Về các điều kiện xuất hiện hàng hoá sức lao động

Một phần của tài liệu luận văn vận dụng lý luận hàng hóa sức lao động của c.mác vào phát triển thị trường lao động ở nước ta (Trang 42 - 45)

Theo C.Mác, cần có hai điều kiện cơ bản, cần thiết để sức lao động trở thành hàng hoá:

Một là, bản thân người có sức lao động đem bán trên thị trường có khả năng chi

phối được sức lao động của mình.

Hai là, người chủ sở hữu sức lao động không còn tư liệu sản xuất cần thiết để thực

hiện sự kết hợp giữa sức lao động và các điều kiện vật chất của nó đã hình thành quá trình lao động, tức là quá trình cần thiết để bảo tồn sức lao động và bản thân mình như một cơ thể sống.

Trong thời đại ngày nay, các điều kiện để sức lao động trở thành hàng hoá theo lý luận của C.Mác vẫn còn nguyên ý nghĩa, tuy điều kiện thứ hai (người chủ sở hữu sức lao động không còn tư liệu sản xuất) có sự chuyển biến mới mang tính lịch sử cụ thể. Đó là khi người lao động mua được cổ phiếu của công ty cổ phần, họ trở thành người chủ một phần vốn của công ty, chủ một phần tư liệu sản xuất và lao động thặng dư của họ được bồi hoàn lại. Những người lao động này không phải là những người không có tư liệu sản xuất, nhưng họ cũng không phải là những

người chủ thật sự tư liệu sản xuất. Vì vậy sức lao động của họ có tính chất hàng hoá chứ không phải là hàng hoá sức lao động theo nguyên nghĩa.

Do vậy, hai điều kiện cơ bản để sức lao động trở thành hàng hoá mà C.Mác chỉ ra đến nay không những còn nguyên giá trị mà còn có ý nghĩa quan trọng về phương pháp luận. Tuy nhiên, phải đặt nó vào những điều kiện lịch sử cụ thể để đánh giá thì mới hiểu rõ. Từ khi C.Mác nghiên cứu nền sản xuất hàng hoá TBCN trong giai đoạn tự do cạnh tranh (thế kỷ XVIII đến cuối thể kỷ XIX) cho đến nay, CNTB đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, từ thấp đến cao, từ tự do cạnh tranh đến độc quyền, độc quyền nhà nước, độc quyền xuyên quốc gia, đa quốc gia... Cùng với nó, người công nhân từ một người lao động chỉ làm công ăn lương, nay đã trở thành cổ đông trong các công ty cổ phần, ngoài tiền công nhà tư bản trả cho, họ còn được hưởng một phần giá trị thặng dư và làm chủ một phần nhỏ tư liệu sản xuất. Thoạt nhìn, ta cảm thấy hình như người công nhân đã thật sự làm chủ, tự do nâng cao tinh thần trách nhiệm và có động lực thúc đẩy họ hăng say lao động, nhưng thực chất không hề thay đổi. Bởi lẽ, người công nhân chỉ có thể làm chủ và được hưởng một phần nhỏ của giá trị thặng dư theo tỷ lệ cổ phần nhất định đóng góp, còn chủ yếu vẫn sống nhờ vào số tiền công do bán sức lao động mà có.

Đối với điều kiện nước ta hiện nay, vận dụng lý luận hàng hoá sức lao động của C.Mác cần phải có một sự nhìn nhận mới hơn, đặc biệt là đối với điều kiện về sở hữu tư liệu sản xuất. Chính ở vấn đề này có thể cho ta phân biệt được sự khác nhau về chất của hàng hoá sức lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với hàng hoá sức lao động trong nền kinh tế thị trường TBCN.

Trước hết, về điều kiện người lao động mất hết tư liệu sản xuất, thiếu tư liệu tiêu dùng buộc phải bán sức lao động. Có thể thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, mỗi người lao động đều là thành viên của xã hội đang cùng nhau xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, mọi người lao động đều làm chủ tập thể tư liệu sản xuất do nhà nước đại diện quản lý. Hay nói cách khác đi, người lao động là người đồng sở hữu với nhà nước về tư liệu sản xuất. Ngoài ra, người lao động ở nước ta vẫn có quyền tư hữu tài sản khi có điều kiện, người lao động có quyền mua cổ phần xí nghiệp, doanh nghiệp, trở thành người đồng sở hữu một phần vốn, một phần tư liệu sản

xuất của xí nghiệp, doanh nghiệp. Ngày nay, trong thời đại của khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, người lao động còn được quyền sở hữu một vốn quý mà vào thế kỷ XIX, người lao động làm thuê không sở hữu được đó là quyền sở hữu trí tuệ. Chính C.Mác đã dự báo điều này khi nói về vai trò của lao động trí óc ngày càng tăng lên trong nền kinh tế và có một tiên đoán đúng đắn. Khoa học - kỹ thuật sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Điều này cho thấy người lao động trong nền kinh tế thị trường hiện nay không hẳn là người mất hết tư liệu sản xuất, hoặc không có một chút tài sản gì, mà khi người lao động đã mua được cổ phiếu thì đương nhiên họ trở thành người đồng sở hữu xí nghiệp, doanh nghiệp và họ không còn là người không có tài sản nữa. Mặt khác, cho dù người lao động không mua được cổ phiếu, không có sở hữu tư liệu sản xuất nhưng họ vẫn có thể sở hữu trí tuệ của mình, nguồn vốn quan trọng trong xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay. Tuy nhiên, dù không phải là người không có tài sản, nhưng người lao động trong nền kinh tế thị trường cũng chưa thể kết hợp trực tiếp sức lao động của mình với tư liệu sản xuất một cách có hiệu quả mà phải thông qua quan hệ hàng - tiền, thông qua quan hệ thuê mướn lao động mới tiến hành được quá trình sản xuất - kinh doanh và như vậy là sức lao động của người lao động phải được xem là hàng hoá.

Về điều kiện người lao động được tự do thân thể để có quyền bán sức lao động trong quan hệ bình đẳng với người sử dụng lao động.

Khi phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta, điều kiện này đã được Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật lao động thừa nhận. Điều 57 của Hiến pháp công nhận mọi công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều 68 của Hiến pháp cho phép công dân được tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Như vậy Hiến pháp 1992 đã tạo điều kiện cho người sử dụng lao động được tự do thuê lao động và người lao động được tự do di chuyển để tìm việc làm phù hợp. Điều 5 của Bộ luật lao động cũng cho phép mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp. Điều 9 Bộ luật lao động xác lập quan hệ bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Rõ ràng là yêu cầu phát triển nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần dựa trên nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và yêu cầu lưu chuyển nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã thúc đẩy sự vận dụng các điều kiện xuất hiện hàng hoá sức lao động ở nước ta.

Khi sức lao động được thừa nhận là hàng hoá thì lý luận về hai thuộc tính của hàng hoá sức lao động được vận dụng để từng bước giải quyết khả năng cạnh tranh của hàng hoá sức lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu luận văn vận dụng lý luận hàng hóa sức lao động của c.mác vào phát triển thị trường lao động ở nước ta (Trang 42 - 45)