Tài chính ngân hàng

Một phần của tài liệu Kinh tế, xã hội Đài Loan từ năm 1991 đến năm 2012 (Trang 80 - 84)

7. Bố cục luận văn

2.1.5.Tài chính ngân hàng

Có thể nói, những năm 1949 - 1953 là thời kỳ nước sôi lửa bỏng trong lĩnh vực tài chính tiền tệ của Đài Loan. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền Đài Loan là cân bằng ngân sách, ngăn chặn lạm phát. Năm 1949, Đài Loan công bố phương án cải cách chế độ tiền tệ và biện pháp phát hành đồng tiền mới, đồng thời ban hành quy chế thống nhất thu thuế giữa thuế nhà nước và thuế địa phương vào năm 1951… Nhờ thực hiện cải cách tiền tệ và áp dụng những điều chỉnh về thuế nên nguồn thu của chính quyền Đài Loan tăng lên đáng kể và có được nguồn dự trữ (Từ năm 1951 - 1960 tỷ lệ thuế mức phải đóng và tổng thu nhập của mỗi cá nhân tăng từ 13,5% lên 18,3% [50, tr204].

Đến thập niên 70, mặc dù hai lần cuộc khủng hoảng dầu lửa tác động đến kinh tế Đài Loan nhưng nhờ chính quyền Đài Loan áp dụng nhiều biện pháp tài chính năng động nên nền kinh tế Đài Loan vẫn phát triển với tốc độ nhanh và tương đối ổn định. Từ một xã hội nghèo nàn, Đài Loan đã vươn lên

trở thành hòn đảo giàu có. Tài sản của tư nhân và công cộng không ngừng tăng lên cả chất lẫn lượng.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Đài Loan trong thập kỷ 70 và 80 kéo theo những thay đổi lớn về cơ cấu tài chính tiền tệ, đặc biệt sự gia tăng khối lượng vốn tích lũy trong khu vực tư nhân và khối lượng lưu chuyển tiền tệ trong thanh toán.

Đài Loan đã thực hiện dần từng bước tự do hóa chính sách tài chính quốc tế. Chính quyền vẫn giữ vai trò quan trọng trong quản lý và kiểm soát kinh tế đối ngoại. Các ngân hàng nước ngoài vẫn bị hạn chế lập chi nhánh hoạt động ở Đài Loan.

Từ giữa năm 1998, Đài Loan bắt đầu bị tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính châu Á 1997, tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh, từ 4,18% năm 1997 lên 8,16% vào cuối năm 2001 và 8,8% vào năm 2002, riêng nợ xấu của nhóm các tổ chức tài chính cơ sở lên tới 16,39% và tội phạm ngân hàng tăng mạnh, mà đối tượng vi phạm bao gồm cả một số lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng [113]. Trước các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997, Đài Loan tiến hành cải cách hệ thống tài chính ngân hàng nhằm đưa ngành tài chính đạt tiêu chuẩn thế giới. Các nguyên tắc cải tổ đều tập trung vào tăng cường các quy chế an toàn, nguyên tắc thị trường và cơ sở hạ tầng tài chính để tạo nên một hệ thống tài chính ổn định, lành mạnh và hiệu quả hơn. Đài Loan đã tiến hành hàng loạt các biện pháp như giảm lãi suất, mở cửa hệ thống ngân hàng cho các đối tác nước ngoài… Với những chính sách, biện pháp linh hoạt trên và có một cơ chế theo dõi và kiểm soát lành mạnh mà Đài Loan đã đứng vững trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998.

Từ giữa năm 1999, chính phủ Đài Loan đã tiến hành quản lý các khoản nợ, yêu cầu các ngân hàng xử lý nợ xấu, giảm thuế thu nhập của các tổ chức

tài chính từ 5% xuống 2%, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại ngân hàng trung ương nhằm giúp các ngân hàng có thêm nguồn tài chính để giải quyết nợ xấu. Thành lập các công ty quản lý tài sản nhằm thúc đẩy việc phân loại và xử lý nợ xấu, thực hiện các biện pháp để giảm nợ xấu.

Trong giai đoạn 1991-2001, Đài Loan tiếp tục đẩy mạnh chính sách tự do hóa tài chính theo hướng hội nhập quốc tế, cho phép thành lập các ngân hàng tư nhân. Sự kiểm soát chặt chẽ của ngân hàng trung ương và những hạn chế của qúa trình tự do hóa thị trường Đài Loan cùng với việc phát triển cơ chế giám sát và điều hành của ngân hàng trung ương và bộ tài chính làm cho các tổ chức tài chính của Đài Loan buộc phải hoạt động thận trọng khi tăng các khoản cho vay đảm bảo bằng cổ phiếu. Vì vậy các khoản nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Ngân hàng trung ương đã kiểm soát chặt chẽ việc vay nợ của các công ty Đài Loan, các công ty chỉ có thể tăng các khoản vay nợ bằng ngoại tệ với việc đầu tư vào các nhà máy trong nội địa chứ không phải đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản. Chính cách thức quản lý này đã giúp Đài Loan tránh được sự bùng nổ quá mức về đầu cơ bất động sản như nhiều nước Đông Nam Á. Đồng thời ngân hàng trung ương cũng đưa ra các biện pháp để hạn chế sự di chuyển của đồng NT$, điều này có nghĩa là giảm bớt sự quốc tế quốc tế hóa của đồng NT$ đã giúp Đài Loan đứng vững trước những biến động của thị trường tài chính tiền tệ thế giới.

Ngày 17/12/2004, Chính quyền Đài Loan đã phê duyệt đề án thúc đẩy trung tâm dịch vụ tài chính khu vực, tiếp tục nhiệm vụ của công cuộc cải cách tài chính. Trong giai đoạn này, Đài Loan đã thực thi các chiến lược lớn nhằm kiện toàn tổng thể môi trường tài chính, thúc đẩy trung tâm tài chính khu vực, thúc đẩy nghiệp vụ quản lý tài chính, đa dạng hóa các dịch vụ tài chính, tăng cường thể chế thị trường tài chính. Với những biện pháp phù hợp nói trên, thị

trường tài chính Đài Loan đã từng bước phát triển theo cơ chế thị trường, nâng dần vị thế của ngành tài chính Đài Loan trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của các doanh nghiệp được cải thiện.

Tuy nhiên, năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã tác động rất lớn đến Đài Loan, làm cho thị trường chứng khoán Đài Loan từ tháng 7/2007 tới tháng 10/2008 bị sụt giảm 54% [40], giá trị các khoản đầu tư quốc tế của các tổ chức và cá nhân bị mất giá đáng kể, nền kinh tế cũng lao đao với đà đi xuống của kim ngạch xuất khẩu, giá trị tài sản cá nhân và đầu tư doanh nghiệp, giá bất động sản. Trước tình trạng đó, chính quyền Đài Loan, đứng đầu là Tổng thống Mã Anh Cửu đã đưa ra các gói kích thích kinh tế trong tháng 9/2008 và thực hiện một loạt các chính sách tài chính; chính sách tiền tệ; chính sách tài khóa để ổn định tài chính, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Với sức mạnh tiềm ẩn của kinh tế vĩ mô cùng với sự phản ứng kịp thời, nhạy bén thông qua các chính sách, biện pháp đúng đắn, cùng với sự phục hồi của kinh tế khu vực, của chính quyền Đài Loan đã đưa hòn đảo này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách ngoạn mục trong năm 2010.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013, năng lực cạnh tranh của thị trường tài chính Đài Loan xếp thứ 19 trong tổng số 144 nền kinh tế được khảo sát, tiến 5 bậc so năm trước. Tài sản của khu vực tài chính nội địa cũng đã tăng lên nhanh chóng, tăng 1,8 lần từ 33390 tỷ NT $ (1,13 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2000 đến 59820 tỷ NT $ (2,01 nghìn tỷ USD) trong tháng 12/ 2011 [93].

Trong tháng 12 năm 2011, dự trữ ngoại hối của Đài Loan lên tới 385,5 tỷ USD, tăng 3,5 tỷ USD so với tháng 12 năm 2010, đứng vị trí thứ năm trên thế giới về dự trữ ngoại tệ, (sau Trung Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Saudi và Nga). Năm 2011, chỉ số ngân hàng lành mạnh của Đài Loan đã vươn lên vị trí 51,

cao hơn nhiều so với Nhật Bản (xếp thức 63), Cộng Hòa Liên Bang Đức (75), Mỹ (97) và Hàn Quốc (98), tỉ lệ an toàn vốn là 11,97% (vào tháng 6/2012). Tỉ lệ nợ xấu giảm từ 11,76% vào tháng 4/2002 xuống 1,84% vào cuối năm 2006 và 0,51% vào tháng 9/2012 [87].

Một phần của tài liệu Kinh tế, xã hội Đài Loan từ năm 1991 đến năm 2012 (Trang 80 - 84)