nhiều bình diện. Luận án đã lựa chọn và khai thác một số bình diện tiêu biểu trong tổ chức văn bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới như từ ngữ, cú pháp và tổ chức bài thơ.
Ở cấp độ từ ngữ, ngôn từ Thơ mới sáng tạo theo hai hình thức cơ bản trên cơ sở kết ghép và chuyển nghĩa. Trên tinh thần ấy các nhà thơ mới đã tạo ra một hệ thống từ ngữ, phong phú, đa dạng và giàu khả năng biểu hiện.
Ở cấp độ cú pháp, qua việc khảo sát cú pháp câu thơ, chúng tôi nhận thấy sự sáng tạo linh hoạt của các nhà thơ mới. Những sáng tạo mới nảy sinh ngay trên cơ sở kế thừa câu thơ truyền thống. Các nhà thơ mới đã cải tạo câu thơ trữ tình Việt Nam đưa thơ Việt Nam từ trữ tình “điệu ngâm” sang trữ tình “điệu nói”. Câu thơ mất dần âm điệu ngâm nga nội tại để mang ngữ điệu của
lời nói, của tiếng nói tình cảm. Thơ mới đã tạo nên những bứt phá mới, làm hiện đại hóa câu thơ tiếng Việt. Câu thơ thoát khỏi bóng dáng của thơ cổ điển Trung Hoa từng tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử văn học dân tộc. Cũng trên tinh thần ấy, các nhà thơ mới đã tiếp tục sáng tạo trên thể thơ riêng của dân tộc. Thơ lục bát truyền thống, thơ hát nói được tạo sinh trở thành thể điệu riêng thuần túy Việt Nam. Thể thơ Đường luật chuyển hóa linh hoạt trong thể bảy chữ Thơ mới. Không dừng ở đó, các nhà thơ mới mạnh dạn thể nghiệm những hình thức thể hiện mới. Thơ mới có những sáng tạo được khẳng định, có những thử nghiệm nhanh chóng bị lãng quên.
Ở phương diện cấu trúc, Thơ mới không khuôn theo khung khổ định sẵn. Tổ chức bài thơ của Thơ mới tự do phóng khoáng. Bài thơ nương theo dòng chảy âm thanh ngôn ngữ, theo dòng cảm xúc tạo ra một sức diễn đạt mới. Những cách tân táo bạo trên phương diện ngôn từ nghệ thuật đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới trong nền thơ ca Việt Nam.