4. Kiến nghị đối với các cơ quan liên quan
4.2. Đối với Ủy ban nhân dân Thành phố và các Sở liên quan
Sở Kế hoạch – đầu tư Thành phố cần phối hợp với Ban quản lí các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố để tập trung rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các giấy phép, các quy định không cần thiết, nhằm giảm thiểu thời gian thành lập doanh nghiệp và chi phí tham gia thị trường. Trước mắt cần tập trung rà soát, tiến tới kiến nghị bãi bỏ, loại bỏ các nội dung, thủ tục hành chính không cần thiết theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Ủy ban nhân dân Thành phố cần phải xây dựng và ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng hỗ trợ đầu tư của Thành phố (về kinh phí chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình xử lý nước thải) đi đôi với
trách nhiệm của chủ đầu tư. Ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân Thành phố cần phải chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố đẩy mạnh viêc thực hiện những chính sách về đất đai khu công nghiệp đã áp dụng như việc Nhà nước thu hồi đất và cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp thuê để xây dựng hạ tầng KCN và cho các doanh nghiệp khác thuê lại với giá có sự kiểm tra và chấp thuận của Ban quản lí các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố. Đồng thời, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của các công ty đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp được khấu trừ vào tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và không phải trả tiền thuê đất đối với phần diện tích đất phát triển hạ tầng sử dụng chung như đường giao thông nội KCN, KCX… Mặt khác, Ban quản lí các khu chế xuất và công nghiệp cùng với các cơ quan chuyên môn của Thành phố cần phải có những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng KCN, KCX nhằm giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, giảm giá thuê lại đất để thực hiện mục tiêu thu hút vốn đầu tư vào các KCN, KCX. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cho các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp phải được ban hành dựa trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật đất đai và các quy định của pháp luật cũng như của Thành phố có liên quan để có thể giải quyết thỏa đáng, hài hòa mối quan hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp phát triển hạ tầng cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp. Đảm bảo tính thống nhất của chính sách ưu đãi về đất đai của Nhà nước đối với tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, tôn trọng quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc thu hồi đất của người dân cũng cần phải gắn chặt với quá trình tái định cự, định canh và tạo việc làm ổn định cho người mất đất nhằm giải quyết các vấn đề hậu khu công nghiệp tránh tạo ra các mâu thuẫn, bức xúc cho người dân sau này. Cần phải coi phương án thu hồi đất và tái định cư cũng là một yếu tố tiên quyết khi phê duyệt dự án phát triển các KCN, KCX ngoài các yếu tố kinh tế và hiệu quả dự án.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố cần chỉ đạo các Sở, ban ngành xây dựng kế hoạch bố trí quỹ đất hợp lí, đảm bảo cho công tác quy hoạch xây dựng nhà ở cho người lao động trong các KCN, KCX và người tái định cư. Đến năm 2020, nhu cầu về nhà ở của người lao động, nhà đầu tư, các chuyên gia làm việc trong các KCN,
KCX là rất lớn nên cần phải có kế hoạch triển khai ngay từ bây giờ mới có thể đáp ứng được các nhu cầu này. Ngoài ra, cùng với việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, Thành phố cũng cần chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải công cộng, hệ thống trường học, bệnh viện, điểm sinh hoạt văn hóa tại những khu vực tập trung nhiều các KCN, KCX và người lao động trong tương lại như các khu vực tại H. Củ Chi, H. Bình Chánh, H. Nhà Bè. Bên cạnh đó, cần phải siết chặt công tác quản lí an ninh trật tự vùng ngoài hàng rào khu công nghiệp, hạn chế việc để các quán nước, các trung tâm giải trí tự phát của người dân bao vây quanh khu công nghiệp, gây mất mĩ quan công nghiệp, làm ô nhiễm môi trường xung quanh và gây mất an ninh, trật tự làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh KCN, KCX văn minh – hiện đại của Thành phố.
Từ nay đến năm 2020, do phải đảm bảo yêu cầu về phát triển bền vững nên các tiêu chuẩn về môi trường trong các KCN, KCX sẽ ngày càng khắt khe và nghiêm ngặt. Do vậy, chính quyền Thành phố cần phải nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề nay khi quyết định xây dựng và phát triển các KCN, KCX, việc phát triển các khu công nghiệp cần gắn với việc xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải khu công nghiệp. Ủy ban nhân dân Thành phố cần chỉ đạo cho Sở Tài nguyên – môi trường phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố sớm hoàn thiện bộ chỉ tiêu về chất thải, khí thải cho các KCN, KCX Thành phố để có thể áp dụng nhanh chóng trong việc xây dựng môi trường công nghiệp Thành phố xanh – sạch – đẹp.
KẾT LUẬN
Tóm lại, thực tiễn trong những năm qua vốn đầu tư và sự phát triển của các KCN, KCX đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công những định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo hướng đổi mới, mở cửa và hội nhập của TP. Hồ Chí Minh, một thành phố năng động, hiện đại và là đầu tàu kinh tế của đất nước.
Việc thu hút vốn đầu tư vào các KCN, KCX trên địa bàn Thành phố đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ góp phần vào sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại của TP. Hồ Chí Minh. Nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN, KCX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP, làm cho công nghiệp và dịch vụ trở thành những trụ cột chính của kinh tế Thành phố với vai trò đầu tàu của cả nước. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay luồng vốn đầu tư đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào các ngành công nghệ cao như điện tử viễn thông, chế tạo chip bán dẫn,… mở ra nhiều triển vọng mới cho sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố trong những năm tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc thu hút vốn đầu tư vào các KCN, KCX thì quá trình này vẫn tồn tại những hạn chế không nhỏ đòi hỏi các cấp quản lí của Thành phố cần phải tập trung giải quyết và khắc phục nhanh chóng để tăng nhanh hơn nữa tốc độ phát triển của kinh tế TP. Hồ Chí Minh, xứng đáng với tiềm năng phát triển cũng như phát huy tốt vai trò là đầu tàu, là trung tâm kinh tế của vùng và của đất nước. Với những hiểu biết của mình về vấn đề này, em hi vọng rằng bài viết của mình có thể góp một phần nhỏ vào việc tăng cường thu hút vốn vào các KCN, KCX trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Để hoàn thiện được đề tài này, trong quá trình thực hiện từ khi định hướng đề tài đến khi bắt tay vào thực hiện và hoàn thiện đề tài, em đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ tận tình của giáo viên hướng dẫn, các chuyên viên của Vụ quản lí các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và đầu tư. Một lần nữa. em xin chân thành gửi lời cảm ơn đến:
Cô giáo – Th.S Lương Hương Giang, giảng viên khoa Đầu tư, trường Đại học kinh tế quốc dân đã giúp đỡ em rất nhiều trong quá trình định hướng và hoàn thiện đề tài.
Các chuyên viên, cán bộ của Vụ quản lí các khu kinh tế - Bộ kế hoạch và đầu tư, đặc biệt là Vụ trưởng Vũ Đại Thắng, chuyên viên Vũ Quốc Huy đã tạo điều kiện và tận tình giúp đỡ em về mặt lí luận và vận dụng nó vào giải quyết vấn đề nghiên cứu, cũng như đã cung cấp tài liệu và hướng dẫn em trong quá trình xử lí số liệu phục vụ cho quá trình phân tích.
Tuy nhiên, do hạn chế của tài liệu, số liệu thu thập được cũng như kinh nghiệm, hiểu biết còn chưa nhiều nên đề tài sẽ không tránh khỏi những tồn tại, thiếu sót. Em kính mong nhận được những sự góp ý của các thầy, cô giáo để bài chuyên đề của em được hoàn chỉnh hơn.