I- Vai trò trách nhiệm của hiệu trưởng trong trường học
2.1 Năng lực định hướng hoạt động của nhà trường tập trung vào việc học tập vì sự
tiến bộ của tất cả học sinh
Nhà trường là một tổ chức đặc biệt, nơi mà học sinh là trung tâm của mọi hoạt động. Bởi vậy, Hiệu trưởng phải là người chủ trì xây dựng và tuyên truyền định hướng này tới các bên liên quan. Hiệu trưởng phải thể hiện sự hiểu biết sâu về mối quan hệ học sinh giáo viên và ngược lại. Họ cũng chính là người xây dựng những hiểu biết chung về nhu cầu của học sinh và là người tuyên truyền về những nguyên tắc trong mối quan hệ học sinh - giáo viên, giáo viên - học sinh. Vì học sinh là trung tâm của hệ thống giáo dục, nên công việc của người lớn (các tổ chức, các nhóm quan tâm, các bên liên quan) là tổ chức toàn bộ hoạt động của nhà trường xoay quanh hoạt động học tập, rèn luyện tu dưỡng của các em. Hiệu trưởng phải xác định được nhu cầu hiện nay và sau này của học sinh, của từng nhóm học sinh và xác định các nhóm học sinh cần được ưu tiên. Ngoài ra còn phải tính tới cả những yêu cầu và mong đợi của những người mà sự ủng hộ của họ là cần thiết để học sinh đạt được những thành tích mong đợi. Hiệu trưởng phải là nhân vật chủ chốt trong việc thúc đẩy cải thiện liên tục các dịch vụ đối với học sinh và các bên liên quan.
Để các hoạt động hàng ngày diễn ra một cách suôn sẻ, Hiệu trưởng cần sử dụng các kiến thức vận hành cơ bản của trường học cũng như các kiến thức về luật pháp và chính sách thích hợp để giám sát việc thực hiện công việc theo kế hoạch năm học. Hiệu trưởng phải chỉ đạo cán bộ giáo viên xác định việc sử dụng hiệu quả không gian và thời gian khi triển khai các hoạt động thường ngày của nhà trường.
Các hoạt động kiểm tra của Hiệu trưởng bao gồm việc thường xuyên và định kỳ đi thăm các phòng học trong nhà trường để đảm bảo chắc chắn rằng các thiết bị được sử dụng có hiệu quả. Hiệu trưởng cũng phải đảm bảo giám sát chặt chẽ và đầy đủ tất cả các hoạt động ngoài nhà trường do nhà trường thực hiện hoặc bảo trợ và trực tiếp tham gia các hoạt động đó khi cần. Giống như một chuyên gia quảng cáo, Hiệu trưởng phải sử dụng thành thạo các phương tiện khác nhau (sách hướng dẫn, các buổi hướng dẫn, v.v.) để tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động hàng ngày, các quy trình và quy chế của nhà trường cho học sinh, cha mẹ học sinh và các bên quan tâm.
Hiệu trưởng cần làm rõ trách nhiệm của mọi người về hành động của họ, về việc thực hiện chính sách và nội qui, quy trình của nhà trường. Khi có vấn đề nảy sinh, Hiệu trưởng phải thu thập và phân tích thông tin liên quan đến vấn đề, vận dụng các chính sách và quy trình đã được thiết lập để giải quyết vấn đề một cách công bằng và kịp thời. Hiệu trưởng phải thông thạo việc sử dụng các kỹ năng hòa giải và giải quyết xung đột, tuyên truyền về các yêu cầu pháp lý và các mong đợi về chính sách và quy trình của nhà trường tới học sinh, cha mẹ học sinh và các bên quan tâm.
Người lãnh đạo nhà trường phải hiểu và chấp nhận là luôn có sự đa dạng trong cộng đồng nhà trường và phải cố gắng xây dựng một môi trường thân thiện mà mọi người đảm bảo được đối xử công bằng, hợp tình hợp lý, không có những xung đột chưa được giải quyết giữa các thành viên - một nhà trường luôn khuyến khích thành tích, thành công và những nỗ lực của cá nhân trong nhà trường.