chiếm 11,3% là một thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế-xã hội trong tương lai.
- Dự trữ tài nguyên thiên nhiên: Do năng lực thăm dò, khai thác và chế biến còn hạn chế nên các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh vẫn còn khá dồi dào, đủ khả năng đáp ứng trong thời gian tới. Các nguồn nguyên liệu cho sản xuất xi măng, cát thạch anh làm vật liệu xây dựng, mỏ khí đốt ngoài khơi đảo Cồn Cỏ,.v.v. có trữ lượng lớn và sẽ mang lại hiệu quả nếu được thăm dò và khai thác.
- Nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến:
+ Cây công nghiệp hàng năm: năm 2010, diện tích gieo trồng cây công nghiệp hàng năm toàn tỉnh có gần 5.030 ha. Dự kiến, năm 2020 diện tích cây công nghiệp hàng năm của tỉnh sẽ được mở rộng lên 11.500-12.000 ha.
+ Cây công nghiệp lâu năm: hiện diện tích cây công nghiệp lâu năm có gần 23.030 ha; phấn đấu đến năm 2015, diện tích trồng cao su khoảng 19.000-20.000 ha và tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm lên 21.000-22.000 ha trong giai đoạn đến năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác trồng cao su với nước bạn Lào. Năm 2020, ổn định diện tích cây cà phê khoảng 5.000 ha, tập trung chủ yếu ở Hướng Hoá. Tập trung phát triển hồ tiêu tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh với quy mô 3.000 ha.
+ Cây lương thực, thực phẩm: hiện toàn tỉnh có 48.030 ha trồng lúa và 3.562 ha trồng ngô. Dự báo đến năm 2020, diện tích trồng lúa toàn tỉnh sẽ duy trì 46.000- 47.000 ha, diện trồng ngô khoảng 6.000 ha.
+ Nguyên liệu từ chăn nuôi: Sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng năm 2010 đạt khoảng 24.736 tấn. Dự báo, đến năm 2015, đạt khoảng 48.000 tấn và 74.000 tấn năm 2020.
+ Nguyên liệu gỗ và lâm sản: hiện toàn tỉnh có 42.800 ha đất đồi chưa sử dụng. Phấn đầu hàng năm trồng mới khoảng 4.000-4.500 ha rừng tập trung các loại.
Khai thác gỗ, lâm sản: ổn định khai thác khoảng 150.000 m3/năm trong giai đoạn 2011-2015 và khoảng 180.000m3/năm giai đoạn 2016-2020.
+ Nguyên liệu thuỷ, hải sản: sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản các loại năm 2010 đạt gần 24.670 tấn. Trong giai đoạn tới, diện tích nuôi trồng thuỷ sản được quy hoạch lên khoảng 5.500 ha vào năm 2015 và lên 6.500 ha năn 2020. Phấn đấu tổng sản lượng thuỷ sản đạt 38.000 tấn năm 2020.
- Điều kiện cơ sở hạ tầng:
Việc hoàn thành xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng về giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng kỹ thuật phục vụ Khu kinh tế Đông-Nam Quảng Trị, các khu, CCN, cảng biển...là một trong những giải pháp chủ yếu, đồng thời cũng là những nhân tố hỗ trợ tạo bước đột phá trong việc phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
Dự kiến, sau năm 2015 tuyến quốc lộ 1A mở rộng , cùng với tuyến 9D tránh thành phố về phía Nam được hoàn thành sẽ là tiền đề quan trọng để tăng khối lượng vận chuyển hàng hoá qua cung đường Lao Bảo-Savanakhet Lào.
Đề xuất phát triển đường sắt thuộc tuyến đường sắt Liên Á, nối đường sắt Bắc-Nam, chạy song song quốc lộ 9 qua cửa khẩu Lao Bảo đi Savanakhet Lào. Xây dựng ga chính và kho bãi ở khu vực phía Đông Bắc Cửa khẩu Lao Bảo, đảm nhận chức năng kết hợp giữa ga và kho bãi cảng cạn đường bộ.
Về thuỷ lợi, tiếp tục củng cố và nâng cấp các công trình thuỷ lợi tích nước cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Trong giai đoạn 2016-2020, Cảng Cửa Việt được mở rộng, nâng công suất xếp dỡ lên 800.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu vận tải đang gia tăng.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực chung cả nước, năm 2011-2015, xây dựng mạch 2 tuyến 220KV Huế-Đồng Hới và bổ sung máy 2 (1x125MVA) tại trạm biến áp Đông Hà, nâng tổng công suất lên 2x125MVA. Từ năm 2016-2020, xây dựng đường dây 220kV nhánh rẽ Cửa Tùng và lắp đặt trạm biến áp 220 KV Cửa Tùng. Như vậy, với mạng lưới các cơ sở hạ tầng được cải tạo, đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp của Quảng Trị đến năm 2020.
3.2. Phương hướng phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020
Ngành công nghiệp sẽ là động lực chính để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Vì vậy, phải đặt mục tiêu phát triển công nghiệp lên hàng đầu để thu hẹp khoảng cách chênh lệch kinh tế so với các địa phương xung quanh và trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trong khoảng thời gian dài, bền vững, thân thiện với môi trường trên cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tập trung đầu tư và phát triển Khu kinh tế Đông –Nam Quảng Trị là hạt nhân phát triển công nghiệp và trong mối liên hệ chặt chẽ với các Khu kinh tế trong vùng.
Hình thành các vùng kinh tế công nghiệp động lực khác để tạo dựng mối liên kết giữa các vùng nguyên liệu chế biến với cơ sở sản xuất. Tập trung ưu tiên đầu tư vào nơi có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu và dịch vụ công nghiệp.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, VLXD, hoá chất, phân bón... Phát huy hiệu quả các cơ sở công nghiệp hiện có, khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất và tích cực đầu tư thu hút các dự án mới, nhất là dự án có quy mô lớn, xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức cạnh tranh và có khả năng phát triển ổn định trong thị trường khu vực.
Tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Các công trình công nghiệp mới cần mạnh dạn đầu tư thẳng vào công
nghệ, thiết bị hiện đại. Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, xử lý môi trường ở khu kinh tế và các khu công nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong các lĩnh vực chế biến nông,lâm, thuỷ sản; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất VLXD...
Hoàn thành từng bước hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, CCN đã quy hoạch và hình thành trong giai đoạn 2001-2010 để thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp. Sắp xếp lại lực lượng sản xuất trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề để thúc đẩy các khu vực khó khăn phát triển, cải thiện chênh lệch kinh tế giữa thành thị và nông thôn.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp-TTCN theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. nghiệp-TTCN theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đa dạng hoá các sản phẩm công nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp của tỉnh gắn với thị trường khu vực và thế giới.
3.2.1. Phương hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu
- Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
Phát triển ngành khai thác khoáng sản đáp ứng nhu cầu cho các ngành, sản phẩm chế biến trên địa bàn tỉnh như: sản xuất VLXD, hoá chất, phân bón, đồ uống, que hàn, ...
Đa dạng hoá quy mô khai thác và chế biến khoáng sản với quy mô và công nghệ thích hợp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước. Chú trọng công tác tìm kiếm,điều tra cơ bản về khoáng sản để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư khai thác và chế biến hiệu quả.
- Công nghiệp chế biến: Phát triển một số ngành công nghiệp chế biến mũi nhọn, có lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương, có thị trường tiêu thụ và xuất khẩu như: + Chế biến nông sản:
Tiếp tục ổn định sản xuất các sản phẩm: xay xát lương thực, tinh bột sắn, cà phê, cao su, hồ tiêu... Tiến tới sắp xếp các hộ chế biến chuyển thành một số cơ sở chế biến tập trung để giải quyết việc xử lý môi trường và tăng chất lượng sản phẩm. Đa dạng hoá sản phẩm chế biến, nâng cao chuỗi giá trị sau thu hoạch. Tăng cường các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi từ các sản phẩm nông nghiệp, các phế phụ phẩm với quy mô nhỏ và vừa.
+ Chế biến thuỷ sản:
Kêu gọi đầu tư, khôi phục ngành chế biến thuỷ sản. Sắp xếp lại tổ chức, đổi mới công nghệ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn để củng cố và khôi phục năng lực chế biến xuất khẩu.
+ Công nghiệp chế biến gỗ, giấy
Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, khai thác gỗ và lâm sản hợp lý. Phấn đấu hàng năm trồng khoảng 3.000 ha rừng sản xuất, từng bước hình thành vùng rừng nguyên liệu theo hướng thâm canh, tập trung.
Phát triển ngành khai thác và chế biến gỗ, giấy trên cơ sở sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt khoảng 150.000m3/năm trong giai đoạn 2011-2015 và khoảng 1800.000m3/năm trong giai đoạn 2016-2020. Sản lượng khai thác nhựa thông khoảng 2.000 tấn/năm vào năm 2015 và 3.000 tấn/năm vào năm 2020.
Trong tình hình nguyên liệu gỗ khai thác từ tự nhiên ngày càng khan hiếm, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ các quy định quốc tế và giá tăng cao, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ tham gia trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương.
+ Công nghiệp sản xuất VLXD
Phát triển công nghiệp VLXD trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương gắn với hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung phát triển sản xuất xi măng, gạch ngói..xem đây là hướng đầu tư chính của ngành sản xuất VLXD của tỉnh trong giai đoạn tới. Chú trọng phát triển các loại VLXD mới phục vụ cho xây dựng đô thị, khu CCN. Quan tâm phát triển một số VLXD giá thành thấp phục vụ phát triển nông thôn như vật liệu xây, lợp nhà, vật liệu xây dựng đường sá, kênh mương thuỷ lợi...
Khai thác hiệu quả công suất của các nhà máy sản xuất phân bón NPK, săm lốp xe máy và mở rộng quy mô sản xuất phù hợp.
Tuỳ theo tiến độ điều tra, thăm dò và khai thác các mỏ khí đốt ngoài khơi vùng biển Quảng trị, nghiên cứu xây dựng tổ hợp khí điện đạm và chế biến các sản phẩm khác từ khí đốt trên địa bàn tỉnh.
- Công nghiệp sản xuất và phân phối điện-nước
Cải tạo mạng lưới phân phối điện, nâng cấp mới các đường dây trung áp và hạ áp để cấp điện ổn định và an toàn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng trên địa bàn. Khuyến khích phát triển thuỷ điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió... với nhiều hình thức đầu tư thích hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế ở những nơi có điều kiện. Đối với ngành sản xuất và phân phối nước: đầu tư mở rộng hệ thống phân phối của các nhà máy cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh để khai thác tối đa công suất các nhà máy. Đầu tư nhà máy nước công suất 20.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1) lấy nước từ hồ sông Nhùng (kết hợp thuỷ điện) phục vụ nhu cầu phát triển của khu Kinh tế Đông –Nam Quảng trị. Từng bước xây dựng các đường ống cấp nước đến các khu chức năng trong khu kinh tế.
3.2.2. Phương hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Tập trung đầu tư và hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cho 03 KCN là KCN Nam Đông Hà (99ha), KCN Quán Ngang (205ha), KCN Tây Bắc Hồ Xá (294ha) nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, thu hút các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Phấn đấu hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng và lấp đầy 100% diện tích KCN Nam Đông Hà và 70-80% diện tích KCN Quán Ngang (giai đoạn 1) trong giai đoạn đến năm 2015; giai đoạn 2011-2015, phát triển hạ tầng KCN Tây Bắc Hồ Xá (giai đoạn 1:157,6ha), phấn đấu tỉ lệ lấp đầy đạt 50%.