Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là tổng hợp những tiềm năng lao động của con người trong một thời điểm xác định. Nói đến nguồn nhân lực và sự phát triển nguồn nhân lực là nói đến hai phương diện: số lượng dân và chất lượng con người.
Theo Phạm Minh Hạc và nhóm các tác giả tham gia chương trình KX- 07: “Con người Việt Nam - mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội” thì nguồn nhân lực được hiểu bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khoẻ và trí tuệ, năng lực và phẩm chất của con người.
Theo Phạm Văn Đức “Nguồn lực con người chỉ khả năng và phẩm chất của lực lượng lao động, đó không chỉ là số lượng và khả năng chuyên môn mà còn cả trình độ văn hoá, thái độ đối với công việc và mong muốn tự hoàn thiện của lực lượng lao động” [17].
Theo Đoàn Văn Khái thì: “Nguồn lực con người là khái niệm chỉ số dân, cơ cấu dân số và nhất là chất lượng con người với tất cả các đặc điểm và sức mạnh của nó trong sự phát triển xã hội” [10].
Như vậy, nguồn nhân lực là một bộ phận của dân số. Đó là toàn bộ những lao động có khả năng tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế - xã hội và các thế hệ những người lao động tiếp tục tham gia vào các quá trình đó. Con người đóng vai trò chủ động, là chủ thể sáng tạo và chi phối toàn bộ quá trình đó, hướng nó tới mục tiêu đã chọn. Nguồn nhân lực không chỉ đơn thuần là số lao động đã có và sẽ có, mà còn bao gồm một tổng thể các yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, thái độ và phong cách làm việc. Tất cả các yếu tố này thuộc về chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, khi nói tới nguồn nhân lực thì cơ cấu của lao động, bao gồm cả cơ cấu đào tạo, cơ cấu ngành, nghề cũng được coi là một chỉ tiêu quan trọng.
Nói đến nguồn nhân lực là nói đến phương diện cá thể, chủ thể của nó. Sự phát triển trí lực - yếu tố trí tuệ, tinh thần, cái quyết định phần lớn khả năng lao động sáng tạo của con người. Trí lực là yếu tố ngày càng đóng vai trò quyết định trong sự phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là sự phát triển năng lực trí tuệ và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của con người, bởi vì sự phát triển của xã hội trước hết được quy định bởi những lợi thế của nguồn nhân lực với hàm lượng trí tuệ ngày một tăng. Trí tuệ là tài sản quý giá nhất trong mọi tài sản, nhưng sức khoẻ là tiền đề cần thiết, tiên quyết để duy trì và phát triển trí tuệ, là phương tiện tất yếu để truyền tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, biến tri thức trở thành sức mạnh vật chất cải tạo tự nhiên và xã hội.
Nguồn lực con người còn có kinh nghiệm sống, đặc biệt là kinh nghiệm nếm trải trực tiếp, nhu cầu và thói quen vận dụng tổng hợp tri thức và kinh nghiệm và tìm tòi, đổi mới các hoạt động, sáng tạo ra các giải pháp mới phục vụ công việc. Phẩm chất đạo đức, nhân cách con người cũng là một trong những yếu tố đem lại lợi thế cho nguồn nhân lực nên cần quan tâm thích đáng tới việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và nâng cao sức khoẻ, coi trọng việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lý tưởng cho con người.
Theo nghĩa hẹp, xét về khả năng có thể sử dụng, theo Bộ Luật Lao động, thì khái niệm nguồn nhân lực đồng nghĩa với nguồn lao động. Xét về tình trạng hoạt động thì khái niệm về nguồn nhân lực đồng nghĩa với lực lượng lao động.
Nguồn lao động theo quan niệm của Liên Xô (cũ) và Pháp là toàn bộ những người lao động ở dạng tích cực và tiềm tàng (những người có khả năng lao động đang làm việc và những người đang tìm kiếm việc làm).
Giáo trình “Kinh tế Lao động” và “Kinh tế Phát triển” (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) quan niệm: "nguồn lao động toàn bộ dân số trong độ tuổi lao động trừ đi những người trong độ tuổi này hoàn toàn mất khả năng lao động”. Quan niệm này không tính đến những người ngoài độ tuổi lao động mà thực tế họ đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.
Theo Tổng cục Thống kê khi tính toán cân đối nguồn lao động, thì nguồn lao động bao gồm toàn bộ dân số trong độ tuổi lao động có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.
Xác định khái niệm nguồn lao động để làm cơ sở cho nghiên cứu các khía cạnh của nguồn lao động và phát triển nguồn lao động một cách toàn diện, đầy đủ và phù hợp với những quy định của luật pháp cũng như các quy định có liên quan của quốc gia, của từng địa phương.
Tóm lại, nguồn lao động bao gồm những người từ đủ 15 tuổi trở lên có việc làm và những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động nhưng đang không có việc làm (thất nghiệp) hoặc đang đi học hoặc đang làm nội trợ cho gia đình mình hoặc chưa có nhu cầu làm việc. Quan niệm này phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành của nước ta, vừa bao gồm được cả những người lao động ở dạng tích cực và tiềm tàng. Đây cũng là căn cứ để tính toán quy mô nguồn lao động tại một thời điểm xác định. Ngoài ra, nó còn
bao gồm các đặc trưng cụ thể về tình trạng hoạt động của dân số trong độ tuổi lao động có khả năng lao động và một bộ phận hết tuổi lao động nhưng vẫn đang làm việc hoặc có nhu cầu làm việc và sẵn sàng làm việc.
Một bộ phận của nguồn lao động tham gia hoạt động kinh tế là lực lượng lao động. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) quan niệm: lực lượng lao động là một bộ phận của dân số trong độ tuổi quy định thực tế đang có việc làm và những người thất nghiệp. Cuốn sách hướng dẫn nghiệp vụ chỉ tiêu xã hội ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê quy định: lực lượng lao động là những người từ đủ 15 tuổi trở lên có việc làm và không có việc làm. Hai quan niệm này biểu thị dân số hoạt động kinh tế.
Như vậy, lực lượng lao động tuy là một bộ phận của nguồn lao động nhưng không đồng nhất với nguồn lao động. Ngoài những đặc trưng của nguồn lao động, lực lượng lao động còn bao hàm các đặc trưng về trình độ, cơ cấu, kỹ năng nghề nghiệp, cấu trúc đào tạo, tác phong, kỹ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp, sự hiểu biết về pháp luật, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện hiện nay.
Để tính toán thống kê quy mô lực lượng lao động ở một thời điểm, cần xác định các khái niệm việc làm, người có việc làm và thất nghiệp:
- Việc làm là hoạt động lao động có ích, không bị pháp luật ngăn cấm, tạo thu nhập hoặc lợi ích cho bản thân, gia đình người lao động hoặc cho cộng đồng.
- Người có việc làm là những người đang làm một hoặc nhiều việc được trả tiền công hoặc những người tham gia vào các hoạt động tự thoã mãn lợi ích hay thay thế thu nhập gia đình.
- Người thất nghiệp là người đủ 15 tuổi trở lên thuộc nhóm dân số hoạt động kinh tế nhưng đang không có việc làm [15].
Từ các khái niệm trên cho thấy, phát triển nguồn nhân lực là gia tăng các giá trị cho con người, cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần, cả trí tuệ lẫn tâm
hồn cũng như kỹ năng nghề nghiệp; làm cho nguồn lao động có những năng lực và phẩm chất mới, cao hơn, đáp ứng được những yêu cầu to lớn và ngày càng tăng của sự phát triển kinh tế - xã hội, của sự nghiệp CNH, HĐH [22].
Như vậy, phát triển nguồn nhân lực là đào tạo con người có trình độ học vấn, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và có kỹ năng tham gia vào các quá trình sản xuất xã hội. Trình độ nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự phát triển xã hội, yếu tố hàng đầu để khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của các nguồn lực khác. Một đất nước không thể phát triển nhưng nếu chỉ có những người lao động có trình độ thấp, lao động thủ công là chủ yếu; mà phải có đội ngũ lao động có tay nghề đào tạo, đội ngũ trí thức [22].
Do vậy, phát triển trình độ nguồn nhân lực, đầu tư cho phát triển con người là đầu tư cho phát triển bền vững, thành công trong quá trình hội nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Để nguồn nhân lực có chất lượng với những người lao động thể lực tốt, phải đẩy mạnh cải thiện điều kiện ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đi lại; tức là phải tăng cường GDP/người/năm; đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế để cải thiện đời sống nhân dân, quan tâm đầy đủ hơn tới các lợi ích cá nhân và cộng đồng.
Phát triển nguồn nhân lực là khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống và hiện đại để tạo nên những nét riêng của cá nhân bên cạnh những phẩm chất và năng lực mà xã hội đòi hỏi. Từ đó tạo cho nguồn nhân lực vừa mang những giá trị truyền thống của bản sắc văn hoá dân tộc, vừa tiếp thu những cái mới, hiện đại của văn minh nhân loại.