hoạt
Những lễ nghi liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng chiếm vị trí quan trọng, có tác dụng cố kết các thành viên trong bản với nhau. Đầu năm mới, các bản tổ chức lễ cúng ma bản. Đặc biệt, hàng năm, thường có một gia đình đứng ra tổ chức lễ hội Gầu Tào nhằm cúng tạ trời đất, xin được ban cho con cái khoẻ mạnh, gia đình no đủ, làng xóm yên bình thịnh vượng. Tất cả các thành viên trong bản đều được mời tham gia. Trên một bãi đất rộng người ta trồng một cây nêu hoặc một cây trúc vót nhọn, trên thân cây có dán giấy đỏ, gia chủ làm một mâm cúng đặt dưới gốc cây đó, thầy cúng sẽ đọc bài cầu khấn cho gia chủ có con cái khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Hết phần lễ, chuyển sang phần hội thường mở đầu bằng nghi lễ múa khèn, tiếp theo là hội hát và các trò chơi ngày xuân như đánh pao, đánh yến, bắn nỏ, múa khèn, thổi sáo, chọi gà, chọi chim.
Các thành viên trong bản có ý thức cộng đồng tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất cũng như khi có công việc ma chay, cưới xin, làm nhà mới…cũng như thăm hỏi giúp đỡ nhau khi sinh đẻ hay lúc ốm đau, hoạn nạn.
Trong ngày mùa các gia đình lao động theo hình thức đổi công, nhiều nhà đến giúp một nhà. Trong đám cưới, mọi người trong bản đến dự, mừng cho gia chủ rượu, tiền, gạo. Nếu có người trong bản qua đời, mọi người trong bản đến giúp đỡ tang chủ, khi đến tùy tâm mang theo gạo, rượu, thịt để góp.
Nếu ai trong bản dựng nhà mới, mỗi gia đình cử người đến góp sức. Khi có người sinh nở, không chỉ người trong họ hàng mà mọi người trong bản cũng đến thăm hỏi, tặng quà cho đứa bé, mang thuốc thang, đồ ăn cho mẹ đứa bé.
Các gia đình người Mông còn có một tập tục độc đáo vào lúc chuẩn bị ăn tết là mổ lợn tết mời cả bản đến giúp và ăn cỗ, phần thịt còn lại ướp muối và treo gác bếp. Vào các dịp tết Nguyên Đán, rằm tháng giêng, tết Thanh minh, tết Đoan Ngọ, rằm tháng bảy. Các thành viên trong bản có những ngày nghỉ ngơi, tổ chức ăn uống, vui chơi và đi thăm viếng nhau.
Có thể thấy rằng từ các sinh hoạt hàng ngày đến những dịp lễ hội của người Mông ở Đồng Văn đều diễn ra trong phạm vi không gian của “giao”, diễn ra theo chu kì mùa vụ, có tính chất dân chủ, bình đẳng rất cao. Cái nổi bật xuyên suốt trong các hoạt động đó là sự cố kết cộng đồng dân tộc, cộng đồng dòng họ, giáo dục các thế hệ hướng về cội nguồn, đạo đức lối sống. Đây chính là yếu tố đảm bảo đời sống tinh thần, thỏa mãn những rung cảm bị kìm nén bởi chu kỳ lao động cực nhọc quanh năm vất vả của đồng bào dân tộc Mông.
Như vậy, với cộng đồng cùng cư trú trên một phạm vi chủ yếu theo quan hệ huyết thống, cùng thực hiện những quy ước chung, bản (giao) của ngư- ời Mông là quan hệ thôn xã cổ truyền có vai trò quan trọng trong đời sống. Trong điều kiện sản xuất cá thể, du canh du cư, kinh tế mang tính chất khép kín, cư trú biệt lập ở vùng núi cao, những quan hệ đó được lưu lại một cách tự nhiên với nhiều mức độ khác nhau. Có thể khái quát những đặc điểm chung về “giao” của người Mông như sau:
- Dân cư trong một giao gồm một hay nhiều dòng họ.
- Mỗi giao có phạm vi cư trú và nguồn nước, đất đai làm ăn riêng.
- Mỗi giao có thổ thần chung và những quy ước chung, mọi người trong jaol đều phải thực hiện.
- Dư luận xã hội và phạt vạ là biện pháp để đảm bảo các quy ước chung được thực hiện.
- Tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống trong giao được mọi người coi trọng.