5. Cấu trúc luận án
2.2. Lí thuyết liên văn bản từ Bakhtin đến Chủ nghĩa giải cấu trúc
2.2.1. Mikhail Bakhtin và tính đối thoại
M.Bakhtin (1895-1975) là nhà triết học, mỹ học và nghiên cứu văn học lỗi lạc bậc nhất của Liên Xô (cũ) và thế giới thế kỉ XX. Trong hệ thống khoa học đồ sộ của mình, trước hết, ông là người đã phê phán, và hơn nữa phát triển lí thuyết về ngôn ngữ của Saussure theo một hướng mới. Những sự phê phán của Bakhtin đối với các ý tưởng mà Saussure trình bày trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (1915) có thể thấy trong công trình thời đầu ông viết từ 1924, Vấn đề nội dung, chất liệu và hình
thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Trong công trình quan trọng này, ông khẳng định: “Một lời phát biểu cụ thể bao giờ cũng hiện diện trong một ngữ cảnh văn hóa đầy ý nghĩa và giá trị – ngữ cảnh khoa học, nghệ thuật, chính trị v.v…– hay trong ngữ cảnh một tình huống đời sống cá nhân; chỉ trong những ngữ cảnh ấy lời phát biểu cụ thể ấy mới sống và mới được nhận biết: nó đúng hay sai, đẹp hay xấu, chân thành hay xảo trá, cởi mở, trơ trẻn, đầy quyền uy, v.v – những lời phát biểu trung tính không có và không thể có” [168, tr416]. Ở Pháp, Barthes trong công trình Độ không của lối viết (1953) cũng khẳng định: “Không có hành ngôn viết phi thái độ” [14, tr34]. Những ý tưởng như vậy về sau đã được T.Eagleton triển khai rất thuyết phục trong công trình Lí luận văn học: nhập môn (1983 – 1996). Theo Eagleton, mọi phán xét giá trị đều gắn liền với hệ tư tưởng xã hội, gắn bó chặt chẽ với cấu trúc quyền lực
và những quan hệ quyền lực của cái xã hội mà chúng ta thuộc vào.Do đó, không một từ nào, câu nào được dùng mà khách quan, trung tính. Mọi phát ngôn luôn gắn liền với một lập trường nhất định, ở đó, ý nghĩa phát sinh. Chẳng hạn, trong văn học Việt Nam, câu thơ Đường ra trận mùa này đẹp lắm, một thời mang ý nghĩa nghiêm túc, quan phương nhưng nó sẽ không còn như thế nữa trong Tướng về hưu của NHT. Ngôn ngữ là một hệ thống biểu hiện, nó phản ánh liên tục việc đổi thay những giá trị và những địa vị xã hội chứ không phải là một hệ thống trừu tượng có sẵn, khách quan trước mọi cá nhân sử dụng ngôn ngữ như Saussure quan niệm. Một sáo ngữ như “chào các ông các bà” sẽ thay đổi hẳn giá trị và ý nghĩa nếu nó được dùng trong những hoàn cảnh nói năng khác nhau. Bakhtin/Volosinov triển khai những sự phê phán này trong quyển sách Chủ nghĩa Mác và Triết học ngôn ngữ được xuất bản ở Nga vào năm 1929. Theo Bakhtin/Volosinov, từ phát ngôn đơn giản nhất cho đến những tác phẩm phức tạp nhất của khoa học hoặc diễn ngôn văn học, không phát ngôn nào tồn tại một mình, cô lập như một ốc đảo. Mọi lời văn “dường như sống ở biên giới giữa văn cảnh của mình với văn cảnh người” [11, tr112]. Mọi quan niệm cho rằng ngôn từ trong văn học chỉ biết đến chính nó dường như không tránh khỏi phiến diện. Trong tiểu luận Ngôn ngữ tiểu thuyết, Bakhtin viết: “Bất kì lời nói nào cũng nhằm để được đáp lại và không thể tránh khỏi ảnh hưởng sâu xa của lời đáp dự kiến sẽ có” [11, tr110]. Theo Bakhtin, đối tượng mà phát ngôn hướng đến đã bị bao bọc bởi vô số những lời khác đã phát biểu về nó. Không còn là thời của Adam, khi mà ngôn từ còn trong suốt và trinh nguyên, lần đầu tiên được gán nghĩa, được đặt tên, giờ đây, “không có vật thể nào vô danh, cũng không có từ nào không được sử dụng rồi” [221, tr10]. Nói cách khác, mọi lời nói đều đã được nói ra và cùng với nó là những ý thức được đan dệt xung quanh đối tượng của lời nói ấy. Xin lấy một dẫn
chứng quen thuộc trong văn học Việt Nam – tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao. Trong tiểu thuyết này, Nam Cao xây dựng hình tượng nhân vật giáo Thứ, một “giáo khổ trường tư”, trong cảm nghĩ thông thường, đó là nhân vật của Nam Cao, do Nam Cao sáng tạo, lần đầu tiên xuất hiện. Nhưng với cách nhìn của Bakhtin, xung quanh đối tượng anh “giáo khổ trường tư” đó, đã chăng mắc vô số những nhận xét, đánh giá, phẩm bình…vốn đã có từ trước, tồn tại trong các diễn ngôn xã hội. Độc thoại nội tâm sau đây của giáo Thứ cho ta thấy rõ điều đó: “Rõ thật rơ! Giáo khổ trường tư mà cũng đòi nhìn mặt gái tân thời! Liệu lương có đủ cho người ta mua phấn đánh không. Bụng chứa toàn rau muống luộc, ai mà còn chẳng biết! Thứ tưởng tượng ra những lời nói chanh chua ấy. Y thấy mình lố vô cùng”. Ở đây, những lời chanh chua của những cô gái tân thời bình luận về loại “giáo khổ trường tư” như Thứ không phải lần đầu tiên được nói ra bởi Nam Cao mà vốn là những khuôn lời đã tồn tại từ trước. Nam Cao cóp nhặt, biên chép, bố trí ngay bên trong ngôn từ độc thoại của Thứ. Như vậy, mọi phát ngôn không thể trung tính vì nó cũng bị bao bọc bởi những ý tưởng, quan điểm, lập trường, giọng điệu khác và buộc phải gia nhập những mối quan hệ qua lại phức tạp ấy bằng cách tương tác, tán đồng hoặc ly khai: “Lời nói trên đường đến với đối tượng của mình tất yếu rơi vào môi trường đối thoại luôn luôn cuộn sóng và căng thẳng” [11, tr104]; “trên tất cả mọi nẻo đường đến với đối tượng, ở mọi hướng, ngôn từ đều gặp gỡ những lời của người khác và không thể không tương tác sống động và căng thẳng với chúng” (sđd, tr108). Trong văn NHT, người ta thấy không ít những minh chứng cho quan niệm của Bakhtin. Đoạn thoại sau là một ví dụ: “Chị Bường bảo: “Các con chào bố đi”. Ba đứa con anh Bường líu ríu: “Con chào bố”. Anh Bường bảo: “Vâng! Chào các ông các bà! Các ông các bà ăn no ngủ khỏe. Bố phải xa mẹ lăn lóc trên đường”” (Những người thợ xẻ). Rõ ràng, Chào các ông các bà có giá trị không phải vì nó là diễn ngôn lạ hóa, lệch chuẩn, lần đầu tiên được dùng như các nhà Hình thức Nga quan niệm. Nó đã được dùng đi dùng lại và trong bản thân nó vang vọng vô số cách dùng khác nhau, chúng tương tác với nhau trong cùng một đơn vị lời nói. Do đó, theo Bakhtin, toàn bộ ngôn từ đáp lại những phát ngôn trước đó, những khuôn mẫu ý nghĩa và giá trị đã hiện diện trước đó, đồng thời nó cũng xúc tiến và tìm kiếm để xúc tiến những sự hồi đáp sau đó. Thêm nữa, nếu Saussure đặt trọng tâm vào khía cạnh đồng đại của ngôn ngữ thì Bakhtin cho thấy không phát ngôn nào trong những thời điểm đồng đại lại không chịu những áp lực mang tính lịch đại. Bakhtin viết: “Ngôn từ, để tìm đến hàm nghĩa và hình thức biểu cảm của mình, phải kinh qua môi trường những ngôn từ nhiều trọng âm, những giọng điệu khác nhau của những người khác và, hòa âm hoặc nghịch âm với những yếu tố khác nhau trong môi
trường đó” [11, tr106]. Đây là “một thuộc tính của mọi lời nói”, “là cái thế tự nhiên của mọi ngôn từ sống động”. Nói cách khác, đây là tính đối thoại của ngôn ngữ.
Khác với Saussure, Bakhtin đặt ngôn ngữ trong quan hệ với các tình huống xã hội cụ thể chứ không chỉ là quan hệ giữa các kí hiệu. Ý nghĩa của các từ và phát ngôn tùy thuộc vào chủ thể phát – nhận và từng tình huống giao tiếp xác định chứ không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ tương đồng và khác biệt của hệ thống kí hiệu. Câu nói của Bường “Chủ nghĩa tư bản nó có cái đểu, là lấy tiền và gái để bóc lột giá trị thặng dư, nó làm cho các bác vô sản nhà ta mất hết của cải và tinh lực. Đả đảo chủ nghĩa tư bản thối nát” (Những người thợ xẻ) có ý nghĩa không phải vì mối quan hệ tương đồng và khác biệt trong hệ thống ngôn ngữ mà vì gắn với một hoàn cảnh phát ngôn cụ thể, có tính đối thoại. Nhưng đối thoại không xảy ra tùy tiện, giữa hai hay nhiều người nói xa lạ kéo theo những phát ngôn xa lạ của họ mà là một sự tương tác liên chủ thể, liên ý thức chủ động. Theo Bakhtin, khi không có ý thức chủ động, người nói không nhận ra mình bị vây quanh bởi muôn vàn tiếng nói khác nhau và do đó không thể “chủ động định hướng giữa những tiếng nói khác biệt ấy, xác định lập trường, lựa chọn ngôn ngữ”. Nói cách khác, lời của mình vẫn bí mật thuộc về người khác và ngược lại. Ở đây, tính đối thoại của Bakhtin có khác biệt với tính LVB do Kristeva đưa ra. Trong thuật ngữ mới của mình, Kristeva chỉ quan tâm đến sự tương tác của vô số giọng nói tự do, khác biệt, phi cá nhân trong ngữ cảnh đã bị xóa mờ tính chất lịch sử – cụ thể [10]. Ở Bakhtin thì khác, ý thức đa ngữ là một nhân tố hết sức quan trọng, nó quy định chủ thể trong vòng biến động, trong cuộc đụng độ ý thức hệ. Khi nhận thức rằng ngôn ngữ của mình bị vây bọc và xâm lấn bởi ngôn ngữ của người khác, ý thức khác, tự nhiên nó không thể tồn tại biệt lập và điếc đặc nữa. Lời lẽ trong bức thư bố viết cho con trai đang về nông thôn chơi trong truyện NHT sau đây là một ví dụ:
“Con thân yêu
Bố rất bực mình vì bố đi vắng thì mẹ tự tiện thả con về nông thôn. Tao xin báo cho mày biết, đồ chó, rằng nhà mày ở thành phố, tương lai của mày ở đấy…
Con ơi con hãy nghe bố, con phải về ngay. Bố mẹ sẽ mở rộng cửa đón mày như đón đứa con nhẹ dạ, nhẹ dạ quá mức…
Bố của con”…(Những bài học nông thôn)
Rõ ràng, trong cùng một ngôn ngữ, vang vọng nhiều ngôn ngữ – ý thức, chúng tự soi chiếu nhau và thực hiện chức năng kết nối VB nghệ thuật với VB xã hội. Cũng bởi vậy, nguyên tắc đối thoại với Bakhtin trở thành tiêu chuẩn của sự tiến hoá xã hội: “Chỉ ở trong cuộc sống khép kín, vô văn tự và vô tri thức, xa cách mọi nẻo đường tiến hóa xã hội – tư tưởng, con người mới có thể không cảm thấy cái hoạt động lựa
chọn ngôn ngữ ấy, mới có thể sống yên ổn xem như ngôn ngữ của mình đã được tiên định, không phải bàn cãi” [11, tr120]. Chẳng hạn, trong hoạt động ngôn ngữ bằng tiếng Việt, làm sao có thể dùng cụm từ “Chào các ông các bà” đối với mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh giao tiếp mà không tiến hành một sự lựa chọn có ý thức? Cho nên, nếu Saussure nêu vấn đề về sự lựa chọn và kết hợp trong hệ thống ngôn ngữ trừu tượng như những xung lực tất yếu của việc dùng ngôn ngữ thì Bakhtin cũng coi lựa chọn ngôn ngữ như một tất yếu của hành vi sáng tạo văn học. Nhưng ở Bakhtin, sự chọn lựa này ở nhà tiểu thuyết không phải là quá trình li cách mãi mãi ngôn từ được chọn với cái ngôn từ không được chọn bao quanh nó theo kiểu Saussure. Đó không phải là sự tẩy trừ khỏi ngôn từ những quan điểm và giọng điệu của người khác, “bóp chết những mầm mống ngôn từ khác biệt tiềm ẩn trong chúng”, “gạt bỏ những khuôn mặt ngôn ngữ và cung cách nói năng” khác lấp ló đằng sau những khuôn lời đã chọn, cũng không làm những khác biệt đó suy yếu đi mà “thậm chí còn khơi động thêm chúng”, tức là, làm tăng cường thêm mãi tính đối thoại của ngôn ngữ trong đời sống xã hội và văn chương. Trong đoạn đối thoại đã dẫn giữa Bường và vợ con, ta thấy cụm từ chào các ông các bà đã được lựa chọn sử dụng theo một cách thức như vậy. NHT đã không tìm cách triệt tiêu những vết tích của những cách dùng trước đó mà còn làm chúng tăng cường thêm, khiến nó vừa là sản phẩm của Bường, vừa là sản phẩm của những ý thức xã hội khác, mang tính chất đối thoại đặc biệt. Với Bakhtin: “một lời phát biểu sống động, nảy sinh một cách có ý thức trong một thời điểm lịch sử nhất định và trong một môi trường xã hội nhất định, không thể không đụng chạm đến hàng ngàn mối dây đối thoại đã được ý thức tư tưởng – xã hội đan dệt xung quanh đối tượng của lời phát biểu ấy, không thể trở nên một thành viên tích cực của cuộc đối thoại xã hội” [11, tr104]. Todorov xem đây là nguyên lí đối thoại (dialogical principle) trong hệ thống tư tưởng Bakhtin [224], còn Holquist thì xác định rằng, với Bakhtin, tồn tại là đối thoại, ngôn ngữ là đối thoại và tính tiểu thuyết là đối thoại [211]
Từ nguyên lí đối thoại, Bakhtin tiếp cận thể loại tiểu thuyết nói chung và sáng tác của Dostoevsky và Rabelais nói riêng. Cách thức tiếp cận của ông đã mở ra một viễn tượng mới cho lĩnh vực nghiên cứu tiểu thuyết. Trong lí luận về thể loại này, ông đã xem tính tiểu thuyết (novelness) tức là tính đối thoại: “sự phát triển tiểu thuyết là quá trình khơi sâu tính đối thoại, mở rộng nó và làm cho nó ngày càng trở nên tinh tế” [11, tr128]. Với ông, tiểu thuyết đối lập với các hình thức thơ ca như sử thi, các loại thơ trữ tình bởi tiểu thuyết là nơi thể hiện tính đối thoại, trong khi những thể loại khác về cơ bản là độc thoại. Trong thể loại tiểu thuyết, ông phân biệt những kiểu loại
ít hoặc nhiều tính đối thoại. Với Bakhtin, Dostoevsky là đại diện lý tưởng nhất cho sự sáng tạo văn học có tính đối thoại bởi ông đã sáng tạo ra một loại tiểu thuyết mới:
tiểu thuyết đa thanh/phức điệu (polyphonic novel). Bakhtin quan niệm “tiểu thuyết đa thanh toàn bộ là mang tính đối thoại” [10, tr33]. Trong công trình Những vấn đề thi pháp Dostoevsky, ông dành chương đầu tiên để nói về tiểu thuyết đa thanh/phức điệu
của Dostoevsky. Đa thanh (polyphony – còn được dịch là phức điệu) có nghĩa là “tính nhiều giọng nói”. Phần lớn các lời nói của Dostoevsky, theo sự miêu tả của Bakhtin, tồn tại như những sự lặp lại, giễu nhại, biến đổi và những phương cách khác của việc chiếm hữu những kiểu lời nói đang tồn tại, những phát ngôn và những từ được kết hợp với ý thức hệ giai cấp cụ thể và mâu thuẫn xã hội cùng những địa vị văn hóa khác. Nói cách khác, mỗi diễn ngôn đều trong quan hệ tương tác với các diễn ngôn khác, và quan hệ này là bình đẳng. Bakhtin nói rõ: “Dostoevsky có thể nghe những mối quan hệ đối thoại ở khắp mọi nơi, trong tất cả các biểu hiện của cuộc sống được ý thức và có suy nghĩ. Ý thức bắt đầu ở đâu thì ở đó đối với ông bắt đầu có đối thoại” [10, tr24]. Tính đối thoại trong tác phẩm của Dostoevsky không đơn giản là lời trao – đáp được sắp đặt sáng tạo trong VB từ một ý thức duy nhất có vai trò chi phối của tác giả. Trong tiểu thuyết đa thanh/phức điệu “không một ý thức nào trở thành đối tượng từ đầu chí cuối cho một ý thức khác” [10, tr22]. Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết Dostoevsky đều có tính cá nhân cụ thể, mang ý thức độc đáo, độc lập với các ý thức khác. “Tính cá nhân” này liên quan đến thế giới quan của nhân vật, kiểu cách độc đáo của lời nói, ý thức hệ và địa vị xã hội mà nhân vật đang có, tất cả chúng được biểu hiện thông qua ngôn ngữ của nhân vật. Tức là, trong tiểu thuyết đa thanh, chúng ta không thấy một giọng nói đầy quyền uy đang thể hiện vai trò áp đảo của mình trong những mối quan hệ và những đối thoại giữa các nhân vật mà là một thế giới nơi mà mọi nhân vật, và thậm chí người trần thuật về nhân vật, đều bình đẳng, được sở hữu ý thức cá nhân của mình. Như thế, tiểu thuyết đa thanh biểu hiện một thế giới trong đó không có diễn ngôn cá nhân nào có thể khách quan đứng trên bất kì diễn ngôn nào khác; mọi diễn ngôn là sự giải thích về thế giới, đáp lại và kêu gọi