32 Tác giả dùng khái niệm này để chỉ quốc gia
2.2.2. Hoạt động vận động hành lang được thể hiện trong vụ kiện cá tra, cá basa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Một trong những yếu tố góp phần đến sự thắng lợi của CFA trong vụ kiện cá tra, cá basa với Việt Nam chính là hoạt động vận động hành lang của CFA. Khi sản phẩm cá tra, cá basa của nước ta xuất hiện trên thị trường của Hoa Kỳ và chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng vì chất lượng sản phẩm tốt cũng như giá thành rẻ thì CFA đã nhận thấy sản phẩm cá của Việt Nam đang và sẽ là mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất cá nheo của Hoa Kỳ. Trước tình hình này, để hạn chế tầm ảnh hưởng của cá tra, cá basa đến từ Việt Nam, CFA đã thực hiện cuộc vận động hành lang đầu tiên, là bước đệm tạo nên cuộc chiến mang tên cá nheo. Để dần loại bỏ sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam ra khỏi thị trường của Hoa Kỳ, hiệp hội nuôi cá nheo ở các tiểu bang Mississipi, Lousiana, Askansa, Alabama đã sử dụng vận động hành lang như một công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình. Thông qua vận động hành lang, CFA đã gây sức ép, ảnh hưởng đến các nghị sĩ ở một vài tiểu bang miền Nam phải tác động tới Quốc hội Hoa Kỳ trong việc ra nghị quyết cản trở nhập khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam vào Hoa Kỳ. CFA đã gây áp lực trực tiếp tới các đại biểu Hạ viện, nơi mà các đại biểu phải ra ứng cử hai năm một lần nên các đại biểu miền Nam buộc phải quan tâm tới lợi ích của cử tri đơn vị mình để có thể tái đắc cử trong nhiệm kỳ sau. Chính vì những lí do đó mà các nghị sĩ ở các tiểu bang miền Nam phải ủng hộ cho quyền lợi của các tập đoàn nuôi catfish. Vận động hành lang có tác động rất mạnh đến các nghị sỹ của nghị viện Hoa Kỳ, nổi bật nhất là hai Hạ nghĩ sĩ Dân chủ, Marion Berry và Mike Ross của bang Arkansar, hai người đã có những động thái quan trọng trong việc yêu cầu các hãng bán buôn sản phẩm cá của Việt Nam phải chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ bên cạnh việc gắn
nhãn hiệu là “basa Mekong”, “cá trê” hoặc “cá trê basa” để phân biệt với sản phẩm cá catfish của Hoa Kỳ. Chưa dừng lại trong vấn đề nhãn hiệu, Ông Berry tuyên bố, sẽ tìm cách đưa các điều khoản trên vào dự luật khi nó được trình trước Hạ viện hoặc được đưa ra thảo luận tại Thượng viện Hoa Kỳ tới đây. Dưới sự tác động mạnh mẽ của vận động hành lang, tháng 9/2001 các đại biểu miền Nam Hoa Kỳ đã đệ trình lên Quốc hội yêu cầu hạn chế sử dụng từ “catfish” cho việc mua bán cá tra, cá basa trên thị trường Hoa Kỳ. Không những thế, chính quyền liên bang còn quyết định chi 6 triệu USD để mua “catfish” cho chương trình ăn trưa ở các trường học với mục đích làm tăng hình ảnh về thương hiệu catfish cho cá da trơn của Hoa Kỳ. Đến tháng 12/2001 Quốc hội Hoa Kỳ thông qua lệnh cấm tạm thời, theo đó, chỉ có “catfish” của Hoa Kỳ mới được gọi là catfish, còn cá của Việt Nam phải được gọi bằng tên basa hay tra. Thành công ban đầu của CFA chính là việc độc quyền trong việc sử dụng tên gọi “catfish” cho sản phẩm cá nheo của mình. Để có được thành công này, ngoài việc vận động hành lang các nghị sỹ, CFA còn sử dụng một công cụ hỗ trợ đắc lực là báo chí. Trong quá trình này, CFA đã sử dụng báo chí nhằm làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam với những luận điệu đánh lừa công chúng rằng sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam có giá thành rẻ vì được nuôi trong một môi trường bị ô nhiễm và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng… Việc sử dụng độc quyền tên gọi catfish là thành công đầu tiên của CFA nhằm hạn chế sự thâm nhập thị trường cá tra, cá basa của Việt Nam vào Hoa Kỳ bước đầu hạn chế được đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Mục đích ban đầu của CFA là loại bỏ sản phẩm ca tra, cá basa của Việt Nam ra khỏi thị trường Hoa Kỳ nhưng ngược lại, tên gọi cá tra, cá basa càng nổi tiếng hơn tại đây và thị trường các quốc gia khác. Để bảo vệ nền sản xuất nội địa của mình, CFA tiếp tục những bước cần thiết để khởi kiện Việt Nam với luận điệu Việt Nam bán phá giá cá tra, cá basa gây thiệt hại cho nền sản xuất cá nheo của Hoa Kỳ. Tại giai đoạn này, CFA nhận thấy sự cần thiết của vận động hành lang và tiếp tục phát huy lợi thế của nó. Trong vụ kiện, việc xác định Việt Nam có đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn là nền kinh tế thị trường hay không có một vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, nếu Việt Nam có nền kinh tế thị trường
thì việc áp dụng thuế suất bán phá giá sẽ nhẹ nhàng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có văn bản giải trình đề nghị Hoa Kỳ trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường với những lập luận thuyết phục trong việc giải trình tình hình kinh tế Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về nền kinh tế thị trường theo kiểu Hoa Kỳ: (i) khả năng chuyển đổi tự do của đồng nội tệ (VNĐ); (ii) sự thỏa thuận tự do giữa chủ doanh nghiệp và lao động về lương bổng; (iii) mức độ mà các công ty liên doanh cũng như các loại hình kinh tế khác được hoạt động tại Việt Nam; (iv) mức độ sở hữu và quyền kiểm soát của Chính phủ đối với các phương tiện sản xuất; (v) quyền hạn kiểm soát của Chính phủ đối với việc phân phối tài nguyên cũng như giá cả và đầu ra cho các doanh nghiệp và một vài yếu tố cần thiết khác... Tuy vậy, dưới sức ép của vận động hành lang từ phía CFA, DOC đã không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và Hoa Kỳ sẽ không dựa trên cơ sở các yếu tố về sản xuất mà Việt Nam cung cấp để tính giá mà sẽ dùng giá ở một quốc gia thay thế có nền kinh tế phát triển tương tự như Việt Nam để áp vào các yếu tố sản xuất của Việt Nam và tính ra giá thành giả định của sản phẩm cá. Theo đó, ITC sẽ dựa trên cơ sở giá thành giả định tại quốc gia thứ ba và so sánh với giá bán tại thị trường Hoa Kỳ để tính biên độ bán phá giá của sản phẩm cá của Việt Nam. Dưới áp lực gây ảnh hưởng từ các nhà vận động hành lang, ngày 23/7/2003, ITC bỏ phiếu thuận theo đề nghị của DOC và khẳng định Việt Nam bán phá giá sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ.
Để giành được chiến thắng trước các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến việc loại bỏ cá tra, cá basa của Việt Nam ra khỏi thị trường của Hoa Kỳ, CFA đã sử dụng vận động hành lang trong suốt tiến trình của vụ kiện. Thông qua vận động hành lang, CFA đã biến một tranh chấp thương mại bình thường thành vấn đề được quan tâm tại chương trình nghị sự của Quốc hội Hoa Kỳ, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nghị sĩ trong việc bảo vệ thương hiệu “catfish”, áp đặt mức thuế chống bán phá giá sản phẩm cá của Việt Nam. Nếu không có vận động hành lang hoặc cách thức thực hiện không mang lại hiệu quả thì việc thông qua dự thảo luật về tên gọi “catfish” cũng dễ dàng vấp phải sự không đồng thuận của dư luận, sẽ khó thực hiện. Vận động hành lang làm “bóp méo sự
thật” về sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam khi những mặt hàng này đi vào thị trường Hoa Kỳ một cách minh bạch, sòng phẳng theo quy luật thị trường. CFA đưa ra luận điệu các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá sản phẩm cá tra, cá basa tại thị trường nước này chỉ căn cứ vào mức giá rẻ hơn so với mức giá của cá nheo tại thị trường nội địa. Cách lập luận của CFA chưa mang tính thuyết phục khi chưa có sự nghiên cứu rõ ràng, cụ thể về tình hình sản xuất cá tra, cá basa của Việt Nam. Việt Nam có những lợi thế hơn Hoa Kỳ do giá nhân công rẻ, được sản xuất theo một chu trình khép kín, công việc nuôi cá được tiến hành ở các con sông có dòng chảy, ngược lại, “catfish” Hoa Kỳ được nuôi trong các ao tù đầm lầy, giá nhân công và thuế lại cao, những lợi thế đó mới chính là lí do khiến cho cá của Việt Nam được tiêu thụ với giá thành rẻ hơn khi chất lượng cá tốt không có sự khác biệt với “catfish” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dưới sức mạnh của các nhà vận động hành lang, ITC đã ra quyết định là Việt Nam bán phá giá sản phẩm cá tra, cá basa và áp dụng mức thuế phá giá cao cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong quyết định cuối cùng của đợt rà soát hành chính thường niên lần thứ tám, DOC đã bất ngờ thay đổi Indonesia làm nước thứ ba thay thế cho Bangladesh để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của các tra, cá basa Việt Nam. Tuy nhiên, sự thay đổi quốc gia thứ ba này được xem là một hành động vô lý của DOC khi họ chỉ căn cứ vào một nghiên cứu về giá của Chính phủ Indonesia để tính giá cá tra sống nguyên con, nguyên liệu chế biến cá tra philê mà không căn cứ vào giá thực tế, chỉ dựa vào giá trung bình của cả nước được tính toán từ số liệu của một vài địa phương, dẫn đến chênh lệch lớn về giá.Tại các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam, vì quốc gia này không có đầy đủ dữ liệu về giá và thiếu các thông số cơ bản về tài chính. Hơn nữa, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng phi lê cá tra đông lạnh chủ yếu từ Việt Nam mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới. Bản thân DOC cũng đã từng tuyên bố rằng Indonesia không có bối cảnh kinh tế tương đương với Việt Nam trong hầu hết thời gian xem xét hành chính nhưng sau đó lại không chấp nhận Việt Nam dùng thông tin trên để phản đối.
Trong 8 năm liên tiếp gần đây, DOC luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam, thậm chí vẫn tiếp tục áp dụng chính sách hợp lý này trong đợt xem xét các nhà xuất khẩu mới được công bố cách đây vài tuần. Phán quyết của DOC có ảnh hưởng lớn tới quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ nên phía Việt Nam sẽ yêu cầu DOC xem xét lại và nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế.Việc DOC đột ngột thay đổi nước thứ 3 là Indonesia để áp thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra, cá basa đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam là một hành động bất công, rất đáng lo ngại. Việc áp dụng một nước như Indonesia để đối chứng thực sự là không có căn cứ, điều này sẽ làm sụt giảm sản lượng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ. Việc giảm sản lượng xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang Mỹ giảm xuống là điều mà CFA mong muốn, khi điều này xảy ra thì các doanh nghiệp sản xuất cá nheo của Hoa Kỳ sẽ không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục quay lại và trở thành khách hàng trung thành của họ trong việc tiêu thụ sản phẩm. Rõ ràng tại quyết định của DOC về sự thay đổi nước thứ ba để tăng mức thuế áp cho các doanh nghiệp Việt Nam có sự hiện diện và ảnh hưởng của vận động hành lang. Mặc dù, Hoa Kỳ chưa trao quy chế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và có quyền thay đổi nước thứ ba để thay thế cho Việt Nam trong việc tính biên độ phá giá nhưng việc DOC lựa chọn một quốc gia không có sự tương đồng về kinh tế với Việt Nam, một quốc gia phải nhập khẩu sản phẩm cá tra, cá basa từ Việt Nam là một điều bất hợp lý, không thuyết phục và gây phẫn nộ đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như dư luận quốc tế. Nếu không có vận động hành lang, gây áp lực đến các nghị sĩ thì CFA không thể làm cho DOC thay đổi và đi đến quyết định vô lý như vậy. Thông qua lần rà soát hành chính thường niên lần này, có lẽ CFA muốn ra một đòn quyết định làm tê liệt các doanh nghiệp sản xuất cá tra, cá basa Việt Nam đang xuất khẩu tại thị trường của Hoa Kỳ. Chính vì biết được mục đích của CFA cần đạt được nên các doanh nghiệp Việt Nam phải có những bước đi cẩn thận hơn trong thời gian sắp tới. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, họ có thể kháng cáo lên DOC để tìm sự công bằng và họ có thể khởi kiện lên Tòa án thương mại quốc tế để đề nghị hoãn áp dụng mức thuế này cho
đến khi vụ kiện kết thúc. Thời điểm hiện tại, theo quan điểm cá nhân tôi thì các doanh nghiệp sản xuất cá tra, cá basa nên có những cuộc họp thường xuyên để tìm ra những bằng chứng chứng minh sự thiếu công bằng của DOC khi thay đổi nước thứ ba. Đồng thời với các doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam cũng nên có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng cách tiếp tục vận động hành lang, sử dụng ngoại giao để cho Hoa Kỳ trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Bên cạnh đó, đại diện của các doanh nghiệp sản xuất cá tra, cá basa của Việt Nam cũng nên có những cuộc gặp mặt, tiếp xúc và trao đổi với đại diện của CFA bằng con đường ngoại giao để tìm được sự ủng hộ từ chính quốc gia là đối thủ của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn tiếp tục tồn tại tại thị trường nước này thì cần phải liên kết với nhau, tác động đến những tờ báo có uy tín của Hoa Kỳ để tác động vào người dân nước sở tại nhằm kêu gọi sự ủng hộ của chính những con người nước này. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam nên vận dụng Đạo luật công khai hoá hoạt động vận động hành lang của Hoa Kỳ năm 1995 để có thể lên một chương trình vận động, tác động vào các nghị sỹ để họ có thể bảo vệ cá tra, cá basa của Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân được sử dụng để lí giải việc các doanh nghiệp sản xuất cá tra, cá basa của Việt Nam thua kiện trên thị trường của Hoa Kỳ. Một trong những nguyên nhân đó là việc Việt Nam chưa hiểu rõ về thị trường của Hoa Kỳ, cách thức để tồn tại tại thị trường nước ngoài cũng như văn hoá chính trị, văn hoá pháp lý của quốc gia này. Tại Việt Nam, vận động hành lang chưa có văn bản pháp lý điều chỉnh nhưng tại Hoa Kỳ, vấn đề này được xem là hoạt động hợp pháp và được điều chỉnh bởi Đạo luật công khai hoá hoạt động vận động hành lang năm 1995. Vận động hành lang không chỉ hướng tới chính quyền mà còn hướng tới dư luận, những người tiêu dùng có lợi ích liên quan gây áp lực đối với chính quyền. Cũng thông qua hoạt động này, chúng ta có thể thương thuyết với CFA, thoả thuận lại mức giá và sản lượng nhập khẩu mà hai bên có thể chấp nhận để tránh việc kiện cáo xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế và hình ảnh hai bên đã gây dựng. Việc thua kiện trên đất Hoa Kỳ, cũng có nhiều nguyên nhân xuất phát từ chính các doanh nghiệp Việt Nam. Quy luật sản xuất phải tương ứng với nhu cầu tiêu thụ
của thị trường, mở cửa thị trường tới đâu sẽ phát triển tới đó. Bản thân những người sản