TỔ CHỨC VĂN BẢN NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ
4.3.3. Tổ chức bài thơ theo dòng tự sự
Đây là kiểu tổ chức bài thơ theo lối kể chuyện gắn với dòng sự kiện. Hiển nhiên là thơ, bài thơ vẫn phải tuân theo dòng cảm xúc, nhưng là cảm xúc sự kiện. Chính vì vậy kiểu kết cấu sự kiện rất dễ nhận ra (nhưng cũng dễ bị nhầm với kết cấu dòng cảm xúc). Kiểu kết cấu này có ưu thể nổi trội trong tổ chức của những bài thơ dài song nếu người làm thơ non tay thơ sẽ dễ thành vè, thành diễn ca.
Kiểu kết cấu này khá phổ biến trong ca dao. Bài Mười cái trứng (ca dao Bình Trị Thiên) là một ví dụ. Bài ca là lời trần tình của người nông dân ở vào thời điểm giáp hạt. Ngay lớp sự kiện đầu tiên, bài ca nói đến thời điểm đầy khó khăn trong đời sống người lao động. Với nhiều người thì “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, nhưng với người nông dân đây lại là thời điểm khó khăn nhất. Những tháng ngày khốn khó ấy cứ bò đi chậm chạp: “Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn…” đeo bám lấy họ, đến nỗi họ phải bật lên: “Tháng khốn, tháng nạn” (còn trong lịch tiết chắc chắn không có tháng nào tên vậy). Lớp sự kiện thứ hai kể về hướng giải quyết tạm thời của người nông dân: “Đi vay đi dạm được một quan tiền”. Chi tiết này chứng tỏ hai điều: thứ nhất, những người bạn của họ cũng đang trong cảnh khốn khó, song chính trong hoàn cảnh ấy ta càng trân quý sự cảm thông, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ; thứ hai, nó chứng tỏ sự thông minh của người lao động, trong cái khó đã “ló cái khôn”. Với số tiền ít ỏi ấy họ đã có một quyết định sáng suốt: “Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái”. Quả thật: “Về nuôi, hắn đẻ ra mười cái
trứng”. Có thể hình dung mười quả trứng kia là mười tia hy vọng, nó mang theo bao nhiêu lo âu, hồi hộp, phấp phỏng, mong chờ... Lớp sự kiện thứ ba:
Kết quả. Sau thời gian chờ đợi một ngày kia họ quyết định ra kiểm tra. Họ cầm những tia hy vọng trên tay, nâng niu, ngắm nghía… Những tia hy vọng dần vụt tắt: “Một trứng: ung - Hai trứng: ung - Ba trứng: ung...” đến “Bảy trứng: ung”. Song họ chưa hết hẳn hy vọng bởi: “Còn ba trứng nở ra ba con”. Câu thơ cũng như dài ra, cấu trúc câu thay đổi như nối dài hy vọng. Nhưng kết quả cuối cùng thật phũ phàng và bi đát: “Con: diều tha - Con: quạ quắp - Con: mắt xơi”. Hai câu cuối của bài thơ là một cặp lục bát làm thay đổi hẳn mạch thơ: từ tự sự chuyển sang trữ tình. Đằng sau lớp sự kiện là tâm tình, là lời nhắn gửi của người lao động: “Chớ than phận khó ai ơi - Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Ngôn ngữ giản dị và lối kết cấu độc đáo bài ca đã có sức sống lâu bền trong lòng dân gian.
Kiểu tổ chức bài ca này có lần xuất hiện trong Thơ mới. Bài Vắng khách thơ của Lưu Trọng Lư: “Rồi ngày lại ngày - Sắc màu: phai - Lá cành: rụng - Ba gian: trống - Xuân đi - Chàng cũng đi - Năm nay xuân trở lại - Người xưa không thấy tới...” song không mấy ấn tượng. Điều đó cho thấy, kế thừa phải trở thành một tiêu chuẩn nghệ thuật, sự lặp lại một cách máy móc sẽ tự nó là lời cáo chung. Quá trình sáng tạo, những bất ngờ vụt đến. Trong lối kể chuyện đậm chất trữ tình của Lưu Trọng Lư, Nắng mới là một đặc sắc. Bài thơ như một lời tâm sự, một cuộc trò chuyện. Mạch kể chuyện bộc lộ qua một chuỗi các dấu hiệu ngôn từ chỉ thời gian trần thuật: “mỗi lần”, “thuở thiếu thời”, “lúc người còn sống”, “lúc vào ra”, “tôi nhớ me tôi”... Câu chuyện về mẹ, về tôi thuở thiếu thời được gợi nhớ từ một sắc nắng vàng tươi, một hình tượng xác thực: nắng mới. Mạch cấu tứ bài thơ cứ tuôn theo dòng hồi tưởng: từ một điểm gợi hứng ở hiện tại (nắng mới) nhớ về dĩ vãng xa xưa. Ánh nắng cứ trở đi trở lại: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song – Xao xác, gà trưa gáy não nùng -
Lòng rượu theo thời dĩ vãng - Chập chờn sống lại những ngày không”. Qua lời kể chuyện, thế giới tâm hồn nhà thơ hiện lên một cách cụ thể với các trạng thái tình cảm. Theo dòng hồi tưởng, bài thơ như thước phim quay chậm. Trong cái lung linh của nắng mới, “ hình dáng me tôi chửa xóa mờ”, là “nét cười đen nhánh sau tay áo” của me. Kết cấu giản đơn, không nhiều hình ảnh nhưng bài thơ có sức lan tỏa trong lòng người đọc, gợi lên niềm đồng vọng sâu xa ở nhiều bạn đọc bởi một lẽ giản dị: nó chạm tới những tình cảm thiêng liêng, ấm áp nhất trong mỗi con người.
Trong nhiều lối kể chuyện của Thơ mới, Tế Hanh là người kể chuyện khá duyên. Khi Tế Hanh bước vào làng thơ, Thơ mới đã đi qua một chặng đường dài từ lãng mạn qua tượng trưng, siêu thực và những ngả rẽ xa xôi. Nhiều ốc đảo Thơ mới hình thành, đẩy nhà thơ xa rời, tách biệt với đời sống. Từng có ý kiến cho rằng, Thơ mới là “tiêu cực”, “thoát ly cuộc sống” thì sự xuất hiện của thơ Tế Hanh (và thơ của nhiều nhà thơ mới khác) lại như một sự khẳng định tính hiện thực của Thơ mới. Bằng lời lẽ giản dị, cảm nhận tinh tế, hiện thực đời sống đã ùa vào thơ Tế Hanh một cách nhẹ nhàng như chính sự hiện hữu của nó. Tế Hanh đã “tìm về, neo lòng mình trong đời thực, nơi làng quê gốc rễ của mình” [92, tr 16]. Ông viết về quê hương, về con đường quê, về cha, mẹ, về kỉ niệm tuổi học trò… Mạch kể chuyện trong thơ Tế Hanh thường bắt đầu bằng dòng hồi tưởng. Mạch hồi tưởng này tạo nên dấu ấn riêng cho bài thơ, nó như khắc sâu điểm thức trong kí ức tinh của nhà thơ đồng thời tính sự kiện của câu chuyên khá rõ. Bài thơ Quê hương rất tiêu biểu cho lối kể chuyện của Tế Hanh. Dấu ấn của truyện hiện lên ngay dòng đầu tiên của bài thơ:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Câu thơ hồi tưởng cũng là lời giới thiệu của Tế Hanh về quê hương mình. Cách nói trực tiếp, không màu mè bóng bẩy. Từ trong kí ức nhà thơ quê hương hiện lên ở cự ly gần nhất, chân thực, sinh động:
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã
Phăng mái chèo vội vã vượt trường giang Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Trong mỗi lời kể trào dâng niềm xúc cảm, tự hào của nhà thơ. Tính sự kiện của câu chuyện khá rõ.
Trong Thơ mới, nhiều bài thơ tổ chức theo dòng tự sự gây được những ấn tượng rất riêng như: Ngày xưa còn nhỏ, Bóng mây chiều (Thế Lữ); Sơn Tinh Thủy Tinh, Chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp); Hai sắc hoa ti-gôn
(T.T.KH); Bao nhiêu đau khổ của trần gian trời đã dành riêng để tặng nàng, Mười hai bến nước, Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính); Vườn cũ nào đâu, cô hái dâu?, Trở lại đồng quê (Bàng Bá Lân), Chiếc nón Huế (Nguyễn Thị Thiếu Anh); Tuổi xuân (Đông Hồ)...
Có thể nói, kiểu tổ chức bài thơ theo dòng tự sự đã gia tăng của yếu tố tự sự vào thơ phá vỡ ranh giới thể loại đồng thời mở rộng khả năng phản ánh và phạm vi chiếm lĩnh đời sống của Thơ mới.
Sự đa dạng của các kiểu tổ chức bài thơ khiến Thơ mới như một dàn đồng ca của muôn ngàn tâm trạng cá biệt, cụ thể hiện hữu một cách tự do, phóng khoáng. Quá trình giải mã nó là quá trình đi tìm cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ trong tính toàn vẹn, tính chỉnh thể.
Tiểu kết
Văn bản nghệ thuật không phải là một số cộng đơn thuần của các yếu tố. Nó là một chỉnh thể sống động, biểu hiện qua các bình diện: ngữ âm, ngữ nghĩa…, trên nhiều cấp độ: từ tổ chức bộ phận đến tổ chức toàn văn bản. Một mặt, nó là sự hiện thực hóa tư tưởng của người nghệ sĩ; mặt khác, nó chính là “sợi dây nối buộc dẫn từ lịch sử xã hội đến lịch sử ngôn ngữ” (M. Bakhtin).
Luận án đã lựa chọn và khai thác một số bình diện tiêu biểu trong tổ chức văn bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới như từ ngữ, cú pháp và tổ chức bài thơ. Từ sự phân tích, so sánh cấu trúc nội tại của Thơ mớiqua hệ thống từ ngữ, tổ chức câu thơ, tổ chức bài thơ, luận án đi đến sự khẳng định: Thứ nhất, sự thay đổi trong tổ chức văn bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới, trước hết, diễn đạt sự đổi thay trong thế giới tinh thần của các nhà thơ mới, là sự vận động tự thân của tổ chức ngôn ngữ trong hoàn cảnh mới; Thứ hai, sự phá vỡ hàng loạt những nguyên tắc và quy phạm trong thơ cũ, sự xuất hiện của những hình thức tổ chức ngôn từ mới với những bứt phá mới chứng minh tính năng động và hướng mở trong sáng tạo ngôn từ nghệ thuật Thơ mới; Thứ ba, sự đổi mới trong tổ chức văn bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới là sự biến đổi về chất, là sự thay đổi theo hướng hiện đại từ trong chính sinh thể nghệ thuật. Song, về cơ bản, tổ chức văn bản nghệ thuật Thơ mớilà sự tiến triển trên cơ sở của thi học truyền thống, sự gặp gỡ đúng lúc kịp thời với thi học phương Tây. Bằng tài hoa, sự thông minh, các nhà thơ mới đã tiếp nhận và tiếp biến để làm nên “một thời đại thi ca”. Kết quả là Thơ mớihiện đại mà vẫn rất truyền thống, rất dân tộc. Sức mạnh và sự trường tồn của Thơ mới chính là ở đó.
KẾT LUẬN