Kiến trúc mô hình nội dung học

Một phần của tài liệu Một mô hình tạo khóa học thích nghi trong đào tạo điện tử (Trang 38 - 41)

2.1.1.1 Các thành phần của mô hình

Chúng tôi đề xuất nội dung môn học gồm thành phần cơ bản: khái niệm và nhiệm vụ. Trước khi giới thiệu chi tiết các thành phần này, chúng tôi trình bày cơ sở sử dụng các thành phần cơ bản nêu trên trong mô hình nội dung học.

Nội dung khóa học bao gồm các khái niệm, vì vậy chúng tôi sử dụng khái niệm để mô hình hóa nội dung. Điều này cũng phù hợp với xu thế nghiên cứu hiện nay trong học thích nghi khi rất nhiều mô hình sử dụng khái niệm là một trong các thành phần mô hình nội dung học [24, 52, 53, 54]. Sự khác biệt trong việc sử dụng khái niệm trong các nghiên cứu là việc xác định độ đo của đơn vị khái niệm. Tùy thuộc vào lĩnh vực nội dung, ứng dụng khác nhau và quan điểm của người thiết kế, độ đo khái niệm khác nhau ví dụ như đơn vị kiến thức [55], các luật [56], ràng buộc [57].

Ngoài các kiến thức người học cần tìm hiểu, nội dung khóa học còn bao gồm các công việc yêu cầu người học thực hiện. Người học cần phải vận dụng các khái niệm đã tìm hiểu được để thực hiện các công việc này, đây cũng là một trong các mục tiêu của môn học. Vì vậy, ngoài các khái niệm, chúng tôi mô hình hóa nội dung khóa học gồm các nhiệm vụ. Ngoài ra, mô hình học thích nghi của chúng tôi có định hướng hướng dẫn người học các bước để có thể hoàn thành được công việc, tìm hiểu được khái niệm, thay vì chỉ đưa ra các khái niệm mà người học cần tìm hiểu như trong các mô hình [10, 12, 23, 42, 47, 57]. Các bước thực hiện này phụ thuộc vào kiến thức của từng người học. Đây cũng là lý do để chúng tôi sử dụng thành phần nhiệm vụ trong mô hình nội dung học.

Trên đây trình bày các cơ sở lựa chọn hai thành phần cơ bản khái niệm và nhiệm vụ để mô hình hóa mô hình nội dung học. Tiếp theo, tác giả giới thiệu các thành phần này.

Khái niệm

Thành phần Khái niệm trong mô hình được chúng tôi định nghĩa:

Định nghĩa 1. Khái niệm là một đơn vị cơ bản trình bày một nội dung cụ thể.

Ví dụ: Trong nội dung khóa học "Thiết kế cơ sở dữ liệu quan hệ" Thực thể là một khái niệm, Bảng là một khái niệm.

Trong mô hình nội dung học, khái niệm được hiểu là đơn vị nhỏ nhất của nội dung khóa học, nói cách khác sẽ không tồn tại một khái niệm Ci là một phần của khái niệm

Cj nào đó.

Trong định nghĩa đề xuất, chúng tôi xác định độ đo của thành phần khái niệm là "nguyên tử" để thống nhất cho việc xây dựng các khái niệm trong mô hình, khác với các cách tiếp cận đưa ra các đối tượng học trong chuẩn SCORM [20], hay một số cách tiếp cận [55, 56, 57], độ đo của khái niệm phụ thuộc vào quan điểm của người thiết kế. Ví dụ: Theo các cách tiếp cận này, thành phần khái niệm gồm một số nội dung cụ thể, hay có thể chỉ là một hình ảnh, một tệp văn bản,... Thêm vào đó, nhằm tránh được sự

nhập nhằng khi xây dựng mối quan hệ giữa các khái niệm, chúng tôi xem khái niệm là đơn vị kiến thức nhỏ nhất.

Nhiệm vụ

Thành phần Nhiệm vụ trong mô hình được chúng tôi định nghĩa:

Định nghĩa 2. Nhiệm vụ là công việc người học cần thực hiện trong quá trình tham gia khóa học để hoàn thành mục tiêu của môn học.

Ví dụ: Trong khóa học "Thiết kế cơ sở dữ liệu quan hệ" Xác định các danh từ trong bản đặc tả yêu cầu của bài toán là nhiệm vụ, người học cần phải thực hiện công việc này để xác định các thực thể của mô hình cơ sở dữ liệu.Chuẩn hóa bảng dữ liệu ở dạng chuẩn 3 là nhiệm vụ.

Khác với khái niệm, nhiệm vụ đòi hỏi người học có sự tương tác với hệ thống. Khác với khái niệm Nhiệm vụ được định nghĩa bởi Choquet [58], xem xét việc tìm hiểu khái niệm cũng là một nhiệm vụ. Theo cách tiếp cận của chúng tôi, xem nhiệm vụ là bài tập hay một hoạt động học tập yêu cầu người học vận dụng các khái niệm đã tìm hiểu để giải quyết. Thông qua kết quả thực hiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ: Với nhiệm vụ Xác định các danh từ, người học cần phải liệt kê được các danh từ trong bản đặc tả yêu cầu. Với nhiệm vụ Chuẩn hóa bảng dữ liệu ở dạng chuẩn 3, người học cần phải xác định bảng gồm các trường dữ liệu nào, thuộc tính nào là thuộc tính khóa, từ bảng dữ liệu ở dạng chuẩn 2.

Về cấu trúc, chúng tôi dựa trên mô hình nhiệm vụ được đề xuất bởi Choquet [58]. Các nhiệm vụ được phân cấp, một nhiệm vụ có thể bao gồm nhiều nhiệm vụ khác. Xét khía cạnh mô hình, số lượng các nhiệm vụ và mức độ phân cấp không có giới hạn. Tuy vậy, việc xác định số lượng hữu hạn nhiệm vụ cũng như mức độ phân cấp phụ thuộc vào quan điểm của người thiết kế khóa học. Phân chia các nhiệm vụ càng chi tiết, các bước hướng dẫn người học hoàn thành nhiệm vụ càng chi tiết hơn, tuy nhiên điều đó cũng gây khó khăn trong việc chọn ra các nhiệm vụ với người học. Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này trong phần so sánh, đánh giá mô hình.

Chủ đề

Định nghĩa 3. Chủ đề T là tập các khái niệm và nhiệm vụ trình bày một phần nội dung của khóa học.

cơ sở dữ liệu quan hệ".

Chúng tôi đề xuất khái niệm Chủ đề nhằm giúp cho quá trình thiết kế xây dựng mô hình nội dung khóa học. Tiếp cận theo hướng từ trên xuống, để mô hình hóa nội dung khóa học, người thiết kế xem nội dung khóa học gồm nhiều chủ đề. Với mỗi chủ đề, người thiết kế xác định khái niệm và nhiệm vụ cần thiết giúp người học hoàn thành chủ đề đó.

Một phần của tài liệu Một mô hình tạo khóa học thích nghi trong đào tạo điện tử (Trang 38 - 41)