường được triển khai theo trình tự của một cuộc điều tra, mở
đầu tác phẩm thường giới thiệu căn nguyên, hoàn cảnh thôi thúc nhân vật xưng tôi “vào cuộc”, đoạn giữa tác phẩm thường mô tả tiến trình xâm nhập hiện trường đầy chông gai của nhân vật tôi- thám tử, và kết thúc tác phẩm thường là những lời điều trần, kiến nghị về những vấn nạn xã hội nhức nhối cần giải quyết. Kí sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng được kết cấu theo trình tự của một chiến dịch, mở đầu bằng những “hình ảnh đầu tiên tôi chứng kiến khi mới tới Cao Bằng”, bằng những sự kiện về cuộc chuẩn bị âm thầm, lặng lẽ nhưng dồn nén biết bao hi vọng, nung nấu, trong một hoàn cảnh đầy thử thách, cam go: “Lòng căm thù giặc của người dân Cao Lạng, âm ỉ sáu năm nay đã đến lúc phải bùng nổ. Ý chí giải phóng quê hương Đông Bắc của binh đoàn Cao Lạng, đã đến lúc phải thử thách trong lửa lớn. Nỗi giận của người lính miền xuôi trước cảnh làng mạc, cửa nhà bị phá trụi, bố mẹ, vợ con bị đày đọa, chém giết tại các vùng giặc đóng đã đến lúc không thể kìm được nữa”. Tác phẩm kết thúc ở thời điểm kết thúc của chiến dịch, với những sự kiện nói lên sự chiến thắng oanh liệt của quân đội ta: “Hành lang đông tây bị chọc thủng. Tiếng máy bay như tiếng kêu tuyệt vọng của bầy giặc điên. Cửa khải hoàn rồi lại khải hoàn. Biểu ngữ rồi lại biểu ngữ... Một cái biểu ngữ đồ sộ trên đỉnh đèo Trám: Hoan nghênh Đông Khê giải phóng. Sau lại được tin giải phóng Cao Bằng, họ viết thêm Cao Bằng bên Đông Khê...”. Một cuộc chuẩn bị của Trần Đăng lại được triển khai theo tiến trình của một cuộc hội nghị, mở đầu bằng phát biểu của anh đại đội trưởng, diễn tiến bằng sự thảo luận, tranh biện của các đội viên, kết thúc bằng sự đồng thuận, thống nhất, quyết tâm của toàn thể hội nghị. Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận mở đầu bằng sự kiện đồng