Đường lối phát triển công nghiệp

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI " PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ " docx (Trang 27 - 30)

Đường lối phát triển công nghiệp ở mỗi quốc gia qua các thời kỳ lịch sử có ảnh hưởng to lớn và lâu dài tới sự phát triển và phân bố công nghiệp, tới định hướng đầu tư và xây dựng cơ cấu ngành công nghiệp.

Ở Việt Nam, Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý. Sau đó Đại hội VII (1991) đã xác định rõ phải đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Phù hợp với xu thế mở cửa và hội nhập, chúng ta đã xây dựng các ngành công nghiệp mũi nhọn dựa vào lợi thế so sánh như công nghiệp năng lượng (dầu khí, điện năng), công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản (dựa trên thế mạnh về nguyên liệu), công nghiệp nhẹ gia công xuất khẩu sử dụng nhiều lao động, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và một số ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản... Cơ cấu công nghiệp theo ngành và theo lãnh thổ đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Các đường lối phát triển công nghiệp được cụ thể hoá bằng các bản quy hoạch, chiến lược phát triển cho từng ngành công nghiệp, từng địa phương cụ thể.

Nhà nước hoạch định các chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp nhằm thực hiện hệ thống các mục tiêu kinh tế xã hội nhất định. Các chiến lược và quy hoạch này là sự định hướng phát triển các ngành, sự phân bố của không gian lãnh thổ phát triển công nghiệp và định hướng đầu tư cho các chủ thể kinh tế. Một định hướng đúng sẽ đưa công nghiệp phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực và lợi thế sẵn có của đất nước, địa phương.

Chiến lược phát triển công nghiệp phải mang tầm nhìn dài hạn, tạo được sự nhất quán về đường hướng phát triển và các giải pháp để phát triển; đồng thời chiến

lược phát triển công nghiệp phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để làm được điều đó, khi xây dựng chiến lược phát triển một ngành công nghiệp nào đó cần xác định được bản thân ngành công nghiệp đó đang đứng ở đâu, đích đạt được của ngành công nghiệp đó là gì và khi nào đạt được mục tiêu đề ra.

Chiến lược phát triển của một ngành công nghiệp cụ thể muốn đảm bảo tính khách quan, có căn cứ khoa học cần được xây dựng trên cơ sở phân tích, đánh giá và lựa chọn về các quan điểm, các mục tiêu cần đạt được và hệ thống các giải pháp chủ yếu để thực hiện, như giải pháp công nghệ (nghiên cứu sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài), về đào tạo nhân lực, về phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các ngành công nghiệp đó.

Quy hoạch phát triển công nghiệp là một văn bản pháp lý quan trọng cho hoạt động xúc tiến đầu tư, là cơ sở để các nhà đầu tư có thể xác định lĩnh vực mà địa phương đang ưu tiên đầu tư phát triển, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất cho mình. Đồng thời quy hoạch phát triển là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu. Thông qua quy hoạch giúp các nhà lãnh đạo, quản lý và các nhà đầu tư thấy rõ những việc họ cần làm, những hướng cần phát triển. Quy hoạch tạo điều kiện để huy động các nguồn lực một cách hiệu quả nhất cho công cuộc phát triển đất nước. Do đó, xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp phải đảm bảo được những nội dung: Tổng kết, đánh giá quá trình phát triển của thời kỳ trước khi quy hoạch; Phân tích, dự báo các yếu tố và nguồn lực phát triển; Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển; xây dựng các phương án phát triển và tổ chức không gian (bao gồm các chương trình và dự án ưu tiên); Các giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Qua quá trình nghiên cứu và từ những kinh nghiệm thực tiễn đúc rút được trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đã góp phần làm cho cơ sở lý luận về phát triển công nghiệp ngày càng hoàn thiện, phong phú; làm nền tảng cho việc hoạch định các chiến lược, quy hoạch phát triển một cách khoa học, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển công nghiệp theo từng giai đoạn.

Công nghiệp cũng ngày càng khẳng định vai trò to lớn của mình trong sự phát triển kinh tế xã hội và phát triển công nghiệp là một nội dung trọng tâm trong tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá của đất nước; công nghiệp làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế xã hội, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, hình thành các phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại; góp phần giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, địa phương.

Đặc điểm của sản xuất của công nghiệp cũng cho thấy đây là ngành sớm có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất hơn so với các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân, từ đó nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đa dạng phong phú về chủng loại không những đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân mà còn làm xuất hiện những nhu cầu mới.

Từ phân tích các đặc điểm và nội dung phát triển công nghiệp cho thấy để phát triển công nghiệp một quốc gia, một lãnh thổ hay một địa phương; tuỳ vào điều kiện các nguồn lực phát triển và tuỳ vào mỗi giai đoạn phát triển, mỗi quốc gia, lãnh thổ và địa phương có thể lựa chọn con đường phát triển công nghiệp phù hợp cho riêng mình với đặc điểm và các nguồn lực hiện có. Để công nghiệp phát triển ổn định, lâu dài ngoài tăng cường mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, thì vấn đề chất lượng tăng trưởng công nghiệp cần phải được quan tâm hơn nữa. Phát triển công nghiệp không chỉ đem lại sự gia tăng về quy mô đơn thuần mà thông qua đó phải nâng cao được hiệu quả trong sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động, tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao, làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế xã hội của nhân dân.

Ngày nay, nền kinh tế thị trường được xem là kim chỉ nam cho mọi hoạt động sản xuất. Trong sản xuất công nghiệp, thị trường tác động đến cả đầu vào và đầu ra của

quá trình sản xuất. Do đó, muốn công nghiệp phát triển bền vững đòi hỏi các địa phương và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh dài hạn, phản ứng nhanh với thông tin thị trường để có các kế hoạch ứng phó kịp thời. Trang bị cho mình những kiến thức về thị trường quốc tế sẽ là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI " PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ " docx (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w