Vai trò chủ thể của người lao động trong quá trình lao động sản xuất phải được coi trọng trong khi vận dụng lý luận hàng hoá sức lao động

Một phần của tài liệu luận văn vận dụng lý luận hàng hóa sức lao động của c.mác vào phát triển thị trường lao động ở nước ta (Trang 74 - 77)

được coi trọng trong khi vận dụng lý luận hàng hoá sức lao động

Về mặt lực lượng sản xuất, người lao động là chủ thể của quá trình sản xuất, là yếu tố chủ đạo, quyết định trong các yếu tố của lực lượng sản xuất. Về mặt quan hệ sản xuất, người lao động chịu tác động của mối quan hệ giữa người với người trong sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng. Tổng hợp cả hai mặt thì sự hoàn thiện người lao động là kết quả lao động của chính người lao động. Thông qua quá trình lao động sản xuất mà con người tự nhận ra mình, tự làm chủ mình, làm chủ xã hội và làm chủ tự nhiên.

Con người phải xem lao động là nhu cầu sống còn của chính bản thân mình. Trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn thấp. Khả năng nền kinh tế chưa thật sự đáp ứng được cơ hội việc làm cho mọi người lao động cho nên người lao động cũng chỉ xem lao động là phương tiện sinh sống của mình mà họ chưa có đủ điều kiện để phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, chưa gắn bó với lao động.

Vận dụng lý luận hàng hoá sức lao động của C.Mác vào phát triển thị trường lao động ở nước ta cần phải quan tâm đến việc tạo điều kiện phát huy vai trò chủ thể của người lao động trong quá trình lao động sản xuất. Chỉ khi nào người lao động trong nền

kinh tế hàng hoá nhiều thành phần phát huy được vai trò chủ thể trong quá trình lao động sản xuất thì sự nghiệp xây dựng CNXH mới được đẩy tới một bước quan trọng.

Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, người lao động chỉ phát huy được vai trò chủ thể trong quá trình lao động sản xuất khi chế độ sở hữu cá nhân về sức lao động được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Bảo đảm thực hiện chế độ sở hữu cá nhân về sức lao động và xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất với các hình thức sở hữu cơ bản là một đặc điểm nổi bật trong quá trình xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nước ta hiện nay.

Trong nền kinh tế thị trường TBCN, chế độ sở hữu cá nhân về sức lao động kết hợp với chế độ tư hữu TBCN về tư liệu sản xuất, do đó, người lao động bị nhà tư bản chi phối và bóc lột. Người lao động chưa phát huy thật sự vai trò chủ thể trong quá trình lao động sản xuất. Điều này thể hiện ở chỗ quyền lao động của họ không được bảo đảm. Những người lao động có năng lực chuyên môn có thể không kiếm được việc làm và cũng có thể bị mất việc làm do khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp. Nhà nước tư sản có thể can thiệp bằng chính sách kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng, nhưng nhà tư bản vẫn có thể không tăng ý muốn đầu tư một khi họ cho rằng lợi nhuận tương lai không cao như mong muốn. Như vậy, quyền lao động của người lao động trong nền kinh tế thị trường TBCN bị lệ thuộc vào tư bản.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu cá nhân về sức lao động được kết hợp với việc xây dựng và phát triển chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; do đó, Nhà nước bảo đảm cho quyền lao động của người lao động được thực hiện. Những người lao động có năng lực lao động đều có quyền và nghĩa vụ lao động.

Quyền lao động của người lao động trong nền kinh tế thị trường ở nước ta phải được thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:

Trước hết, người lao động phải có tư cách độc lập trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng sức lao động của mình và đòi hỏi lợi ích chính đáng cho sự chuyển nhượng ấy. Đây là tiền đề quan trọng để người lao động được bình đẳng với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Tư cách này có được là nhờ nhà nước bảo đảm quyền sở hữu cá nhân về sức lao động.

Người lao động sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng sức lao động tốt nhất khi họ được tự chủ chọn việc làm. Tự chủ chọn việc làm là biểu hiện của quyền lao động. Nhờ tự chủ chọn việc làm, người lao động sẽ tìm được việc làm phù hợp với trình độ, với thể lực của mình. Khi bảo đảm quyền tự chủ chọn việc làm cho người lao động, Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho sức lao động lưu chuyển trong nền kinh tế, thực hiện được việc phân phối sức lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Quyền tự chủ chọn việc làm của người lao động phải gắn liền với quyền được hưởng thù lao lao động tương xứng với kết quả lao động. Năng lực lao động của từng cá nhân không giống nhau, vì vậy việc sử dụng sức lao động của từng cá nhân trong quá trình lao động sản xuất sẽ tạo ra những kết quả lao động khác nhau. Phân phối thành quả lao động cho các cá nhân tất yếu phải dựa vào kết quả lao động và nguyên tắc phân phối theo lao động trở thành nguyên tắc chủ yếu trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Thừa nhận mức lương tương xứng với kết quả lao động là thừa nhận trong thực tế quyền lao động.

Với tiền lương nhận được, người lao động tự trang trải mọi chi phí cho tái sản xuất sức lao động cho mình. Đây là nội dung quan trọng thể hiện quyền lao động của người lao động. Quyền sở hữu sức lao động thuộc về người lao động nên mọi chi phí tái sản xuất sức lao động chủ yếu là do người lao động gánh chịu. Trong nền kinh tế thị trường, muốn tìm được việc làm có mức tiền lương cao hơn buộc người lao động phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Điều này làm cho người lao động ngày càng trở thành nguồn tài nguyên đặc biệt - nguồn tài nguyên tự phát triển, tự nhân lên. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, do người lao động cống hiến lao động thặng dư cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới, vì vậy, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các quỹ đào tạo lao động chất lượng cao để phát triển lực lượng lao động trong từng doanh nghiệp.

Như vậy, với sự biểu hiện của quyền lao động, có thể thấy rằng vài trò chủ thể của người lao động chỉ thật sự được phát huy khi quyền lao động của người lao động được bảo đảm. Vận dụng lý luận hàng hoá sức lao động của C.Mác, Nhà nước ta đã thực hiện được các biểu hiện của quyền lao động và đã tạo ra một động lực nhất định giúp người lao động phát huy được vai trò chủ thể trong quá trình lao động sản xuất. Chính vì vậy, vận dụng lý

luận hàng hoá sức lao động của C.Mác vào phát triển thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm phát huy vai trò chủ thể của người lao động.

Một phần của tài liệu luận văn vận dụng lý luận hàng hóa sức lao động của c.mác vào phát triển thị trường lao động ở nước ta (Trang 74 - 77)