Tiếp nối và phát triển ngôn ngữ thơ trữ tình dân gian

Một phần của tài liệu Ngôn từ nghệ thuật thơ mới (Trang 70 - 77)

ĐẶC TRƯNG NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ

3.2.1. Tiếp nối và phát triển ngôn ngữ thơ trữ tình dân gian

Theo Hegel: “thơ dân gian xem như một trong những dạng thức chính của thơ trữ tình” [66, tr. 1002]. Bộ phận có tính chất trữ tình này, như giới thuyết của Cao Huy Đỉnh gồm có: những bài thơ ngắn thường được gọi là ca dao trữ tình; những bài dài gọi là vè trữ tình, những bài dài hơn gọi là khúc ngâm [41, tr. 238 -239]. Có thể nói thơ ca trữ tình dân gian mà nhìn rộng ra là nghệ thuật ngôn từ dân gian Việt Nam chính là kho tàng lưu giữ một phần quan trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nảy sinh và phát triển từ đời sống của nhân dân, gắn liền với cuộc sống, chiến đấu và lao động, ngôn ngữ thơ trữ tình dân gian là kết tinh của tiếng nói hàng ngày và chất thơ của đời sống. Chính vì vậy, ngôn ngữ thơ trữ tình dân gian vừa mang sự giản dị của ngôn ngữ khẩu ngữ, vừa có sự sâu sắc, tinh tế của ngôn ngữ thơ. Bài ca sau là một ví dụ: “Nạ dòng vớ đuợc trai tơ – Đêm nằm hí hửng như mơ được vàng”. Bài ca không mỹ miều bóng bẩy, ngôn từ không có dấu vết của sự gia công nhưng khả năng biểu hiện của nó vô cùng lớn. Qua ngôn từ, có thể dễ dàng nhận ra chủ thể trữ tình là người phụ nữ đã có chồng mà dân gian gọi là “nạ dòng”. Đối tượng kết hôn lần này của chị chưa từng kết hôn lần nào, dân gian gọi là “trai tơ”. Lần tái hôn này, chị “nạ dòng” đã may mắn được kết hôn với anh “trai tơ”. Tác giả dân gian đã dùng từ “vớ được” để diễn tả sự may mắn tình cờ ấy. Ở đây muốn nói rằng, chị không hề chủ định đi tìm hạnh phúc mới mà hạnh phúc đến với chị một cách tự nhiên bất ngờ, thậm chí là không ngờ. Song nếu chỉ có thế, lời thơ cũng không có gì phải bàn. Điều đáng nói là cách ứng xử, cách thể hiện tâm trạng

của người phụ nữ kia. Sự chắt lọc của ngôn từ dân gian khiến mỗi câu chữ đều có giá trị riêng. Ngay hai chữ đầu tiên của dòng thơ sau: “đêm nằm” đã thật đắc địa, cho thấy chị “nạ dòng” đã chọn một thời gian, một không gian thích hợp để nhâm nhi cái hạnh phúc may mắn tình cờ có được. Trong sự bao bọc của màn đêm, chị không cần phải che giấu tâm trạng của mình nữa. Niềm vui lộ rõ trên gương mặt của chị. Sự lựa chọn thời điểm để bộc lộ tâm trạng cho thấy chị là người rất tinh tế, sâu sắc và biết lo xa. Bởi chỉ một sự thể hiện lộ liễu thái quá biết đâu hạnh phúc của chị sẽ tan vỡ. Có ai đó đã hát rằng: “Trai tơ lấy phải nạ dòng – Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”. Có thể chỉ là lời bông đùa (chưa cần nói là có ác ý) cũng sẽ làm người chồng trẻ kia dao động và biết đâu hạnh phúc của chị sẽ tan vỡ. Nên dù “hí hửng”, người phụ nữ ấy cũng rất ý thức. Cuộc đời đã cho chị hiểu lẽ này: hạnh phúc vốn rất mong manh. Hạnh phúc của chị càng mong manh. Bài ca cũng không ngẫu nhiên đặt ở đây một phép so sánh. Hạnh phúc của chị giống như mơ mà điều mơ thấy lại càng mong manh: “như mơ được vàng”. Bài ca giản dị mà thấm đẫm tâm trạng.

Cất lên từ đời sống của người lao động, thơ ca trữ tình dân gian có cái chất khỏe khoắn, rắn chắc, tính kiên định, lòng dũng cảm, sự tự tin của chủ thể trữ tình trong chinh phục tự nhiên, trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Tình cảm lành mạnh, hồn nhiên của nhân dân được thể hiện trong lối hát, lối kể, âm điệu, ngôn ngữ, kết cấu quen thuộc. Những giai điệu quê hương vang lên, lan đi và trải rộng khắp nơi suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ở đâu có sự sống, có con người lao động, có làng xóm thân yêu, có đồng ruộng, có bãi đồi, sông nước… ở đó có tiếng hát, lời ca… Hồn nhiên và giản dị, gần gũi và thân quen, thơ ca dân gian đã lắng sâu vào tâm hồn mỗi người Việt khiến họ nhớ, họ thuộc và có lẽ những câu như thế này ai đó chẳng từng một lần hát:

- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Đêm quên giấc ngủ, ngày mơ tiếng cười. - Nhớ ai sớm đợi mai chờ

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?

Câu ca dù sinh ra ở đâu, lúc nào, trong hoàn cảnh nào cũng mang sẵn trong ý tứ, trong lời nói những nét chung nhất của con người Việt Nam với niềm vui, nỗi buồn, với nghĩa tình và ước vọng, bằng hơi thở và tiếng nói thân quen... Trong bầu khí quyển ấy, thơ ca trữ tình dân gian luôn gắn kết giữa đặc điểm vùng miền với đặc tính dân tộc. Bài ca dân gian luôn là niềm tự hào của người Việt Nam yêu làng, yêu nước:

Giếng làng ta vừa trong vừa mát Đường làng ta lắm cát dễ đi

Quê hương bình dị của người Việt Nam gắn liền với hình ảnh “giếng nước, gốc đa”, “bờ tre, mái rạ”... Tình yêu bắt đầu từ đó, niềm vui, nỗi buồn cũng bắt đầu từ đó… Từ tình cảm mang tính phổ quát ấy, ở mỗi miền quê, con người Việt Nam lại cất lên lời ca chan chứa yêu thương, tự hào về vùng đất quê mình:

-Giếng Thổ Hà vừa trong vừa mát Đường Thổ Hà lắm cát dễ đi

-Giếng Trịnh Thôn vừa trong vừa mát Đường Trịnh Thôn lắm cát dễ đi

Vốn ngôn từ thơ ca vô cùng giàu đẹp của nhân dân được đúc kết qua hàng hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước đã trở thành nguồn thơ dân tộc, là “bầu sữa ngọt nuôi dưỡng tâm hồn và nghệ thuật” dân tộc. Các nhà thơ lớn của chúng ta từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đến Tố Hữu… cùng nhiều thế hệ nhà thơ Việt đã trưởng thành từ nguồn nuôi dưỡng ấy. Trải qua những thời kỳ phát triển, cơ tầng văn hóa có thêm những lớp phủ mới,

văn hóa dân gian đã chứng minh sức mạnh và ưu thế của nó. Một nghìn năm Bắc thuộc và một nghìn năm phong kiến tự chủ đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tinh thần Việt Nam. Mặc dù thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, văn học, Việt Nam vẫn chứng tỏ một nội lực mạnh mẽ.

Lịch sử văn học là lịch sử tâm hồn của một dân tộc. Điều đó, trước hết đúng với thơ ca dân gian. Chính thơ ca dân gian đã tạo ra những hằng số văn hóa, mang đậm cách cảm, cách nghĩ của nhân dân. Đến với thơ ca dân gian là hấp thụ “những tinh hoa của trí tuệ nhân dân, đó cũng là một năng lực của nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật đầy cam go của mình”[43, tr.107].

Trong tiến trình văn học Việt Nam, Thơ mới (1932 – 1945) được xem là “cuộc cách mạng thi ca”(Hoài Thanh) vĩ đại của thế kỷ XX. Song đó không phải là cuộc cải tạo theo kiểu “bỏ cũ thay mới” (Lại Nguyên Ân). Các nhà thơ mới bằng tài năng nghệ thuật và sức sáng tạo phi thường đã tạo nên mạch nối giữa thơ ca hiện đại với thơ ca truyền thống, với nguồn mạch dân tộc. Điều đó đã được chứng minh bằng sự xuất hiện và trường tồn của dòng Thơ mới mang phong vị dân gian với những tên tuổi như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ…

Dưới ngòi bút của Anh Thơ, bức tranh quê hiện lên sinh động với những khung cảnh quen thuộc như chính đời sống hàng ngày. Tác giả dường như không phải khổ công lựa chọn từ ngữ đã có thể khái quát hiện thực quanh mình với những ngày xuân, chiều xuân, đêm xuân hay lúc họp chợ, đông chợ, tàn chợ(2).

Cũng bằng những từ ngữ giản dị, Bàng Bá Lân đã ghi lại hình ảnh êm đềm, đẹp đẽ của quê hương. Tình yêu quê của Bàng Bá Lân bàng bạc nơi nơi trong đồng nội. Từ đồng lúa, nương dâu, từ những cánh cò bay trong ánh chiều tà, cây đa xòe tán bên mái đình cổ kính, rêu phong rồi cả tiếng sáo diều

(2)

vi vu, những điệu hò nơi miền thôn dã… Toàn cảnh thanh bình nơi thôn dã đã được thu vào nhãn giới Bàng Bá Lân:

Quê tôi có lúa, có dâu Có đàn cò trắng, có câu huê tình

Có cây đa, có mái đình Có bầy thôn nữ xinh xinh dịu dàng

Mùa thu có những hội làng Có cây đu buổi xuân sang dập dìu…

(Quê tôi)

Huy Cận cũng viết những câu Thơ mới đậm đà hương sắc thôn làng với hoa dại, rơm khô, với nắng vàng và gió thoảng... Tất cả ngân rung cùng một tấm lòng xao xuyến:

Một buổi trưa không biết ở thời nào Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ

(Đi giữa đường thơm)

Thổi hồn vào những từ ngữ đời thường, Đoàn Văn Cừ lại mang vào Thơ mới một vẻ đẹp rất thực, tươi mới, tinh khiết mà không kém phần lãng mạn của quê hương:

Lúa trải vàng như bể kén tơ, Từng đôi chim sẻ tới nô đùa, Mổ từng bông một trong khi gió Bốc nhẹ mùi thơm phảng phất đưa.

(Ngày mùa)

Đặc biệt sự hiện diện của thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính khiến Thơ mới trở thành nơi thăng hoa và kết tinh hồn quê, tình quê… bằng chất liệu ngôn từ và lối diễn đạt mang đậm chất “chân quê”…

Nguyễn Bính là người đưa lời ăn tiếng nói dân quê vào thơ nhiều nhất trong số những nhà thơ mới. Dày đặc trong thơ Nguyễn Bính lối nói quen thuộc của người dân quê. Chính Hoài Thanh phải thốt lên: “Giá Nguyễn Bính sinh ra ở thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm…” [178, tr.343]. Thế giới ngôn từ trong thơ Nguyễn Bính thấm đẫm hơi thở của dân gian. Có thể nói, chân quê vừa là quan niệm sáng tác vừa là ý thức nghệ thuật của Nguyễn Bính. Cũng có thể nói đến một thi pháp “quê” (Chu Văn Sơn) trong thơ ông. Phần đặc sắc nhất trong thi pháp “quê” của Nguyễn Bính có lẽ chính là cách sử dụng lời quê. Lời quê trong Thơ mới Nguyễn Bính hình thành từ hai nguồn chính: đó là ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày của người dân quê và lời nói nghệ thuật trong thơ ca dân gian. Ngôn từ dân gian từ hai nguồn mạch ấy đã thẩm thấu vào hồn thơ Nguyễn Bính vừa tự nhiên, vừa tự giác và được chưng cất thành chất chân quê ngọt ngào trong các thi phẩm của ông.

Ở thơ Nguyễn Bính ta gặp những cách diễn đạt gần gũi, thân quen trong “lời ăn tiếng nói” của người dân quê: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu – Chờ em

chừng dập miếng giầu em sang (Chờ nhau), “Đồn rằng đám cưới cô to –

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu – Nhà gái ăn chín nghìn cau – Tiền

cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn...” (Giấc mơ anh lái đò)...

Nguyễn Bính viết về quê khi đã ra tỉnh. Ở vào giai đoạn xã hội đô thị hóa, khi tất cả đang “cố lìa xa nề nếp cũ để hòng đi tới chỗ... gọi là văn minh”, thì “người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn sống như thường” [172, tr.343]. Như bất cứ văn sĩ lãng mạn đương thời, Nguyễn Bính cũng dấn thân trên hành trình “xê dịch”. Cuộc đi đó phần vì số phận, phần vì mưu sinh, phần “khát khao hoài vọng cái mới”. Những ngày tháng “tha hương” nơi “viễn xứ” quê hương luôn là điểm thức trong nỗi nhớ đến khắc khoải của nhà thơ. Và Nguyễn Bính xem đó như một tình cảm tự nhiên “nhi nhiên”: “Con đò thì nhớ

sông xa – Con người thì nhớ quê nhà bao nhiêu” (Trải bao nhiêu núi sông rồi). Trong da diết nhớ của Nguyễn Bính, thôn Vân quê mẹ, thôn Trạm quê cha là những nơi đi về đầy dấu yêu trong cuộc đời thực của nhà thơ. Quê hương hiện lên trong thơ Nguyễn Bính thật đẹp và tràn đầy hương sắc:

Thôn Vân có biếc có hồng

Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều

(Anh về quê cũ)

Tình cảm cội nguồn đã làm nảy nở, sinh thành một thứ tình cảm thủy chung nồng hậu với cảnh sắc và con người làng quê. Tình cảm ấy càng được thăng hoa bởi chính tư duy ngôn ngữ của Nguyễn Bính. Qua hệ thống ngôn từ đậm màu sắc dân gian với những: vườn rau, vườn chè, vườn chanh, vườn dâu… rồi ao bèo, giậu mồng tơi… Cuộc sống của người dân quê với nếp sinh hoạt bình dị nhưng thơ mộng, hữu tình và ở nới ấy hạnh phúc thật giản dị:

Sáng giăng chia nửa vườn chè Một gian nhà nhỏ đi về có nhau

(Thời trước)

Tuy nhiên không phải cứ nắm được “lề lối quê”, “ngữ pháp quê” là viết được thơ chân quê. Vấn đề đặt ra là phải quan tâm đến “bộ lọc” của nhà thơ. Nguyễn Bính không phải là nhà thơ duy nhất trong phong trào Thơ mới theo phong cách dân gian. Nhưng bên cạnh một Anh Thơ, một Bàng Bá Lân, một Đoàn Văn Cừ… thì Nguyễn Bính đi xa hơn như nhận xét của Nguyễn Đăng Điệp: “Nếu các nhà thơ khác chủ yếu tập trung khắc họa “bức tranh quê”, nhìn những nếp quê bằng cái nhìn thưởng ngoạn thì Nguyễn Bính đi xa hơn nhiều: ông chạm tới linh hồn làng mạc” [46, tr. 321]. Đó đồng thời là lời lí giải cho “hiện tượng” Nguyễn Bính. Trong cảm tình của độc giả đương thời và độc giả của mọi thời đại (chúng tôi tin là như vậy) Nguyễn Bính luôn xứng

đáng với vai trò “chủ soái” đại diện cho khuynh hướng dân gian của Thơ mới

Việt Nam.

Không chỉ với Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính,.., quê hương luôn là điểm thức trong lòng thi nhân thơ mới. Giữa bao nhiêu nhộn nhịp, xô bồ, giữa cái náo nhiệt của đời sống thị thành, khi kí ức trở về với thôn làng, tâm hồn thi nhân như rộng mở. Ta gặp ở Thơ mới cảm tình, con người và linh hồn làng mạc. Đó cũng chính là cội nguồn cảm xúc là nơi thăng hoa của nghệ thuật mà mỗi từ ngữ như ấp iu nồng đượm hương quê.

Đúng như nhận xét của Hoài Thanh: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê” và vì vậy tâm hồn thi nhân khi trở về vùng kí ức này đều trở nên hết sức chân thành nhưng cũng là những cảm mến mang tính nhân bản nhất. Rung động trước vẻ đẹp bình yên nơi thôn dã, thi nhân đã “tìm được nơi đồng quê cái cảnh” (Hoài Thanh): “Mây biếc về đâu bay gấp gấp – Con cò trên ruộng cánh phân vân” (Thơ duyên - Xuân Diệu). Từ hình ảnh “con cò bay lả bay la” trong ca dao đến “con cò trên ruộng cánh phân vân” trong thơ Xuân Diệu có sự nối tiếp và sự khác biệt của hai thời đại. Cái bình yên thuở trước đang nhường chỗ cho những suy tư, trăn trở…

Từ thơ trữ tình dân gian đến Thơ mới là khoảng cách của nhiều thế kỷ. Song khoảng cách ấy đã dần được thu hẹp lại, không những thế nó chứng tỏ nội lực dân tộc chính là sức mạnh là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Ngôn từ nghệ thuật thơ mới (Trang 70 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)