Kiến nghị đối với chính phủ và ngân hàng nhà nước

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng TMCP Đông Nam Á – chi nhánh Hà Đông (Trang 73)

3.3.1 Đối với Chính phủ:

Ở nước ta hiện nay, Chính phủ giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Với một chính sách kinh tế được xây dựng đúng đắn của Chính phủ sẽ đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững. Từ đó, đảm bảo cho các định hướng, chiến lược ngành ngân hàng đi đúng quỹ đạo. Điều này tạo điều kiện giúp cho các tổ chức tín dụng xây dựng được cho mình một chiến lược kinh doanh hiệu quả và định hướng đúng đắn con đường phát triển của mình.

Trong điểu kiện hội nhập, vai trò của Chính phủ ngày càng trở nên quan trọng. Việc gia nhập WTO vừa là một động lực để kinh tế phát triển nhưng đồng thời cũng làm cho áp lực cạnh tranh tăng cao, tính bất ổn của nền kinh tế sẽ gia tăng.

Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đảm bảo cho môi trường cạnh tranh công bằng, cần đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ như:

Thứ nhất, ổn định môi trường pháp lý.

Môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang từng bước hoàn thiện song vẫn còn nhiều bất cập như: sự cạnh tranh chưa lành mạnh giữa ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần, nhiều văn bản pháp lý về hoạt động ngân hàng còn chưa đầy đủ và cụ thể gây khó khăn cho các ngân hàng.

Vì vậy đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo về việc xây dựng, chỉnh sửa và bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng quy định rõ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, hạn chế sự chồng chéo giữa các luật, các qui định về ngân hàng với các luật và qui định khác ở cấp quốc gia và quốc tế. Điều này giúp cho các ngân hàng thương mại có thể tăng cường năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường.

Thứ hai, ổn định môi trường kinh tế.

Môi trường kinh tế ổn định góp phần làm cho hoạt động sản suất kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên thuận lợi, lợi nhuận thu được lớn, đem lại mức thu nhập cao cho cá nhân và doanh nghiệp. Từ đó sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Để ổn định môi trường kinh tế, Chính phủ phải có các chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công cụ điều hành chính sách tiền tệ gián tiếp như nghiệp vụ thị trường mở, tái chiếu khấu, tái cấp vốn.., phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tạo điều kiện cho mọi ngành nghề hợp pháp cùng phát triển, đồng thời xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, Chính phủ cần đẩy mạnh việc thiết lập mạng thông tin kinh tế để có thể cung cấp một cách rộng rãi thông tin về các chính sách kinh tế, về thị trường…

Thứ tư, giúp đỡ các ngân hàng thẩm định khách hàng, giải quyết vấn đề nợ quá hạn…thúc đẩy ngân hàng tự hoàn thiện, nâng cao năng lực tài chính, nâng cao uy tín của mình.

3.3.2 Đối với Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng của các ngân hàng. Do đó, mọi quyết định hành động của Ngân hàng Nhà nước đều ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngân hàng

Trong những năm qua ngân hàng nhà nước đã có những điều chỉnh tích cực đối với các chính sách về ngân hàng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước cần có nhiều biện pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại hơn nữa như:

Thi hành chính sách tiền tệ quốc gia một cách linh hoạt, tập trung vốn nhàn rỗi trong dân cư để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cạnh tranh lành mạnh, thực hiện tự chủ trong kinh doanh…

Ban hành các văn bản pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Khuyến khích giảm thanh toán bằng tiền mặt, tăng thanh toán qua ngân hàng để các ngân hàng có thể nâng cao được mức huy động vốn của mình, điều chỉnh các mức lãi suất thích hợp, đặc biệt là lãi suất chiết khấu, để hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại khi họ gặp khó khăn…

Hỗ trợ ngành ngân hàng Việt Nam về đào tạo cán bộ quản lý, nâng cao trình độ quản lý, năng lực thẩm định, phân tích thị trường…theo tiêu chuẩn trình độ quốc tế.

Nâng cao hiệu quả của hệ thống thông tin trong tín dụng. Giảm sự không cân xứng về thông tin giữa khách hàng và tổ chức tín dụng

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thực hiện lộ trình mở cửa hoạt động ngân hàng với nước ngoài, theo cam kết hiệp định thương mại Viêt-Mỹ, WTO, tạo môi trường cạnh tranh thông thoáng cho hoạt động ngân hàng đồng thời thúc đẩy thị trường vốn phát triển.

Tạo rào cản gia nhập ngành để bảo vệ các ngân hàng trong nước bằng cách ban hành các hạn chế thành lập ngân hàng mới.

3.3.3 Kiến nghị đối với ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank

Ngân hàng SeABank là cơ quan quản lý trực tiếp mọi hoạt động của chi nhánh SeABank Hà Đông, cần có những sự quan tâm, hướng dẫn cụ thể đối với các hoạt động của chi nhánh như sau:

Ngân hàng cần đổi mới mô hình quản lí theo hướng hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi đối với khách hàng và các chủ thể kinh tế thông qua việc chỉ đạo hướng dẫn cụ thể, kịp thời các chủ trương, chính sách của ngành và của Chính phủ.

Ngân hàng cần xây dựng chính sách huy động vốn cụ thể và phù hợp với tình hình thị trường huy động vốn. Để thu hút được nhiều vốn hơn, ngân hàng cần có kế hoạch điều chỉnh biểu lãi suất huy động để tăng cao khả năng cạnh tranh đối với các ngân hàng thương mại cổ phần khác trong nước.

Bên cạnh đó, ngân hàng nên khuyến khích các chi nhánh nâng cao tính tự chủ, tự xây dựng và thực hiện các chương trình huy động vốn riêng nhằm phát huy cao sự chủ động của các chi nhánh.

Ngân hàng cũng nên thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ, kĩ năng cho các nhân viên của các chi nhánh. Thực hiện giúp đỡ hỗ trợ chi nhánh khi chi nhánh gặp khó khăn.

KẾT LUẬN

Hội nhập kinh tế quốc tế là con đường tất yếu và bắt buộc đối với Việt Nam trên bước đường phát triển. Chúng ta đang tham gia vào các tổ chức, hiệp hội kinh tế trên thế giới như ASEAN, APEC, Hiệp định thương mại Việt Mĩ, WTO.... Hội nhập đã

mở ra không ít cơ hội cho nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đồng thời cũng đem lại nhiều khó khăn, thách thức.

Trong giai đoạn hội nhập, yếu tố cạnh tranh được xem là tất yếu, là sự sống còn của mỗi tổ chức, buộc các tổ chức phải đổi mới, cải tiến mình để có thể cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước, tạo cơ sở vươn ra thị trường nước ngoài. Nằm trong xu thế đó, chi nhánh SeABank Hà Đông đã có nhiều rất nỗ lực phấn đấu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được vẫn còn một số hạn chế tồn tại. Điều đó đỏi hỏi chi nhánh cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc củng cố, nâng cao năng lực tài chính, nâng cao trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực, khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại để phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ và đẩy mạnh công cuộc xây dựng thương hiệu trên cả thị trường trong nước và hướng ra quốc tế.

Có thể thấy việc nghiên cứu để nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh cho ngân hàng là đề tài có tính cấp thiết, thực tế và có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngân hàng và trong nền kinh tế.

Dù đã rất cố gắng để hoàn thiện tốt nghiên cứu của mình nhưng bài làm chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Tôi rất mong nhận được sự góp ý kiến của các thầy, cô và các anh chị cán bộ nhân viên chi nhánh SeABank Hà Đông để giúp bài viết của tôi được hoàn thiện hơn.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

1. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của chi nhánh SeABank Hà Đông năm 2009,2010,2011.

2. TS. Bùi Đức Tuân – Giáo trình “Kế hoạch kinh doanh” – NXB Đại học Kinh Tế Quốc Dân.

3. Nguyễn Thành Độ, Nguyễn Ngọc Huyền – Giáo trình Chiến lược kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – NXB Lao Động Xã Hội.

4. Phan Thị Thu Hà – Giáo trình Ngân hàng thương mại – NXB Đại học Kinh Tế Quốc Dân.

5. Tạp chí khoa học và công nghệ - Số 5(40) -“Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam” – Đại học Đà Nẵng.

6. Thời báo Kinh tế Việt Nam 2010.

7. Trần Huy Hoàng – Quản trị ngân hàng thương mại – NXB Lao Động Xã Hội. 8. Trần Minh Đạo – Giáo trình Marketing căn bản – NXB Đại học Kinh Tế Quốc Dân. 9. Các trang web: •http://www.doanhnhan.net •http://www.seabank.com.vn/ •http://vi.wikipedia.org/ •http://www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng TMCP Đông Nam Á – chi nhánh Hà Đông (Trang 73)