Phân tích chi phí điều trị HIV/AIDS và chi phí – hiệu quả điều trị theo mức

Một phần của tài liệu Chi phí điều trị HIVAIDS và chi phí hiệu quả điều trị theo mức tế bào CD4 tại một số tỉnh, thành phố (Trang 42 - 45)

mức CD4 trên thế giới và tại Việt Nam

1.2.1. Tổng quan các nghiên cứu chi phí điều trị HIV/AIDS trên thế giới

Các nghiên cứu về chi phí điều trị HIV/AIDS được thực hiện theo nhiều quy mô khác nhau và theo những quan điểm nghiên cứu khác nhau. Mỗi nghiên cứu có thể đi vào những khía cạnh phân tích đơn giản như chỉ để ước tính chi phí cho các phác đồ điều trị, các mô hình điều trị, hoặc phân tích sự thay đổi của chi phí theo các loại chi phí (chi phí gián tiếp, chi phí trực tiếp, chi đầu tư hay chi thường xuyên) trong điều trị HIV/AIDS để từ đó đưa ra các khuyến cáo cho việc tổ chức cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên cũng có nhiều nghiên cứu có quy mô lớn hơn khi đi sâu phân tích chi phí điều trị cho một nhóm các quốc gia có chung đặc điểm tình hình dịch hoặc các thông tin về chi phí được sử dụng để cung cấp thông tin cho ước tính nhu cầu nguồn lực và huy động nguồn lực cho các phương án mở rộng chương trình.

1.2.1.1. Các nghiên cứu về chi phí điều trị nội trú HIV/AIDS

Chi phí điều trị trung bình/người/đợt điều trị nội trú được thống kê tại một

số quốc gia như sau: Campuchia (300 đô la Mỹ) [63], Thái Lan (368 đô la Mỹ) [84], Ấn Độ (320 đô la Mỹ) [70], Trung Quốc (367 đô la Mỹ) [150], và Indonesia (547 đô la Mỹ)[117].

Một nghiên cứu tại Nam Phi đã chỉ ra sự khác biệt trong chi phí điều trị nội trú giữa bệnh nhân là người nhiễm HIV (7.448 Rand/người/đợt điều trị) so với bệnh nhân không nhiễm HIV (5.489 Rand/người/đợt điều trị) [93]. Nghiên cứu của Mexico lại chỉ ra chi phí điều trị của bệnh nhân AIDS cao gấp 7 lần chi phí điều trị của bệnh nhân thường [74]. Một nghiên cứu khác ở Ethiopia cho thấy chi phí điều trị nội trú của những bệnh nhân không tham gia điều trị ARV cao hơn ba lần chi phí của bệnh nhân tham gia điều trị ARV [44].

Chi phí điều trị HIV/AIDS nội trú thay đổi theo một số yếu tố: Nghiên cứu tại

Trung Quốc cho kết quả: chi phí điều trị cao nhất ở nhóm tuổi từ 30-39, chi phí điều trị của nhóm bệnh nhân nam cao hơn so với nhóm bệnh nhân nữ. Chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội liên quan đến tình dục cao hơn so với nhóm nghiện chích ma túy. Chi phí điều trị cao hơn ở nhóm bệnh liên quan đến hệ thần kinh, tiếp đến là bệnh về hệ hô hấp, bệnh tiêu hóa và một số bệnh nấm và viêm da khác [139].

Thành phần và tỷ trọng của chi phí trong chi phí điều trị: Trong một nghiên cứu của Indonesia, chi phí cho thuốc và giường bệnh chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi phí điều trị. Thành phần chi phí trong chi phí điều trị nội trú trong một nghiên cứu của Ấn Độ có tỷ trọng như sau: thuốc (50%), công khám (4,5%), xét nghiệm (9,2%), chẩn đoán và điều trị (13,5%), chăm sóc và điều dưỡng (10,5%), giường bệnh (9%) và khác (3,3%)[117].

Chi phí điều trị thay đổi khi bệnh nhân tham gia điều trị bằng thuốc ARV.

Chi phí của bệnh nhân HIV/AIDS không điều trị ARV cao hơn bệnh nhân bình thường 200 đô la Mỹ/đợt điều trị và thời gian điều trị trung bình cũng dài hơn. Tuy nhiên chi phí của bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV cao hơn bệnh nhân không điều trị ARV trung bình 750 đô la Mỹ/đợt điều trị và thời gian điều trị trung bình của nhóm bệnh nhân có điều trị ARV cũng dài hơn [130].

1.2.1.2. Các nghiên cứu về chi phí điều trị ngoại trú HIV/AIDS

Chi phí điều trị trung bình/người/năm: Một nghiên cứu của Galárraga và

cộng sự đã tổng quan các kết quả từ 29 nghiên cứu từ các quốc gia khác nhau trong đó 26/29 nghiên cứu tập trung vào các nghiên cứu về điều trị ARV. 14 trong số 26 nghiên cứu này đã ước tính chi phí các phác đồ điều trị được sử dụng, 1 nghiên cứu ước tính chi phí điều trị phác đồ bậc 2. Các nghiên cứu còn lại phân tích chi phí về các phương thức xét nghiệm, về chi phí nhân sự theo các loại cơ sở điều trị. Đã có ba nghiên cứu phân tích về chi phí điều trị dự phòng lây truyền mẹ con. Ba nghiên cứu khác đã ước tính chi phí điều trị nhi [69].

Các nghiên cứu phân tích chi phí điều trị HIV/AIDS không chỉ dừng lại ở khuôn khổ một quốc gia mà đã có những nghiên cứu tổng hợp và so sánh chi phí điều trị giữa các nhóm quốc gia: chi phí điều trị ARV/người/năm tại các quốc gia có thu nhập thấp là 792 đô la Mỹ (dao động từ 682 -1.089 đô la Mỹ), các quốc gia cóthu nhập thấp và trung bình là 932 đô la Mỹ (dao động từ 156 - 3.904 đô la Mỹ), các quốc gia có thu nhập trên trung bình đạt mức 1.454 đô la Mỹ (dao động từ 1.230 - 5.667 đô la Mỹ) [69]. Một nghiên cứu khác của Nam Phi ước tính chi phí điều trị trung bình/người/tháng năm 2005 là 29,65 đô la Mỹ [37].

Một nghiên cứu khác tại Ethiopia so sánh chi phí điều trị của bệnh nhân HIV có và không điều trị thuốc kháng virut (ARV) năm 2009. Kết quả cho thấy, đối với bệnh nhân điều trị ARV, chi phí hàng năm của một bệnh nhân ngoại trú là 235,44 đô la Mỹ (218,11 US$ –252,78 US$). Đối với bệnh nhân không tham gia điều trị ARV, chi phí hàng năm của một bệnh nhân ngoại trú là 38,12 đô la Mỹ (34,36 US$– 41,88 US$) [44].

Để ước tính chi phí điều trị ARV, Kenya đã tiến hành một nghiên cứu thuần tập tại ba phòng khám ngoại trú điều trị bệnh nhân HIV/AIDS ở khu vực nông thôn. Chi phí trên mỗi bệnh nhân HIV/AIDS bắt đầu điều trị ARV là 206, 252 và 213 đô la Mỹ theo từng phòng khám và chi phí sau khi bệnh nhân đã điều trị ARV được 12 tháng là 229, 287, và 237 đô la Mỹ [87].

Chi phí điều trị HIV/AIDS ngoại trú thay đổi theo một số yếu tố: Một nghiên

cứu của tại Mexico cho biết chi phí cho thuốc điều trị chiếm một tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí cho người bệnh. Đồng thời, chi phí thuốc này tăng lên nhanh chóng nếu bệnh nhân bắt đầu tham gia điều trị bậc 3. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy chi phí điều trị cho bệnh nhân tại năm thứ hai sau khi điều trị ARV đã giảm đáng kể. Chi phí điều trị của bệnh nhân càng cao khi bệnh càng tiến triển. Chi phí cũng thay đổi đáng kể theo các mô hình điều trị do hướng dẫn điều trị khác nhau và việc tổ chức cung ứng dịch vụ khác nhau. Chi phí tăng cả ở thuốc ARV, tăng do nhập viện, tăng do điều trị nhiễm trùng cơ hội nhiều hơn và các thủ tục cho bệnh nhân cũng nhiều hơn [42].

Thành phần chi phí trong chi phí điều trị: ARV vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí chiếm 64% ở các quốc gia có thu nhập thấp, 50% tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, và 47% tại các quốc gia có thu nhập trên trung bình. Chi phí xét nghiệm chiếm tỷ trọng 14% và 20% ở các nước có thu nhập trung bình và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Chi phí nhân sự lại chiếm 26% trong tổng chi phí tại các nước có thu nhập trên trung bình [69]. Nghiên cứu của Uganda cho kết quả tương tự với tỷ trọng thuốc ARV chiếm 68% tổng chi phí, chi phí nhân sự (12%), chi phí xét nghiệm (9,8%), chi phí chẩn đoán hình ảnh (0,4%) và các chi phí điều trị khác (9,5%) [37]. Nghiên cứu của Kenya một lần nữa đã

khảng định thuốc ARV chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí, chiếm 50%, 44% và 49% tổng chi phí tại từng cơ sở. Tỷ trọng các thuốc khác trong tổng chi phí tương tự là 16%, 11%, 12%, tỷ trọng của dịch vụ xét nghiệm (14%,14%, 15%), tỷ trọng của nhân sự (9%, 12%, 12%) và tỷ trọng của chi phí cố định (11%, 18%, 13%) [87].

Nghiên cứu khác của Canada được thực hiện tại Alberta đã tiến hành đánh giá sự thay đổi về chi phí trực tiếp cho người bệnh trong giai đoạn từ 1995-2001. Chi phí đã tăng lên đáng kể sau khi áp dụng điều trị ARV. Chi phí tăng từ 655 đô la Mỹ (chi phí cho thuốc chiếm 39%) lên tới 1.111 đô la Mỹ nhưng thuốc lại chiếm 73%. Cùng với đó chi phí điều trị nội trú, chăm sóc giảm nhẹ lại giảm đáng kể chứng tỏ tính ưu việt của thuốc ARV đối với sức khỏe của người bệnh. Tỷ lệ tế bào CD4 trung bình của các bệnh nhân cũng tăng từ 300 tế bào/mm3 năm 1995 lên đến 448 tế bào /mm3 năm 2001. Tuy nhiên chi phí trực tiếp trong ba năm sau lại có xu hướng giữ nguyên. Có thể thấy rằng thay đổi phác đồ điều trị do không tuân thủ điều trị dẫn đến kháng thuốc là một nguyên nhân làm cho chi phí không thay đổi [86].

Một phần của tài liệu Chi phí điều trị HIVAIDS và chi phí hiệu quả điều trị theo mức tế bào CD4 tại một số tỉnh, thành phố (Trang 42 - 45)