Những luật tục về đất đai, nguồn nước, chăn nuôi và các thể thức xử

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của nguời mông ở đồng văn (hà giang) trước cách mạng tháng tám năm 1945 (Trang 39 - 42)

xử phạt vi phạm.

Đối với người Mông những luật tục đã được hình thành từ lâu đời và được truyền miệng qua nhiều hế hệ, các thành viên đều phải tự ý thức làm theo, trưởng bản quản lý và điều hành mọi công việc theo luật tục.

Những quy định về đất đai

Trong phạm vi một bản, các gia đình được phép khai phá đất đai làm nương rẫy nhưng không được khai phá bừa bãi mà phải tuân theo những quy định chung:

- Nếu ai muốn làm trên đất đai của người khác thì phải hỏi ý kiến kèm theo chút quà là một con gà và chai rượu cho người đã có công khai phá.

- Người ở bản khác đến khai phá phải hỏi trưởng bản, mang nộp cho bản ruợu, gà và bạc trắng, nếu được đồng ý thì còn phải nộp lệ phí cho bản tùy theo chất lượng đất canh tác, nhưng sau 3 đến 5 năm thì trả lại cho bản.

- Những nương ngô, ruộng lúa sau 3 đến 4 năm canh tác mà gia đình đó không làm nữa thì thuộc sở hữu công cộng, ai muốn canh tác đều được mà không phải hỏi ý kiến của chủ cũ.

- Người Mông coi nương thuốc phiện là tài sản thừa kế, nếu bố không làm thì để lại cho con cái chứ không được bỏ đi hoặc cho mượn.

Những quy định về nguồn nước và rừng

- Để bảo vệ nguồn nước của bản, vào cuối năm hoặc vào mùa mưa trưởng bản đứng ra điều hành việc tu sửa nguồn nước, mọi gia đình đều phải cử người tới góp sức. Rạng sáng mùng một vào lúc 2- 3 giờ sáng, chủ các gia đình đi lấy nước nguồn, người đi mang theo một nắm cơm một miếng thịt, 3 thẻ hương và 3 tờ giấy bản, đến nơi thắp hương rồi khấn: Năm cũ đã qua, năm mới đã đến, mong mọi điều ốm đau bệnh tật những điều chưa tốt đi theo năm cũ để năm mới làm ăn may mắn đạt kết quả tốt hơn. Nước lấy về qua cửa chính 2 lần ra 3 lần vào sau đó đổ lên các chén trên bàn thờ làm nước cúng và để một ấm đun uống. Người Mông quan niệm nước lấy đầu năm là nước tinh khiết, lấy nước đó về thắp hương làm lễ, ăn uống vào sẽ không sợ ma quỷ là hại, năm mới sẽ gặp may mắn, ăn nên làm ra, sạch sẽ khỏe mạnh.

- Cấm tắm giặt, mổ lợn, gà ở nguồn nước. Lần đầu vi phạm, trưởng bản nhắc nhở. Nếu ai cố tình vi phạm thì phải nộp 5 lạng bạc trắng, nặng hơn thì phải nộp 10 lạng bạc mang một con gà, một chai rượu, một quả trứng và vàng mã rồi nhờ trưởng bản cùng ra nguồn nước để cúng xin thần nước tha tội [53, 7].

- Cấm không được chặt phá rừng để làm nương rẫy ở những khu vực rừng do bản quy định. Nếu vi phạm phạt nộp cho bản một con dê hoặc một con lợn.

Những quy định về bảo vệ mùa màng và chăn nuôi, săn bắt

- Nếu để bò, ngựa thả rông, vuợt rào phá hoại ruộng nương của người khác thì chủ nương có quyền chặt chân hoặc giết con bò, con ngựa đó. Nếu nương lúa, ngô tính ra giá trị không bằng giá trị của con bò, ngựa thì con vật được ngả thịt chia cho chủ nương và chủ chăn nuôi mỗi người một nửa nhưng nếu số lúa, ngô bị thiệt hại có giá trị lớn hơn giá trị con vật thì chủ nương được bồi thường số hoa màu và toàn bộ con vật bị đã bị giết thịt.

- Trong việc săn bắt, trước khi đi săn tập thể, bản phải làm lễ cúng, trưởng bản là người chủ trì, sau khi thắp hương, tất cả các thành viên trong bản và những người đi săn quỳ xuống khấn để thần săn bắt phù hộ cho cuộc đi săn đạt kết quả tốt, không ai bị tai nạn. Thịt thú săn được sau khi cúng cảm ơn thần thì quy định người có công bắn được hưởng một phần lớn hơn còn thì chia đều cho mỗi nhà trong bản.

Một số luật tục khác

- Ăn trộm lúa, ngô, của người khác bị phạt 2 lạng bạc trắng. - Ăn trộm gia súc gia cầm bị phạt 3 lạng bạc trắng.

- Cố tình đầu độc gia súc của người khác phạt 10 lạng bạc trắng. - Phụ nữ ngoại tình phạt nộp rượu, gà.

- Người trong một họ nếu lấy nhau là điều tối kỵ nhưng nếu cố ý vi phạm sẽ có mấy hình thức phạt:

- Đào một con đường cho cả bản đi.

- Gõ vào chậu hoặc nồi vừa đi vừa gõ vừa kể ra tội lỗi của mình và bảo mọi người đừng vi phạm như mình.

- Vác đá đi quanh bản.

- Vác quẩy tấu đi khắp bản để mọi người trong bản vứt đá vào quẩy tấu.

- Vợ chồng bỏ nhau, tài sản thuộc về người chồng, con cái thường theo cha hoặc con trai theo cha, con gái theo mẹ.

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của nguời mông ở đồng văn (hà giang) trước cách mạng tháng tám năm 1945 (Trang 39 - 42)