7. Bố cục luận văn
2.2.1. Vấn đề dân số và việc làm
Yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội là con người - nguồn nhân lực, mà điều đó lại gắn liền với tình hình biến đổi dân số. Mặt khác, mục đích cuối cùng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội không ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng dân số, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực thật sự phù hợp và tác động tích cực đến sự phát triển
Vì vậy có thể khẳng định, dân số là yếu tố quan trọng để phát triển vững bền. Ý thức được điều đó Đài Loan luôn coi chiến lược dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hòn đảo này, là một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội và là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chính vì vậy, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Tùy theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, chính sách dân số của Đài Loan không ngừng được điều chỉnh. Năm 1905, dân số Đài Loan mới có khoảng 3 triệu người, từ khi chính quyền Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan, dân số ở khu vực này tăng gấp đôi. Từ năm 1952 - 1969 tỷ lệ tăng dân số luôn đạt trên 3,3%, đặc biệt năm 1969 tăng 5,0% [21; tr 124] Tốc độ gia tăng dân số cao đã gây nên những áp lực không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, kể từ năm 1965, Đài Loan bắt đầu thực thi chính sách “Kế hoạch hóa gia đình”. Nhờ những biện pháp hợp lý, kịp thời từ thập niên 70 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tỷ lệ tăng dân số giảm dần còn khoảng từ 1 - 1,9%.
Nhưng việc giảm thiểu dân số, tỷ lệ sinh giảm dẫn đến vấn đề dân số già hóa, Đài Loan lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn lao động. Để giải quyết vấn đề này, năm 1990, Đài Loan đã tiến hành sửa đổi “Cương lĩnh chính sách dân số”, nêu ra chính sách một đôi vợ chồng có thể đẻ 3 con. Mấy năm gần đây, Đài Loan tiến thêm một bước áp dụng chính sách khuyến khích sinh đẻ.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình, năm 1996 Đài Loan thành lập “Ủy ban chính sách dân số” và “Viện Nghiên cứu Kế hoạch hóa gia đình” để soạn thảo và điều chỉnh kịp thời, hợp lý những chính sách, biện pháp liên quan đến vấn đề dân số.
Mặc dù Đài Loan đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề dân số nhưng từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở đi, gia tăng dân số của Đài Loan luôn giảm. Tính đến cuối năm 2008, dân số Đài Loan là 23 triệu người, trung bình mỗi một km2có 640 người. Cơ cấu tuổi tác của dân số Đài Loan có xu thế già hóa ngày càng cao. Cuối năm 2001, tỷ lệ dân số từ 0-14 tuổi giảm xuống còn 20,8%, tỷ lệ dân số từ 15-64 tuổi tăng lên đến 70,4%, và tỷ lệ dân số trên 65 tuổi tăng lên đến 8,8%. Đài Loan phải đối mặt với vấn đề suy giảm dân số nghiêm trọng. Dân số của Đài Loan đang già đi nhanh chóng, năm 2011 với số lượng người trên 65 tuổi chiếm 10,9 % tổng dân số của hòn đảo. Điều này được thể hiện qua bảng 6 Phần phụ lục.
Tỷ lệ sinh thấp cộng với tuổi thọ cao làm cho chính quyền Đài Loan lo ngại về số dân ngày càng lão hóa, đe dọa đến an ninh của hòn đảo này. Rõ ràng khi dân số ngày càng ít thì vấn đề đặt ra là tìm ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế và cung ứng cho lực lượng quốc phòng sẽ gặp khó khăn. Chính quyền Đài Loan đang nỗ lực giải quyết vấn đề trên bằng nhiều phương án như khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, trợ cấp tiền chăm sóc trẻ hay đứng ra liên lạc tìm chỗ giữ trẻ trong các công sở… Theo báo cáo, tổng nguồn tài trợ từ
chính quyền Đài Loan cho các chính sách này dự kiến lên tới trên 1 tỷ USD, đó là chưa tính đến kinh phí đầu tư để nâng cấp hệ thống chăm sóc trẻ.
Sự già hóa dân số, giảm sút tỷ lệ sinh đã đẩy Đài Loan lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông ngày càng tăng. Vì thế, từ đầu những năm 1990 đến nay, việc tiếp nhận nguồn lao động phổ thông từ bên ngoài trở thành nhu cầu bức thiết. Việc tuyển dụng lao động bên ngoài ở Đài Loan được thực hiện không phải dựa trên cơ sở thay thế mà là bổ sung nguồn lao động bản xứ. Đài Loan không hề có ý định mở cửa hoàn toàn thị trường lao động nội địa cho lao động bên ngoài và những lao động bên ngoài bất hợp pháp sẽ không được phép hợp pháp hóa việc ở lại Đài Loan. Việt Nam là một trong những thị trường lao động mà Đài Loan đang hợp tác. Đây là một trong những mảng trong quan hệ phi chính phủ giữa Việt Nam và Đài Loan.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Đài Loan, từ năm 1978 đến năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp trung bình của Đài Loan là 2,93 %, mức cao nhất 6,13 % trong tháng 8 năm 2009 và mức thấp kỷ lục 0,86 % vào tháng 4 năm 1981. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đến Đài Loan trong nửa cuối năm 2008, gây ra một sự suy giảm trong nền kinh tế của Đài Loan, thị trường việc làm đã bị ảnh hưởng và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Để cải thiện vấn đề thất nghiệp, chính quyền Đài Loan đã đưa ra các biện pháp xúc tiến việc làm năm 2008 - 2012. Cùng với sự phục hồi dần dần của các gói kích thích kinh tế ở Đài Loan, các biện pháp xúc tiến việc làm đã có kết quả khả quan, tỷ lệ thất nghiệp của Đài Loan đã dần dần đi xuống từ đỉnh điểm 6,13% vào tháng 8/2009 đã giảm xuống còn 4,3% năm 2012. TheoHội đồng kế hoạch và phát triển kinh tế Đài Loan, các biện pháp xúc tiến việc làm 2008 - 2009 đã tạo ra 48.000 cơ hội việc làm trong năm 2008, và 73.000 trong năm 2009. Năm 2010, chương trình xúc tiến việc làm đã cung cấp 187.000 cơ hội việc
làm và 237.000 cơ hội đào tạo, cung cấp cho gần 70.000 công ăn việc làm và 236.000 điểm đào tạo trong năm 2011 [59].
Các xí nghiệp vừa và nhỏ không những đóng góp vai trò xương sống trong nền kinh tế Đài Loan, mà còn có tác dụng quan trọng về mặt xã hội. Nó giúp Đài Loan giải quyết đáng kể vấn đề công ăn việc làm cho người lao động cả thành thị và nông thôn. Từ trước tới nay, xí nghiệp vừa và nhỏ luôn chiếm tỷ lệ lớn trong toàn bộ các xí nghiệp Đài Loan. Với số lượng lớn, được xây dựng tương đối đều trên các vùng, xí nghiệp vừa và nhỏ lại có nhu cầu sử dụng sức lao động lớn, đó chính là những cơ hội tốt cho người lao động Đài Loan tìm kiếm việc làm, ổn đinh đời sống. Năm 2011, xí nghiệp vừa và nhỏ sử dụng 8.330.000 lao động, chiếm 77,85 % tổng số lực lượng lao động của Đài Loan, [93] một con số đáng ghi nhận khi nói tới vai trò xã hội của xí nghiệp vừa và nhỏ Đài Loan.
Theo báo cáo của Văn phòng thống kê Đài Loan, tháng 12 năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ tuổi của Đài Loan là 3,1 lần so với tỷ lệ thất nghiệp nói chung và cao hơn nhiều so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Đài Loan, độ tuổi 15-24 là 13,6%, cao hơn một số nước trong khu vực. Tỷ lệ này ở Nhật Bản là 7% và 8,8% tại Hàn Quốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do sự chênh lệch giữa đào tạo việc làm và nhu cầu thực tế việc làm. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp nói trên không chỉ thuần túy không có việc làm, mà còn nhiều yếu tố khác tạo thành như điều kiện làm việc, chế độ làm việc chưa đáp ứng nguyện vọng, khả năng hay hoàn cảnh thực tế của người lao động, tố chất, trình độ kỹ thuật của người lao động không đáp ứng được yêu cầu đạt ra… Đài Loan đã tiến hành thực hiện các biện pháp như tích cực thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, đây là một trong những mục tiêu quan trọng, cũng là lợi ích cơ bản của các nước, vùng lãnh thổ đầu tư và nhận được đầu tư là giải quyết vấn đề lao động, tạo công ăn việc làm cho người lao động; cải thiện điều kiện làm
việc và nâng cao tố chất người lao động bằng cách cải thiện chế độ và điều kiện lao động, tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, nâng cao tay nghề của công nhân, làm tốt công tác hướng dẫn tìm việc làm cho người lao động…
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay và trong xu thế tỷ lệ thất nghiệp cao đang trở nên phổ biến trên thế giới thì các chính sách về việc làm của chính quyền Đài Loan đã phát huy hiệu quả và đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện công ăn việc làm của người dân ở hòn đảo này. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đài Loan đã giảm xuống đáng kể so với năm 2009, điều này được thể hiện thông qua biểu đồ sau:
Biểu đồ 2.8. Tỷ lệ thất nghiệp của Đài Loan
Nguồn: [81]