- Nguồn nhân lực là nguồn lực có tính linh hoạt cao
Nguồn nhân lực có thể tự thay đổi các giá trị của chính nó để phù hợp với những biến đổi KT-XH. Các giá trị của nguồn nhân lực xác định vai trò,
vị trí của nó trong từng giai đoạn phát triển KT-XH. Số lượng nhân lực và lao động, sự tham gia của nguồn nhân lực theo giới, theo độ tuổi, trình độ,... luôn có sự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Nguồn nhân lực với số lượng và chất lượng có khả năng làm thay đổi các nguồn lực khác trong các quá trình KT-XH. Khi nguồn nhân lực lạc hậu, các nguồn lực tự nhiên có vai trò quan trọng trong các hoạt động KT - XH. Khi nguồn nhân lực phát triển thì các giá trị của nó có thể trở thành lợi thế so sánh mà không một nguồn lực nào có thể thay thế được để phát triển xã hội.
Các quá trình giáo dục, đào tạo làm tăng các giá trị chất lượng nguồn nhân lực. Sự phát triển kinh tế làm thay đổi sự phân công lao động, xuất hiện các yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực. Từ đó, nguồn nhân lực tự dịch chuyển do tác động của các nhân tố KT-XH để đáp ứng các yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.
- Sự phát triển của nguồn nhân lực mang tính toàn diện
Tính toàn diện của nguồn nhân lực thể hiện bằng các tiêu chuẩn về đức, tài và thể chất phải phù hợp với các điều kiện KT-XH mà họ đang sống và phục vụ. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực là phát triển và vận dụng được toàn bộ các năng khiếu thể lực và trí tuệ của con người về mọi mặt (đức, trí, thể, mỹ) trong nhân cách con người. Toàn diện là hoàn chỉnh và hài hoà, không lệch về một mặt trong phát triển nhân cách con người.
Phát triển toàn diện nguồn nhân lực là đào tạo nghề nghiệp, yêu cầu tất yếu rất quan trọng của người lao động. Con người lao động phải là con người được giáo dục, con người năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với các yêu cầu mới của hoàn cảnh KT-XH. Để phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện cần phải hình thành ở họ những phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công nghiệp, sự nhạy bén, dám mạo hiểm, hiện đại và giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.
Tính toàn diện của nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực không thể nằm ngoài những đặc điểm của cách mạng thông tin, công nghệ sinh hoạt, toàn cầu hoá, hội nhập, mở cửa. Cần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá dân tộc, giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc phải xuyên suốt tất cả các hoạt động giáo dục và các hoạt động khác ở trong nhà trường và ngoài xã hội.
- Sự thay đổi của nguồn nhân lực là một quá trình vận động lâu dài
Nguồn nhân lực là một bộ phận của dân số và luôn vận động, thay đổi theo thời gian và không gian, mà sự tác động giữa dân số và nguồn nhân lực cùng với tác động của các yếu tố KT-XH là những nguyên nhân. Nguồn nhân lực hiện nay là kết quả của quá trình vận động và phát triển trong quá khứ với các mối quan hệ phức tạp. Hồ Chủ tịch đã nói “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Tác động của nhân tố KT-XH trong quá khứ được thể hiện trong mỗi cá nhân và cộng đồng ở hiện tại và cả tương lai. Tài, đức có được của người lao động hôm nay là kết quả của quá trình giáo dục, tự đào tạo bằng những kết tinh tinh hoa tri thức của nhân loại trước đó. Vì vậy, khi hoạch định các chiến lược phát triển nguồn nhân lực cần có chiến lược lâu dài và giải pháp cho từng giai đoạn.
Sự vận động của nguồn nhân lực không bao giờ thoả mãn được yêu cầu của hoạt động KT-XH. Mỗi khi nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu này, lại có những yêu cầu mới nảy sinh. Xu thế này tạo nên sự vận động không ngừng của nguồn nhân lực và là một yếu tố tác động đến văn minh, tiến bộ xã hội.
- Nguồn nhân lực có tính kế thừa
Nguồn nhân lực tham gia các hoạt động KT-XH luôn luôn mang trong mình những kinh nghiệm và tri thức đã được đúc kết trong quá khứ, kết quả của các quá trình KT-XH ở các giai đoạn lịch sử đã qua. Mỗi hành vi, cử chỉ,
tác phong, hoạt động của họ đều thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc những cái cũ và mới, cái tiến bộ của nơi khác du nhập vào. Sự tiếp thu này có thể đem lại những hậu quả tiêu cực cho các vấn đề xã hội và nguồn nhân lực, nhưng về cơ bản nó tạo nên sự hoàn thiện, tiến bộ hơn cho sự phát triển nguồn nhân lực. Tính kế thừa làm cho nguồn nhân lực giữ được những nét riêng (truyền thống, bản sắc dân tộc), bên cạnh cái tiến bộ, văn minh của thời đại. Tính kế thừa của nguồn nhân lực còn bởi sự di truyền đem lại và sự cải thiện thể lực dân tộc bởi các hoạt động y tế, chăm sóc sức khoẻ, thể dục thể thao...
- Nguồn nhân lực có quan hệ chặt chẽ với hoạt động KT-XH
Sự phát triển của nguồn nhân lực có những tác động đến sự phát triển KT-XH. Nguồn nhân lực vừa là lực lượng tham gia vào các hoạt động sản xuất xã hội, vừa là người tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ xã hội nên sự tác động của nó không chỉ ở mặt số lượng, mà còn ở chất lượng nguồn nhân lực. Ở góc độ là người sản xuất, lao động của con người là yếu tố bản thân của quá trình sản xuất, dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Cơ cấu lao động mang tính nội sinh tạo ra tổng sản phẩm quốc nội và làm nảy sinh những quan hệ cấu trúc nội tại của quá trình sản xuất và phát triển KT-XH. Ở góc độ là người tiêu dùng các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ xã hội, sức mua của người lao động cũng như nhu cầu nâng cao phúc lợi xã hội và các giá trị vật chất, tinh thần của con người; nguồn nhân lực lại là động lực và định hướng cho sự phát triển KT-XH.
Sự phát triển KT-XH tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn nhân lực phát triển. Cơ cấu kinh tế, sự phát triển kinh tế, sự tiến bộ xã hội đòi hỏi khả năng thích ứng của nguồn nhân lực cả về thể lực, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ trí tuệ, năng lực sáng tạo, phẩm chất tâm - sinh lý - xã hội, ý thức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp. Sự phát triển KT - XH và nguồn nhân lực là mối quan hệ nhân quả có tính liên tiếp
với cấp độ sau cao hơn cấp độ trước. Sự phát triển KT-XH đặt ra những yêu cầu mới mà nguồn nhân lực phải đáp ứng, đồng thời đem lại những điều kiện vật chất cho sự phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với phương tiện học tập và lao động tiên tiến, phát huy khả năng sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Những yếu tố ấy làm cho nguồn nhân lực có chất lượng hơn và nguồn nhân lực lại có những tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH.
1.3.2 Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn nhân lực