- Nguồn nhân lực là người tham gia vào các hoạt động sản xuất
Tập đoàn DAEWOO (Hàn Quốc) có một triết lý: “Mọi tài nguyên đều có hạn, chỉ có sức sáng tạo của con người là vô hạn”. Triết lý này đúng với
mọi ngành kinh tế, mọi doanh nghiệp, mọi quốc gia và trong mọi giai đoạn lịch sử xã hội. Con người tham gia vào các quá trình sản xuất ở cả phương diện thể lực, kinh nghiệm, sự sáng tạo và cả sự nhận thức thế giới ngày càng hoàn thiện.
Vai trò của nguồn nhân lực trong sản xuất xã hội có sự thay đổi qua mỗi giai đoạn phát triển, nó được quy định bởi yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, các phương tiện sản xuất và các mối quan hệ kinh tế - xã hội giữa các vùng lãnh thổ. Ví dụ: lao động thủ công có vai trò rất quan trọng trong điều kiện sản xuất lạc hậu, kém phát triển. Nhu cầu sản xuất đòi hỏi nhiều nhân lực nên số lượng nguồn nhân lực là một yếu tố nổi bật. Khi nền kinh tế phát triển hơn, vai trò của lao động thủ công giảm đi, lao động với máy móc hay lao động kỹ thuật trở thành lực lượng lao động quan trọng. Đó là nguồn nhân lực được đào tạo và là những mắt xích trong dây chuyền sản xuất và dịch vụ xã hội. Lao động kỹ thuật và máy móc tạo ra một lượng sản phẩm hàng hoá lớn hơn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của con người, tạo nên sự tiến bộ và văn minh của xã hội; trong thời đại thông tin, tự động hoá và công nghệ hiện đại hiện nay, lao động trí thức với yếu tố hàng đầu là trí tuệ và chất xám có ưu thế nổi bật, làm thay thế cả thế giới. Nguồn nhân lực này chủ yếu là sáng tạo, yếu tố bản thân của quá trình sản xuất, trung tâm của nội lực, nguồn lực quyết định quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Nguồn nhân lực là người tiêu thụ các hàng hoá, dịch vụ
Mọi hoạt động KT - XH đều nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Những nhu cầu ấy đòi hỏi quá trình sản xuất xã hội phải đa dạng phong phú hơn và tạo ra các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ ngày càng nhiều hơn. Đầu tiên là các nhu cầu vật chất, nhưng khi chúng được đáp ứng thì con người đòi hỏi các nhu cầu cao hơn, nhu cầu tinh thần. Không thể áp dụng biện pháp hạn chế sản xuất để kìm hãm các nhu cầu con người. Làm như vậy sẽ kéo
lùi sự phát triển của xã hội. Biện pháp khôn ngoan hơn là tìm cách thoã mãn các nhu cầu ấy. Vì vậy nhu cầu của con người là yếu tố thúc đẩy các quá trình sản xuất và dịch vụ xã hội phát triển.
- Nguồn nhân lực là người quản lý xã hội
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò của người dân (nguồn nhân lực), Người coi “dân là gốc”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mọi việc phải lấy dân làm gốc, phải xuất phát từ dân, đó là lực lượng quản lý xã hội, việc dễ nhưng không có dân thì khó thành công, việc khó mấy mà dân đồng lòng, cùng chung vai gánh vác thì cũng trở thành việc dễ.
Xét một khía cạnh khác có thể cho rằng, nguồn nhân lực càng có trình độ hiểu biết, nhận thức càng cao thì càng đòi hỏi người quản lý xã hội càng thuận lợi cho việc đưa các chủ trường, đường lối, chính sách vào cuộc sống. Việc tuyên truyền giáo dục và phát triển, nâng cao dân trí là một việc làm hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào quản lý xã hội hiệu quả hơn.
Mọi chế độ xã hội có một bộ phận nhân lực là những nhà quản lý. Trình độ quản lý xã hội tỷ lệ thuận với trình độ của các nhà quản lý, lãnh đạo. Những quyết định, chiến lược phát triển KT - XH có tính đột phá phụ thuộc vào trình độ, sự nhạy bén và tầm nhìn của các nhà quản lý. Vai trò quản lý xã hội hiện nay được tăng cường bởi sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và tự động hoá. Tăng cường đội ngũ trí thức vào bộ máy quản lý xã hội và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành càng làm cho việc quản lý xã hội có hiệu quả hơn.