Sáng tạo từ ngữ theo cơ chế chuyển nghĩa

Một phần của tài liệu Ngôn từ nghệ thuật thơ mới (Trang 105 - 110)

TỔ CHỨC VĂN BẢN NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ

4.1.2. Sáng tạo từ ngữ theo cơ chế chuyển nghĩa

Các nhà ngữ học đã chứng minh, từ ngữ lúc ban đầu chỉ có nghĩa gốc, quá trình sử dụng nó có thêm nhiều nghĩa mới trên cơ sở sự giống nhau hoặc gần nhau của hai khách thể theo phương thức chuyển nghĩa. Trong đó ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa phổ biến được sử dụng trong ngôn từ văn học và ngôn từ thực dụng.

Ẩn dụ là thay thế một khái niệm bằng một khái niệm khác, trên cơ sở so sánh ngầm, nhưng vế bị so sánh, từ để so sánh đã ẩn đi, chỉ còn lại vế đem ra so sánh. Ví dụ:

-Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng có lối ai vào hay chưa

-Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

(Ca dao)

Trong lối tạo hình truyền thống, ẩn dụ xuất hiện thường xuyên. Nhưng như nhận xét của các nhà ngôn ngữ ẩn dụ dùng quen dễ thành nhàm, sáo, vì vậy cần thiết phải thay đổi, phải làm mới. Ở địa hạt văn chương, nhà văn, nhà thơ đã có ý thức cách tân những ẩn dụ đã "sáo mòn" bằng cách tạo một hình ảnh mới.

Ẩn dụ được sử dụng khá phổ biến trong một số thể loại của văn học dân gian như tục ngữ, câu đố, ca dao dân ca, truyện ngụ ngôn. Ở mỗi thể loại việc

sử dụng ẩn dụ có những đặc thù riêng. Trong câu đố, dân gian chủ yếu dùng cách nói chệch, nói lái nhằm đánh lạc hướng tư duy người nghe. Ví dụ: Khi đi cưa ngọn – Khi về cũng cưa ngọn (Là con gì – Con ngựa). Ẩn dụ câu đố thường được tạo nên bất ngờ có khi lắt léo, khó hiểu. Vì vậy mỗi câu đố có thể xem như một ẩn dụ đặc biệt. Ví dụ: Ba ông lỏng chỏng – Cõng bà đế vương – Súng nổ tứ phương – Cò bay rào rạt. Hình ảnh rang ngô được dân gian hình dung khá sinh động.

Trong tục ngữ, mỗi tục ngữ cũng là một ẩn dụ đặc biệt. Với chức năng đúc rút kinh nghiệm, ẩn dụ tục ngữ thường đậm chất lí trí, lạnh lùng, khách quan. Chẳng hạn: Lạt mềm buộc chặt. Câu tục ngữ biểu hiện mấy lớp nghĩa sau: Lớp nghĩa đen gắn với một hiện tượng thực tế: lạt càng tước mỏng, càng dễ dàng khi sử dụng. Lớp nghĩa bóng hàm ý nói sự khéo léo trong ứng xử hay nghệ thuật ứng xử.

Khác với những thể loại trên trong thơ ca trữ tình dân gian, đặc biệt là trong ca dao, ẩn dụ được sử dụng khá rộng rãi và linh hoạt mang đậm giá trị nhận thức, giá trị thẩm mỹ và giá trị biểu cảm:

Thuyền ơi có nhớ bến chăng Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

Trong thơ trung đại, ẩn dụ được sử dụng như một hình thức tu sức độc đáo. Theo thống kê sơ bộ của Trần Đình Sử, trong 3254 câu của Truyện Kiều

có khoảng 240 câu có ẩn dụ, chiếm khoảng 7,2%. Nhận xét về cách sử dụng ẩn dụ Truyện Kiều của ông đáng chú ý ở mấy điểm sau: 1) Ẩn dụ Truyện Kiều

nằm trong quỹ đạo thơ ca phương Đông, ít có giá trị nhận thức, nặng giá trị biểu cảm và cảm xúc “hằng thường”; 2) Có nguồn gốc ngoại lai, phần nhiều thuộc loại “thay thế đơn giản” mang tính công thức, các dụ thể được sử dụng nhiều lần hoặc đã quen thuộc như là sáo ngữ: tuyết trở, sương che, bình gẫy gương tan, trâm gãy bình rơi… 3) Nguyễn Du “có một cảm quan cây, trái”

khi nghĩ về cuộc đời, về xứ sở khiến Truyện Kiều dù mô phỏng vẫn mang đậm hơi thở Việt; 4) Nguyễn Du không dùng một từ ngữ hay một phương thức biểu đạt riêng lẻ làm ẩn dụ mà dùng một chuỗi các sự vật tương đồng khiến các dụ thể mất đi ý nghĩa sáo ngữ, khêu gợi dụ chỉ. Các hình ảnh: bọt bèo, bến nước, nước chảy hoa trôi, cỏ nội hoa hèn, rụng cải rơi kim hô ứng với các hình ảnh một hạt mưa rào, con ong cái kiến, nhện này tơ kia, thân lươn lấm dầu, kiến bò miệng chén chưa lâu… đã tạo nên một cảm quan rất dân tộc [161].

Đến Thơ mới, các thi nhân thơ mới sử dụng ẩn dụ theo quan niệm riêng. Hệ thống ẩn dụ Thơ mới không “chân chất” như ẩn dụ của ca dao cũng không phải kiểu ẩn dụ biểu cảm “hằng thường” như trong thơ trung đại. Ẩn dụ Thơ mới vừa mang dấu ấn thời đại, vừa mang dấu ấn cá nhân. Hãy thử phân tích bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh, Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần. Đàn buồn, đàn lạnh, ôi đàn chậm!

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh; Linh lung bóng sáng bỗng rung mình, Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh.

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời; Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi… Long lanh tiếng sỏi vang vang hận: Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.

Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề. Sương bạc làm thinh, khuya nín thở Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.

Trong bài thơ này, Xuân Diệu đã sử dụng ẩn dụ một cách linh hoạt. Bài thơ ngoài sự thể hiện cảm nhận tinh tế của thi nhân, là sự cá tính hóa ngôn từ nghệ thuật của tác giả. Ngay ở khổ thơ đầu những hình ảnh: trăng nhập, trăng thương, trăng nhớ, đàn buồn, đàn lặng, đàn chậm… góp phần thể hiện những tầng nghĩa khác nhau.

Thứ nhất, tái hiện khung cảnh đêm trăng và âm thanh của tiếng đàn, trăng mang tâm trạng nhớ thương như con người. Tiếng đàn được tái hiện cũng một điệu buồn mênh mang.

Thứ hai, thông qua nhân hóa trăng, đàn cái tôi Xuân Diệu hiện lên: vừa say đắm với thiên nhiên, với cuộc đời, khao khát “nhập” vào “trăng” – vào sự trường tồn vĩnh cửu, vào “đàn” – vào cái đẹp, nghệ thuật, vào sự sống trần gian, vừa chất chứa nỗi buồn thương, nhung nhớ và một tâm trạng cô đơn da diết.

Và có lẽ điều thứ ba, ẩn sau đó là sự liên tưởng về cuộc sống đương thời khi Xuân Diệu và nhiều nhà thơ khác càng khao khát hòa nhập lại càng “thấy lạnh”. Như Xuân Diệu từng nói: “Nỗi buồn đó là nỗi buồn chung của con người; Bọn thi sĩ chúng tôi nhẹ lòng nhẹ dạ nên lĩnh mang dùm cho tất cả nhân gian”(Tựa tập Lửa thiêng).

Không chỉ sử dụng nhân hóa để tạo tính hàm súc, Nguyệt cầm còn cho thấy hiệu quả độc đáo của những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời - Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi! - Long lanh tiếng sỏi vang vang hận - Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người…”. Từ lạnh là từ chỉ cảm giác: cái lạnh của hơi thu, của đất trời, trong một khổ thơ từ lạnh nhắc

đến hai lần như nhân đôi cái lạnh và càng thấm thía khi cái lạnh ấy chuyển thành cái lạnh của lòng người. Từ ghê chỉ cảm giác rờn rợn, run rẩy, gai gai mà con người cảm nhận được bằng xúc giác. Long lanh tiếng sỏi là hình ảnh từ chỉ màu sắc kết hợp với từ chỉ âm thanh: vang vang hận, chuyển đổi từ thính giác sang cảm giác… Sự “giao thoa cộng hưởng của các kênh cảm giác” (Chu Văn Sơn) tạo nên hiệu quả nghệ thuật bất ngờ mà ấn tượng bao trùm là sự mong manh, hư thoảng. Sự chuyển đổi cảm giác trong khổ thơ này đã khắc họa một không gian thu rất riêng đồng thời biểu hiện một cách cụ thể thế giới tâm trạng của thi sĩ: Cảm giác cô đơn đến tội nghiệp của cái tôi trữ tình Xuân Diệu. Cảm giác ấy tương giao với khí thu, sắc thu càng làm tăng sự cô đơn, lạnh lẽo trong tâm hồn thi nhân.

Không phải ngẫu nhiên trong Thơ mới các nhà thơ lại thường xuyên sử dụng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Kiểu ẩn dụ này từng xuất hiện trong thơ Đường luật song sự miêu tả ở đó chủ yếu dựa trên thính giác và thị giác. Ở Thơ mới trường liên tưởng được mở rộng thông qua sự cảm nhận của các giác quan. “Thơ mới đã mở rộng góc độ cảm thụ cái đẹp trong thiên nhiên và trong đời sống bằng những lắng nghe tinh tế của thính giác, sự quan sát tài tình của thị giác và sự hỗ trợ của các giác quan” [125, tr. 81].

Trong Thơ mới, những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác rất phong phú: chuyển đổi từ thị giác sang cảm giác: “Màu càng xanh năm bảy sắc yêu yêu”

(Xuân không mùa - Xuân Diệu); chuyển đổi từ thính giác sang khứu giác: “Này lắng nghe em khúc nhạc thơm” (Huyền Diệu - Xuân Diệu); chuyển đổi từ thính giác sang vị giác: “Những câu nhạt nhẽo tầm thường ấy - Tôi viết ra đây để tặng nàng” (Cầu nguyện - Nguyễn Bính).v.v… Vận dụng thi pháp “chuyển kênh”, ngôn từ Thơ mới cho phép thể hiện tốt nhất những cảm xúc của nhà thơ. Nó khiến thơ thoát khỏi những công thức sáo mòn, làm tăng khả năng biểu cảm của ngôn ngữ.

Nhìn chung hệ thống ẩn dụ Thơ mới nghiêng về diễn tả những cảm giác nghẹn ngào, cay đắng, rạn vỡ, chia ly… tạo thành giải phổ riêng trong màu sắc tình cảm của các nhà thơ mới:

Xuân này đến nữa là ba xuân Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần

(Cô lái đò - Nguyễn Bính),

Đã bao lúc màu hoa đem nhớ tới: Biết nhớ ai! đành chỉ nhớ xa xôi.

(Mời yêu - Xuân Diệu)

Theo J. Tynianov: “Từ ( hay ngữ) không biến mất chỉ chức năng của nó thay đổi... Nếu vận luật hay âm luật trơ lì nó sẽ nhường vai trò của nó cho thành phần khác trong câu thơ (các thành phần hiện diện trong tác phẩm) còn chính nó lại đảm nhận chức năng khác” [157, tr. 178]. Có thể nói, sự sáng tạo của các nhà thơ mới đã tránh cho ngôn ngữ cái nguy cơ “trơ lì” ấy. Trên hành trình truy tìm cái đẹp của từ ngữ, vận dụng những thủ pháp tạo nghĩa trên cơ sở kết ghép, chuyển nghĩa... các nhà thơ mới đã mang đến cho hệ thống từ ngữ tiếng Việt tưởng đã sáo mòn, quen thuộc ý nghĩa mới.

Một phần của tài liệu Ngôn từ nghệ thuật thơ mới (Trang 105 - 110)