Hệ thống CTTL có tầm chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, cũng như Thanh Hoá nói riêng. Vấn đề đặt ra cho ngành thủy lợi rất lớn, phục vụ tổng hợp cho nhiều ngành kinh tế khác nhau, với thực trạng công trình hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển.
Để CTTL thực sự trở thành một loại kết cấu hạ tầng quan trọng đặc biệt nhất để phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái trong giai đoạn mới của đất
nước, trên cơ sở có quy hoạch cần rà soát và quy hoạch lại hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu hiện tại và tương lai, phù hợp với thời kỳ phát triển mới, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thực trạng công trình hiện nay đa số chưa phát huy hết năng lực thiết kế, một trong những nguyên nhân là do chưa đồng bộ, thời gian khai thác đã lâu chưa được đại tu nâng cấp, từ đó đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chất lượng phục vụ của các doanh nghiệp. Để tăng cường công tác quản lý, xác lập mô hình thủy nông hợp lý trước hết hệ thống công trình phải được củng cố nâng cấp hoàn thiện. Khi công trình được hoàn thiện đồng bộ, hệ thống kênh mương đã được kiên cố hoá, các công trình trên kênh có đầy đủ thiết bị đo đếm, sẽ tạo điều kiện cho việc phân cấp quản lý và xã hội hoá công tác thủy nông. Cũng từ đó có cơ sở để xây dựng chính sách thủy lợi phí hợp lý. Đồng thời khi công trình củng cố hoàn thiện thì đòi hỏi quản lý phải được nâng lên thích ứng. Vì vậy củng cố nâng cấp hoàn thiện công trình có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đổi mới quản lý thủy nông.
Trên địa bàn Thanh Hoá CTTL cần tiếp tục được củng cố và hoàn thiện:
- Về công tác điều tra quy hoạch phải được rà soát lại, hoàn thành bổ sung quy hoạch tưới tiêu vùng Đa Bát-Hà Lĩnh (Hà Trung), vùng tiêu Hà Trung, vùng tiêu Tĩnh Gia, tiến hành điều tra khảo sát tài nguyên nước ở một số vùng trọng điểm của tỉnh.
- Công tác đầu tư xây dựng: Chuẩn bị và tiến hành dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, đập sông Lèn, trạm bơm Cầu Tào. đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng mới các công trình tiêu, xây dựng mới 15 công trình, tưới tiêu úng để mở rộng tiêu chủ động 13.000 ha. Đại tu, nâng cấp, hoàn thiện nhiệm vụ thiết kế 5 hệ thống tiêu sông Lý, sông Hoàng, Quảng Châu, Trường Lệ, Thọ Xuân, đảm bảo tiêu úng ổn định cho diện tích 70.000 ha. Đầu tư cải tạo nâng cấp 10 hệ thống công trình tưới để đảm bảo phát huy hiệu quả theo nhiệm vụ thiết kế và nâng cao chất lượng tưới. Hoàn thiện dự án khôi phục cải tạo nâng cấp hệ thống Bái Thượng và các công trình khác thuộc nguồn vốn vay ngân hàng Châu á. (ADB).
- Tập trung vốn cho kiên cố hoá kênh mương, phấn đấu đến năm 2003 Thanh hoá sẽ đạt 100% kênh mương được kiên cố.
Đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào quản lý và vận hành hệ thống, đưa công tác khai thác ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hết năng lực thiết kế công trình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước thay thế các loại cửa thép, gỗ bằng các loại cửa Compozite để chống xâm thực của môi trường nhất là nước mặn. Từng bước trang bị các thiết bị quản lý như máy đo chua, đo mặn, đo lưu tốc, đo độ lún... cho các công trình tưới. Điện khí hoá việc đóng mở các cống, âu thuyền, thay thế hẳn lao động thủ công. Lắp đặt hệ thống máy vi tính trong quản lý điều hành tưới, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suất trong mọi tình huống để bảo đảm phục vụ sản xuất, đời sống trong mùa mưa bão.