Giáo dục và Đào tạo

Một phần của tài liệu Kinh tế, xã hội Đài Loan từ năm 1991 đến năm 2012 (Trang 94 - 98)

7. Bố cục luận văn

2.2.3. Giáo dục và Đào tạo

Đài Loan là một vùng lãnh thổ nghèo tài nguyên thiên nhiên và coi giáo dục là điểm tựa vững chắc nhất để hội nhập khu vực và quốc tế. Chính quyền

Đài Loan đã không ngừng đổi mới hệ thống giáo dục để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Từ năm 1968 về sau, Đài Loan thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc 9 năm trong đó giáo dục tiểu học là giai đoạn 6 năm đầu, 3 năm sau là giai đoạn trung học cơ sở. Khoảng trên 95% học sinh Đài Loan sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ tiếp tục theo học 3 năm trung học phổ thông hoặc trung học chuyên nghiệp, cũng có thể tiếp tục học các trường cao đẳng chuyên khoa kéo dài 5 năm. Từ năm 1994 trở đi, kế hoạch giáo dục phổ thông 10 năm do Bộ giáo dục xây dựng đã được áp dụng rộng rãi trên toàn đảo Đài Loan. Mục tiêu của kế hoạch này là tạo điều kiện cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở có thể lựa chọn học trung học phổ thông hay trung học chuyên nghiệp kéo dài 2 năm. Đồng thời kế hoạch này cũng tạo cơ hội cho người không muốn tiếp tục học lên có thể chuyển sang học nghề.

Hệ thống giáo dục Đài Loan được chia làm 4 bậc: Giáo dục bậc cơ sở, giáo dục bậc trung, giáo dục bậc cao và giáo dục hồi lưu. Trong đó giáo dục cơ sở bao gồm giáo dục mầm non 2 năm, tiểu học 6 năm và trung học cơ sở 3 năm; giáo dục bậc trung gồm giáo dục trung học phổ thông và trung học chuyên nghiệp 3 năm; giáo dục bậc cao gồm giáo dục đại học - cao đẳng từ 4 - 7 năm và sau đại học (đào tạo cao học từ 1- 4 năm, đào tạo tiến sĩ từ 2-7 năm); giáo dục hồi lưu bao gồm các hình thức giáo dục bổ túc và tại chức. Ngoài ra, chính quyền Đài Loan còn chú ý đến đối tượng khuyết tật và các trường học các cấp cũng được cấp các dịch vụ đặc thù cho từng đối tượng người học.

Đài Loan được coi là nền kinh tế phát triển thần kỳ, đã từng được gọi là “Phép lạ Đài Loan” (Taiwan Miracle). Để tạo nên sự thần kỳ đó phần lớn là nhờ kết quả của giáo dục. Giáo dục Đài Loan đã đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế tri thức hiện nay.

Đài Loan có 174 trường đại học, trong đó nổi tiếng nhất là Đại học Quốc gia Đài Loan, năm 2011 xếp hạng 61 trong số 100 trường đại học tốt

nhất thế giới trong bảng xếp hạng toàn cầu. Một số trường đại học khác trong đó có Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan được xếp hạng trong nhóm 400- 450 trong 500 trường hàng đầu thế giới. Tỷ lệ người biết đọc biết viết là 96,2%; Chỉ số Phát triển con người (HDI) năm 2010 (xếp thứ 18) theo cách tính mới của Liên Hiệp Quốc. Ngân sách giáo dục hàng năm của Đài Loan là khoảng 20 tỉ đô la Mỹ [38]. Đài Loan được xem là một trong những nơi có nền giáo dục tiên tiến ở châu Á.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng giáo dục Đài Loan cũng đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục Đài Loan đến năm 2021 số sinh viên chỉ còn 195.000 với số lượng trẻ sinh thêm gần 200.000 em thì theo cách tính của cơ quan quản lí giáo dục, trong 12 năm tới, hơn 1/3 (khoảng 60 trường) trong 164 trường đại học, cao đẳng của hòn đảo này sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng nếu không có giải pháp tháo gỡ. Đây là khủng hoảng thừa về nguồn nhân lực giảng dạy, chất lượng và cơ sở vật chất giáo dục.

Hóa giải thách thức này các nhà giáo dục Đài Loan đã đưa ra và thực thi nhiều giải pháp. Trước hết là từ bỏ lựa chọn cách tuyển sinh “tinh hoa” với học sinh vào đại học, áp dụng cách tuyển sinh của phương Tây. Với cách này, 95% số học sinh Trung học phổ thông đều có thể được vào đại học (hiện tại, 40% học sinh trung học tham gia học tiếp các bậc Đại học, Cao đẳng), bên cạnh đó tăng cường tuyển sinh từ nước ngoài. Nhờ có hệ thống nguồn nhân lực giảng dạy chất lượng cao đông đảo và cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng chăm sóc đào tạo sinh viên tốt hơn rất nhiều đã giúp Đài Loan hóa giải phần nào thác thức nói trên. Đồng thời, Đài Loan cũng kiên quyết trong việc giải thể các cơ sở giáo dục có chất lượng hiệu quả thấp, hoặc sáp nhập các trường trên cơ sở lựa chọn đội ngũ giảng viên chất lượng. Bên cạnh đó, chính quyền Đài Loan dành nguồn ngân sách khá lớn cho giáo dục, ngân sách Giáo dục hiện tại chiếm tới 6% GNP. Đài Loan rất chú trọng đầu tư ngân sách cho phát

triển giáo dục, xem đó như là một phương cách hữu hiệu để khai thác tốt "kho báu tri thức" nhằm xây dựng được một hệ thống giáo dục tiên tiến và chất lượng nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng một "Đài Loan sáng tạo, nhìn ra thế giới”.

Đài Loan có tầm nhìn chiến lược toàn diện cho sự phát triển nguồn lực con người và đầu tư rất mạnh cho giáo dục ở tất cả các cấp. Mức độ tiếp cận giáo dục đại học của Đài Loan được mở rộng một cách nhanh chóng, trong đó đáng lưu ý là giáo dục kỹ thuật và công nghệ.

Ngân sách giáo dục chiếm tới 6% GNP (vượt xa vài chục lần so với ngân sách đầu tư cho giáo dục của Việt Nam). Đài Loan kêu gọi các cấp quản lý trích 15%-20% ngân sách hàng năm để giành cho giáo dục trong tương lai. Đây là nguồn kinh phí ngân sách rất lớn mà chính quyền ưu tiên cho giáo dục và chứng tỏ Đài Loan rất coi trọng nguồn “tài nguyên con người”. Điểm đáng chú ý là nguồn kinh phí đầu tư này được chính phủ Đài Loan điều phối hợp lý, đó là từ năm 2000 trở về trước ưu tiên cho các bậc giáo dục cơ bản hơn so với bậc đại học, cao đẳng, bởi lẽ các cơ sở đại học, cao đẳng có khả năng tự chủ cao hơn so với những cơ sở giáo dục ở các bậc thấp. Nhưng từ năm 2000 trở về sau do đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức nên đầu tư ngân sách đầu tư cho cấp độ 3 tăng hơn nhiều so với cấp độ 1 và 2 (Xem bảng 9 phần Phụ lục). Bên cạnh ngân sách của chính quyền chi cho giáo dục thì Đài Loan còn tích cực huy động được sự đóng góp của xã hội vào sự nghiệp giáo dục. Điều được thực hiện rất hiệu quả ở Đài Loan. Đây thật sự là một kinh nghiệm quý trong việc điều phối kinh phí cho giáo dục.

Đài Loan chú trọng phát triển hệ thống giáo dục đại học và sau đại học theo hướng chuyên nghiệp hóa và quốc tế hóa hướng đến đào tạo những chuyên gia tầm cỡ quốc tế. Mục tiêu giáo dục của Đài Loan là "nhìn ra thế giới". Một trong những khu vực mà giáo dục Đài Loan muốn hợp tác là các nước Đông Nam Á. Tổng thống Mã Anh Cửu hướng tới xây dựng Đài Loan

thành trung tâm của giáo dục Đông Nam Á và mong muốn xây dựng Đài Loan trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực này. Do vậy, trong những năm gần đây chính quyền Đài Loan đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác giáo dục với các nước Đông Nam Á. Để làm được điều đó, vấn đề quan trọng là Đài Loan phải nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng, uy tín của hệ thống các cơ sở đào tạo giáo dục.

Trải qua quá trình phát triển giáo dục, Đài Loan với nhiều cải cách và những thành tựu đạt được đã cho thấy nền giáo dục Đài Loan mang tính mềm dẻo, môi trường học tập mang tính nhân bản, nội dung bài học theo hướng thực dụng, gắn liền với thực tế, trang thiết bị kỷ thuật dạy học hiện đại, đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp hóa.

Với kỷ nguyên của kinh tế tri thức và toàn cầu hoá hiện nay, nền giáo dục Đài Loan đang đứng trước những cơ hội mới nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức nhiều mặt ở giáo dục đại học và sau đại học. Để chớp lấy cơ hội và vượt qua thác thức, giáo dục Đài Loan đang hướng tới xây dựng một nền kinh tế tri thức. Hiện nay, giáo dục Đài Loan đang triển khai cuộc vận động “Đài Loan sáng tạo trong cục diện toàn cầu”, hướng tới thực hiện 4 mục tiêu trọng tâm: Quốc dân hiện đại, chủ thể Đài Loan, tầm nhìn toàn cầu, quan tâm xã hội”, chú trọng xây dựng môi trường xã hội học tập. Với những biện pháp và chủ trương đó, Đài Loan đang tiến tới hoàn thiện nền giáo dục tiên tiến, nâng cao tố chất con người và vị thế bản thân trên trường quốc tế.

Một phần của tài liệu Kinh tế, xã hội Đài Loan từ năm 1991 đến năm 2012 (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(165 trang)
w