Hồ Dầu Tiếng được xây dựng tại khu vực thượng nguồn của sông Sài Gòn với dung tích chứa khoảng 1,58 tỷ m3 nước. Nguồn nước trong hồ là lượng nước được dự trữ lại trong mùa mưa do sông Sài Gòn và sông Tha La dồn xuống cùng với vùng lưu vực phía Bắc của hồ. Do lượng nước tập trung vào mùa mưa tương đối lớn nên mực nước trong hồ có sự chênh lệch giữa hai mùa khá lớn.
Tiềm năng về nguồn nước của hồ Dầu Tiếng đáp ứng cho việc tưới trong sản xuất nông nghiệp thông qua hai hệ thống kênh chính: kênh Đông và kênh Tây, đã cung cấp nước tưới cho khoảng trên 100 ngàn ha đất canh tác của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh lân cận như TP. HCM và Long An. Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp lượng nước phục vụ cho sinh hoạt khoảng 1,5 triệu m3. Đồng thời hồ còn có tác dụng rất lớn là xả nước để đẩy
mặn cho vùng hạ lưu sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông; nâng cao mực nước ngầm, làm thay đổi cơ bản chế độ nước mặt, điều tiết chế độ nhiệt ẩm và góp phần thúc đẩy một số quá trình chuyển hoá vật chất trong đất cho các khu vực lân cận và vùng hạ lưu rộng lớn. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những khu vực quan trọng cho phát triển ngành ngư nghiệp.
Tiềm năng của nước hồ tạo ra một vùng cảnh quan môi trường sinh thái hấp dẫn, vừa có tác dụng điều hoà khí hậu cho vùng và là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, các môn thể thao dưới nước, …
Mực nước của hồ dao động vào hai mùa khác nhau và có sự chênh lệch lớn, tao ra vùng đất bán ngập. Vì vậy hàng năm lượng phù sa khá lớn bồi tụ tại khu vực này làm cho đất đai màu mỡ phì nhiêu, rất thuận lợi cho việc trồng và phát triển các loại cây ăn trái phục vụ cho khách du lịch.
Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá và phân tích của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã cho thấy, nước trong hồ Dầu Tiếng những năm gần đây đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân được xác định là do các hoạt động khai thác cát bừa bãi trên các sông, trong lòng hồ, việc phát triển tràn lan hoạt động nuôi cá bè trong hồ, xả nước thải chưa qua xử lý vào hồ và vùng đất bán ngập,… đã gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước nêu trên. Tuy nhiên, tình trạng trên sẽ sớm được khắc phục khi hiện nay UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tích cực kiểm tra, xử lý nhằm ngăn chặn và tiến đến chấm dứt triệt để tình trạng khai thác cát, nuôi cá bè, xả nước thải vào trong lòng hồ, vì thế tình hình đã phần nào được cải thiện. Đồng thời để tăng hiệu quả trong việc bảo vệ nguồn nước trong hồ nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, tỉnh Tây Ninh cũng đã xây dựng các khung hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại đến nguồn nước trong hồ, triển khai việc thả cá giống vào hồ hàng năm, tăng cường nuôi cá tự nhiên trong hồ.
Tuy nhiên trong tương lai, khi có thể có nhiều dự án du lịch được xây dựng và phát triển tại đây, rất có thể sẽ lại làm ảnh hưởng đến nguồn nước mặt trong hồ cũng như nguồn nước ngầm của khu vực. Vì thế khi thực hiện các dự án sẽ phải thực hiện thật tốt
công tác đánh giá tác động môi trường và cần có các phương án xử lý nước thải thật tốt nhằm hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực của các dự án đối với môi trường nước trong hồ.