Sa man giáo

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của nguời mông ở đồng văn (hà giang) trước cách mạng tháng tám năm 1945 (Trang 69 - 72)

Sa man giáo là hình thức tôn giáo chuyên biệt, nó có người chuyên nghiệp hành nghề tôn giáo gọi là thầy sa man (thầy cúng), những người được xem là có khả năng dùng phù phép đưa mình vào trạng thái hôn mê, trực tiếp giao thiệp cùng các thần [33, tr.55].

Vùng người Mông ở Đồng Văn, các thầy sa man hay thầy cúng (chi mụa) có số lượng ít, khoảng 3 – 4 xã mới có một thầy sa man. Các thầy sa man có nhiệm vụ chủ yếu là cầu cúng chữa bệnh, gọi hồn người bị ốm, cúng trừ ma tà cho các gia đình. Thầy sa man giao tiếp được với thế giới bên kia là nhờ có sự giúp đỡ của người ở cõi âm, người này sẽ chỉ ra những nguyên

nhân của bệnh tật đồng thời chỉ cho thầy sa man cách chữa bệnh và dẫn đường cho ông ta đi nhặt thuốc chữa bệnh và cách tìm hồn về cho người ốm.

Mỗi thầy sa man đều phải lập bàn thờ riêng, bàn thờ là một khối hình chữ nhật, dựng bên cạnh nơi thờ đa xử ca. Cách bài trí trên bàn thờ của mỗi thầy sa man khác nhau ví dụ như trên bàn thờ có dải giấy bản để lót, đặt bên trái 6 chén đựng nước sạch, nước hạt tiêu rừng, nước chè, ở giữa là ống hương, đằng trước ống hương là một miếng gỗ được khắc chữ. Mỗi thầy cúng có dụng cụ riêng của mình có người dùng một cặp trúc vót và một cặp làm từ cây “phua chi” làm dụng cụ xin âm dương và không có nhạc cụ, nhưng có thầy cúng lại lấy đôi sừng bò (sừng trâu) để xin âm dương, còn nhạc cụ là một đôi nhạc ngựa bằng đồng, một chiếc vòng lắc có gắn các mảnh sắt nhỏ. Không giống như thầy mo, thầy cúng của dân tộc tộc Tày, Dao có trang phục khá cầu kỳ, thầy sa man người Mông không có trang phục mà chỉ có một tấm khăn nhỏ màu đen hoặc màu đỏ để che mặt khi lên đồng, tuy nhiên chỉ khi đi cúng ở ngoài thì mới dùng khăn che mặt.

Trong bài cúng của thầy sa man, thế giới bên kia gồm có trên trời và dưới mặt đất. Trên trời có thần mưa, thần gió, thấn sấm, thần sét, có tổ tiên. Dưới mặt đất chỉ là bóng tối, những người mắc nhiều tội lỗi thì bị đầy trong bóng tối.

Người Mông quan niệm rằng người bị ốm là do hồn đi chơi nên bị ma ác bắt giữ mất hồn. Thầy sa man muốn chữa được bệnh phải đi sang thế giới bên kia để tìm hồn, nói chuyện và đưa lễ vật cho ma hoặc dọa ma trừng trị ma để lấy được hồn về.

Khi làm lễ thầy sa man ngồi trên tấm ghế dài, đốt hương, rung các nhạc cụ để đi vào trạng thái mê man và nói chuyện được với hồn và ma. Để biết ý hồn và ma ra sao thầy sa man dùng đến cặp bằng sừng hoặc bằng trúc. Dụng

trưng cho hồn người. Khi rơi xuống, một sấp, một ngửa là có hiện tượng ma bắt hồn. Hai mặt đều sấp là ma bắt hồn đi xa. Hai mặt đều ngửa thì hồn đã về.

Nghề thầy sa man (thầy cúng) không phải cha truyền con nối, người Mông cho rằng không phải ai cũng có thể trở thành thầy cúng mà người đó phải có những tư chất được các thần ở thế giới bên kia lựa chọn nên nếu ai đang khỏe mạnh bình thường nhưng tự nhiên bị bệnh chạy chữa không khỏi mà thầy cúng phát hiện ra là bị “đa lếnh” nhập vào thì phải lập bàn thờ. Qua thực tế điền dã tại bản Tả Gia Khâu xã Lũng Cú chúng tôi đã gặp bà Ly Thị Mỷ 76 tuổi là thầy cúng, thầy thuốc đã rất nhiều năm. Bà cho biết năm lên 13 tuổi bà có những biểu hiện bất thường như không ăn được cơm, không ăn thịt, cá, chỉ ăn rau, đậu, uống nước sạch, không làm được việc nhà, sau đó khi lấy chồng sinh con được 7 năm hiện tượng đó lại tiếp tục lặp lại nên bà quyết định lập bàn thờ. Nếu theo quan niệm của người Mông, những người đảm nhận việc cúng tế bao giờ cũng phải là người đàn ông còn phụ nữ hầu như không bao giờ được đảm nhận công việc này, thì trường hợp thầy cúng Ly Thị Mỷ là trường hợp khá đặc biệt.

Sa man giáo có tác động rất mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của người Mông. Thầy sa man là những người được xem như gạch nối giữa con người và thần linh. Trong xã hội người Mông, nếu trưởng bản là người được cả bản kính trọng và tuân thủ mọi điều ông phán xử thì thầy sa man cũng là người được dân bản rất kính trọng và là người hộ trì cho cả bản về phần hồn. Tất cả những việc từ khi đứa bé chào đời cần làm lễ cúng mụ, đến người ốm phải cúng ma, người chết phải làm ma tươi, ma khô, chuyển nhà, chữa bệnh lúc ốm đau…đều phải nhờ đến thầy sa man.

Mặc dù không có hiện tượng thầy sa man xưng vua như một số vùng người Mông ở Lào Cai nhưng vai trò của thầy sa man được nói đến trong bộ máy quản lý của người Mông, giai cấp phong kiến dùng thầy sa man (tức là

dùng thần quyền) trong các vụ phân xử ép buộc, phạt vạ nhân dân. Đặc biệt trong thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm, thổ ty phong kiến và thực dân Pháp đã lợi dụng vai trò của thầy sa man để chia rẽ, gây hiềm khích trong đồng bào, gây nhiều khó khăn cho cách mạng.

Ngày nay, sa man giáo vẫn giữ được vị trí và vai trò của nó trong đời sống tinh thần của người Mông trở thành yếu tố văn hóa riêng và có giá trị trong hệ thống văn hóa tinh thần của dân tộc Mông. Nên có thể nói trong xã hội truyền thống của người Mông, vị trí của già làng, trưởng bản có thể thay thế được nhiều mặt nhưng vị trí của thầy cúng thì chưa có gì thay thế được. Có thời kỳ ở nơi này nơi khác cấm đoán thầy cúng hành nghề nhưng người dân vẫn cần đến họ như một sự động viên về tư tưởng, tinh thần. Điều này cũng phản ánh nhận thức về thần linh và thế giới quan của người Mông là rất khó thay đổi.

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của nguời mông ở đồng văn (hà giang) trước cách mạng tháng tám năm 1945 (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)