Khái niệm nguồn gốc xuất xứ quốc gia

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của xuất xứ quốc gia đến ý định mua ô tô nhật bản (Trang 29 - 30)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

1.1.1. Khái niệm nguồn gốc xuất xứ quốc gia

Nguồn gốc xuất xứ quốc gia đã được định nghĩa bởi nhiều nhà nghiên cứu khác nhau.

Theo Bilkey & Eric (1982); Han & Terpstra (1988) [10], [12], nguồn gốc xuất xứ quốc gia được định nghĩa là "nước sản xuất hoặc lắp ráp".

Theo Nagashima (1970), nguồn gốc xuất xứ quốc gia được xác định bằng "made in" hoặc nhãn "sản xuất tại…" [20].

Johansson (1986) cho rằng, xuất xứ được gọi là quốc gia nơi đặt trụ sở chính của công ty, nơi công ty tiếp thị các sản phẩm hoặc vị trí của thương hiệu công ty.

Nguồn gốc xuất xứ quốc gia là một trong các dấu hiệu bên ngoài của một sản phẩm có thể được sử dụng trong quá trình người tiêu dùng đánh giá sản phẩm và có thể trở thành một phần của hình ảnh của một sản phẩm. Nguồn gốc xuất xứ quốc gia giúp người tiêu dùng nhận biết chất lượng và giảm thiểu rủi ro trong quá trình mua sắm sản phẩm.

Nguồn gốc xuất xứ quốc gia là "thông tin liên quan đến nơi mà một sản phẩm được thực hiện" [23]. Nguồn gốc xuất xứ quốc gia là sự ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực của sản phẩm được sản xuất tại một quốc gia có thể có trong nhận thức của người tiêu dùng hoặc trong quá trình ra quyết định hoặc đến sau hành vi.

Luật Thương mại Việt Nam có đưa ra khái niệm “Xuất xứ hàng hóa là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện

công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa đó”.

Xuất xứ hàng hóa là một khái niệm tương đối, dùng để chỉ quốc gia, vùng lãnh thổ nguồn gốc nơi hàng hóa được tạo ra. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, phân công lao động theo lợi thế so sánh, hàng hóa không phải lúc nào cũng được tạo ra hoàn toàn trong một nước hay vùng lãnh thổ mà thực tế, cùng với sự phát triển của phân công lao động và giao lưu buôn bán quốc tế, một hàng hóa được sản xuất ra có thể có sự đóng góp của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Việc xác định và thừa nhận quốc gia, vùng lãnh thổ nào là xuất xứ của hàng hóa trên thực tế khá phức tạp và không phải lúc nào cũng thống nhất.

Trong phạm vi bài nghiên cứu về nguồn gốc xuất xứ quốc gia đối với sản phẩm xe ôtô, nghiên cứu đề cập đến nguồn gốc xuất xứ quốc gia là quốc gia thực hiện công đoạn lắp ráp cuối cùng. Như vậy, sản phẩm ôtô nhãn hiệu Nhật Bản lắp ráp tại Việt Nam có xuất xứ quốc gia là Việt Nam, và sản phẩm ôtô nhãn hiệu Nhật Bản nhập khẩu từ Nhật Bản có xuất xứ quốc gia là Nhật Bản.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của xuất xứ quốc gia đến ý định mua ô tô nhật bản (Trang 29 - 30)