ĐẶC TRƯNG NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ
3.2.2. Tiếp thu những sáng tạo ngôn ngữ thơ trữ tình trung đạ
Khác với thơ ca trữ tình dân gian vốn là sản phẩm tinh thần của tập thể và mang đậm yếu tố khẩu ngữ, thơ ca trữ tình trung đại là sản phẩm tinh thần của một cá nhân. Tuy nhiên, vì lí do chính trị, lí do lịch sử, ngôn ngữ mang tính quan phương thời trung đại là chữ Hán. Không chỉ sử dụng ngôn ngữ Trung Hoa, thơ trung đại Việt Nam cũng mang những đặc trưng tiêu biểu của thơ ca Trung Hoa cổ đại với tính quy phạm cao, tính sùng cổ và ưa dùng điển tích.
Các nhà thơ trung đại sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Trải qua quá trình phát triển, giao lưu và tiếp biến, từ cuối thế kỷ XVIII, diện mạo ngôn ngữ thơ trung đại đã có những thay đổi. Bên cạnh thành tựu của thơ ca chữ Hán, thơ Nôm phát triển rực rỡ. Cùng với ý thức dân chủ, tinh thần tự tôn dân tộc là ý thức dùng chữ Nôm trong hành chính quan phương. Trong sáng tác văn học, ý thức ngôn ngữ thể hiện ngày càng rõ rệt. Chữ Hán không còn giữ vị thế độc tôn. Lời nói thông tục, dân dã đã đi vào thơ. Thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ… đã chứng minh điều đó.
Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nhận thấy ý thức ngôn ngữ của tác giả thể hiện khá rõ. Bàn về Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu đã dùng đến không biết bao nhiêu giấy bút. Chúng tôi xin dừng lại lâu hơn ở hai câu cuối. Sau thiên truyện đồ sộ với 3252 câu lục bát, Nguyễn Du đã hạ hai câu kết: “Lời quê chắp nhặt dông dài – Mua vui cũng được một vài trống canh” (câu 3253 và 3254) [28, tr.298]. Theo công thức thì: “Ở thơ trung đại, câu kết thường là câu nghị luận, bày tỏ quan điểm… đọng lại thành các chí hướng, hoài bão cuối bài” [159, tr.151- 152]. Lời kết của Truyện Kiều không theo lệ thường ấy. Từ phía người đọc có lẽ bất kỳ ai cũng nhận thấy sự khiêm nhường trong cách nói của tác giả. Còn về ý hướng nghệ thuật, phải chăng nhà thơ muốn bày tỏ khát vọng, sự chưa hài lòng với công trình của mình dù nó đã hoàn tất? Xét kĩ thì điều này hoàn toàn nằm trong ý thức “xưng hô tôn khiêm” của các nhà nho. Ở một khía cạnh khác, câu kết bộc lộ rõ ý thức ngôn ngữ của Nguyễn Du, “ý thức thực sự muốn gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”[122, tr 261]. Bởi vậy, “Nói Nguyễn Du, nhà nghệ sĩ ngôn từ chính là nói đến cách ứng xử nghệ thuật của ông đối với ngôn ngữ dân tộc và hiệu quả của nó. Đây chính là phương diện đặc biệt có ý nghĩa đối với việc sáng tạo ngôn ngữ trong thi ca nói
chung mà Nguyễn Du là một tấm gương chói lọi đánh dấu sự thăng hoa và chín muồi của ngôn từ nghệ thuật dân tộc”[169, tr 312].
Trong các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo, từng gây nên những tranh luận. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng danh vị “chúa thơ Nôm” của Hồ Xuân Hương, tiền nhiệm và kế nhiệm bà khó có thể thay được. “Bà chúa thơ Nôm” đã truyền điện, truyền lửa cho những từ ngữ đời thường khiến nó trở nên sống động, cựa quậy. Ngôn từ thơ vốn đa nghĩa, ngôn từ thơ Hồ Xuân Hương càng nhiều tầng nghĩa hơn. Ngôn từ thơ Hồ Xuân Hương “tiếp nhận của ngoại vật một phần, rồi nhào nhuyễn với của mình và tạo ra một sản phẩm mới, khác” [26, tr 327]. Hãy lắng nghe Xuân Hương kể chuyện Tát nước:
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè, Rủ chị em ra tát nước khe
Lẽo đẽo chiếc gàu ba góc chụm Lênh đênh một ruộng bốn bờ be. Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve Mải việc làm ăn quên cả mệt Dạng hang một lúc đã đầy phè
Toàn bài thơ gợi lên một thực tế: nắng đã lâu mà không có mưa, chị em rủ nhau ra tát nước. Công việc ấy rất quen thuộc với phụ nữ thôn quê xưa. Nhưng có lẽ phải đến lúc Xuân Hương vịnh Tát nước, ta mới cảm nhận được sự vĩ đại của công việc bình thường ấy. Toàn bộ sự việc được “nấu bằng chất liệu tầm thường nhất, thô kệch nữa”[26, tr.327] với hàng loạt khẩu ngữ: nắng cực, chửa mưa tè, nước khe, lẽo đẽo, lênh đênh, xì xòm, nghiêng ngửa, nhấp nhổm, đít vắt ve, dạng hang, đầy phè. Từ một hiện tượng tự nhiên mang tính bất thường - nắng hạn kéo dài chẳng có lấy một cơn mưa, Hồ Xuân Hương hạ
câu thơ: Đang cơn nắng cực chửa mưa tè. Có lẽ chỉ có Hồ Xuân Hương mới dám nói như vậy với Ngọc Hoàng thượng đế chí tôn. Và bởi nắng hạn nên phải đi chống hạn. Đội quân chống hạn là những người đàn bà nước Nam. Hình ảnh họ được tái hiện sinh động: Lẽo đẽo chiếc gàu ba góc chụm - Lênh đênh một ruộng bốn bờ be. Họ mang theo dụng cụ lao động, đến nơi họ phải be bờ. Sự việc cứ thế tuần tự diễn ra và có lẽ chẳng có gì đáng nói. Nhưng khi việc tát nước bắt đầu thì hình ảnh, âm thanh dội vào câu thơ thật lạ, đầy sức gợi, đằng sau mỗi chữ như hiện lên nụ cười hóm hỉnh của Xuân Hương nữ sĩ:
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa. Gàu nước được múc lên, đổ xuống ruộng kêu xì xòm, sau động tác đổ nước chiếc gàu không lại được thả xuống khe, xuống đến nước lại kêu xì xòm. Mỗi lần múc nước lên, đổ nước xuống người tát nước lại nghiêng, lại ngửa tạo thế cân bằng. Trạng thái ấy diễn ra liên tục khiến ta có thể hình dung tinh thần làm việc của những phụ nữ nông thôn. Phải chăng thực tế ấy đã khiến “bà chúa thơ Nôm” nảy lên câu tiếp theo:
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve. Quả là hình ảnh ngôn từ đầy ấn tượng, rất sinh động và cũng rất đời thường. Tinh thần lao động hăng say, tư thế lao động khỏe khoắn, vững chãi để “thay trời làm mưa”. Qua hình ảnh người phụ nữ tát nước, ta như thấy được tinh thần “đội đá vá trời” của Nữ Oa xưa. Và hiệu quả công việc đã kết đọng trong hai câu thơ cuối một cách tự nhiên: Mải việc làm ăn quên cả mệt - Dạng hang một lúc đã đầy phè. Đóng góp lớn của Hồ Xuân Hương như nhận xét của Xuân Diệu là: “làm cho chữ “nôm na” không đồng nghĩa với “mánh qué” nữa mà nôm na đồng nghĩa với thuần túy, trong trẻo, tuyệt vời” [26, tr315].
Cùng với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương đã chuẩn bị cho một cuộc đổi mới về thơ. Bước ra từ thế giới văn chương khoa cử đoan trang, mực thước, công thức, ước lệ, thơ Yên Đổ, Tú Xương đầy thâm thúy, ngang tàng, phóng túng. Trong dòng chảy chung diễn ngôn trữ tình “điệu
ngâm” trung đại Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương đã mang dấu hiệu của trữ tình “điệu nói”. Câu thơ vượt ra khỏi quy phạm thơ trung đại, mất dần tính độc lập, khép kín mà dàn trải ở nhiều dòng thơ. Cảm xúc của chủ thể trữ tình được thể hiện một cách tự nhiên, thoải mái. Ngôn từ thơ mang đậm chất “điệu nói”. Chẳng hạn: “Một trái trăng thu chín mõm mòm – Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom” (Trăng thu - Hồ Xuân Hương), “Nghĩ đời mà lại ngán cho đời – Co cóp làm sao được với trời” (Ngẫu hứng – Nguyễn Khuyến), “Gớm ghê cho những cô con gái – Mà vẫn đua nhau lấy các thầy” (Mồng hai tết, viếng cô Ký – Tú Xương)… Mặc dù có những cách tân, nhưng ngôn ngữ thơ Việt Nam đến Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương vẫn nằm trong phạm trù trung đại. Song ý nghĩa của sự đổi thay đó vô cùng lớn lao. Các nhà thơ mới đã tiếp nhận tinh thần đổi mới ấy. Nguyễn Bính tự nhận là “học trò nhỏ” của Nguyễn Du. Bích Khê không ít lần gặp Hồ
Xuân Hương trong mộng: “Đêm nay nửa gối nghiêng nghiêng mộng – Muôn
dặm người xa đã thấy về - Xanh liễu ngoài song vừa đổi biếc – Màu thi sắc lá đọ dung nghi” (Hồ Xuân Hương – Bích Khê). Trong nguồn thơ của Xuân Diệu, trong nét nhí nhảnh của Hoa đêm: “Thoảng tay tình gió vuốt bỗng lao đao - Hương hiu hiu nên gió cũng ngạt ngào” phảng phất âm hưởng của câu thơ Nguyễn Khuyến: “Gió hây hẩy nức mùi hương xạ - Nhác trông lên vách phấn đã đôi bài – Thơ ai xin họa một vài” (Chơi Tây Hồ)…
Đến Thơ mới, hình thức ngôn ngữ điệu nói đã rõ ràng hơn. Ý thức sáng tạo ngôn ngữ thơ điệu nói không chỉ xuất hiện trong một số cây bút như của thơ trung đại mà trở thành một trong những đặc trưng của phong trào Thơ mới. Có thể tìm thấy rõ dấu hiệu của ngôn ngữ điệu nói trong sáng tạo ngôn từ Thơ mới. Bên cạnh việc sử dụng khẩu ngữ, các nhà thơ mới sáng tạo ngay trên chất liệu ngôn thơ trung đại.
Nhiều từ ngữ trong thơ trung đại được sáng tạo lại và mang dáng vẻ mới. Có một điều khá lý thú, khi chúng tôi tiến hành thống kê trong các lớp từ ngữ sử dụng trong 168 bài thơ được Hoài Thanh tuyển trong Thi nhân Việt Nam
[172], kết quả như sau: các từ ngữ dân gian xuất hiện 122 lần, số từ Hán Việt là 330, số từ hiện đại là 59. Khảo sát trong lớp từ Hán Việt đễ nhận thấy nhiều từ đã được “tái cấu trúc” và mang sắc thái mới. Ví dụ bài Dương liễu tân thanh
của Mộng Tuyết. Bài thơ sử dụng rất nhiều từ Hán Việt như: dương liễu, tân thanh, lai, liễu, tơ sầu, lệ, ngùi ngậm, tàn xuân, thương tâm, biệt ly, danh sĩ, buồng the. Sự xuất hiện của những từ ngữ này, khi đặt cạnh nhau, tự nó đã gợi lên hình ảnh người con gái nơi buồng the với tâm trạng nhớ nhung sầu muộn. Bài thơ đúng là diễn đạt ý đó, là nỗi “nhớ nhung bát ngát” (Hoài Thanh) của người con gái đang yêu, đang đắm chìm trong sầu nhớ. Nhưng đó không phải là tâm trạng của khuê nữ nơi khuê phòng nữa mà là tâm trạng của cô gái thời Thơ mới. Bài thơ không mang âm điệu ngâm nga như trong thơ trung đại mà biểu hiện rất rõ dấu hiệu của trữ tình điệu nói: “Bên đường qua, lai bao nhiêu khách – Riêng bẻ cành xuân đưa tặng nhau – Sung sướng Giang Nam chàng với ngựa – Tháng ngày bóng liễu rũ tơ sầu”. Từ ngữ trong bài thơ không mang tính ước lệ như thơ trung đại nữa. Bài Anh biết em đi… của Thái Can lại là sự đan xen giữa ngôn ngữ thơ trung đại với khẩu ngữ khiến câu thơ vừa trang trọng vừa rất gần gũi: “Anh biết em đi chẳng trở về - Dặm ngàn liễu khuất với sương che – Em đừng quay lại nhìn anh nữa – Anh biết em đi chẳng trở về”.
Đi tìm ảnh hưởng của thơ trung đại đến Thơ mới, chúng tôi đồng thời nhận diện sự vận động của ngôn ngữ thơ Việt Nam. Có thể thấy, từ thế kỷ XVIII ngôn ngữ thơ Việt Nam đã chuyển động dần từ công thức, ước lệ sang hướng giản dị, dân giã, gia tăng yếu tố hiện thực và chất “điệu nói”. Song sự đổi thay ấy chưa đủ sức để trở thành một phong trào. Phải đến thế kỷ XX, khi gặp làn gió phương Tây, ý thức cách tân và nhu cầu đổi mới ngôn ngữ Thơ
mới thực sự trở nên thôi thúc mà kết quả là mùa thơ bội thu đầu tiên theo hướng hiện đại của Thơ mới.