I- Vai trò trách nhiệm của hiệu trưởng trong trường học
1.2 Năng lực Xây dựng Kế hoạch phát triển nhà trường
Xây dựng và thực hiện tầm nhìn đòi hỏi năng lực lập kế hoạch chiến lược và quy hoạch nhà trường. Hiệu trưởng không thể một mình tiến hành công việc mà phải thu hút được các lực lượng trong trường và đại diện các tổ chức có liên quan cùng tham gia. Hiệu trưởng cần có những kiến thức và kỹ năng trong cả lĩnh vực đánh giá lẫn lĩnh vực lập kế hoạch chiến lược để chỉ đạo xây dựng qui hoạch nhà trường. Cần xác định khoảng cách giữa những gì nhà trường hiện có, hiệu suất đạt được ở thời điểm hiện tại với điều kiện và những sản phẩm mong muốn đã nêu trong tầm nhìn ở cấp trường và ở cấp hệ thống.
Công việc đặc biệt quan trọng là phải đánh giá được đúng thực trạng và tiềm năng phát triển của nhà trường. Đồng thời phải xác định được các khó khăn trở ngại cũng như các thách thức có thể gây cản trở việc thực hiện để đạt được tầm nhìn, mục tiêu và sứ mạng của nhà trường; đồng thời phải thu thập, tuyên truyền các thông tin đánh giá về kết quả thực hiện một cách hấp dẫn khiến các thành viên của nhà trường và các bên liên quan nắm vững các thay đổi diễn ra trong nhà trường. Việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch chiến lược của nhà trường không chỉ đòi hỏi kiến thức về quy trình lập kế hoạch, năng lực tạo lập các nhóm lập kế hoạch, kiến thức về xây dựng tổ chức và các hình thức tổ chức lựa chọn khác mà còn cần đến sự hiểu biết về vai trò, vị trí và trách nhiệm của từng cá nhân, từng nhóm cá nhân (bộ phận) trong trường. Công việc này cũng đòi hỏi năng lực xây dựng chiến lược và năng lực biến tầm nhìn thành hành động để loại trừ (hoặc giảm thiểu) các rủi ro ngăn cản việc đạt được tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu. Một khi đã xác định được các rào cản đó thì mới có khả năng tạo ra được những cơ cấu tổ chức hoàn toàn mới để thực hiện đổi mới.
Nhiệm vụ quy hoạch nhà trường đòi hỏi năng lực thiết lập các mục tiêu cấp trường một cách rõ ràng, riêng biệt và xây dựng các chuẩn mực xác định việc hoàn thành mục tiêu. Các mục tiêu cấp trường này phải phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu bao quát của cả hệ thống trường học, đồng thời phải phản ánh được tầm nhìn và sứ mạng riêng của nhà trường. Hiệu trưởng cần được trang bị các kiến thức về quy trình xác lập mục tiêu, kỹ năng chỉ ra các đích cần đạt tới; mục tiêu ngắn hạn cũng như khả năng thiết lập chuẩn mực cho sự phát triển.
(Phần lập kế hoạch chiến lược chi tiết xem thêm tài liệu bồi dưỡng hiệu trưởng của Học viện quản lý giáo dục).