Quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đang diễn ra mạnh mẽ được sử dụng để lý giải cho sự gia tăng số lượng, phạm vi các chính sách thương mại quốc tế. Hoạt động thương mại quốc tế tác động đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, đối tượng, trong đó có các nhóm lợi ích thuộc lĩnh vực kinh tế là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ hoạt động này. Nhận thức được vấn đề trên, các nhóm lợi ích ngày càng quan tâm, đầu
tư tài chính, thời gian cho vận động hành lang với mục đích đạt được hiệu quả tích cực từ hoạt động này mang lại. Hiệu quả mà vận động hành lang mang lại là những chính sách, cam kết thương mại phù hợp với lợi ích của các doanh nghiệp hoặc ngăn cản những tác động tiêu cực có thể đến với họ. Bên cạnh đó, thương mại quốc tế ngày càng phức tạp hơn với sự đa dạng về các lĩnh vực mà nó hướng tới. Hoạt động thương mại quốc tế hiện nay không chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hóa hay đầu tư nước ngoài mà đã mở rộng ra tất cả các lĩnh vực: thương mại hàng hoá, dịch vụ , đầu tư và khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Các cam kết thương mại quốc tế không chỉ dừng lại với những quy định liên quan đến hoạt động thương mại mà còn mở rộng thêm các vấn đề có liên quan khác như: lao động, môi trường, quyền con người. Chính vì thế, các cam kết thương mại tác động đến rất nhiều lợi ích của các nhóm chủ thể. Bởi lẽ đó, nếu không có vận động hành lang thì các cơ quan hoạch định chính sách, đàm phán các cam kết quốc tế có thể bỏ qua hoặc không để ý đến lợi ích của một nhóm nào đó. Vậy nên, việc vận động hành lang là một công cụ hữu dụng để gây tác động, gây ảnh hưởng đến cơ quan có thẩm quyền trong việc hoạch định chính sách để bảo vệ lợi ích cho mình trong lĩnh vực thương mại.
1.3.1. Vận động hành lang trong thương mại quốc tế
Vận động hành lang trong thương mại quốc tế là một dạng của vận động hành lang nói chung, do vậy mang đầy đủ các đặc điểm, tính chất giống như vận động hành lang. Hoạt động này là sự tổng hợp các hoạt động có mục đích của các tổ chức kinh tế hoặc các cá nhân đại diện cho các tổ chức này nhằm tác động, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách thương mại và đàm phán thương mại quốc tế. Theo khái niệm trên thì các chính sách thương mại quốc tế được hiểu là các chính sách, pháp luật của quốc gia có liên quan đến hoạt động thương mại của các đối tác nước ngoài tại chính quốc gia đó; các quy định thương mại quốc tế như các điều ước, thoả ước song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia có ảnh hưởng hoặc liên quan tới hoạt động thương mại. Cũng như mục đích của vận động hành lang, vận động hành lang trong thương mại quốc tế nhằm: (i) tác động đến quá trình hoạch định, ban hành các chính sách, pháp luật
trong lĩnh vực thương mại quốc tế, bảo đảm cho lợi ích của chủ thể tiến hành vận động hoặc cho các chủ thể mà họ làm đại diện; (ii) là một công cụ hữu ích để bảo hộ các tổ chức kinh tế khỏi sự cạnh tranh quốc tế; (iii) để ủng hộ tự do cạnh tranh, dễ dàng thâm nhập vào thị trường nước ngoài đối với những tổ chức kinh tế có thế lực kinh doanh, muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Tóm lại, từ những phân tích ở trên, tác giả tạm thời đề xuất khái niệm vận động hành lang trong thương mại quốc tế “là một dạng đặc biệt của hoạt động vận động hành lang, theo đó, đây là tổng hợp các hoạt động mang tính hệ thống được thực hiện bởi các tổ chức kinh tế, hoặc đại diện của các tổ chức này nhằm tiếp cận, thuyết phục, gây ảnh hưởng và tác động đến quá trình hoạch định chính sách thương mại và đàm phán thương mại của các cơ quan và người có thẩm quyền trong việc ban hành, ra quyết định có liên quan, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại nói chung và thương mại quốc tế nói riêng”.