CHƯƠNG 2: THƠ MỚI – MỘT HÌNH THỨC GIAO TIẾP NGHỆ THUẬT MỚ
2.1.1.2. Khái niệm ngôn từ nghệ thuật
Ngôn từ nghệ thuật: “Khái niệm chỉ loại hình ngôn ngữ dùng để biểu đạt nội dung hình tượng của các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ (sáng tác lời truyền miệng và văn học viết). Về mặt chất liệu, các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng ở nghệ thuật ngôn từ có thể không khác gì các phương tiện từ vựng, ngữ pháp của ngôn ngữ toàn dân cũng như không khác gì các yếu tố phương ngữ, ngôn ngữ thông tục và biệt ngữ…” [70, tr. 1090 - 1091].
Trong thi học truyền thống, khái niệm ngôn từ văn học được đồng nhất với khái niệm ngôn từ thi ca (ngôn từ thi ca được hiểu theo nghĩa rộng). Từ thời cổ đại, Aristote trong công trình Nghệ thuật thơ ca đã tổng kết kinh nghiệm nghệ thuật Hy Lạp và dành nhiều chương viết (chương XIX, XX, XXI) bàn về “loại nghệ thuật mà chỉ dùng ngôn từ”, về “cách diễn đạt bằng ngôn từ” [1, tr. 82]. Có thể hình dung khái niệm thơ ca được Aristote nói tới với nội hàm rộng chỉ ngôn từ văn học với các quy tắc: Ngữ thức, âm cơ bản, vần, liên từ, danh từ, động từ, quán từ, từ cũ và câu… Vì vậy, Nghệ thuật thơ ca của Aristote đã được xem là “cẩm nang về các quy tắc sáng tác, các lời khuyên hữu ích để dạy bảo những người làm nghề sáng tác văn học” [1, tr.].
Theo G.N.Pospelop, ngôn từ nghệ thuật, ngôn từ văn học của dân tộc nào cũng nảy sinh trên cơ sở ngôn ngữ các dân tộc có các thổ ngữ địa phương vốn biểu hiện trong thực tiễn của lời nói miệng. Dần dần với trình độ phát triển tương đối cao của văn hóa dân tộc, ngôn từ văn học hình thành dưới dạng viết và diễn thuyết; theo đó, nó “đã làm giàu kho từ vựng và ngữ âm của ngôn ngữ dân tộc” [51, tr. 358].
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: “Ngôn từ văn học… không chỉ khác với lời nói tự nhiên hằng ngày, khác với các hình thức giao tiếp phi nghệ thuật khác mà cũng khác với hình thức của các nghệ thuật ngôn từ khác” [45, tr. 208].
Từ các ý kiến trên, có thể thấy mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ toàn dân và ngôn từ nghệ thuật. Theo đó có thể hiểu, ngôn từ nghệ thuật là một kiểu lời nói (hoặc viết) do nhà văn sáng tạo trên cơ sở kho tàng ngôn ngữ chung. Ngôn từ nghệ thuật là ngôn từ của tác phẩm văn học, của thế giới nghệ thuật, là kết quả sáng tạo của người nghệ sĩ.
Ngôn từ nghệ thuật được phân biệt với các loại hình ngôn từ khác như
ngôn từ thực dụng, ngôn từ khoa học...
Ngôn từ thực dụng còn gọi là ngôn từ tự nhiên, ngôn từ (ngôn ngữ) phi nghệ thuật (để phân biệt với ngôn từ nghệ thuật hay còn gọi là ngôn từ văn học) được dùng trong sinh hoạt hàng ngày, là phương tiện giao tiếp trong xã hội. Nó tuân theo chuẩn mực chung của ngôn ngữ và phụ thuộc vào ngữ cảnh cụ thể cùng các nghi thức của đời sống. Đặc trưng của nó gắn liền tính cá thể, tính cụ thể, tính biểu cảm. Tuy nhiên những tính chất này chỉ xuất hiện nhất thời không mang tính quy luật như trong ngôn từ nghệ thuật và mức độ biểu hiện của các tính chất này tùy thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp.
Ngôn từ khoa học được dùng trong lĩnh vực khoa học như sánh báo khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học, ở dạng chuyên sâu (như những phát minh, luận án) hoặc phong cách khoa học giáo khoa (như sách giáo khoa)… Ngôn từ khoa học được dùng để xây dựng các thuật ngữ, các khái niệm và kết quả khoa học, bởi vậy nó phải có tính lôgic. Văn bản khoa học thuyết phục người đọc bằng trí tuệ, bằng lý trí vì thế ngôn từ khoa học đòi hỏi tính chính xác cao, giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt thường có sự trùng khít, đảm bảo không tạo ra sự sai lệch. Tuy nhiên, tính lôgic của lời nói khoa học khác với tính lôgic của lời nói nghệ thuật. Tư duy khoa học không chấp nhận một sự
mâu thuẫn hay phi lôgic nào. Ngược lại tính lôgic trong nghệ thuật là lôgic hình tượng, chịu sự chi phối của ý thức chủ quan của tác giả. Ngôn từ nghệ thuật là một sinh thể tồn tại trong thế giới nghệ thuật, là biểu hiện đầy đủ và nổi bật nhất ngôn ngữ dân tộc, là tinh hoa của ngôn ngữ toàn dân.
Mặc dù bắt nguồn và được nuôi dưỡng từ vốn ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ tự nhiên nhưng ngôn từ nghệ thuật vẫn mang những đặc trưng riêng.