Thế mạnh về cảnh quan – di tích văn hoá – lịch sử:

Một phần của tài liệu TIỀM NĂNG DU LỊCH HỒ DẦU TIẾNG – TỈNH TÂY NINH (Trang 41 - 45)

Hồ Dầu Tiếng là một công trình hồ chứa nước lớn thứ 3 trong cả nước với dung tích chứa nước lên đến 1,58 tỷ m3, xếp sau hồ thuỷ điện Hoà Bình với dung tích 9 tỷ m3 và hồ thuỷ điện Thác Bà với dung tích 3 tỷ m3, nếu chỉ xét với mục đích phục vụ thuỷ lợi thì đây là công trình có quy mô lớn nhất cả nước thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh, một tỉnh nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ với dung tích chứa nước đạt 1,58 tỷ m3, là một vị thế có tiềm năng lớn để phát triển du lịch với những lợi thế như sau:

Hồ Dầu Tiếng nằm cách TP. HCM chỉ khoảng 90 km, với một không gian rộng lớn, sơn thuỷ hoà quyện, không khí trong lành, thoát mát, không gian yên tĩnh. Hồ Dầu Tiếng cách khá xa khu dân cư, trong những năm gần đây thì công tác quản lý mặt hồ tương đối tốt nên nước hồ khá trong sạch. Vào những ngày trời nắng đẹp,

Hình 3.9: Cảnh quan hồ Dầu Tiếng

mặt nước hồ phản lên một màu xanh biết, sâu thẳm. Dãy núi Cậu sừng sững trải dọc bên hồ tạo nên những bức tranh thiên nhiên lãng mạn, hùng vĩ. Quanh hồ có các thảm cỏ xanh mượt, đặc biệt là vào mùa mưa xen lẫn với những trảng hoa dại muôn màu sắc. Thiên nhiên nơi đây càng thêm sinh động với các đàn ong bướm từ các khu rừng ven hồ góp phần tô điểm cho bức tranh không gian nơi đây thêm phần sinh động. Trên núi Cậu có Chùa Ông, nơi đây trông xuống mặt hồ, một khung cảnh tráng lệ hiện ra trước mắt. Nằm ngay trong những cánh rừng cao su bạt ngàn là hồ Cầu Nôm, nước cũng trong xanh, khí hậu cũng trong lành mát mẻ, tất cả đã tạo ra cho nơi đây một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, một môi trường du lịch đầy hấp dẫn xứng đáng để khám phá.

Mạng lưới giao thông kết nối với hồ Dầu Tiếng cũng khá thuận lợi, dễ dàng kết nối đến các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước. Ngoài ra còn có lợi thế kết nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP. HCM theo đường thuỷ trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Mặt khác, Tây Ninh cách thủ đô Phnôm Penh, nơi có nhiều cảnh quan du lịch nổi tiếng của Campuchia không xa, chỉ khoảng hơn 150 km theo cả đường bộ lẫn đường thuỷ. Trong tương lai gần, khi tuyến đường xuyên Á hoàn thành sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc thông thương trên tuyến đường này để kết nối Tây Ninh với các vùng khác. Vì vậy, số lượng khách du lịch cho khu du lịch hồ Dầu Tiếng được xác định là có sẵn và ngày càng lớn về số lượng.

Mặt khác, khu du lịch nổi tiếng núi Bà Đen tiếp giáp với khu vực của hồ, vốn đã được đầu tư quy mô lớn, đưa vào khai thác và từ lâu đã thu hút được một lượng lớn và rất ổn định (khoảng 1,5 triệu lượt khách) khách du lịch đến thăm hàng năm, có thể nhận định rằng lượng du khách này sẽ khó bỏ qua cơ hội ghé qua hồ Dầu Tiếng khi khu du lịch này đi vào hoạt động. Đây là một nguồn cung du khách rất quan trọng và là cơ sở vô cùng to lớn, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quyết định đầu tư và phát triển du lịch khu vực hồ Dầu Tiếng, là một sự đảm bảo cho thành công của ngành du lịch ở đây.

Khí hậu tỉnh Tây Ninh nhìn chung khá nóng bức, đặc biệt là vào mùa khô. Do vậy, một diện tích mặt nước rộng lớn cùng với sự ra đời của các khu vui chơi giải trí, công viên nước, du lịch nghỉ dưỡng rất dễ thu hút du khách thập phương đến trong điều kiện

nóng nực. Loại hình du lịch bằng thuyền trên mặt hồ nước mênh mông sẽ dễ mang lại cho du khách cảm giác thư giãn, bình yên. Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) cũng có loại hình du lịch này, nhưng do diện tích mặt hồ không rộng lớn nên tầm mắt của du khách bị hạn chế, đây có thể xem là một lợi thế nữa cho hồ Dầu Tiếng khi có mặt hồ rộng lớn mà không phải hoạt động du lịch tỉnh nào cũng có thể có được.

Trong lòng hồ còn có các hòn đảo như đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò là những nét chấm phá vô cùng quan trọng, tô điểm cho bức tranh tổng thể hồ Dầu Tiếng càng thêm sinh động. Ngoài ra, các đảo cũnglà các vị trí vô cùng thuận lợi để đầu tư, xây dựng và phát triển các khu nghĩ dưỡng, các cảnh quan rừng trên các đảo tạo ra cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách bầu không khí trong lành để hoà nhập với thiên nhiên. Bên cạnh đó, các khu rừng lịch sử cạnh hồ là khoảng không gian hùng vĩ với các tán cây rừng cao, rất thích hợp cho các hoạt động du lịch dã ngoại, tham quan cắm trại,… Mạn Bắc của hồ thuộc địa phận huyện Tân Châu – tỉnh Tây Ninh còn có khu rừng tự nhiên và vùng bờ hồ thơ mộng, là nơi thích hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, học tập rừng tự nhiên.

Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh còn là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hoá làm cơ sở quan trọng cho phát triển du lịch. Nhiều di tích văn hoá của các tôn giáo có kiến trúc tinh xảo đặc thù, nổi bật hơn cả là công trình Toà thánh Tây Ninh, một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài với kiến trúc pha trộn giữa phương Đông và phương Tây rất đặc sắc. Ngoài ra còn có rất nhiều các công trình kiến trúc Chùa chiền, Nhà thờ của các tôn giáo khác nhau có thể đưa vào khai thác du lịch, Đền Chùa cùng với các cảnh quan thiên nhiên trên núi Bà Đen là một quần thể cảnh quan kỳ thú, thu hút rất nhiều khách lữ hành và du lịch.

Những di tích văn hoá lịch sử gắn liền với truyền thống cách mạng của dân tộc trong các cuộc kháng chiến cứu quốc cũng là những tiềm năng có thể đưa vào khai thác phục vụ các hoạt động du lịch. Căn cứ Trung Ương Cục Miền Nam đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích văn hoá cấp quốc gia và nhiều khu căn cứ khác của Tỉnh Uỷ Tây Ninh, … tạo ra cụm di tích lịch sử khá phong phú, có giá trị cao về mặt nhân văn và cả khía cạnh khai

thác du lịch. Tây Ninh còn có một số di tích khảo cổ và nền văn hoá Óc Eo tiêu biểu của nền văn hoá Nam Bộ, như các di chỉ khảo cổ An Thạnh – Bến Cầu, Tháp Bình Thạnh,… Các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng và lễ hội của tỉnh Tây Ninh thu hút rất đông đảo du khách thập phương viếng thăm, tiêu biểu là lễ hội núi Bà Đen vào đầu năm Âm lịch đã thu hút hàng triệu du khách và mang về lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho địa phương.

Tất cả những cảnh quan thiên nhiên và những di tích văn hoá lịch sử đặc thù trên là những tiềm năng vô cùng to lớn. Đây được xem là một thể mạnh của tỉnh Tây Ninh, do đó cần được tổ chức khai thác một cách hợp lý và có hiệu quả nhất, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp du lịch tổng hợp, thu hút cả khách du lịch nội địa và quốc tế.

Qua đó có thể thấy rằng, tỉnh Tây Ninh có tiềm năng lớn về du lịch tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử,… thực tế là đã thu hút được một lượng khách du lịch không nhỏ, mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế đến Tây Ninh còn khá hạn chế. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra là ngành du lịch Tây Ninh vẫn chưa phát triển cân xứng với tiềm năng vốn có. Do vậy, việc quy hoạch phát triển các loại hình du lịch khu vực hồ Dầu Tiếng để có thể khai thác hết tiềm năng du lịch của tình nhà là một thực tế cần thiết. Điểm du lịch hồ Dầu Tiếng trong tương lai sẽ là tâm điểm để thu hút mạnh mẽ lượng khách du lịch trong nước và quốc tế.

Một phần của tài liệu TIỀM NĂNG DU LỊCH HỒ DẦU TIẾNG – TỈNH TÂY NINH (Trang 41 - 45)