Do nguồn gốc lịch sử và sự chi phối của điều kiện tự nhiên, người Mông di cư vào và tự phát sống cụm thành bản.
Người Mông ở Đồng Văn gọi bản là giao (Jaol). Đây là đơn vị cư trú cơ bản của cộng đồng dân tộc Mông. Mỗi bản có tên gọi riêng gắn bó lâu đời với dân bản và ít có thay đổi. Trong cách đặt tên bản của người Mông ở Đồng Văn chủ yếu là dùng tiếng Hán như Tả Gia Khâu (cái cổng lớn), người Mông gọi người Lô Lô và người Giấy là Mã nên ở những khu vực sống xen kẽ với người Lô Lô và người Giấy tên bản thường có từ Mã đứng trước như Mã Lủng, Mã Lầu, Mã Xí…Tên gọi trước hết về đối ngoại là để phân biệt giữa làng này với làng khác, về đối nội là để gắn kết các thành viên trong bản cùng gánh vác những công việc chung.
Mật độ cư trú trong bản tùy thuộc vào địa hình nhưng trung bình mỗi bản thường có từ 10 đến 30 nóc nhà, ngoài nhà cửa trong bản còn có bãi chăn thả chung. Cũng do sự chi phối của địa hình và điều kiện tự nhiên nhà của người Mông ở Đồng Văn thường làm ở khu vực từ lưng chừng quả núi thấp lên đến đỉnh núi hoặc lẻ tẻ vài ba nhà ở một quả đồi, còn ở những khu vực tương đối bằng phẳng thì các nóc nhà tập trung nhiều hơn và tương đối gần nhau.Nhà trong bản không làm theo một hướng nhất định, nhưng rất kiêng làm nhà quay lưng ra suối, ra khe và vực sâu, thông thường nhà dựa lưng vào núi. Các gia đình đều xếp hàng rào bằng đá xung quanh nhà mình hoặc một hai nhà có quan hệ anh em nội tộc với nhau làm thành một khu vực riêng biệt để che chắn và phòng thú dữ.
Mỗi bản đều có địa giới riêng, sự phân chia địa giới giữa các bản rất rõ ràng, địa giới đó được quy định khi khai phá lập bản, dần dần hình thành trong ý thức của các thành viên trong bản về chủ quyền lãnh thổ của mình. Ranh giới giữa các bản có thể là một bìa rừng, một ngọn núi, một cây cổ thụ
hay một con suối…ban đầu những ranh giới này chỉ mang tính ước lệ nhưng nó được mọi người tôn trọng và duy trì. Để phân biệt bản này với bản khác dân bản thường chọn một cây to hoặc một hòn đá dị dạng ở đầu hoặc cuối bản làm thần cai quản chung cho cả bản. Mỗi bản có quyền sở hữu, quản lý, bảo vệ và sử dụng đất, rừng, nuộng nương, nguồn nước cũng như muông thú, tài nguyên trong phạm vi của mình. Các bản còn có khu vực công như bãi chăn thả, bãi đất rộng để tổ chức các hoạt động lễ tết, vui chơi.
Về mặt xã hội, dân cư trong bản quần tụ chủ yếu theo 1 dòng họ hay từ 3 - 5 dòng họ, trong đó thường có dòng họ đông hơn.Ví dụ như hầu hết các bản ở Sà Phìn - Đồng Văn trước đây cư dân chủ yếu thuộc dòng họ Vương. Cho đến nay, khu vực xã Sà Phìn đều là con cháu của Vương Chí Sình, chỉ có một vài gia đình mang họ khác. Quan hệ dòng họ trong các bản nhằm thực hiện những quy ước về canh tác, chăn nuôi, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc chung và những nghĩa vụ khác. Có thể thấy hình thức tập hợp dân bản có quan hệ láng giềng hay huyết thống được thống kê ở 9 bản thuộc xã Hố Quáng Phìn:
Bảng 2.1: Bảng thống kê các dòng họ người Mông ở xã Hố Quáng Phìn - Đồng Văn (Hà Giang)
Stt Dòng họ
Tên bản Vàng Ly Mua Sùng Giàng Hầu Vù Lầu
1 Tha Xúa + + 2 Khu Trù Ván + + + 3 Chín Trù Ván + + + + 4 Phỉng Cổ Ván + + 5 Tả Phìn + + + + 6 Tả Phán + + + + 7 HốQuáng Phìn + + + 8 Tả Củ Ván + + + + 9 Phàn Nhìa Tủng + + +
Có thể hình thức tập hợp dân cư theo hai quan hệ là quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng. Điều này giống với các bản làng của đồng bào các dân tộc ít người ở Hà Giang nhưng lại “khác hẳn so với làng của người Việt ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ” [50, tr.225].