Nếu như vận động hành lang nói chung, chủ thể làm công việc đi vận động có thể là chính các nhóm lợi ích hay người đại diện cho các nhóm lợi ích: kinh tế, chính trị, xã hội thì chủ thể đi vận động trong vận động thương mại quốc tế là nhóm có các quyền, lợi ích liên quan đến các chính sách, pháp luật thương mại quốc tế cụ thể và quyền, lợi ích của họ chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ các chính sách, pháp luật đó. Chủ thể của hoạt động này thông thường là các doanh nghiệp, các nhóm doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, phòng thương mại. Ngoài những chủ thể trên thì vận động hành lang trong thương mại quốc tế còn tồn tại những chủ thể khác: các liên đoàn lao động, các hiệp hội, hội người tiêu dùng, các nhóm hoạt động xã hội trong nước và quốc tế , các viện nghiên cứu, các trường đại học… Các chủ thể này mặc dù không chịu tác động trực tiếp từ các chính sách thương mại nhưng các chính sách này lại có ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động và có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của chính họ. Thương mại quốc tế là sự trao đổi hàng hóa giữa các nước thông qua mua bán, lấy tiền tệ làm môi giới, tuân theo nguyên tắc trao đổi ngang giá nhằm đưa lại lợi ích cho các bên. Hoạt động
thương mại quốc tế không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà bản thân nó còn có sự tác động đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Xuất phát từ tầm quan trọng, lợi ích của hoạt động thương mại quốc tế nên đôi khi Chính phủ của các nước trong những trường hợp cần thiết cũng có những động thái can thiệp vào việc hình thành nên chính sách, pháp luật đa phương, song phương nhằm bảo đảm lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ đó, Chính phủ cũng trở thành chủ thể của vận động trong việc đi vận động các Chính phủ khác hoặc các Tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực thương mại để bảo vệ lợi ích cho nền kinh tế của quốc gia mình. Các quan chức có thẩm quyền của hai quốc gia sẽ có những cuộc gặp gỡ với nhau để vận động nhau thiết lập, điều chỉnh chính sách nội địa của nhau với mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại của nước mình tại quốc gia là đối tác làm ăn. Các cam kết thương mại đa phương, song phương là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự tồn tại, phát triển theo chiều sâu trong lĩnh vực thương mại. Do đó, Chính phủ sẽ vận động các Chính phủ khác chấp thuận, thông qua các cam kết, hiệp định thương mại song phương, đa phương cho phù hợp với lợi ích thương mại của nước mình. Ngày nay, xu hướng hội nhập và toàn cầu hoá diễn ra một cách nhanh chóng, các quốc gia đã có một sân chơi chung là WTO và khi đã tham gia vào sân chơi chung này thì các thành viên phải tuân thủ theo những quy tắc, cam kết, các quy định của tổ chức đó. Lúc này, Chính phủ sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận động các tổ chức quốc tế liên quan trong lĩnh vực thương mại để tạo ra những quy tắc chung phù hợp và có lợi đối với thương mại nước nhà.
Từ những phân tích ở trên, tác giả tạm thời đề xuất khái niệm về chủ thể đi vận động hành lang trong thương mại quốc tế “có thể là những cá nhân, tổ chức sử dụng những hình thức, phương tiện trong phạm vi cho phép của pháp luật để gặp gỡ, thuyết phục, tác động, gây ảnh hưởng đến người, cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành chính sách, dự luật… có liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế với mục đích cuối cùng là đem lại lợi ích trong lĩnh vực thương mại cho chính mình hoặc chủ thể mà mình đại diện”.