7. Bố cục luận văn
2.2.2. Chế độ phúc lợi xã hội
Chính sách phúc lợi là một trong những tiêu chuẩn đánh giá trình độ phát triển xã hội. Chính sách phúc lợi xã hội đã được chính quyền Đài Loan đưa ra từ năm 1965. Kể từ đó đến nay, chính sách phúc lợi xã hội đã được sửa đổi nhiều lần tùy theo những thay đổi của tình hình chính trị, kinh tế và xã hội.
Từ những năm 90 trở đi, phát triển phúc lợi xã hội ở Đài Loan được thúc đẩy bởi chính sách dân chủ hóa ngày càng sâu rộng. Chức năng của chính sách này nhằm đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân, thúc đẩy sự ổn định, hài hòa giữa gia đình và đoàn kết trong xã hội, đồng thời góp phần làm cho chính trị ổn định. Chính sách phúc lợi xã hội của Đài Loan được thực hiện cụ thể với các đối tượng sau:
Đối với trẻ em và thanh niên.
Bảo vệ quyền và phúc lợi của trẻ em và người chưa thành niên ở Đài Loan là trách nhiệm của văn phòng phúc lợi trẻ em thuộc Bộ Nội vụ, cùng với các cơ quan chính quyền địa phương có liên quan và toàn xã hội.
“Luật chế độ phúc lợi trẻ em” ở Đài Loan được ban hành vào tháng 12 - 1973, sau đó được sát nhập với “Luật phúc lợi thanh niên” tạo thành “Luật phúc lợi trẻ em và thanh thiếu niên”. Mục đích của các luật này là đảm bảo cho mỗi trẻ em và thanh thiếu niên có thể có cuộc sống hạnh phúc, an toàn và lành mạnh trong quá trình phát triển.
Luật phúc lợi trẻ em và thanh thiếu niên được sửa đổi vào ngày 30 tháng 11 năm 2011 đã đáp ứng tốt những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn đạo luật cũ trước đây.
Để giúp các bậc cha mẹ trẻ hoặc gia đình hoàn cảnh khó khăn chăm sóc con cái của họ, chính quyền Đài Loan đã trợ cấp các khoản phụ cấp sinh hoạt từ 1.900 NT$ đến 2.300 NT$ /mỗi tháng cho mỗi đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên trong các gia đình trung lưu và thu nhập thấp.
Nhằm thúc đẩy các hệ thống chương trình chăm sóc trẻ em ở cấp xã, từ năm 2001, chính quyền Đài Loan đã thực hiện công tác tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động cho lực lượng chăm sóc trẻ. Tính đến năm 2008, đã có 62 địa phương thành lập được hệ thống chăm sóc trẻ ở cấp xã với số lượng 16.419 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Chính quyền Đài Loan còn thực hiện việc trợ cấp giáo dục mầm non.Chính quyền đã trợ cấp cho mỗi trẻ năm tuổi đi học mẫu giáo công lập với 14.000 NT $ mỗi năm và trường mẫu giáo ngoài công lập là 30.000 NT$ mỗi năm. Trong năm 2011, tổng cộng 94.489 trẻ em đã được hỗ trợ.
Đối với trẻ em thổ dân học trong các trường mẫu giáo công lập được hỗ trợ 5.000 NT$ cho mỗi năm, và 20.000 NT$ cho trẻ học ở trường tư nhân. Trong năm 2011, đã hỗ trợ được 463 trẻ em.
Trường hợp trẻ em chậm phát triển, chính quyền Đài Loan đã thực hiện tốt việc quản lý hệ thống thông tin về đối tượng này, đồng thời tích cực giúp đỡ các trung tâm chăm sóc trẻ chậm phát triển. Mỗi trẻ chậm phát triển được trợ cấp 3.000 NT$ mỗi tháng. Trường hợp trẻ chậm phát triển ở các gia đình có thu nhập thấp được trợ cấp 5.000 NT$ mỗi tháng [75].
Ngoài ra, để thực hiện tốt chính sách phúc lợi xã hội cho trẻ em và thanh thiếu niên, chính quyền Đài Loan đã ban hành "Luật Giáo dục và Chăm sóc trẻ em”, Đạo Luật Tiêu Chuẩn Lao Động (LSA), cấm sử dụng lao động từ dưới 15 tuổi, Luật Phòng chống bạo lực gia đình bảo vệ cho trẻ em và vị thành niên. Luật hình sự của Đài Loan có những quy định nghiêm khắc đối với các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, Đài Loan còn lập đường dây nóng xử lý các trường hợp bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục trẻ em. Năm 2011, đường dây nóng "113" cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em đã được thành lập hoạt động 24/24 giờ và nhiều chương trình khác an toàn cho trẻ em đã được triển khai để bảo vệ trẻ em, đảm bảo môi trường học tập an toàn và không có bạo lực, ma túy, các băng nhóm…
Đối với trẻ từ ba đến năm tuổi ở các gia đình trung lưu hoặc có thu nhập thấp khi vào các trung tâm chăm sóc công cộng hay tư nhân đều được trợ cấp 12.000 NT$/mỗi năm. Từ năm 2002, các khoản trợ cấp cho điều trị y tế của trẻ em ở độ tuổi dưới ba được thực hiện qua các dịch vụ bảo hiểm theo chương trình bảo hiểm y tế của Đài Loan (NHI). Bắt đầu từ 01 tháng một năm
2009, khoản trợ cấp này đã được mở rộng cho trẻ em và người chưa thành niên dưới 18 tuổi thuộc trung bình và thu nhập thấp gia đình.
Năm 2011, ngân sách cho các chương trình phúc lợi trẻ em là 6,25 tỷ NT$ (212,15 triệu USD).
Đối với người cao tuổi
Đài Loan đã công bố “Luật phúc lợi người già” vào tháng 1/1980 với các nội dung chính như: tôn trọng người già, đảm bảo cuộc sống yên ổn, đảm bảo sức khỏe và tăng cường chế độ phúc lợi cho người già. Chính quyền ở các địa phương phải có trách nhiệm thành lập các tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng người già không nơi nương tựa hoặc con cái quá khó khăn không đủ khả năng nuôi dưỡng, xây dựng nhà dưỡng lão, câu lạc bộ, sân vận động cho người già rèn luyện sức khỏe và giải trí. Để triển khai và thực thi tốt luật phúc lợi người già, tháng 10/1981, Đài Loan đã công bố “những tiêu chuẩn thành lập cơ sở phúc lợi người già”. Từ đó đến nay, Đài Loan liên tiếp đề ra và triển khai ra nhiều chương trình để làm tốt công tác phúc lợi cho người già.
Đài Loan đã trở thành một xã hội “lão hóa” từ năm 1993, khi nó vượt qua ngưỡng 7% theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới [78]. Năm 1991, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi là 6,5 %, chỉ số lão hóa dân số là 24,8%. Cuối năm 2011, hơn 10 % dân số là 65 tuổi trở lên và chỉ số lão hóa dân số Đài Loan ở mức quá cao lên tới 72,2%. Theo Hội đồng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế, dân số già của Đài Loan sẽ vượt qua 20% vào năm 2025. Vì vậy sự già hóa dân số ở Đài Loan đã gây ra những khó khăn thách thức đối với sự phát triển kinh tế và việc thực hiện chế độ phúc lợi cho người cao tuổi.
Đa số người cao tuổi ở Đài Loan hiện đang ở với gia đình, vì vậy dịch vụ chăm sóc tại nhà và cộng đồng là những loại hình chủ yếu để hỗ trợ cho người cao tuổi. Bộ Công nghiệp cấp kinh phí cho chính quyền địa phương để chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và thành lập trung tâm hỗ trợ giảng dạy kỹ năng điều dưỡng cho các thành viên gia đình và người chăm sóc chuyên
nghiệp trong việc chăm sóc người già. Các dịch vụ khác được chính quyền Đài Loan triển khai và thực thi như kiểm tra miễn phí sức khỏe và tiêm phòng cúm, giảm giá trên phương tiện giao thông công cộng, bữa ăn miễn phí… Tính đến cuối năm 2008, 1.074 trung tâm chăm sóc công và tư nhân được thành lập và hoạt động có hiệu quả.
Đối với người cao tuổi ở Đài Loan có thu nhập thấp và trung bình được cấp trợ cấp sinh hoạt hàng tháng từ 3.000 NT$ (95 USD) đến 6.000 NT$ (190 USD). Ngoài ra, chính phủ cung cấp một khoản trợ cấp chăm sóc đặc biệt hàng tháng là 5.000 NT$ (160 USD) cho các gia đình chăm sóc người già. Chính quyền miễn nộp phí bảo hiểm cho những người già từ 65 tuổi trở lên và họ còn được khoản tiền thanh toán hàng tháng là 3.000 NT$ (95 USD) cho đến khi chết [75]. Những người cao tuổi ở các gia đình có thu nhập thấp, những người già tàn tật nặng không phải trả phí bảo hiểm.
Đối với phụ nữ
Bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và thúc đẩy phúc lợi của phụ nữ luôn là một trong những vấn đề trọng tâm trong chính sách phát triển xã hội của chính quyền Đài Loan.
Vì vậy để bảo vệ quyền của phụ nữ và thúc đẩy phúc lợi cho phụ nữ, chính quyền Đài Loan đã thành lập “Ủy ban xúc tiến quyền của phụ nữ” vào năm 1997, “Ủy ban phòng chống tấn công tình dục” và “Ủy ban phòng chống bạo lực gia đình”, “Các trung tâm phụ nữ Đài Loan”… Các tổ chức này ra đời và hoạt động có hiệu quả đã tạo điều kiện thúc đẩy thúc đẩy bình đẳng giới tính, và điều kiện thuận lợi cho giao lưu quốc tế của phụ nữ.
Đài Loan thực hiện “Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ” và ban hành “Luật thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ”. Pháp luật này nhằm mục đích phát triển phụ nữ hoàn hảo và bảo vệ quyền con người
Về xúc tiến phúc lợi của phụ nữ, ngoài việc khuyến khích thành lập các trung tâm dịch vụ phúc lợi của phụ nữ, chính quyền Đài Loan còn tổ chức các lớp học cho phụ nữ, các hội thảo và nhiều hoạt động hỗ trợ với các chủ đề khác nhau để tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia xã hội.
Ngày 1 tháng Giêng năm 2012, điều hành Yuan thành lập Bộ bình đẳng giới với nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc thúc đẩy không phân biệt đối xử giới tính ở Đài Loan. Trong năm 2011, khoảng 50 % phụ nữ độ tuổi lao động có việc làm. Họ đã nhận được sự đối xử công bằng theo luật bình đẳng giới trong việc làm.
Đối với người khuyết tật
Năm 1980, Đài Loan đã công bố “Luật phúc lợi người tàn tật”. Theo quy định của Bộ luật này, các cơ quan nội chính phải có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với các ngành y tế, giáo dục, dân số… để tiến hành điều tra, thống kê số lượng và tình trạng người tàn tật để đề ra những chính sách kịp thời và hiệu quả đảm bảo quyền lợi cho những người tàn tật. Có thể nói việc chăm sóc, có chế độ đãi ngộ thích đáng cho người tàn tật là thể hiện tính nhân đạo sâu sắc và cũng là biểu hiện cao nhất của chính sách phúc lợi.
Chính quyền Đài Loan thành lập một loạt các tổ chức công cộng và tư nhân phục vụ người khuyết tật cụ thể, bao gồm cả thị giác, thính và khiếm giác, tự kỷ, động kinh cứng đầu, rối loạn tâm thần mãn tính và tổn thương mặt nghiêm trọng. Tính đến cuối tháng 6 năm 2009, có 267 tổ chức ở Đài Loan hỗ trợ cho 17.850 người khuyết tật [75]
Hỗ trợ cho người khuyết tật bao gồm các khoản phụ cấp từ 95 USD và 222 USD mỗi tháng cho những người tàn tật trong hộ gia đình trung bình và thu nhập thấp. Những người khuyết tật Đài Loan được trợ cấp và miễn giảm các chi phí y tế và bảo hiểm xã hội, vay vốn ưu đãi, học phí, công trình công cộng … Và được tạo điều kiện tốt nhất cho những người khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội.
Luật bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật được ban hành và thực thi một cách nghiêm khắc đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt chính sách phúc lợi cho người khuyết tật. Quyền của người tàn tật cũng được giáo dục bảo hộ, các lớp học đặc biệt được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Trong năm học 2008, Đài Loan đã có 24 trường giáo dục đặc biệt, trong đó khoảng 1.700 giáo viên dạy 6.900 học sinh khuyết tật [75].
Ngoài các chính sách phúc lợi cho trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người tàn tật, chính quyền Đài Loan còn ban hành và thực thi chính sách và luật phúc lợi đối với các đối tượng khác như doanh nhân phá sản, người thất nghiệp, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nông dân… Ngân sách chi trợ cấp xã hội của Đài Loan được thể hiện rõ trong bảng 11 Phần phụ lục
Qua việc tìm hiểu về phúc lợi xã hội của Đài Loan chúng ta thấy hòn đảo này là một trong những nơi thực hiện chế độ phúc lợi toàn diện và tốt nhất trong châu Á. Ở Đài Loan, chi phúc lợi công cộng chiếm tỷ lệ lớn trong ngân sách hàng năm, phúc lợi xã hội không bao gồm nghỉ hưu và trợ giúp từ bi, chiếm 15,3% năm 2009 và 19% năm 2010). Mặc dù trong thời kỳ ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nói chung và khủng hoảng hoảng nợ công ở châu Âu nhưng chi tiêu của chính quyền Đài Loan cho phúc lợi công cộng trong năm 2012 là 407,18 tỷ NT$ (13,7 tỷ USD), tăng 10,56% so với năm trước. Điều này cho thấy chính quyền Đài Loan rất coi trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đài Loan đã tạo được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Và đây là một trong những lý do giải thích tại sao Đài Loan vẫn đứng vững trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.