CHƯƠNG 2: THƠ MỚI – MỘT HÌNH THỨC GIAO TIẾP NGHỆ THUẬT MỚ
2.2.2. Chủ thể lời nói trong giao tiếp nghệ thuật Thơ mớ
Thơ là sự bộc lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức. Mọi biểu hiện của cuộc sống được nói đến trong thơ dù trực tiếp hay gián tiếp đều gắn với tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của nhà thơ, đều được khúc xạ qua lời nói của chủ thể
nghệ thuật. Dễ hiểu tại sao nói đến thơ người ta thường nói đến thơ trữ tình (tất nhiên trong thơ có cả loại thơ tự sự và loại thơ văn xuôi). Và nhiều người đã gọi thơ là “tiếng lòng”, “điệu hồn”, “nhịp đập trái tim”, “tiếng vang của cảm xúc”... Theo Hegel: “nguồn gốc và điểm tựa của trữ tình là ở chủ thể và chủ thể là người duy nhất mang nội dung”[66, tr.995].
Lịch sử thơ ca cho thấy, mỗi thời đại thường gắn với sự lựa chọn một kiểu trữ tình, một ý thức về sứ mệnh, vai trò của chủ thể trong quan hệ với đời sống. Ở mỗi giai đoạn mới của lịch sử, luôn có xuất hiện của những diễn ngôn mới. Đó thực chất là sự thay đổi những quy ước giao tiếp. Trong tương quan đó, mỗi nhà thơ có cách tạo diễn ngôn riêng. Theo đó, thế giới ngôn từ nghệ thuật cũng luôn chuyển động, tạo thành một lăng kính để nhìn thế giới và mở ra khả năng chiếm lĩnh đời sống của tác giả.
Xem xét tiến trình thơ ca Việt Nam từ góc nhìn loại hình nhiều nhà nghiên cứu đã cho thấy bước đi của thơ ca từ góc độ bản chất nhất. Trần Đình Sử trong chuyên luận Thi pháp thơ Tố Hữu đã khẳng định: “Hình thức thơ bao giờ cũng là một quan hệ đối với đời sống. Quan hệ ấy biểu hiện tập trung qua một kiểu tác giả trữ tình, là người mang một tư thế cảm thụ, một kiểu giao tiếp, một loại giọng điệu trữ tình” [156, tr.38].
Trong thơ trung đại Việt Nam, nhà thơ mang một tư thế trữ tình đặc trưng. Xét về tên gọi, “trữ tình” là một khái niệm hiện đại. Bản thân các nhà thơ trung đại khi muốn bộc lộ nỗi lòng mình thì họ gọi đó là “ngôn hoài”, “thuật hoài”, “ngôn chí”, “tự tình”, “mạn thuật”… Trong đó “ngôn”, “tự”, “mạn”, “thuật”… là cách trữ tình, “chí”, “tình”, “hoài”… là nội dung trữ tình. Ý thức trữ tình truyền thống là thuật, kể nỗi lòng mình, cảm xúc, chí hướng của mình. Vì vậy thơ trung đại được xem là thơ “tự tình”, thơ “ngôn chí” [159, tr. 148]. Phạm vi chủ quan trong thơ trung đại là chí hướng, hoài bão. Nhu cầu tỏ chí khiến cho “con người dù đặt tên, đặt tự đều tỏ chí, nói năng, tư
thế, động tác cũng tỏ chí, nhân vật ngoài đời và trong văn học đều tỏ chí”[159, tr. 150]. Các nhà nghiên cứu gọi kiểu trữ tình trung đại là “ngôn chí”. “Mệnh đề thơ nói chí, thơ dùng để nói chí trong văn học trung đại chính là một mã tri thức, một bộ khung để con người tư duy về thơ, một thiết chế quy định sự hình thành của chủ thể trữ tình, là một công thức điều khiển ngôn ngữ thi ca”[81]. Các nhà thơ trung đại luôn hướng về lời dạy của thánh hiền, chí của họ, đức của họ là chí, đức của bậc quân tử. Nhà thơ trung đại, vì vậy, ít có nhu cầu bộc lộ cá tính, dấu ấn cá nhân mờ nhạt. Cảm xúc trong thơ được gợi lên bằng tính khách thể: Êm ái chiều xuân tới Khán đài – Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai (Đài Khán Xuân - Hồ Xuân Hương). Cá nhân không mang giá trị tự thân mà luôn chú ý đến cộng đồng. Nhiều ý kiến gọi thơ trung đại là thơ của chữ ta là vì thế. Hình tượng chủ thể lời nói trong thơ trung đại là kiểu hình tượng “ngôn chí”.
Kiểu “ngôn chí”, “tỏ lòng” trong thơ trung đại có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa chủ thể và khách thể, tiếng nói trong thơ là tiếng nói siêu cá thể, “tiếng nói giữa trời” (Chế Lan Viên). Ở thơ trung đại, phạm vi chủ quan là chí hướng, hoài bão, nó hướng con người nhìn vào một miền lý tưởng để ngợi ca và khẳng định. Ý thức chủ quan luôn vươn tới sự hòa hợp giữa chủ thể và khách thể, những thủ pháp, kỹ thuật ngôn từ cũng nhằm hướng tới sự đồng hóa trên. Chủ thể trữ tình ít khi xuất hiện trực diện mà thường ở trạng thái vô nhân xưng dẫu tâm trạng được nói đến là của một cá nhân: “Chom chỏm trên sông đá một hòn – Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn? – Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ - Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con – Rừng cúc tiền triều trơ mốc thếch – Hòn câu Thái phó tảng rêu tròn – Trải bao trăng gió xuân già giặn – Trời dẫu già, nhưng núi vẫn non” (Chơi núi Non Nước - Nguyễn Khuyến). Bài thơ chạm khắc hình ảnh Dục Thúy sơn cùng những giai thoại xung quanh danh thắng này. Đằng sau câu chữ là tâm trạng, nỗi niềm của nhà thơ Nguyễn
Khuyến. Nhưng suốt tám dòng thơ, chủ thể không hề xuất hiện. Đây chính là bút pháp đặc trưng trong thơ trung đại. Lời thơ trở thành “tiếng nói giữa trời”. Giao tiếp nghệ thuật trong thơ, vì vậy, xuất hiện chủ yếu ở hình thức gián tiếp.
Là sản phẩm của thời đại giao lưu văn hóa và chịu ảnh hưởng của tư duy nghệ thuật hiện đại, diễn ngôn Thơ mới khác hẳn diễn ngôn thơ trung đại. Sự khác biệt này thể hiện trước hết ở tiếng nói của chủ thể. Thơ mới là tiếng nói của từng cá nhân cụ thể. Chủ thể lời nói trong Thơ mới xuất hiện “ngạo nghễ”, “không e ấp, sợ sệt” (Nguyễn Đăng Điệp). Sự xuất hiện này của chủ thể Thơ mới được khẳng định như là sản phẩm tất yếu của quá trình tiếp xúc phương Tây và là sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân. “Chủ thể xuất hiện đồng thời kéo theo một đối tượng có mặt song song với nó, làm cho sự giao tiếp thơ ca không còn trống không mà trở nên có tương tác, mất dư vị độc thoại triền miên trong “Thơ cũ”” [166, tr. 73]. Ở buổi ban đầu, chủ thể lời nói trong Thơ mới thường mang theo dáng vẻ tươi mới, nồng si. Đọc thơ Thế Lữ ta hình dung rất rõ điều đó: “Miệng hát, hai tay nhét túi quần – Tiến lên, ngửa mặt đón mưa xuân – Vui như đàn trẻ săn theo bướm – Ta mải mê theo đuổi mấy vần -… - Ta đi trong lúc cả trời xuân – Nồng say thắm nhuộm màu thi cảm – Chợt cánh hoa đào rụng dưới chân” (Mưa hoa). Niềm vui phơi phới, lòng đắm say trước cuộc đời đã tạo nên hình tượng chủ thể trong Thơ mới, tràn ngập cảm hứng tự do, muốn phá tung mọi ràng buộc để đến tận cùng thế giới: “Lòng rộng quá chẳng chịu khung nào hết – Chân tự do đạp phăng cả hàng rào – Ta mang hồn trèo lên những đỉnh cao – Để hóng gió của ngàn phương gửi tới” (Mênh mông – Xuân Diệu).
Nhu cầu biểu hiện cảm xúc, khát vọng vô biên, tuyệt đích đã mở rộng chân trời sáng tạo cho thơ ca. Quá trình này, Thơ mới đã giải phóng triệt để cá tính sáng tạo của nghệ sĩ, giải phóng cảm giác, trí tưởng tượng, giải phóng sức diễn đạt để trình bày thế giới tâm hồn như một đối tượng phức tạp, đầy bí ẩn. Nói như Phạm Văn Hạnh: “Mỗi thời đại có một thi vị, một lãng mạn riêng. Óc
người ta vẫn mơ màng cái tận mỹ. Lòng người ta còn khao khát cái vô biên”(Tiếng ngọc tiêu).
Theo Huy Cận: “Ý nghĩa cách mạng lớn về văn học của Thơ mới trước hết là ở điểm này. Tất nhiên là từ cảm xúc mới mà sáng tạo ra ngôn từ mới, sáng tạo ra các thể loại mới, hoặc cách tân các thể loại trong thơ”[13, tr. 9]. Yếu tố cốt tử ở đây chính là cảm xúc: “Có cảm xúc mới thì tất yếu có ngôn từ mới”[13, tr.9]. Tuy nhiên, chủ thể lời nói trong Thơ mới không phải là một hiện tượng thuần nhất. Trong thực tế phát triển, Thơ mới có những khuynh hướng khác nhau, ở mỗi khuynh hướng lại có những nhánh rẽ. Cũng vì vậy, hình tượng chủ thể lời nói trong Thơ mới rất phong phú: có kiểu hình tượng lãng mạn thuần túy, kiểu hình tượng lãng mạn siêu thực, kiểu hình tượng lãng mạn tượng trưng... Quan sát hành trình Thơ mới có thể nhận thấy Thơ mới Việt Nam “hấp thụ” được tinh thần của các nhà thơ lãng mạn và cả những cảm nhận “tinh vi”, “huyền nhiệm” của các thi phái tượng trưng và siêu thực phương Tây (mà chủ yếu là của các nhà thơ Pháp)... Nếu Thế Lữ là nhà thơ lãng mạn thuần túy thì Xuân Diệu đã cất lên những nốt “nguyệt cầm” tượng trưng. Huy Cận vừa lãng mạn vừa tượng trưng. Hàn Mặc Tử, Bích Khê lại vừa tượng trưng vừa siêu thực...Theo đó, thế giới ngôn từ Thơ mới cũng chuyển động liên tục. Từ lãng mạn thuần túy, tinh khiết, trong trẻo ngày đầu, Thơ mới nhanh chóng chuyển sang tượng trưng rồi siêu thực. Tuy nhiên không thể có một lát cắt rạch ròi để phân xu hướng mà đây là sự ảnh hưởng đan xen, xuyên thấm. Các nhà thơ mới đã trình bày khát vọng sáng tạo mới:
Mộng viết lên từng bản điếu tang dài
Lời văn thư kinh dị - Nghệ Thuật cười một tiếng bi ai
(Thoát duyên trần cấu – Đinh Hùng) Họ tận lực, tận hiến cho sáng tạo nghệ thuật mà đỉnh cao chính là sáng tạo ngôn từ:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút; Mỗi lời thơ đều dính não cân ta …
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết, Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh
(Rướm máu – Hàn Mặc Tử)
Nhà thơ không chỉ chú ý trút xả nguồn cảm xúc mà tạo nên những ma thuật ngôn từ gây ám gợi.
Mang trong mình mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn và chịu ảnh hưởng những của mỹ học tượng trưng, siêu thực, diễn ngôn Thơ mới đã thể hiện sâu sắc tinh thần của thời đại mới. Những “tảng băng” trong “vô thức” sáng tạo đến thời khắc này đã tan chảy, bùng vỡ một cách mãnh liệt để tạo nên những “cuộc nổi loạn ngôn từ”. Trong quá trình vận động, một mặt diễn ngôn Thơ mớichống lại diễn ngôn thơ ca trung đại như một phủ định lịch sử, nhưng mặt khác nó vẫn chịu khúc xạ của văn học trung đại và văn học truyền thống. Đó là sự khúc xạ của những trầm tích văn hóa.