7. Bố cục luận văn
1.2.2. Tình hình chính trị, kinh tế xã hội Đài Loan trước năm 1991
Tình hình chính trị
So với các nước, khu vực và vùng lãnh thổ khác, Đài Loan có hoàn cảnh chính trị hết sức đặc thù, trong đó khó khăn nhiều hơn thuận lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng kinh tế, xã hội của hòn đảo này.
Để có những thành tựu to lớn như ngày nay, Đài Loan đã sử dụng nhiều biện pháp khôn khéo, linh hoạt, vượt qua khó khăn, tạo môi trường chính trị lành mạnh, để phát triển. Có thể khẳng định trong quá trình xây dựng và phát triển, Đài Loan đã xác lập và duy trì được cục diện chính trị khá ổn định, đặc biệt là tình hình đối nội. Cùng với những yếu tố khác, đây chính là điều kiện vô cùng quan trọng góp phần giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế và mức độ tiến bộ xã hội ở Đài Loan.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân Đảng lãnh đạo đã trở thành chính thể quản lý Đài Loan. Chính quyền Đài Loan phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Từ năm 1949 - 1987, Đài Loan duy trì chế độ một đảng lãnh đạo mang tính chất chuyên quyền, nghiêm cấm mọi hình thức tổ chức, lập đảng phái ngoài Quốc Dân Đảng. Có thể coi đây là cách làm cần thiết nhằm xây dựng cục diện chính trị ổn định trong điều kiện khó khăn mọi mặt lúc bầy giờ. Bên cạnh đó, Đài Loan tiến hành lựa chọn và thực thi một loạt các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế, góp phần giữ yên trật tự xã hội, làm trong sạch môi trường chính trị. Đó là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao ngay từ giai đoạn đầu, dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn thử thách, Đài Loan vẫn nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Trong các thập kỷ 50 và 60 Đài Loan đã nhận được sự ủng hộ về chính trị tương đối rộng rãi của các nước tư bản, đặc biệt là Mỹ. Đài Loan là thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc với danh nghĩa “Trung Hoa Dân Quốc”. Thập kỉ 70, hòn đảo này bước vào hàng ngũ các nước, khu vực công nghiệp mới phát triển. Những thành tựu phát triển kinh tế của hòn đảo này được coi là kỳ tích. Ngược lại cũng trong thời gian này, nền kinh tế Trung Quốc Đại lục tuy đạt nhiều thành tựu to lớn trong thập kỉ 50, nhưng sau đó lại lâm vào tình trạng khủng hoảng, khó khăn, và sa sút nghiêm trọng vào cuối thập kỉ 70. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, kinh tế - xã hội Đài Loan đã có những bước tiến vượt bậc vào những năm 70 và 80. Đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí cũng như mặt bằng văn hóa được cải thiện rõ rệt. Xã hội Đài Loan hình thành tầng lớp trung lưu có vai trò và những đóng góp khá quan trọng trong đời sống kinh tế và chính trị.
Từ thập kỉ 70, Đài Loan bị loại khỏi vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an và thành viên Liên Hợp Quốc, đánh dấu thời kì hết sức khó khăn trong lĩnh vực chính trị đối ngoại của lãnh thổ này. Trong hoàn cảnh đó, Đài Loan chuyển sang chủ trương thực hiện “đường lối ngoại giao thực dụng”.
Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, Tưởng Kinh Quốc lên thay, lệnh giới nghiêm đã được bãi bỏ năm 1987, thực hiện chế độ đa đảng, dân chủ hóa đời sống chính trị. Ngoài Quốc Dân Đảng, nhiều tổ chức đảng lần lượt ra đời, nổi bật là Đảng Dân tiến và Tân đảng. Sự thay đổi chính trị này tạo điều kiện thuận lợi đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội Đài Loan. Tuy nhiên, khi hoạt động của các đảng phái ngày càng trở nên tự do thì ở Đài Loan lại nảy sinh tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các đảng phái, các tổ chức chính trị. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn duy trì được cục diện chính trị tương đối ổn định, kinh tế - xã hội phát triển.
Người kế nhiệm Tưởng Kinh Quốc là Lý Đăng Huy nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 8 vào năm 1990. Cuối những năm 80 đầu những năm 90,
Chiến tranh lạnh kết thúc, cục diện hai cực sụp đổ, các cuộc đối đầu, chạy đua vũ trang lắng xuống. Hội nhập kinh tế và hợp tác trở thành xu thế chung của thời đại. Đó là những cơ hội và thách thức mới cho quan hệ kinh tế đối ngoại của Đài Loan nói riêng và sự phát triển kinh tế, xã hội của hòn đảo này nói chung.
Tình hình kinh tế - xã hội
Trước tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế - xã hội, từ năm 1949, chính quyền Quốc Dân Đảng xác định mục tiêu chiến lược trước mắt là phục hồi kinh tế, đưa Đài Loan thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Để thực hiện mục tiêu đó, Đài Loan đã tiến hành nhiều chính sách và biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng đưa Đài Loan thoát khỏi khủng hoảng. Năm 1952, cũng chính là điểm mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi cơ bản tình hình kinh tế - xã hội của hòn đảo này.
Sau thời kỳ ổn định kinh tế - xã hội, Đài Loan chuyển sang thời kỳ “lấy nông nghiệp bồi dưỡng công nghiệp và phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu” (1953 - 1972) gồm hai giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất, Đài Loan thực hiện “Chiến lược thay thế nhập khẩu” (1953 - 1960). Trong giai đoạn này, Đài Loan đề ra và thực hiện hai kế hoạch xây dựng kinh tế - xã hội (1953 - 1956) và (1956 - 1960) với mục tiêu chiến lược là “xây dựng kinh tế hướng nội”, nghĩa là làm sống động guồng máy sản xuất nội địa, đặc biệt là nông nghiệp và các ngành công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu. Với những chính sách tài chính và thuế được áp dụng có hiệu quả, Đài Loan đã nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn thứ hai (1961 - 1972).
Giai đoạn thứ hai, Đài Loan thực hiện chiến lược “mở rộng xuất khẩu, thay thế nhập khẩu”, nghĩa là chuyển từ chiến lược kinh tế hướng nội sang hướng ngoại. Các kế hoạch kinh tế 4 năm lần thứ 3: 1961 - 1964; lần thứ tư: 1965 - 1968; lần thứ năm: 1969 - 1972. Thời kỳ này kinh tế có tốc độ tăng
trưởng nhanh. Trừ ba năm đầu 1961, 1962, 1963 và ba năm 1966, 1968, 1969 có tốc động tăng trưởng dưới 10%, các năm còn lại đều có tỉ lệ tăng trưởng trên 10%, năm 1972 có tộc độ tăng trưởng tối đa đạt 13,4% [14; tr 46]. Đây được xem là “thời đại hoàng kim” về phát triển kinh tế - xã hội, hay còn gọi là thời kỳ “cất cánh kinh tế” của Đài Loan.
Những năm 70 của thế kỉ XX, tình hình thế giới có nhiều biến động, báo hiệu cuộc khủng hoảng mang tính chất toàn cầu, mở đầu là khủng hoảng năng lượng dầu mỏ 1973 và tiếp theo là các cuộc khủng hoảng khác. Kinh tế - xã hội Đài Loan cũng chịu tác động của tình hình thế giới nói trên.
Lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng không ổn định. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng, mà tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp Đài Loạn từ 16,2% của năm 1973 xuống -4,5% của năm 1974 [13; tr 52]. Lĩnh vực nông nghiệp cũng giảm sút nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, Đài Loan đã nhanh chóng chuyển từ chiến lược “nông nghiệp bồi dưỡng công nghiệp” sang chiến lược “lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp”. Để thực hiện sự thay đổi chiến lược này, Đài Loan tiếp tục thực hiện 3 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 năm (lần thứ 6: 1973 - 1975; lần thứ 7: 1976 - 1981, lần thứ 8: 1982 - 1985) với mục tiêu đẩy mạnh hiện đại hóa công nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Đài Loan thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành kỹ thuật cao. Năm 1980, thành lập công trình số 1 “Khu viên khoa học công nghiệp Tân Trúc”, thu hút các loại nhân tài khoa học kỹ thuật, bắt đầu sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao. Năm 1982, công nghiệp nặng bắt đầu chiếm tỷ trọng cao hơn công nghiệp nhẹ. Công nghiệp điện tử tiêu dùng đã có sức cạnh tranh với những thị trường có tiếng như Nhật Bản, Mỹ... Bên cạnh đó, Đài Loan đẩy mạnh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao mức sống của nhân dân, từng bước đô thị hóa nông thôn.
Bước vào thập kỷ 80, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, vừa tạo ra cơ hội, vừa đòi hỏi Đài Loan phải đẩy mạnh hội nhập sâu hơn trong nền kinh tế thế giới. Đứng trước tình hình ấy, Đài Loan đề ra nhiều chính sách và biện pháp nhằm điều chỉnh hợp lý sự phát triển kinh tế - xã hội đưa nền kinh tế hướng ngoại mạnh mẽ và toàn diện với phương châm “ba hóa”: Tự do hóa, quốc tế hóa và chế độ hóa. Đài Loan tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 năm lần thứ 9: 1986 - 1989; lần thứ 10: 1990 - 1993.
Những thành quả mà Đài Loan đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã chứng minh rõ tính đúng đắn, sáng tạo của hệ thống chính sách được thực thi suốt chặng đường dài từ 1949 đến trước năm 1991. Có thể khẳng định, chính quyền Đài Loan không chỉ xác định đúng đắn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài mà còn định ra những bước đi phù hợp trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Chính quyền Đài Loan đã thành công ở chỗ biết căn cứ vào tình hình thực tế để có thể khai thác thế mạnh, tạo cơ sở vững chắc cho mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn. Đồng thời khai thác tối đa những kết quả đạt được của giai đoạn trước để phục vụ nhu cầu phát triển cho giai đoạn sau, điều này giúp Đài Loan phát huy nội lực. Chỉ hơn 40 năm, từ 1949 đến trước khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Đài Loan từng bước tăng trưởng mạnh. Từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, Đài Loan đã “hóa rồng” nhanh chóng bước vào hàng ngũ các quốc gia và khu công nghiệp mới.
Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, Đài Loan luôn chú trọng đến mục tiêu phát triển xã hội nhằm nâng cao mức sống của các tầng lớp cư dân, điều hòa được mâu thuẫn giai cấp, tạo bình diện ổn định xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển giáo dục đào tạo, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm ổn định chính trị và duy trì trật tự xã hội. Nhờ thực hiện những chính sách thiết thực và hiệu quả, xã hội Đài Loan đã có bước tiến tương xứng với sự trưởng thành và lớn mạnh của kinh tế.