Luận thuyết “vạn vật hữu linh”

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của nguời mông ở đồng văn (hà giang) trước cách mạng tháng tám năm 1945 (Trang 58 - 61)

Tín ngưỡng bao trùm của người Mông là “vạn vật hữu linh” vì người Mông cũng như những tộc người khác từ xa xưa không vượt ra ngoài khuôn khổ của tư duy đa thần, họ không thể giải thích được thế giới bằng tư duy khoa học, cuộc sống của con người bị thiên nhiên chi phối, phải nương dựa vào núi rừng, hang động để tồn tại, trước mọi sự biến đổi của tự nhiên con người lúc đó ngoài việc thích ứng và chế ngự thì không thể hiểu được và cũng không thể giải thích được tại sao lại có những hiện tượng như vậy, nên trong tâm thức của họ đã hình thành quan niệm mọi vật đều có linh hồn, đều có thần làm chủ tức là “vạn vật hữu linh”.

Đối với người Mông, Trời là vị thần tối linh nhất, quyền năng nhất trong thế giới thần linh, Trời ngự trị và chi phối cõi giới và muôn loài. Điều này xuất phát từ quan niệm về vũ trụ. Người Mông cho rằng sự xuất hiện của đất đai, sông núi, biển cả đều do đấng tối cao là Trời tạo ra. Họ quan niệm rằng vua Trời cử ông Chày sinh ra bầu trời, còn bà Chày sinh ra mặt đất. Mặt đất lúc đầu mới tạo ra có hình vuông, bầu trời thì hình tròn nhưng nhỏ hơn mặt đất nên ông Chày mới bảo bà Chày co lại cho mặt đất bằng bầu trời vì vậy mặt đất co lại và trở nên lồi lõm, chỗ cao thành núi, chỗ thấp thành đồng bằng, chỗ hằn xuống thành ao hồ biển cả, sau đó con người mới được tạo ra [39, tr.2].

Ngoài Trời ra, người Mông không xếp thần linh theo một thứ bậc nào vì các vị thần trong thế giới thần linh đều bình đẳng và nó chỉ trở nên quan trọng, cần thiết vào chính thời điểm mà người ta cần đến vị thần đó [28,

tr.76]. Chẳng hạn như lúc hạn hán, cây cối mùa màng bị thiêu đốt thì thần nước, thần sông, thần núi trở nên quan trọng nhất. Lúc đó bản Mông sẽ cử già làng và thầy cúng ra cầu cúng những nơi có nước, nơi nào là nguồn nước thì thần nước ở đó là to nhất, thiêng nhất, lễ cúng có khi kéo dài tới mấy ngày, lễ vật thường là gà, rượu, lợn có khi là bò, dê, trâu được giết đi lấy máu hòa vào rượu để cúng thần rồi vẩy ra bến bãi, vẩy lên trời để cầu mưa, cầu nước. Nếu có nước, được mùa dân bản sẽ làm lễ cúng thần lúa, thần nước để tỏ lòng biết ơn với các thần.

Với quan niệm vạn vật hữu linh, mỗi vật tồn tại đều là một thực thể, từ cái cây, hòn đá, các con vật, những vật vô tri vô giác như rừng núi, sông suối…đều có linh hồn mà người Mông gọi là “cái ma” (đá chỏ) của nó, cũng vì vậy mà họ quan niệm mọi vật đều có chủ sở hữu, có thần làm chủ nên họ tôn kính và tin thờ tất cả các thần. Điều này thể hiện rất rõ trong sinh hoạt của người Mông, vào ngày 30 tết, người chủ gia đình lấy giấy đỏ dán vào tất cả các vật dụng trong nhà, cũng như công cụ lao động từ cái cày, cái cuốc đến chiếc cối xay với ngụ ý cho đồ vật nghỉ ngơi ăn tết, mọi con vật khi mua về nuôi đều có một nén hương, bát nước và một miếng vải đỏ buộc vào chuồng nơi con vật ở. Người Mông cũng rất kiêng kỵ việc mắng tục, chửi rủa đồ vật, dụng cụ trong nhà và công cụ lao động vì như vậy là xúc phạm đến thần chủ của vật đó, làm cho các thần không phù hộ, làm ăn sẽ bị lụn bại.

Phần “thực” và phần “hồn” có trong con người, trong các loài vật, các vật thể trong thiên nhiên, trong đó quan niệm về phần “hồn” đã được tạo ra ở mỗi người và cộng đồng người Mông một đời sống tâm linh phong phú nhưng cũng rất phức tạp.

Đối với con người, quan niệm về linh hồn được thể hiện qua các phong tục ma chay, cưới xin, sự giao lưu giữa những người đang sống và những người đã chết. Người Mông quan niệm con người có phần xác và phần hồn, trong một con người có nhiều hồn và được chia thành các hồn trú ẩn ở những

nơi cụ thể như hồn tiềm ẩn trong con người có loại nằm ở tim, có loại nằm ở vai, có loại nằm ở đầu, khi hồn lìa khỏi xác cũng có nghĩa là chết, hồn tồn tại vĩnh hằng trong không gian và thời gian và có thể đầu thai ở kiếp sau, vì hồn lang thang phiêu dạt nên phải gọi hồn, cúng hồn, cúng ma. Có ba tầng bên trên cõi trần cai quản hoặc ảnh hưởng đến hồn con người: tầng thứ nhất là Ngưu vương, tầng thứ hai là Ngọc Hoàng, tầng thứ ba là bãi bằng, bãi biển.

Giữa những người đang sống với nhau nhất là trong cùng một gia đình rất quan tâm chăm sóc phần hồn cho nhau. Thông thường, sau một năm làm ăn vất vả, mỗi gia đình tự chọn lấy một ngày tốt để làm lễ gọi hồn (huplì) chung cho gia đình, lễ gọi hồn có thể mời thầy cúng đến nhà hoặc do một người lớn tuổi đứng ra chủ trì, ưu tiên gọi hồn trước hết cho người nào trong gia đình hay bị đau yếu. Ngày làm lễ cúng thường được chọn vào đầu tháng, lễ được đặt ngay trước cửa ra vào gồm có gà trống đẹp để sống (một đôi hoặc một con), một cái kéo để gõ vào cửa gọi hồn về, trong nhà có bao nhiêu người thì dùng bấy nhiêu quả trứng, trứng gà được đưa cho từng người đánh dấu lên đó rồi đem luộc chín, cuối cùng thầy cúng sẽ xem quả trứng của ai bóc ra nếu tròn đẹp thì tức là hồn đã về và đưa quả trứng cho người đó ăn, trong trường hợp quả trứng chưa đẹp thì phải cúng lại.

Đối với người đã chết, hồn về cõi âm vì vậy ngoài đám “ma tươi” khi vừa chết người Mông còn làm đám “ma khô” ngoài ý nghĩa là con cái trả nghĩa sinh thành với cha mẹ hoặc người quá cố thì đây còn là dịp giúp cho linh hồn người chết trút bỏ hết tội lỗi mà lúc sống đã mắc phải không chỉ với người khác mà với cả muôn loài như cỏ cây, sâu bọ mà người ta đã giết khi làm nương rẫy. Trong lễ này, họ mổ bò, mổ chó để cúng và đốt vàng mã cho người chết nếu không nợ nần trần thế thì đem về cõi âm nuôi hoặc dùng, nếu có mắc nợ thì dùng nó để trả nợ. Làm “ma khô” là bắt buộc đối với các gia đình người Mông vì chỉ khi làm ma khô người chết mới được sang kiếp khác.

Cũng chính từ quan niệm sau khi chết con người ta sẽ hóa kiếp khác nên quan niệm về cuộc sống trần thế cũng nhẹ nhàng. Họ cho rằng, con nguời ta sinh ra chỉ ba buổi sáng được nhìn thấy ánh mặt trời cũng đã là một kiếp người [28,tr.88]. Với quan niệm như vậy cộng với sự bất lực trước sự bế tắc của cuộc đời và cơ chế khắc nghiệt của tự nhiên, nếu cuộc sống không được toại nguyện họ dễ dàng tự tử và hi vọng ở một kiếp khác, nhất là những đôi trai gái yêu nhau không lấy được nhau đã ăn lá ngón tự tử với hi vọng kiếp sau sẽ được ở bên nhau.

Cũng từ quan niệm vạn vật hữu linh, người Mông còn có thể nhận một gốc cây to hoặc một tảng đá nào đó làm bố nuôi đứa trẻ, bố mẹ của đứa trẻ mang gà, rượu, hương và cõng đứa trẻ đến chỗ gốc cây tảng đá rồi làm khấn thần cây thần đá phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh, chóng lớn sau đó xin một đoạn dây buộc vào cổ đứa trẻ rồi lại quấn quanh gốc cây, tảng đá ấy sau đó mới bện lại và buộc vào cổ cho con mình. Sở dĩ họ làm như vậy là vì họ tin rằng gốc cây, tảng đá là những tạo vật vững chắc cũng có hồn, có thần làm chủ, có thể hiểu được tiếng người nên mới trao đổi được ước nguyện như vậy

Điều đáng chú ý trong đời sống tín ngưỡng của người Mông là dù rất tin vào thần linh nhưng lại không lập đền thờ thần và thực tế điền dã cho thấy không có một đền thờ thần nào. Điều này được giải thích rằng vì hệ thần linh của người Mông quá đông đúc và phức tạp, thần linh có mặt ở tất cả các loài từ cỏ cây, sông suối đến nhà cửa nên không thể lập đền thờ thần này mà không lập đền thờ thần khác.

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của nguời mông ở đồng văn (hà giang) trước cách mạng tháng tám năm 1945 (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)