Từ xung khắc đến hòa giả

Một phần của tài liệu Ngôn từ nghệ thuật thơ mới (Trang 86 - 90)

ĐẶC TRƯNG NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ

3.3.1. Từ xung khắc đến hòa giả

Khi Thơ mới xuất hiện, sự va chạm mạnh mẽ giữa tinh thần cổ điển và tinh thần hiện đại đã tạo thành mối xung đột giữa Thơ cũ và Thơ mới, một bên “giành quyền sống”, một bên “giữ quyền sống”. Lúc đầu đó là sự xung khắc quyết liệt giữa hai thời đại văn hóa, cái cũ cố thủ, cái mới tấn công nhằm bứt khỏi những khuôn mẫu vốn đã sáo mòn. Sau những cú sốc, những chao đảo thi đàn trở lại thế cân bằng. Khi cuộc tranh luận Thơ cũ – Thơ mới lắng xuống, một cuộc hội ngộ tuyệt vời diễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây, giữa Đường thi và thơ ca diễn ra.

Sự gặp gỡ giữa tư duy hiện đại phương Tây và tư duy thơ truyền thống của phương Đông đã chứng tỏ rằng: “mọi sự cách tân văn học chân chính đều phải cắm rễ sâu rất sâu vào quá khứ”(Nguyễn Đăng Mạnh), và chứng minh cho sự liền mạch của “trí nhớ của thể loại” (Bakhtrin). “Các nhà Thơ mới đua nhau học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi và sáng tạo. Họ học ở nước ngoài, họ học cả thơ cũ”[40, tr.43]. Hoài Thanh khi “tìm ảnh hưởng để chia xu hướng” [172, tr.33] đã nhận thấy hai lối thơ (thơ Đường và thơ tượng trưng Pháp) có điểm tương đồng. Phan Cự Đệ cho rằng: “Cô đọng, hàm súc đó là đặc điểm của thơ

Đường đồng thời cũng là đặc điểm của thơ tượng trưng Pháp”[39, tr.203]. Đặng Anh Đào trong Gió Đông gió Tây: ảnh hưởng và giao thoa trong văn học Việt Nam hiện đại cũng đã chỉ ra “điểm hội tụ, giao thoa của cả Đông và Tây” trong Thơ mới [35, tr. 356]…

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra điểm tiệm cận giữa thơ ca phương Đông (với đại diện là thơ Đường luật Trung Quốc) và thơ ca phương Tây (tiêu biểu là thơ tượng trưng Pháp). Song cũng phải thấy rằng, trước khi hấp thụ văn minh phương Tây, văn minh phương Đông đã ăn sâu vào tâm thức Việt Nam, “trong cái gen của họ, văn minh phương Đông đã trở thành máu thịt, từ cha ông truyền lại” (Ngô Văn Phú) dễ hiểu vì sao các nhà Thơ mới đã “đi tới thơ Đường với một tấm lòng trong sạch và mới mẻ” (Hoài Thanh). Thơ cổ điển với nội dung sâu sắc, với nghệ thuật điêu luyện trở thành nguồn nuôi dưỡng cho Thơ mới hiện đại.

Đọc thơ Quách Tấn, Hoài Thanh như bước vào “một thế giới huyền diệu” và ngỡ đâu như đón “sứ giả đời Đường, đời Tống” [172, tr.267]:

Từ Ô y hạng rủ rê sang,

Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng… Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng Bồn chồn thương kẻ nương song bạc Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng? Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi Tình hoang mang gợi tứ hoang mang…

(Đêm thu nghe quạ kêu)

Bài thơ sử dụng thi liệu quen thuộc của Đường thi (đêm thu) với những điển cố: Phong Kiều, Xích Bích, những hình ảnh đã trở thành ước lệ: nguyệt mơ màng, nương song bạc... Thơ Quách Tấn vẫn mang nhịp điệu dìu dặt, vẻ

thâm trầm của thơ Đường nhưng sự biến ảo và cái sắc vàng kia dường như mới “nhập tịch” và cái cấu trúc độc đáo này như vụt xuất hiện từ khi gặp gỡ phương Tây (Tình hoang mang gợi tứ hoang mang). Quách Tấn học cổ trên tinh thần hiện đại. Quách Tấn gần với cổ nhân phương Đông trong sự chan hòa chủ thể - khách thể. Khi hòa mình vào thiên nhiên, thi nhân lại mang vẻ trầm ngâm triết lý của một hiền nhân. Sự hài hòa Đông – Tây, kim – cổ khiến thơ Quách Tấn vừa có sự trầm mặc vừa mang vẻ huyền ảo tân kỳ của một lối tư duy mới và sự cộng hưởng của các giác quan trong cảm nhận: “Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió – Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng”(Đêm tình).

Cùng với Quách Tấn, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... cũng sáng tác những bài Thơ mới Đường luật. Thơ Huy Cận mang sự tinh tế của một lối tư duy mới, nhưng tình cảnh trong thơ ông lại đậm màu sắc Á Đông. Phảng phất trong thơ Huy Cận nhạc điệu của Đường thi. Bài Tràng giang là một ví dụ. Hai câu mở đầu: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp - Con thuyền xuôi mái nước song song” khiến ta liên tưởng tới Đăng cao của Đỗ Phủ: “Vô biên lạc diệp tiêu tiêu hạ - Bất tận trường giang cổn cổn lai” (“Lào rào lá rụng khắp cùng – Tận đâu cuồn cuộn dòng sông đổ về”- Khương Hữu Dụng dịch). Đặc biệt hai câu cuối: “Lòng quê dợn dợn vời con nước - Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

làm ta nhớ đến hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?- Yên ba giang thượng sử nhân sầu!” (“Hoàng hôn về đó, quê đâu tá? Khói sóng đầy sông những ngậm ngùi” - Khương Hữu Dụng dịch). Song tứ thơ rất mới và ngân vang nốt trầm buồn của thời đại.

Trong thơ J. Leiba “giọng Đường thi rõ rệt, mà lại nói được lòng riêng của người thời nay” [172, tr.232]. J. Leiba đã viết những câu thơ thất ngôn rất chuẩn nhưng tinh thần thì rất hiện đại. Ví dụ bài Mai rụng:

Nụ hồng rải lối, liễu tơ phai Vườn cũ rêu lan, cỏ mọc dài.

Bên gốc mai già, xuân vắng vẻ Âu sầu thiếu nữ khóc hoa mai...

Tiếp thu phương Đông, nhưng Thơ mới đã thoát ra khỏi sự mực thước, đoan trang, thoát ra khỏi sự u trầm, thanh tao mà lặng lẽ của Đường thi để tạo cho chiếc áo ngôn từ một dáng vẻ trẻ trung, tươi mới, hiện đại. Những bài thơ như thế này chỉ có thể là sản phẩm của Thơ mới:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.

(Bẽn lẽn – Hàn Mặc Tử)

Vầng trăng lặng lẽ, trầm tư của thơ cổ đã biến thành “nàng trăng” gợi cảm, tình tứ của Thơ mới. Thiên nhiên muôn đời vẫn vậy. Cái mới ở đây là mới ở cảm nhận của thi nhân. Luồng gió lãng mạn phương Tây đã thổi vào tâm hồn Á Đông của các thi sĩ thơ mới, làm xuất hiện những cách nhìn, cách cảm mới. Và, đúng như tuyên ngôn của các nhà thơ mới: “Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng” (Văn Lực); “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới” (Lưu Trọng Lư) Thơ mới đã mở rộng cánh cửa nghệ thuật, tiếp nhận và giao hòa các nguồn mạch tưởng chừng như đối lập.

Trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu được đánh giá là người “mới nhất”, “Tây nhất” trong các nhà thơ mới(Hoài Thanh). Xuân Diệu mới ở tư duy thơ, mới ở cách diễn đạt. Dù vậy, thơ Xuân Diệu vẫn có những nét quen thuộc của Đường thi. Có thể tìm thấy ảnh hưởng của thơ Đường, thơ Pháp trong thơ Xuân Diệu. Sự kết hợp này có thể thấy ngay trong một bài thơ. Bài

Ý thu của Xuân Diệu có những câu rất mới: “Hôm nay tôi đã chết trong người – Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi”. Nhưng cũng trong bài thơ này có hai câu: “Bông hoa rứt cánh rơi không tiếng – Chẳng hái mà hoa cũng hết dần” rất

gần gũi với hai câu thơ Đường của Vi Thừa Khánh trong bài Nam hành biệt đệ (Đi Lĩnh Nam từ biệt em): “Lạc hoa tương dữ hận – Đáo địa nhất vô thanh” (Hoa rụng như cùng hận – Lìa cành không tiếng chi – Khương Hữu Dụng dịch ). Có khi ảnh hưởng của thơ Đường và thơ Pháp nằm ngay trong một khổ thơ. Trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, ở khổ thứ hai, ba câu đầu rất Tây: “Hơn một loài hoa đã rụng cành - Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh - Những luồng run rẩy rung rinh lá”. Câu thứ tư lại mang nét chấm phá như bức tranh thủy mặc Trung Quốc:“Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh”. Hay trong bài Nguyệt cầm, có những câu mượn lối diễn đạt của thơ Pháp: “Linh lung bóng sáng bỗng rung mình”, “Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi.. ” nhưng ý thơ lại phảng phất câu thơ của Lý Bạch trong bài Ngọc giai oán: “Khước há thủy tinh liêm – Linh lung vọng thu nguyệt”.

Trong cuộc cách tân thơ ca đầu thế kỷ, các nhà thơ mới đã tiếp nhận thơ Pháp và tiếp thu thơ Đường làm nên cuộc cách mạng thơ ca trong lịch sử dân tộc. Hai nguồn thi cảm ở hai phương trời, hai khoảng cách xa nhau vời vợi không phủ định nhau mà trở về hội tụ trong Thơ mới góp phần tạo nên vẻ đẹp cho thế giới nghệ thuật Thơ mới, tạo nên một hình thức ngôn từ mới.

Một phần của tài liệu Ngôn từ nghệ thuật thơ mới (Trang 86 - 90)