Phương tiện hữu hình hoặc cơ sở vật chất chiếm tỷ lệ cao trong sự hài lòng thực khách. Điều này một lần nữa khẳng định cho tính chất quan trọng của phương tiện vật chất hữu hình trong ngành dịch vụ ăn uống. Đa số các khách hàng đến với khách sạn Mường Thanh đều rất hài lòng và thích thú với sảnh đón tiếp rất lớn và trang trí bàn ở đây. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất của nhà hàng chưa thực sự đồng bộ và còn nhiều thiếu sót. Do đó, để tăng sự hài lòng cũng như chất lượng dịch vụ ăn uống, khách sạn Mường Thanh cần phải:
- Nhà hàng cần được trang trí hệ thống ánh sáng, âm thanh phù hợp. Hệ thống nhà hàng cũng cần đầu tư vào thiết kế và trang trí khu vực ăn uống. Điều này đòi hỏi những bàn tay chuyên nghiệp thực thụ. Từ màu sơn phòng, phông màn, khăn trải bàn, đến cả bao ghế, nơ ghế thậm chí cả cách bày khăn, chén, muỗng nĩa cũng phải liên tục đổi mới, gây cho khách cảm giác mới mẻ, hứng thú. Điều quan trọng là ấn tượng nhưng màu sắc phải trang nhã, sang trọng vì nhu cầu của khách hàng ngày càng cao. - Đối với bộ phận bếp, khách sạn cần bổ sung những loại máy móc giúp làm tăng năng suất lao động và tăng sức lao động của nhân viên như máy rửa và hấp nóng bát đũa; bổ sung thêm thang máy nối từ kho tới bếp chính lên các bếp phụ và phòng ăn; bổ sung và tân dụng những tủ chứa chén bát sao cho phù hợp. Đối với những hệ thống thiết bị máy móc sẵn có hiện nay, vì đó đều là những thiết bị hoạt động với cường độ cao, được sử dụng lâu dài nên cần được có sự kiểm tra thường xuyên, sửa chữa định kỳ để nâng cao tính an toàn đồng thời đảm bảo hoạt động liên tục thông suốt góp phần nâng cao chất lượng món ăn của nhà hàng tại khách sạn. Đối với dụng cụ trong bộ phận bếp rất đa dạng về chủng loại và số lượng chủ yếu là: dao, thớt, dụng cụ nấu nướng, nồi gang, chảo…..cũng cần phải kiểm tra liên tục để đảm bảo chất lượng, số lượng và chủng loại. Khách sạn cần phải kiểm tra định kì 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần đối với các loại dụng cụ và trang thiết bị hệ thống trong khu bếp vì các trang thiết bị dụng cụ này rất nhanh hỏng đặc biệt nó rất cần thiết cho hoạt động tác nghiệp nhân viên nên đề nghị nhà hàng tại khách sạn quan tâm hơn.
- Đối với bộ phận bàn, cơ sở vật chất kỹ thuật chủ yếu là các trang thiết bị phục vụ ăn uống cho khách hàng như bàn ghế, khăn trải bàn, các thiết bị ánh sáng, loa; hệ thống làm lạnh,… Đây đều là những thiết bị có tuổi thọ lâu đời tuy nhiên nhân viên nhà hàng cũng cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời những hỏng hóc; tránh những sự cố xảy đến với quá trình phục vụ. Đối với các dụng cụ tại bộ phận này như bát, đĩa, dụng cụ ăn uống, khăn ăn,…: đây đều là những dụng cụ dễ hỏng hóc, sứt mẻ. Vì thế, khách sạn cần phải có kế hoạch thay thế các dụng cụ cũ, hỏng bằng những dụng cụ mới, đồng bộ; tránh trường hợp thiếu dụng cụ ăn cho khách hàng.
- Bộ phận bar: chủ yếu các trang thiết bị phục vụ pha chế đồ uống cho khách hàng như: máy làm đá, tủ bia, rượu, máy xay, máy pha cafê, các loại ly cốc…Bar có diện tích chật hẹp nhất đòi hỏi nhân viên bar ngăn nắp, khéo léo, chính xác. Nhân viên bar phải thường xuyên kiểm tra trang thiết bị phát hiện sự cố để sửa chữa thay mới kịp thời. Cần phải có nắm bắt về số lượng, chủng loại các dụng cụ để bổ xung kịp thời. Nhân viên bar cũng cần có trách nhiệm bảo quản trang thiết bị dụng cụ hơn nữa tránh tình trạng mất mát, đổ vỡ như hiện nay.
Đối với vấn đề tổ chức thực hiện: Các bộ phận cần lập báo cáo về tình trạng trang thiết bị dụng cụ theo đúng chu kỳ được yêu cầu. Báo cáo cần liệt kê rõ số lượng, chủng loại, hình thức hỏng hóc, nguyên nhân,… Ban quản lý cần có sự kiểm tra thực tế các bộ phận để tránh tình trạng khai không đúng với thực tế. Khách sạn cũng cần có kế hoạch cụ thể và chi tiết về việc thay mới hoặc sửa chữa các trang thiết bị sao cho đúng thời điểm. Khách sạn cũng cần có sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp trang thiết bị; tổ kỹ thuật của khách sạn cũng cần được nâng cao trình độ tay nghề để có thể sửa chữa thiết bị khi cần thiết.