Năng lực thiết lập quan hệ hợp tác và huy động cộng đồng chăm lo cho giáo dục

Một phần của tài liệu Giam sat danh gia truong hoc (Trang 114 - 115)

I- Vai trò trách nhiệm của hiệu trưởng trong trường học

2.3Năng lực thiết lập quan hệ hợp tác và huy động cộng đồng chăm lo cho giáo dục

Xây dựng và duy trì một nhà trường nơi học sinh là trung tâm đòi hỏi sự hợp tác rộng rãi giữa những người làm nên nhà trường và giữa nhà trường, cha mẹ, các cơ quan trong cộng đồng và các nhóm quan tâm khác. Hiệu trưởng phải là người đề xướng và thúc đẩy các hoạt động cộng tác trong cộng đồng, tạo lập các mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức để xây dựng nhà trường. Cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền về mục tiêu và sứ mạng của nhà trường trong cộng đồng nhằm thu hút các nguồn lực tài trợ cho nhà trường. Hiệu trưởng cần rèn luyện kỹ năng xây dựng dự án và thuyết phục các nhà đầu tư, nhà tài trợ hỗ trợ cho nhà trường hoàn thành mục tiêu và sứ mạng đã đặt ra.

Hiệu trưởng chia sẻ việc ra quyết định cho giáo viên, học sinh, cha mẹ, cộng đồng và các nhóm quan tâm bằng cách thu hút các đối tượng này vào việc tham gia xây dựng và thực hiện các Kế hoạch hoạt động của nhà trường phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu cũng như vào việc huy động và phân bổ nguồn lực, xác định các vấn đề và giải quyết vấn đề;

Hiệu trưởng phải là người chủ chốt trong việc xây dựng, phát triển và gìn giữ mối quan hệ đối tác với các cơ quan, tổ chức trong cộng đồng nhằm hỗ trợ nhà trường đáp ứng nhu cầu của học sinh, gia đình và xã hội. Các hoạt động kết nghĩa, giao lưu với các đơn vị khác trong ngành cũng rất có tác dụng để nuôi dưỡng bầu không khí dạy và học tích cực trong nhà trường.

Hiệu trưởng cần sử dụng ảnh hưởng của mình để phục vụ toàn thể học sinh một cách tận tuỵ và có kết quả, đồng thời sẽ sử dụng các cơ quan, tổ chức trong cộng đồng và hệ thống luật pháp để bảo vệ học sinh và cải thiện điều kiện, cơ hội học tập của các em.

Các kỹ năng về xây dựng và quản lý dự án xin tham khảo thêm quyển 1: Quản lý nhà nước về giáo dục.

2.4 Năng lực thiết lập và duy trì bầu không khí làm việc tích cực trong nhà trường

Hãy áp dụng những phương pháp khác nhau với từng đối tượng khác nhau và những phương pháp khác nhau với cùng một đối tượng. Ken Blanchard

Không khí dạy và học trong nhà trường có tác dụng quyết định đến việc học tập của học sinh và chất lượng công tác của tất cả những người cùng làm việc trong môi trường nhà trường. Kiến thức và kỹ năng của Hiệu trưởng về một khung cảnh, không khí thân thiện nhà trường là hết sức cần thiết. Hiệu trưởng tuyên truyền những mong đợi cao của nhà trường và xã hội về kết quả dạy và học của thày trò nhà trường; duy trì và đổi mới các hình thức tuyên dương, khích lệ kịp thời các tập thể và cá nhân hoàn thành nhiệm vụ; đảm bảo các cơ hội cộng tác tích cực giữa các bên liên quan và công nhận những nỗ lực của các nhà bảo trợ/đầu tư (nếu có) trong việc cải thiện tình hình học tập và phát triển nhà trường.

Các hoạt động làm tăng không khí tích cực trong nhà trường bao gồm việc xác định và cung cấp cho học sinh những chương trình mà các em quan tâm và duy tu cơ sở vật chất (nhà cửa và sân bãi). Một môi trường nhà trường tích cực còn phụ thuộc vào sự phục tùng kỷ luật, không có các vấn đề kỷ luật lớn trong học sinh, cũng như không có những xung đột giữa những người làm việc trong nhà trường (học sinh, cán bộ, giáo viên) với những người khác. Hiệu trưởng cần phải là người am hiểu về luật pháp và chính sách liên quan tới việc kỷ luật cán bộ và học sinh và các kỹ năng giải quyết xung đột. Họ cần biết thu hút cán bộ giáo viên và học sinh tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách và quy trình cấp trường, đảm bảo rằng mỗi cá nhân trong tập thể hiểu rõ về trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người.

Nhóm năng lực số 3: Lãnh đạo và quản lý nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Giam sat danh gia truong hoc (Trang 114 - 115)