Ảnh hưởng và đọc sai, trích dẫn và giễu nhại

Một phần của tài liệu Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp (Trang 101)

5. Cấu trúc luận án

4.1. Ảnh hưởng và đọc sai, trích dẫn và giễu nhại

4.1.1. Ảnh hưởng và đọc sai văn học quá khứ

Ảnh hưởng văn học được hiểu như là “mối quan hệ tác động qua lại giữa các nhà văn, các tác phẩm và các nền văn học” [55; tr9]. Mặc dù các nhà lập thuyết LVB luôn cố gắng phân biệt rạch ròi lí thuyết của họ và cách tiếp cận nguồn gốc/ảnh hưởng, nhưng lí thuyết LVB cũng không thể bỏ qua cách tiếp cận nguồn gốc/ảnh hưởng bởi nó là một hiện tượng phổ biến trong quan hệ văn học, đóng vai trò trọng yếu trong tiến trình phát triển của từng nền văn học. Sự trưởng thành của từng tác giả/nền văn học không thể không có những mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng, tác động qua lại của các tác giả, tác phẩm, các nền văn học/văn hóa khác. Ảnh hưởng văn học có thể diễn ra ở các mức độ khác nhau như mô phỏng, vay mượn lối viết, đề tài, thủ pháp, kết cấu, cốt truyện, hình tượng. Mô phỏng là học tập, làm theo người khác, còn sự vay mượn hướng đến tái tạo, sử dụng lại từng phần tác phẩm của người khác theo chủ ý riêng. Mức độ tinh tế, sâu sắc của ảnh hưởng văn học phụ thuộc rất nhiều vào từng tác giả và từng nền văn học cụ thể bởi ảnh hưởng văn học chỉ thực sự xảy ra ở trình độ cao nếu song hành đồng thời cả hoạt động tiếp thu và sáng tạo. Nhà văn tiếp thu cái khác mình, cái mình không có, vừa làm phong phú cho sáng tác vừa thay đổi cả hệ hình thẩm mỹ của bản thân.

Có thể nói NHT chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau: văn học dân gian, văn học trung đại – hiện đại Việt Nam, văn học Trung Quốc, Văn học Nga – Xô viết, văn học Pháp…Việc tiếp thu, học hỏi, mô phỏng, cải biến luôn là những thao tác nghệ thuật quen thuộc ở các nhà văn. Nhưng tiếp thu cái gì và tiếp biến như thế nào phụ thuộc vào màng lọc, vào tài năng biên tập và tư tưởng của nhà văn đó. NHT đã lựa chọn những nhà văn Nga – Xô viết như Puskin, Dostoevsky, Shukshin…để học tập, làm theo. Huyền thoại phố phường chịu ảnh hưởng Con đầm pích của Puskin;

Không có vuaTội ác và trừng phạt chịu ảnh hưởng Anh em nhà Karamazov, Tội ác và hình phạt của Dostoevsky; Chút thoáng Xuân Hương biến tấu từ Nước mắt chim cu của Shukshin. Kịch Còn lại tình yêu mang dáng dấp cốt truyện phim Chỉ còn một tình yêu ở lại của Liên Xô (xem Con chữ soi bóng đời, Trần Thị Thắng. NXB Hội Nhà văn 2010. Tr 222-223, tập II). (Nguyễn Văn Lưu coi kịch bản này là đạo văn – xem Tuần Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 193, ra ngày 15-3-2012, tr16- 17). Về nguồn ảnh hưởng, những nhà văn như Puskin, Dostoevsky, Shukshin có sức lan tỏa ở phạm vi thế giới. Riêng trong sáng tác NHT, đây là những nhà văn có tác động đến hình thức cũng như tư tưởng nghệ thuật của ông. Với địa vị là một tiểu thuyết kiệt tác của văn học thế giới, Anh em nhà Karamazov có hệ thống cốt truyện và các tuyến nhân vật phức tạp. Tác phẩm khai thác sâu sắc mối quan hệ giữa mấy cha con nhà Karamazov xoay quanh chuyện tiền bạc, ái tình và tội lỗi mang tính chất Oedipus. Nhân vật của tiểu thuyết này vừa là nạn nhân vừa là tội nhân đang sám hối tội lỗi và cố vượt thoát những ý nghĩ đen tối trước thực trạng u ám của cuộc sống Nga. Ở Không có vua, NHT không đi sâu vào những phức cảm tội lỗi. Nhân vật của ông không có những suy tư sám hối, dằn vặt tâm lý. Ông trình bày một cách tường minh chủ đề tiểu thuyết của Dostoevsky ở bối cảnh Việt Nam những năm đầu Đổi mới. Ở đây, Dostoevsky đã cấp cho NHT một khung cảnh tự sự, một tư tưởng triết lý thâm thúy: từ “không có Chúa thì mọi cái đều được phép làm” ở Anh em nhà Karramazov thành “không có vua thì mọi cái đều được tự do” [31; tr252-253]. Tội ác và hình phạt của Dostoevsky được xem là kiệt tác hoàn thiện nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nội dung tiểu thuyết này trở thành chủ đề một truyện ngắn cùng tên của NHT. Tuy nhiên, khác với trường hợp Không có vua, Tội ác và trừng phạt của NHT là kiểu truyện mang tính chất luận đề. Ông bàn thêm và bàn sâu vào các khía cạnh của tội ác diễn ra trong xã hội. Ở đây, tội ác xảy ra vì sự thấp kém văn hóa, thiếu thốn vật chất, sự mê muội tinh thần của nhiều hạng người trong xã hội chứ không phải là kiểu tội ác mang tính chất triết lý của Dostoevsky. Riêng Huyền thoại phố phường, tác giả đã vay mượn nhiều chi tiết từ truyện ngắn Con đầm pích của

Puskin. Truyện thứ ba trong bộ ba Chút thoáng Xuân Hương, theo Nguyễn Hoàng Sơn, là “biến tấu” từ Nước mắt chim cu của Shukshin (xem bản dịch Nước mắt chim cu của Vĩnh Nguyên trên Tạp chí Sông Hương số 7/1984). Ở đây, NHT đã sử dụng lại tình huống truyện và nội dung đối thoại của Shukshin. Ông đặt tình huống và đối thoại đó trong không gian sông nước nhuần nhị văn hóa Việt Nam cùng với chút ít tính chất bụi bặm phàm tục đời thường (Xuân Hương và trại lợn…) nhằm thay thế bối cảnh Nga trong truyện của Shukshin. Ông cũng đảo lộn một số vai đối thoại nhằm làm nổi bật đặc tính Xuân Hương ở nhân vật nữ. Có lẽ NHT thấy ở nhân vật phụ nữ của Shukshin một tính nữ vĩnh hằng mà với ông, nàng Xuân Hương của Việt Nam hoàn toàn trùng khít. Ảnh hưởng của Nước mắt chim cu đến Chút thoáng Xuân Hương là sâu đậm, nhưng nó không chi phối toàn bộ nội dung tư tưởng của bộ ba truyện ngắn này. Thêm nữa, nó cũng chỉ là một nguồn trong nhiều nguồn ảnh hưởng mà ở phần sau đây chúng tôi sẽ triển khai phân tích chi tiết.

NHT cũng chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, đặc biệt là tiểu thuyết chương hồi, sử ký và truyện kỳ ảo “liêu trai”. Nhiều chi tiết trong Giọt máu như đoạn Hàn Soạn bày mưu cho Chiểu chiếm đoạt ni cô Huệ Liên, đoạn Thiều Hoa vén tóc mai, đi lại…để Tôn Nữ Phương xem tướng, xem tay, trùng lặp nguyên xi nhiều chi tiết trong các tiểu thuyết Thủy Hử, Kim Bình Mai. Không nên xem sự trùng lặp này như là biểu hiện non yếu nghệ thuật của tác giả, bởi theo U.Eco, bây giờ là “thời của tính lặp lại” [50, tr173] và hiện nay, lí thuyết trùng lặp của nhà giải cấu trúc J.H.Miller được xem là một trong những quan niệm liên văn bản tiêu biểu của trường phái giải cấu trúc Hoa Kỳ [106, tr155-158]. NHT còn rất chú ý chia chương đoạn cho các truyện ngắn của mình. Có thể thấy cách chia chương đoạn trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất của ông là Tướng về hưu, Không có vua, Giọt máu, Cún, Mưa Nhã Nam…Cách chia chương đoạn trên thực tế là hoạt động bố cục vốn không xa lạ trong sáng tác văn học. Nhưng ở NHT, chia chương đoạn thường kèm theo những lời raolời bạt. Nhà văn bố cục Tướng về hưu gồm 15 phần, mỗi phần đều đánh số thứ tự La Mã, trong đó lời rao xuất hiện ở 4 phần (phần I, II, III, XV). Đây là lời rao ở phần I: “Khi viết những dòng này tôi đã thức tỉnh trong vài người quen những cảm xúc mà thời gian đã xóa nhòa, và tôi đã xâm phạm đến cõi yên tĩnh nấm mồ của chính cha tôi…”. Đây là lời rao ở phần II: “Trước khi kể tiếp, xin nói về gia đình tôi” và phần III: “Tôi quay lại đoạn kể cha con tôi bàn việc gia đình”. Riêng trong phần cuối, ngoài lời rao ở đầu còn có lời bạt như sau: “Trên đây là những sự việc lộn xộn của hơn một năm cha tôi nghỉ hưu mà tôi chép lại. Tôi coi đấy như nén hương thắp nhớ Người. Nếu có ai đã có lòng để mắt điều tôi viết, xin lượng thứ cho tôi. Tôi xin

cảm tạ”. Ở Cún, ông chia bố cục truyện ngắn thành 3 phần, trong đó phần I là lời rao, phần II là truyện và phần III là lời bạt. Ở Mưa Nhã Nam, lời rao được sử dụng nhằm giải thích lí do vì sao tác giả kể chuyện, lời bạt ngắn gọn như sau: “Tôi kể chuyện này đến đây là hết”.

Đặc biệt, ở tiểu thuyết, dấu ấn chương hồi càng thể hiện rõ. Trong Tuổi hai mươi yêu dấu, mỗi chương đều có tiêu đề phụ, hàm ý tóm tắt nội dung từng chương. Trong Võ lâm ngoại sử cũng vậy. Hơn nữa, ông còn bê nguyên mô hình lời rao/lời bạt của tiểu thuyết chương hồi – tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa vào tiểu thuyết của mình. Tính chất mô phỏng thể loại tiểu thuyết chương hồi là một bước lùi trong tư duy thể loại tiểu thuyết của NHT. Đây cũng là một trong những lí do khiến báo giới gọi những tiểu thuyết của ông là “tiểu thuyết ba xu”.

Phương pháp “cổ sử” cũng được NHT vận dụng thích đáng để sáng tác, đặc biệt ở những truyện ngắn có màu sắc lịch sử. Sau đây là một đoạn đối chiếu:

Cổ sử Truyện ngắn NHT

“Năm thứ 15 đời Lỗ Hy Công, tháng 9 ngày Nhâm Tuất, Tần Mục Công giao chiến với Tấn Huệ Công” (Sử ký – Tư Mã Thiên)

“Năm Thiên Phúc thứ nhất, quân Tống sang xâm lược nước ta” (Thiền uyển tập anh ngữ lục)

Ông Liên bảo: “Chẳng ra gì, chữ mới cần”. Nói xong tắt thở. Lúc ấy giờ Tỵ, ngày 21 tháng Chạp năm Canh Tý (1840) (Giọt máu)

“Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh chiếm Thăng Long, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long” (Vàng lửa)

Lối viết cổ sử rõ ràng mang lại cho NHT một lợi thế khi ông muốn hư cấu lịch sử. Lối viết này gợi không khí cổ xưa, một xúc cảm lịch sử khi đọc văn. Hiện tượng nhiều người đọc văn NHT hệt như đọc sử đã cho thấy hiệu quả thẩm mỹ mà lối viết của ông tạo ra. Thêm nữa, trình độ vận dụng của NHT rất linh hoạt. Không phải truyện nào ông cũng vận dụng cổ sử hay thủ pháp diễn nghĩa mà tùy thuộc vào việc nhà văn muốn dùng thủ pháp cũ để tạo ra một bối cảnh tương thích với truyện. Những truyện ngắn giả lịch sử, “sự kiện lịch sử giả” nhất định phải được bọc trong lối biên chép lịch sử quen thuộc. Sự khấp khểnh ở đây có giá trị giải thiêng rất rõ rệ.

Là người đọc kỹ Bồ Tùng Linh – một đại diện của dòng văn học kỳ ảo Trung Hoa, NHT không thể không chịu ảnh hưởng của dòng văn học này. Tiêu chí chung của văn học kỳ ảo phương Đông – kiểu truyện liêu trai – là kỳ nhân, kỳ sự, kỳ văn, không kỳ không truyền. Nguyên tắc tổ chức nghệ thuật của kiểu truyện liêu trai là “lấy mộng làm mỹ”, dùng mộng để tạo ra sự hư ảo, biến hóa kỳ lạ, quái đản [xem 101]. Những mô típ kỳ ảo thường thấy như hồ ly hóa người, ma hóa người, vật hóa

người, xuống địa phủ, lên tiên giới, đầu thai kỳ lạ…Nhiều truyện của NHT như Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Thương nhớ đồng quê, Giọt máu…phảng phất những yếu tố liêu trai như vậy. Con gái thủy thần sử dụng mô típ vật sinh ra người (đôi giao long quấn nhau trên sông Cái sinh ra một đứa bé, lớn lên được gọi là Mẹ Cả, được đặt tên thánh là Gianna Đoàn Thị Phượng). Nhân vật thi sĩ hóa hạc (mô típ hóa thân) ở Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt. Một biến dạng của mô típ vật hóa người trong Chảy đi sông ơi (trùm Thịnh đốt quán, “có con chuột to bằng bắp chân người phóng thẳng ra ngoài cứ cười hềnh hệch”). Nhân vật mẹ Nhâm đang nhổ lạc giữa đồng mà như nhập mộng, nhìn thấy đứa con gái thân yêu của mình chết trên đường. Phạm Ngọc Phong định đưa con là Phạm Ngọc Phúc lên Hà Nội học thì ngay đêm trước khi lên đường đã bị sét đánh chết. Nơi cây gạo cổ thụ gần mộ bà Chiêm – vợ Phong, Hà Bá và ba ba thuồng luồng thường tụ họp đánh chén, “đom đóm thắp đèn sáng rực thâu đêm, ếch kêu ồm ộp lẫn trong tiếng nhạc như nghe tiếng người nức nở” (Giọt máu). Nhiều chi tiết như “mộ kết”, người phụ nữ chết trôi trên tay bế đứa bé còn sống (Phẩm tiết), rừng kết muối (Muối của rừng), nạn sâu hại (Chiếc tù và bị bỏ quên), hòn đá thiêng (Nàng Sinh)…mang tính chất truyền kỳ rõ rệt.

Ở Bồ Tùng Linh và các nhà văn có phong cách liêu trai trung đại, yếu tố kỳ ảo là nơi thể hiện những khát vọng dân chủ mà con người muốn hướng tới trong tình yêu, tình dục, hôn nhân…và gián tiếp chỉ chích nền chính trị tàn bạo, phê phán những thói hư tật xấu của tầng lớp thống trị đương thời. Ở NHT và một số nhà văn Việt Nam khác như Võ Thị Hảo (Hồn trinh nữ), Hồ Anh Thái (Cứu tinh), Phạm Hải Vân (Điếu cày), Thái Bá Tân (Bướm trắng)…yếu tố liêu trai không chỉ góp phần thể hiện mặt khuất tối trong nhân cách, tâm địa con người và bản chất xã hội mà còn có mục đích giải thiêng: giải thiêng những hư ảo, mộng mị của con người, khiến con người lý tính hơn trong một thế giới nhiều hư giả, nhiều bịa đặt.

Nhìn chung, có thể thấy nhiều dấu vết của văn học Trung Quốc trong truyện ngắn và tiểu thuyết NHT. Riêng phương diện kết cấu, ảnh hưởng của tiểu thuyết chương hồi là rõ nhất. Nhưng ở tiểu thuyết chương hồi, lời raolời bạt đã bị công thức hóa. Trong truyện ngắn NHT, nội dung và chức năng lời rao và lời bạt có sự biến hóa đa dạng. Lời bạt trong tiểu thuyết chương hồi thường là “muốn biết sự thể ra sao xin xem hồi sau sẽ rõ” còn lời bạt ở NHT mỗi truyện mỗi khác. Nó không mang chức năng ngưng trệ hành động kể theo tuyến tính thời gian mà mang chức năng giải thích, bộc lộ thái độ của người kể – thường là thái độ khách quan, không can dự vào truyện. Ngoài ra, ở kết cấu chương hồi, tính hình tuyến rất rõ. Ở NHT, tuy có phân

đoạn theo hình thức tiểu thuyết chương hồi nhưng nhằm thể hiện một cách thức tiếp cận khác với truyền thống – phù hợp với thế giới hỗn độn, “loạn cờ”, “không có vua”, “động rừng”, “cuốn theo chiều gió” – bố cục bằng thủ pháp lắp ghép

(montage). Nhà văn lắp ghép các sự kiện có ý nghĩa và không có ý nghĩa, cái bản chất và cái không bản chất, các mảnh vỡ, các phiến đoạn khác nhau của đời sống…bên cạnh nhau nhằm thể hiện một chủ đề chung thống nhất. Truyện ngắn Tướng về hưu

được tác giả phân thành 15 mảnh, mỗi mảnh một tiểu chủ đề. Người ta thấy cả một thế giới ngổn ngang, xô bồ, dung tục diễn ra hàng ngày xung quanh gia đình vị tướng – người anh hùng đã hết chức năng lịch sử. Truyện ngắn Không có vua được phân thành 7 mảnh có thứ tự như sau: Gia cảnh – Buổi sáng – Ngày Giỗ – Buổi chiều – Ngày Tết – Buổi tối – Ngày thường. Ở đây trật tự thời gian đảo lộn, bố cục rối, khiến người đọc cảm nhận sâu sắc hơn tính chất “không có vua”, không tôn ti trật tự; sự bát nháo, đảo điên, sự xuống cấp của đạo đức và trật tự xã hội. Tính chất cô gọn, súc tích, đa âm của truyện vì thế được phát huy, dư vị đắng đót của nó còn lại mãi sau khi người ta đã gấp sách lại. Có thể nói NHT chịu ảnh hưởng nhiều từ văn học Trung Quốc nhưng đồng thời cũng là người mang lại cho truyện ngắn Việt Nam một diện mạo mới lạ, hiện đại. Đó là bản lĩnh và tài năng nghệ thuật của một nhà văn lớn.

NHT cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp. Thổ cẩm, Chú Hoạt tôi rất gần gũi với Một đứa con, Chú Giuyn tôi của Guy de Maupassant. Theo Nguyễn Hoàng Sơn, cốt truyện Thổ cẩm na ná cốt truyện Một đứa con; còn truyện Chú Hoạt tôi tương tự như truyện Chú Giuyn tôi.Một số nhà nghiên cứu – phê bình căn cứ vào những ảnh hưởng, trùng lặp trên đây để đánh giá tài năng “có chừng mực” của NHT. Ý đồ này dựa trên quan điểm về tính độc sáng của hoạt động sáng tạo văn chương.

Một phần của tài liệu Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w