Các giải pháp hoàn thiện hệ thống thể chế, tạo môi trường cho phát triển thị trường lao động

Một phần của tài liệu luận văn vận dụng lý luận hàng hóa sức lao động của c.mác vào phát triển thị trường lao động ở nước ta (Trang 90 - 93)

thị trường lao động

* Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường lao động:

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thông qua việc ban hành đồng bộ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường lao động trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hội nhập là việc làm cần thiết và cấp bách. Trước hết việc hoàn thiện này cần được bắt đầu từ việc nghiên cứu thực hiện các luật có liên quan đã được ban hành, nhất là Bộ luật lao động sửa đổi và bổ sung (2003) và các văn bản dưới luật tương ứng theo hướng:

- Đảm bảo quyền lựa chọn chỗ làm việc và nơi cư trú của người lao động. Xây dựng các quy chế cư trú, nhà ở đối với người lao động, nhất là loại lao động thu nhập thấp, nhằm tạo điều kiện cho tự do di chuyển lao động.

- Thực hiện rộng rãi chế độ ký kết hợp đồng lao động. Người lao động phải được trả lương theo đúng điều khoản trong hợp đồng lao động đã được ký kết giữa người lao động và người sử dụng lao động.

- Tăng cường giáo dục pháp luật lao động, chú trọng việc xem xét, tìm kiếm và đưa vào áp dụng rộng rãi các công cụ chính sách cho phép nâng cao tính hiệu lực của các văn bản pháp quy có liên quan đến lao động và thị trường lao động.

* Hoàn thiện bộ máy quản lý và vận hành có hiệu quả thị trường lao động:

Hiện nay, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường lao động còn yếu và chưa đồng bộ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm thi hành một số nhiệm vụ và chức năng quản lý thị trường lao động.

Trên thực tế, việc thực thi chức năng nhiệm vụ này vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, đòi hỏi cấp bách trong thời gian tới là phải củng cố hệ thống các cơ quan quản lý thị trường lao động từ Trung ương đến địa phương. Trước hết là hoàn thiện hoạt động của các bộ phận có liên quan trong Bộ Lao động - Thương binh Xã hội các Bộ, ngành khác theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả.

Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) vào quản lý thị trường lao động. Cần xem xét việc chuyển giao một số hoạt động quản lý cho các tổ chức phi chính phủ đảm nhận, theo phương thức uỷ thác. Các hoạt động như bồi dưỡng nâng cao trình độ, bồi dưỡng tay nghề, thực hiện các chương trình xúc tiến việc làm, chương trình hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp,... có thể chuyển giao cho các tổ chức phi chính phủ thực hiện.

* Nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức đại diện cho người lao động và tổ chức đại diện cho chủ sử dụng lao động:

Việc xác định rõ ràng hơn về vai trò của các tổ chức công đoàn là điều cần được chú ý. Hệ thống công đoàn phát triển rộng khắp, đến tận các cơ sở sản xuất kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế. Nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn phải được đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mối quan hệ đối tác khăng khít, bền vững (thay vì đối đầu) giữa tổ chức đại diện quyền lợi của người lao động và Chính phủ, và bên chủ sử dụng lao động, có thể thúc đẩy nhanh việc thực thi các biện pháp hoàn thiện thị trường lao động, nhất là có thể giúp nhận biết các vấn đề tồn tại và những khiếm khuyết nảy sinh trong khi thiết kế các cơ chế chính sách có liên quan.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét việc thu hút sự tham gia của giới chủ sử dụng lao động vào quá trình hoạch định các chính sách thị trường lao động. Với việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay, vai trò của tổ chức đại diện giới sử dụng lao động

với tư cách là một bên tham gia thị trường lao động phải được nâng cao hơn, được xác định chính thức về mặt pháp luật, với những quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm. Trước hết, điều có thể làm là chính thức hoá vai trò của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh hợp tác xã Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện của các doanh nghiệp trong quan hệ với người lao động, các chủ doanh nghiệp chính phủ và với thị trường. Thông qua các tổ chức này, các chủ đề liên quan đến thị trường lao động có thể dễ dàng được đưa vào chương trình nghị sự của các diễn đàn doanh nghiệp.

* Tiếp tục hoàn thiện các chính sách thị trường lao động:

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, cần xây dựng hệ thống các chính sách thị trường lao động đa dạng, vì quyền lợi của cả người lao động và chủ sử dụng lao động. Các biện pháp cụ thể của chính sách thị trường lao động phải nhằm vào việc thay đổi hành vi của các cá thể tương tác trên thị trường lao động, theo hướng khuyến khích tính chủ động của họ trong việc tạo ra việc làm hoặc tìm kiếm việc làm.

Các chính sách thị trường lao động chủ động, cho phép huy động tối đa tinh thần tích cực cá nhân của người lao động cần được đặc biệt chú ý. Sao cho, các chính sách này có thể giúp họ tạo điều kiện cho người lao động, nhất là những người thất nghiệp "tự thân vận động" trong việc tìm kiếm việc làm mới, bằng các phương thức khác nhau như: đào tạo hoặc đào tạo lại, vừa học vừa làm, tham gia vào các hoạt động công ích,... Thêm nữa, các chính sách thị trường lao động , tạo ra hoặc duy trì được nhiều chỗ làm việc hơn. Trong số các công cụ chính sách loại này, thì các công cụ thông tin và môi giới thị trường lao động, trợ cấp chi phí lương, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động, đào tạo lại và hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, là những công cụ đã được áp dụng ở nhiều nước và cho đến nay được coi là các công cụ mang lại kết quả khả quan nhất.

Cần tiếp tục khai thác các chính sách thị trường lao động "thụ động" như chính sách trợ cấp thất nghiệp, chính sách bồi thường mất việc cho lao động dôi dư, chính sách về hưu trước tuổi,... nhằm giảm bớt các rủi ro do cơ chế thị trường đối với người lao động giảm sức ép của thất nghiệp do chuyển đổi cơ cấu.

* Hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng lao động vào khu vực kinh tế Nhà nước và bộ máy công quyền:

Khu vực kinh tế Nhà nước và bộ máy công quyền là một thị trường lao động tiềm năng lớn. Hiện nay, mặc dù tiền lương chính thức của lao động khu vực này tương đối thấp, nhưng việc làm tại đó vẫn có sức hấp dẫn đối với nhiều người lao động, vì những lý do như: tính ổn định trong công việc, mức độ đảm bảo cao về các nhu cầu cơ bản cho đời sống, truyền thông tôn vinh của xã hội đối với người làm việc trong khu vực nhà nước, v.v... Ngoài ra, cơ hội được đào tạo bài bản hoặc cơ hội kiếm được những khoản thu nhập ngoài lương (nhờ vào chức vụ hoặc vị trí công tác) cũng là lý do thu hút người lao động vào làm việc trong khu vực này.

Do vậy, Nhà nước cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy chế đã ban hành về tuyển dụng lao động trong khu vực Nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách mới về chế độ tuyển dụng lao động cho phù hợp với những yêu cầu mới về phát triển thị trường lao động trong khu vực này.

* Nhà nước xúc tiến triển khai và thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp:

Trong nền kinh tế thị trường, thất nghiệp là hiện tượng thường không thể tránh khỏi, gây tác hại nhiều mặt về kinh tế, chính trị, xã hội. Ban hành chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một nội dung của quản lý nhà nước đối với thị trường lao động. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực còn mới mẻ đối với việc quản lý thị trường lao động ở nước ta. Vì vậy, Nhà nước cần xúc tiến thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Một phần của tài liệu luận văn vận dụng lý luận hàng hóa sức lao động của c.mác vào phát triển thị trường lao động ở nước ta (Trang 90 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)