Khái niệm và đặc điểm của trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại (Trang 41 - 44)

Khi một hợp đồng được xác lập và có hiệu lực pháp luật thì quyền và nghĩa vụ của các bên thoả thuận trong hợp đồng luôn được nhà nước thừa nhận, bảo vệ. Việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng (như không thực hiện nghĩa vụ hoặc có thực hiện nghĩa vụ nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ) sẽ làm xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp của đối tác hợp đồng. Vì vậy việc đặt ra các biện pháp chế tài để xử lý vi phạm hợp đồng sẽ góp phần bảo vệ trật

tự, kỷ cương pháp luật về hợp đồng, có như thế quan hệ hợp đồng mới có thể tồn tại được.

Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng được hiểu là sự gánh chịu những hậu quả vật chất bất lợi của chủ thể vi phạm hợp đồng đã được pháp luật quy định, thể hiện qua các biện pháp chế tài phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện đúng hợp đồng, tạm ngưng hợp đồng, đình chỉ hợp đồng và huỷ bỏ hợp đồng.

Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng có những đặc điểm cơ bản sau :

Thứ nhất, trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hợp đồng trong một quan hệ hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật. Điều đó có nghĩa là chỉ những chủ thể giao kết hợp đồng hội đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng luật định mà khi quyền lợi của chủ thể đó bị xâm hại thì các biện pháp chế tài xử lý vi phạm hợp đồng mới có thể được áp dụng đối với phía bên kia. Ngược lại, nếu một hợp đồng bị vô hiệu thì tất nhiên không thể áp dụng các biện pháp trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng được, mà phải áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo luật định.

Thứ hai, nội dung các biện pháp trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng luôn gắn liền với việc thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc biện pháp tác động về mặt tài sản đối với bên vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn, chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng có tác dụng buộc chủ thể vi phạm hợp đồng phải thực hiện đến cùng nghĩa vụ của mình như đã cam kết trong hợp đồng hoặc biện pháp chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại thì tác động trực tiếp đến tài sản của phía bên vi phạm – theo đó họ phải chịu các tổn thất vật chất từ hành vi vi phạm hợp đồng mà mình gây ra.

Thứ ba, trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng do cơ quan tổ chức có thẩm quyền áp dụng hoặc do bên bị vi phạm áp dụng trên cơ sở pháp luật quy định đối với bên vi phạm hợp đồng. Nói cách khác, việc áp dụng các biện pháp

trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng luôn gắn liền với biện pháp cưỡng chế nhà nước và được nhà nước đảm bảo thực hiện trên thực tế. Qua đó, vừa góp phần củng cố kỷ cương pháp luật hợp đồng đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pjáp của bên bị vi phạm trong quan hệ hợp đồng.

Trên cơ sở những đặc điểm trên, có thể nhận thấy chế định trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng có nội dung chủ yếu là các quy định về căn cứ áp dụng trách nhiệm, các hình thức trách nhiệm pháp lý và các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý. Những quy định này có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi của các bên bị vi phạm hợp đồng cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật về kinh doanh, thương mại. Vai trò của chế định trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau :

Chế định trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng. Điều này thể hiện qua việc để bảo vệ lợi ích của bên bị vi phạm hợp đồng, chế định trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng cho phép bên bị vi phạm tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các hình thức trách nhiệm (chế tài) đối với bên vi phạm (buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, huỷ bỏ hợp đồng). Mặt khác, trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng cũng bảo vệ quyền lợi của bên vi phạm thông qua việc quy định rõ ràng các căn cứ, thủ tục áp dụng trách nhiệm, các trường hợp miễn trách…chế định trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng bảo đảm cho bên vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do pháp luật quy định, bảo vệ bên vi phạm trước những hiện tượng tiêu cực trong xử lý vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn, theo quy định tại Luật thương mại 2005 thì mức phạt vi phạm hợp đồng chỉ tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ vi phạm và nếu muốn áp dụng mức phạt đó thì trong hợp đồng phải có thoả thuận trước. Do đó, khi xảy ra vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng không có

thoả thuận về mức phạt vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm có thể bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách không nộp phạt đúng theo quy định của Luật thương mại.

Chế định trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng góp phần ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể hợp đồng trong việc thực hiện hợp đồng. Việc quy định các biện pháp chế tài như phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại… sẽ có tác động rất mạnh mẽ vào ý thức của các bên cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, qua đó phần nào sẽ hạn chế và ngăn ngừa vi phạm hợp đồng xảy ra.

Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng có tác dụng khôi phục những lợi ích vật chất mà bên bị vi phạm hợp đồng phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của phía bên vi phạm gây ra. Thực chất, hầu hết các biện pháp chế tài xử lý vi phạm hợp đồng như bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, đình chỉ hợp đồng…tác động trực tiếp về mặt tài sản đối với bên vi phạm hợp đồng và góp phần quan trọng vào việc bù đắp những thiệt hại vật chất xảy ra cho bên bị vi phạm hợp đồng, giúp cho bên bị vi phạm hợp đồng giảm thiểu những thiệt hại xảy ra cho mình từ hành vi vi phạm hợp đồng của phía bên kia.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(62 trang)
w